Không im lặng trước tội lỗi và bất công (29.08.2018 – Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên)

Ngày 29.08: Lễ Nhớ Thánh Gio-an Tẩy Giả bị trảm quyết

Tin Mừng: Mc 6,17-29

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

17 Khi ấy, vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18 mà ông Gio-an lại bảo : “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài !” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

21 Một ngày thuận lợi đến : nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái : “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề : “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ : “Con nên xin gì đây ?” Mẹ cô nói : “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng : “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

***

Thánh Gioan Tẩy Giả là người anh họ của Đức Chúa Giêsu. Thân mẫu ngài là thánh nữ Êlizabeth và thân phụ ngài là ông Zacaria. Chương đầu tiên của Tin mừng theo thánh Luca thuật lại biến cố sinh nhật tuyệt vời của thánh Gioan. Và Tin mừng theo thánh Mác-cô, nơi chương thứ 6, các câu 14-29, kể lại những chi tiết tàn bạo về cái chết của Gioan Tẩy Giả.

Vua Hêrôđê lấy vợ của anh mình là bà Hêrôđia. Gioan nói cho Hêrôđê biết điều ấy là sai, nhưng Hêrôđê và Hêrôđia không muốn nghe và giữ giới luật của Thiên Chúa. Họ chỉ muốn làm theo ý riêng mình. Và Gioan Tẩy Giả đã phải trả giá cho lòng tốt của ngài! Tuy nhiên, thánh nhân không thể hành động theo cách khác được. Ngài không im lặng trước tội lỗi và bất công. Sứ mệnh của Gioan là mời gọi người ta cải hối cuộc đời; và ngài mong muốn cho hết thảy mọi người được ơn giao hòa cùng Thiên Chúa.

Hêrôđia đã giữ mối hận thù đối với Gioan. Và khi dịp thuận tiện xảy đến, bà đã ra tay sắp đặt để Gioan bị chém đầu. Gioan đã phải chấp nhận những hậu quả nghiệt ngã cho việc giảng dạy chân lý Phúc âm.

Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng phép rửa sám hối, chuẩn bị cho người ta đón nhận Đấng Mêsia. Ngài đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu trong dòng sông Giođan và được hưởng kiến niềm vui vì sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu đã khởi sự. Gioan Tẩy Giả đã khích lệ các môn đồ của mình đi theo Đức Chúa Giêsu. Ngài biết rằng danh Chúa phải tỏa sáng ra, còn danh mình phải lu mờ đi. Trong chương thứ nhất Phúc âm theo thánh Gioan, thánh Gioan Tẩy Giả nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, chỉ thức tỉnh người ta hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng mà thôi! Thánh nhân mời gọi mọi người hãy sẵn sàng để chuẩn bị đón nhận Đấng Mêsia. Sứ điệp của Gioan Tẩy Giả phải chăng cũng là sứ điệp của mỗi người chúng ta?

Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta luôn sẵn sàng để đón nhận Chúa Giêsu ngự đến trong cuộc sống của mình.

***

NGÀY THƯỜNG

Tin Mừng: Mt 23,27-32

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng : “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả ! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. 28 Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là đạo đức giả và gian ác !

29 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả ! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. 30 Các người nói : “Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.” 31 Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. 32 Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi !”

NHÀN CƯ VI BẤT THIỆN

Một trong những nét đẹp cao thượng của con người là sống tinh thần lao động Kitô giáo. Chính Đức Giêsu đã lấy việc làm hằng ngày của Ngài mà biểu lộ sự hiện diện Cha trên trời, như Ngài nói : “Cha Ta hằng làm việc Ta cũng thế !” (Ga 5,17) Do đó Ngài làm việc cả ngày thứ bảy mà luật Do Thái không cho phép : Ngài chữa lành người có tay bại (x Mt 12,9t) ; Ngài chữa người phụ nữ bị còng lưng (x Lc 13,10t) ; Ngài chữa lành người bị bệnh thủy thũng (x Lc 14,1t) ; Ngài chữa người bất toại nằm bờ hồ có năm dãy hành lang (x Ga 5,1t) ; Ngài hóa bánh từ ít ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng (x Ga 6,4) ; Ngài chữa lành anh mù từ thuở mới sinh (x Ga 9,16). Phúc Âm ghi lại sáu lần Ngài làm việc lành trong ngày thứ bảy Luật cấm là có ý lặp lại sáu ngày Thiên Chúa tạo dựng muôn vật trong vũ trụ rất tốt đẹp, ngày thứ bảy Ngài nghỉ (x St 1). Đó chỉ là báo trước vào thời Cựu Ước, Đức Giêsu sáu lần làm việc vào ngày thứ bảy, nên bị giết vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thì vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Ngài được an táng trong mộ, lúc ấy Ngài mới thực sự tạo dựng muôn vật trong vũ trụ được hoàn hảo.

Trong khi đó các Ký lục và Biệt phái lại làm sáu điều dữ bị Đức Giêsu lên án :

–   Khốn cho các ngươi không muốn vào Nước Trời lại chặn người muốn vào (Mt 23,13).

–   Khốn cho các ngươi giả bộ đọc kinh lâu dài để nuốt chửng tài sản bà góa (Mt 23,14).

–   Khốn cho các ngươi tìm một người tòng giáo rồi lại làm cho người ta trở thành con cái Hỏa Ngục gấp đôi các ngươi (Mt 23,15).

–   Khốn cho các ngươi lấy lời thề mà che đậy lòng gian tham (Mt 23,16-22).

–   Khốn cho các ngươi giữ Luật nộp thuế cặn kẽ  mà không giữ lòng nhân nghĩa (Mt 23,23-24).

–   Khốn cho các ngươi rửa sạch chén đĩa mà không rửa sạch tâm hồn (Mt 23,25-26).

Vì thế mà họ bị Đức Giêsu chúc dữ : “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23,27 : Tin Mừng).

Hình ảnh những người sống Đạo hình thức như thế gợi đến thói quen ở Giêrusalem hằng năm đến gần đại lễ Vượt Qua, người ta quét vôi mồ mả, để cho khách hành hương phải tránh, kẻo đụng vào mà bị ô uế cả tuần, mặc dù nhìn mộ bề ngoài rất đẹp! (x Ds 19,16).

Họ xây mộ các tiên tri, trang hoàng mả người công chính và nói : “Nếu ta sống thời cha ông, ắt ta đã chẳng thông đồng với họ vào việc đổ máu các tiên tri”. Song đó chính là muốn chứng thực họ là con dòng cháu giống của những kẻ đã giết các tiên tri. Họ làm như thế chỉ là đổ đầy đấu tội của tổ tiên họ (Mt 23, 29-32 : Tin Mừng).

Lối sống đạo đức giả của các Ký lục và Biệt phái giả hình còn đi tới mức độ một đàng tỏ ra phàn nàn phản đối chuyện tổ tiên mình đã sát hại các ngôn sứ của Chúa, cho nên họ đã xây mộ cho các vị này. Nhưng đàng khác thì “cha nào con nấy”, họ có tâm địa tệ hơn tổ tiên là căm thù chính Đấng các ngôn sứ đã loan báo – Chúa Giêsu tỏ ra hết sức bực bội sự đạo đức giả của nhóm này. Ngài dùng một câu vừa thách đố vừa nói trước về cái chết của mình : “Đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên” (x Mt 23,32 : Tin Mừng). Người xưa  chỉ giết các ngôn sứ, còn các Ký lục và Biệt phái giả hình thì giết chính Đấng Mêsia.

Ông Phaolô cũng là một Biệt phái trong giới bị Đức Giêsu chúc dữ lối sống đạo giả hình. Nhất là giả hình trước mặt Đức Giêsu là kẻ làm việc đạo đức, mà không cần phải tin và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, nhưng khi Phaolô thuộc về Chúa Giêsu, hoạt động của ông đã bắt chước Ngài : 33 năm tuổi đời của Ngài, thì Ngài dành 30 năm lao động tay chân trong xưởng mộc tại Nazareth. Vào tuổi 30 Ngài dốc hết năng lực vào việc rao giảng Tin Mừng, vì thế mà Ngài phải mất  mạng sống! Quả thật, ông Phaolô đã thể hiện đời sống lao động bằng tay chân, song song nhiệt tình loan báo Tin Mừng, như thư ông viết gởi giáo đoàn Thessalonica : “Hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. Chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con. Vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu” (1Tx 2,9-13 : Bài đọc năm lẻ).

Sống như ông Phaolô mới được Chúa cho tâm hồn thanh thỏa, mà cất tiếng cầu nguyện : “Lạy Chúa, Ngài đã dò xét con và Ngài biết rõ” (Tv 139/138,1 : ĐC năm lẻ). Và trong thư thứ hai, ông viết nhằm khuyên giáo đoàn Thessalonica : “Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người anh em sống vô kỷ luật. Chính anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào. Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật. Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em.Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!

Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện. Xin Chúa ở cùng tất cả anh em.Chúc tất cả anh em được đầy ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (2Tx 3,6-18 : Bài đọc năm chẵn). Thật “hạnh phúc thay những người kính sợ Chúa” (Tv 128/127,1a : ĐC năm chẵn).

Vậy “ai giữ Lời Đức Kitô, thì nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoản hảo” (1Ga 2,5 : Tung Hô Tin Mừng).

THUỘC LÒNG.

             Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận. (Cv 20,35).

 

Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *