Tết Trung Thu là tết của Thiếu Nhi, ai cũng biết, ai cũng rành, thậm chí có người thuộc lão lào sự Tích Chú Cuội- Chị Hằng, rước đèn Ông Sao, thả đèn lồng…
Mà nghĩ ra cũng “kỳ cục kẹo”
Lâu lâu ngồi bó gối nghĩ chuyện ngày xưa, hễ mà sắp đến Trung Thu là bọn nhóc làng tôi tụm 5 tụm 7, chẻ tre làm lồng đèn, đứa nào đẳng cấp hơn thì làm lồng đèn bằng cái lon sữa bò, cắt sọc, cắt xéo rồi chất chồng hai ba cái lên làm cái bánh xe, làm xe đèn, gắn vô khúc tre, đẩy, la inh ỏi dậy cả làng. Bọn con gái khéo tay thì cắt giấy thủ công dán vào, đèn lồng hình Ông Sao, hình con cá, sang chảnh lắm thì đèn kéo quân, rần rần, trước mấy ngày, tan buổi học về là cắm đầu cắm cổ vào làm lắm khi bỏ cả cơm. Mà nghĩ ra cũng vui, bày binh bố trận bừa bộn góc nhà mà chỉ bị quát quát xíu rồi cũng xong vì người lớn ai cũng biết một năm có một lần, kệ để tụi nhỏ chơi cho vui.
Ở quê mà, niềm vui chỉ có vậy, chả có bánh trái gì, nhà nào giàu có thế giá xíu thì con cái được cái bánh in nho nhỏ hù mấy đứa con nhà khó, nhòm mà ngưỡng mộ mà thèm lem. Cả một tuổi thơ dài đăng đẳng, tôi chưa hề biết cái bánh trung thu, mặc dù sử sách vẫn ghi, sự tích vẫn nhắc đến, có bánh trung thu đấy.
Vậy mà người ta vẫn bảo là Tết Trung Thu là tết của Thiếu Nhi, tôi thấy mấy đứa nhỏ hơi lớn lớn tuổi ngày nay thường càm ràm: – Lợi dụng Thiếu Nhi thì có! Tết Thiếu Nhi mà bánh ngon độc người lớn, có thế giá mới được ăn, nhà giàu sang chảnh mới mua nỗi, còn không thì bấm bụng mua cũng chỉ để mang đi biếu, chứ thử hỏi có bao nhiêu phần trăm các em nhỏ đã từng được ăn cái bánh trung thu đúng nghĩa tết? Uhm! Hỏi thì phải trả lời, mà trả lời không được thì ậm ự cho qua, chứ biết sao bây giờ?
Nhớ có một lần xa xưa trong đời, cái thuở cũng hàn vi lắm, nhà thì dột trước nát sau, vào mùa nắng thì ông mặt trời nhảy múa tung tăng trong nhà, mùa mưa thì mưa rơi tung tóe nước lan lỏm chõm, vậy mà gần tới trung thu có anh bạn- làm Cha Phó của giáo xứ vùng xa heo hút có dịp ghé ngang cho “Nhà Này” cái hộp bánh trung thu thượng hạng với câu nói có vẻ đậm mùi nhường ăn: – Có một mình ên mà người ta cho không ăn hết, thôi để cho nhà này đông Thiếu Nhi, để minh định rằng Tết Trung Thu là của Thiếu Nhi. Hay thật! Nhìn trong mắt ấy có làn khói cay cay khi nói “ Người ta huyền thoại hóa Thiếu Nhi” … Từ ngữ chả hiểu gì… Chán!
Ngày nay, thấy hay hơn có vẻ như Thiếu Nhi được quan tâm nhiều hơn, các nhà từ thiện dóc hầu bao trút vào cái tết trung thu rất nhiều, đi xa, đến nơi vùng sâu, bánh trung thu giờ làm dễ ẹc và cái tết với mấy em nhỏ ấm lòng hơn.
Hôm qua, nghe người ta bàn xôn xao cho những chuyến đi vùng sâu vùng xa, cho những chiếc bánh trung thu xinh xắn được chuyền tay mang nhau đến với các em nhỏ nghe sao mà mát lòng mát dạ.
Hôm nay, rong ruổi trên facebook chỉ sau một đêm “Nhóm họ trung thu” mà ngập tràn hình ảnh trên thế giới phẳng, họ chép lên từ cuộc đời gồ ghề những hình ảnh rất thật và đẹp từ những nơi sang chảnh cho đến vùng sâu vùng xa, các em nhỏ xúng xính rước đèn trung thu, bánh trung thu đã được len lỏi đến bản làng hẻo lánh, niềm vui nở hoa trên những khuôn mặt lấm lem, đôi mắt ngơ ngác.
Bao nhiêu nỗi lo toan, bao nhiêu giọt mồ hôi rơi xuống, những bàn tay đan xen xiết chặt, cộng góp để vẽ lên những khuôn mặt ngờ nghệch những nụ cười tỏa sáng, ánh mắt trong ngần như ánh trăng rằm, những được thẳng được vẽ xuyên qua những nét cong cuộc đời, lung linh…
Lại một mùa Trung Thu nữa ùa về tràn ngập niềm vui…
Tiểu Hổ.