Video: Giới Thiệu Giáo Phận Lạng Sơn – Cao Bằng, Phát Diệm, Thái Bình, Thanh Hóa, Vinh, TGP. Huế nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Miền Bắc 2018

https://youtu.be/uCoAIsDE9Io

6. Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng.

Trong suốt 300 năm truyền giáo từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 19, lịch sử chưa ghi lại dấu chân nào của các vị thừa sai trên phần đất Lạng Sơn-Cao Bằng. Từ khoảng năm 1858, mới có những người giáo dân đầu tiên là những người Công giáo bị triều đình Huế phát vãng lên đây. Dần dà, các giáo sĩ Dòng Đaminh thuộc Giáo phận Đông Đàng Ngoài tìm đến vùng đất mới này.

Cuối năm 1913, Tòa Thánh thiết lập Phủ doãn Tông tòa Lạng Sơn-Cao Bằng, đến năm 1939, nâng lên thành Ðại diện Tông tòa và ngày 24/11/1960, nâng lên Giáo phận Chính tòa Lạng Sơn-Cao Bằng, thuộc Giáo tỉnh Hà Nội.

Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng gồm 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và các huyện phía Đông sông Lô của tỉnh Hà Giang, với tổng diện tích 18.359 km2, với số dân địa phương là 1,8 triệu người, trong đó số tín hữu Công giáo khoảng 6 ngàn người, phân bố trên 14 giáo xứ và các giáo điểm. Cánh đồng truyền giáo của giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng đang ngày càng phát triển và gặt hái được nhiều thành quả, dưới sự chăn dắt của Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri.

Đặt chân tới Lạng Sơn-Cao Bằng, chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi bức tranh sơn thủy hữu tình của cảnh quan thiên nhiên nơi đây: dòng sông Kỳ Cùng chảy ngược về phương Bắc, như một dải lụa uốn quanh thành phố, hợp với quần thể di tích động Tam Thanh đệ nhất phong cảnh xứ Lạng, nổi tiếng với pho tượng nàng Tô Thị – biểu tượng của lòng chung thủy sắt son của người phụ nữ Việt Nam; ải Chi Lăng – một di tích gắn liền với chiến công hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

7. Giáo phận Phát Diệm

Được thành lập năm 1901, Phát Diệm chính là giáo phận đầu tiên ở Việt Nam được ủy nhiệm cho hàng giáo sĩ Việt Nam cai quản thay cho các giáo sĩ ngoại quốc, vì thế mà nơi đây được ví như “kinh đô của Công giáo” ở Việt Nam. Giáo phận Phát Diệm bao gồm toàn bộ tỉnh Ninh Bình và hai huyện phía nam của tỉnh Hòa Bình với diện tích 1.787 km2.

Hiện nay giáo phận Phát Diệm có hơn 151 ngàn tín hữu, trong đó 5.500 người Mường, phân bố trên 80 giáo xứ, với 85 linh mục triều và 16 linh mục dòng, dưới sự hướng dẫn của đức cha Giuse Nguyễn Năng. Toàn thể con dân giáo phận Phát Diệm đang hăng say xây dựng gia đình giáo phận thành mái nhà của tình hiệp nhất và lòng mến Chúa Kitô.

Nhắc tới Phát Diệm, chúng ta không thể không nhắc tới quần thể nhà thờ đá Phát Diệm, một công trình kiến trúc độc đáo, nơi giao thoa tinh tế giữa kiến trúc phương Đông và kiến trúc phương Tây. Bên cạnh đó là trung tâm hành hương kính các thánh tử đạo của giáo phận tại nhà thờ giáo xứ Phúc Nhạc, nơi lưu dấu nhiều dấu tích của các vị chung liệt tử đạo. Ngoài ra, Phát Diệm còn có nhiều ngôi nhà thờ mang kiến trúc cổ kính khác như: nhà thờ giáo xứ Tôn Đạo, Đan viện Xitô Châu Sơn – một địa chỉ thân thương để nhiều giáo hữu khắp nơi tìm đến tĩnh tâm cầu nguyện.

Nơi đây cũng có những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp: quần thể Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới; quần thể Tam Cốc Bích Động, cùng màu xanh của rừng quốc gia Cúc Phương đã hợp thành bức tranh sơn thủy hữu tình, tô điểm vẻ đẹp tinh khôi của xứ sở núi đá vôi. Với bề dày lịch sử hơn 1000 năm, cố đô Hoa Lư cũng là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo xa xưa.

8. Giáo phận Thái Bình.

Ngày 09/3/1936, Đức Giáo hoàng Piô XI ban sắc chỉ thành lập giáo phận Thái Bình, gồm hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, tách ra từ Giáo phận Bùi Chu. Tuy là giáo phận non trẻ trong giáo tỉnh miền Bắc, nhưng giáo phận Thái Bình lại được kế thừa di sản đức tin tuyệt vời từ cha ông để lại: trong số 118 vị thánh, á thánh tử đạo Việt Nam, giáo phận Thái Bình đã hãnh diện đóng góp 19 bậc chứng nhân.

Hiện nay giáo phận Thái Bình có hơn 133 ngàn tín hữu, với 94 linh mục triều, 27 linh mục dòng, 108 giáo xứ, trải dài trên diện tích 2.207 km2. Trong những năm qua, dưới sự hướng dẫn của Đức cha Phêrô Maria Nguyễn Văn Đệ, giáo phận Thái Bình đã khoác trên mình những tấm áo mới với nhiều nhà thờ, nhà xứ được sửa chữa và xây dựng mới, đặc biệt là công trình Nhà Chung giáo phận nguy nga, đồ sộ; và hai ngôi Đền thánh – nơi kín múc ơn thiêng cho giáo hữu trong và ngoài Giáo phận: Đền thánh kính Lòng Chúa Thương Xót (Bác Trạch) và Đền thánh kính Thánh Tâm Chúa (Cao Mại).

Thái Bình cũng là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, mang trong mình nhiều di tích danh tiếng: chùa Keo với 400 năm tuổi đời, có kiến trúc độc đáo, bằng gỗ lim, được chạm khắc rất tinh xảo; di tích thương cảng cổ Phố Hiến, cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch, Hàm Tử – Bãi Sậy, đền Chử Đồng Tử… Nhắc tới Thái Bình, chúng ta không thể không nhắc tới các làn điệu chèo mượt mà, uyển chuyển đã ăn sâu trong huyết quản người dân Thái Bình suốt dòng lịch sử.

9. Giáo phận Thanh Hóa.

Thanh Hóa là một trong số những miền đất đầu tiên của cả nước, được sớm nhìn thấy bóng dáng các vị tông đồ mang Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu đến truyền bá nơi này. Lịch sử ghi nhận ngày 19/3/1627, cha Đắc Lộ đặt chân đến Cửa Bạng – Ba Làng khởi đầu công cuộc truyền giáo nơi đây. Năm 1932, sắc chỉ thành lập địa phận Thanh Hóa được Tòa Thánh ban hành.

Giáo phận Thanh Hóa ngày nay nằm gọn trong tỉnh Thanh Hóa, với diện tích 11.133,4 km2 và gần 148 ngàn tín hữu phân bố trên 73 giáo xứ, dưới sự dẫn dắt của đức tân giám mục Giuse Nguyễn Đức Cường.

Giáo phận Thanh Hóa được trao ban một gia sản đức tin dồi dào với các anh hùng tử đạo: Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm, Thánh Phaolô Nguyễn Ngân, Thánh Gioan Đoàn Viết Đạt … cùng biết bao vị vô danh. Chính gương sáng và lòng trung kiên của các ngài là động lực để mỗi tín hữu Thanh Hóa hôm nay can đảm “Ra chỗ nước sâu” cùng với Đức Kitô.

Thanh Hóa còn được biết đến với Sông Mã, cầu Hàm Rồng, bãi biển Sầm Sơn … cùng những thắng cảnh độc đáo như hòn Trống – Mái, động Bích Đào, động Long Quang, vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương. Mảnh đất xứ Thanh cũng là mảnh đất gắn liền với nhiều khu di tích lịch sử của dân tộc, nổi bật là Thành nhà Hồ (còn gọi là Tây Đô) – công trình kiến trúc độc đáo được công nhận là di sản văn hóa thế giới; khu di tích lịch sử Lam Kinh, nơi khi xưa người anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược.

10. Giáo phận Vinh.

Hạt giống đức tin được gieo vãi nơi vùng đất Nghệ – Tĩnh – Bình từ đầu thế kỷ 17. Năm1846, giáo phận tông tòa Nam Đàng Ngoài (Giáo phận Vinh ngày nay) được thiết lập và ngày 24/11/1960 được nâng lên hàng chính tòa.

Giáo phận Vinh có diện tích 30.554km2, với 546 ngàn giáo dân, dưới sự hướng dẫn của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên cùng linh mục đoàn 284 vị. Con thuyền đức tin giáo phận đang hiên ngang vượt mọi khó khăn để khẳng định đức tin can trường trong xã hội đầy rẫy những biến động.

Với bề dày lịch sử, Giáo phận Vinh có nhiều ngôi nhà thờ cổ kính, như nhà thờ Chính tòa Xã Đoài, cùng nhiều đền thánh, trung tâm hành hương nổi tiếng: linh địa Trại Gáo, đền thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, đền thánh Phêrô Lê Tùy, đền thánh Phêrô Hoàng Khanh… Đặc biệt, nhà thờ đá và lèn đá Bảo Nham, nơi mà khi xưa Đức Mẹ chở che các tín hữu suốt thời kì gian khó và nay là địa chỉ hành hương linh thiêng quy tụ các giáo hữu khắp nơi gần xa.

Mảnh đất khúc ruột Miền Trung này tuy khắc nghiệt về thời tiết, nhưng lại được Tạo hóa ban tặng những kiệt tác nổi tiếng như động Phong Nha, hang Sơn Đoòng, động Tiên Sơn (Quảng Bình) với vẻ đẹp huyền ảo, núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình; thảm thực vật với hàng trăm loài hoa quanh năm khoe sắc tại vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An); và các khu du lịch: suối nước nóng Sơn Kim (Hà Tĩnh), các bãi biển cát trắng Cửa Lò, Nhật Lệ, Thiên Cầm.

11. Tổng Giáo phận Huế

Kỳ đại hội này, Giáo tỉnh miền Bắc chúng ta còn được chào đón một phái đoàn đặc biệt gồm Quý Cha và các bạn trẻ đến từ Tổng Giáo phận Huế do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh dẫn đầu.

Tổng giáo phận Huế được hình thành năm 1850 với tên gọi Bắc Đàng Trong, ngày 8/12/1960 được nâng lên Tổng Giáo phận. Tổng giáo phận Huế có diện tích 9,809 km² (bao gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) với gần 71 ngàn tín hữu sinh hoạt trong 87 giáo xứ, chủ chăn là Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, ngài cũng đang đảm đương cương vị Chủ tịch HĐGM Việt Nam.

Huế nổi danh trong và ngoài nước với Trung tâm hành hương La Vang, nơi được Đức Mẹ hiện ra cứu giúp đoàn con cái năm 1798, từ đó đến nay trở nên Linh địa thu hút hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm. Hiện tại, Vương cung Thánh đường mới kính Đức Maria đang dần đi vào hoàn thiện và hy vọng sẽ chính thức khánh thành một ngày gần đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *