Gia tộc trần thế của Con Thiên Chúa (17.12.2022 – Trước Lễ Giáng Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: St 49,2.8-10, Mt 17,10-13

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 17,10-13)

1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu ông Áp-ra-ham :

2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác ; I-xa-ác sinh Gia-cóp ; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này ; 3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác ; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron ; Khét-xơ-ron sinh A-ram ; 4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp ; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son ; Nác-son sinh Xan-môn ; 5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át ; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết ; Ô-vết sinh Gie-sê ; 6 Gie-sê sinh Đa-vít.

Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn ; 7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am ; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia ; A-vi-gia sinh A-xa ; 8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát ; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram ; Giô-ram sinh Út-di-gia ; 9 Út-di-gia sinh Gio-tham ; Gio-tham sinh A-khát ; A-khát sinh Khít-ki-gia ; 10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se ; Mơ-na-se sinh A-môn ; A-môn sinh Giô-si-gia ; 11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này ; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên ; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven ; 13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút ; A-vi-hút sinh En-gia-kim ; En-gia-kim sinh A-do ; 14 A-do sinh Xa-đốc ; Xa-đốc sinh A-khin ; A-khin sinh Ê-li-hút ; 15 Ê-li-hút sinh E-la-da ; E-la-da sinh Mát-than ; Mát-than sinh Gia-cóp ; 16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

17 Như thế, tính chung lại thì : từ ông Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời ; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời ; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.

Gia tộc trần thế của Con Thiên Chúa (17.12.2021)

Chỉ còn một tuần lễ nữa là đến ngày đại lễ mừng Chúa giáng sinh, trong không gian  các nhà thờ đã trang trí nhiều ngôi sao cùng những dây đèn lung linh tỏa sáng trên các cây cảnh trong nhà xứ. Ánh đèn màu làm hàng cây thông rực rỡ hơn, có giáo xứ trang trí cây thông cao ngất tới tháp chuông, nhưng trình bày công phu nhất ở mỗi giáo xứ vẫn là hang đá, biểu tượng của đêm Giáng sinh, là điểm thu hút tất cả giáo dân đến chiêm ngắm cầu nguyện với Chúa Hài Đồng Giê-su, Mẹ Maria và thánh Cả Giuse. Khuôn viên nhà thờ đã bắt đầu sống động, còn giáo dân chúng ta đã sẵn sàng tâm hồn thanh sạch mời đón Chúa Hài Đồng đến với mỗi người chưa?

Bài Tin Mừng theo thánh Matthêô hôm nay là “bản gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavit, con của Abraham” Mt 1,1, Chúa là con người thật. Người cũng có dòng dõi tổ tiên như chúng ta “Abramham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các em người “Mt 1,2. Người có cha có mẹ hợp pháp như chúng ta là ông Giuse và bà Maria. Thiên Chúa đã chọn dòng tộc của Abraham người Tổ phụ có niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa, và lời Chúa hứa với ông sẽ làm con cháu ông trở nên đông đúc như sao trên trời như cát dưới biển. Trải qua nhiều thế hệ thăng trầm của gia tộc, có thời vinh quang hiển hách của vua Đavit nhưng cũng có thời gian lưu đày ở Babylon. Điều đó cho chúng ta nhìn nhận về kế hoạch thực hiện chương trình Cứu độ của Thiên Chúa được chuẩn bị chu đáo từ rất lâu, cho thấy ý nghĩa việc Chúa Giêsu Nhập Thể: Con Thiên Chúa chấp nhận làm con cháu của những người phàm, trong đó có cả những người tội lỗi “bà Tama, Rakhap, Rút.”. Chúa Giê-su làm con một gia đình lao động chân chính, đầy tình yêu thương của cha mẹ, sinh sống bằng chính sức lao động của người cha cần cù, nhân hậu, được sự chăm sóc thương yêu của người mẹ giàu lòng nhân ái, là mẫu gương đời sống gia đình cho thế gian. Nhờ việc Nhập Thể, Chúa Giêsu cứu chuộc lịch sử và loài người. Con Thiên Chúa Nhập thể đã đón nhận và liên kết với con người, với cả những lỗi lầm và thiếu sót của họ. Thánh Irênê đã nói: “Con Thiên Chúa xuống thế làm người, để con người được làm con Thiên Chúa”.

Để cứu chuộc tội lỗi con người, suốt ba mươi năm sống ở làng Nazaret Chúa Giê-su thấu hiểu nỗi khốn khó của dân nghèo, kẻ đau khổ vì bệnh tật. Chính điều ấy khiến lòng Chúa Thương Xót, thánh Phanxicô Salê đã chia sẻ:  “Đừng sợ hãi Thiên Chúa, Đấng không muốn làm hại bạn, nhưng hãy yêu mến Ngài thiết tha, vì Ngài muốn điều tốt lành cho bạn”. Chúa Giê-su muốn con người biết đến tình yêu thương bao la và tấm lòng nhân hậu quảng đại của Chúa Cha, “Cha đã yêu con bằng tình yêu đời đời” Gr 31,3. Chúa đang chờ đợi con người trở về làm con cái trong vòng tay yêu thương của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tôn thờ và kính yêu Chúa, chúng con biết rằng với những thói hư tật xấu luôn làm Chúa buồn phiền, trong Mùa Vọng này xin cho chúng con biết đón Chúa đang đến với gia đình chúng con qua việc quyết tâm từ bỏ một thói xấu và biết bao dung, chấp nhận những thiếu sót của anh chị em mình.

Anna Anh

Gia phả Đấng Cứu Thế (17.12.2020)

Dân gian Việt Nam có câu  “Chim có tổ người có tông”.

Hoặc câu    “Con người có cố có ông
Như cây có cội như sông có nguồn
” – (Khuyết danh)

Ở giáo xứ tôi, các gia đình Công giáo đều có bàn thờ Chúa, bên dưới bàn thờ là hình ảnh những người quá cố như cụ ông cụ bà và cha mẹ để tưởng nhớ tổ tiên.

Tin mừng hôm nay thánh Matthêu cho chúng ta xem toàn cảnh gia phả của Chúa Giêsu, khởi đầu từ tổ phụ Abraham, liên tục đến đời bốn mươi hai là thánh Giuse, cha nuôi Chúa Giêsu nhằm giới thiệu với chúng ta không chỉ dòng dõi mà xuất thân thật sự của Đấng Cứu Độ trần gian. Đấng mà các ngôn sứ thời Cựu Ước được sai đến loan tin và dọn đường : “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo” (Ga 1,23)

Trong gia phả chỉ có năm người phụ nữ được nhắc đến, ngoại trừ bà Maria, bốn  người phụ nữ còn lại có hoàn cảnh khác nhau, người là kỷ nữ, người là gái điếm, người dân ngoại… dù biết mình tội lỗi nhưng các bà biết hối cải và hướng lòng về Chúa. Người phụ nữ thứ năm là Đức Maria cao trọng nhất, ngay từ thưở thơ ấu Maria đã dâng mình cho Thiên Chúa, trinh nữ Maria vâng phục tuyệt đối khi đáp lời “Xin Vâng” với sứ thần truyền tin. Bà được chọn cưu mang Đấng Cứu Thế để trao cho thế gian, Mẹ Maria là người phụ nữ tuyệt hảo.

Như vậy, Chúa Giêsu đến trần thế trong gia đình rất đơn sơ, bình dị, lao động như bao con người chúng ta, Chúa vẫn có thể chọn những gia thế giàu sang hay quyền lực để sinh ra nhưng Ngài lại chấp nhận ra đời trong gia đình có người cha công chính và người mẹ đặt trọn đức tin vào Thiên Chúa. Thánh Irênê chia sẻ: “ Con Thiên Chúa xuống thế làm người, để con người được làm con Thiên Chúa”.

Khi sống trong thân phận nghèo khó, Người rất hiểu nỗi khổ đau của kẻ bần hàn, sự nghèo nàn về Tin Mừng Nước Trời. Thánh Augustino từng nói: “ Ngôi Hai giáng sinh vì lý do nào, nếu không phải để tỏ cho ta biết rằng lòng Chúa yêu ta”. Chúng ta cảm tạ Chúa Cha, vì yêu thương con người, đã ban Chúa Con xuống dương gian chuộc tội cho nhân loại để con người được giao hòa với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, hôm nay đã là tuần III Mùa Vọng, sắp đến ngày đại lễ mừng Chúa giáng sinh, chúng con ước ao kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu Hài Đồng thì thế giới không còn sợ hãi vì dịch Corona nữa, chúng con xin Chúa dẫn dắt mọi Kitô hữu cùng chung lòng biến giấc mơ của Giáo Hoàng Phanxicô thành hiện thực: “Tôi mơ đến một sự “chọn lựa truyền giáo”, có khả năng chuyển đổi tất cả mọi sự, để những thói quen, những phong cách, những thời biểu, ngôn ngữ và mọi cơ cấu Giáo Hội trở thành một kênh truyền thông thích ứng cho việc Phúc Âm hóa thế giới hiện tại, hơn là tự bảo tồn mình”. Tông huấn Evangelii Gaudium (2013).

 LHTH

Nguồn gốc dòng dõi Chúa Giêsu Kitô (17.12.2019)

Đã là người thì phải có tổ tông, ông bà, cha mẹ. Bài Tin Mừng hôm nay kể về gia phả của Chúa Giêsu. Vì Ngài cũng là người, nên Ngài cũng có gia phả. Từ gia phả này của Chúa Giêsu nói lên Chương trình Cứu độ của Thiên Chúa đã được vạch định từ ngàn đời, được loan báo và chuẩn bị thật công phu trong suốt thời Cựu Ước và được bắt đầu từ tiếng “Xin Vâng” của Mẹ Maria cũng như sự dồng thuận của Thánh Cả Giuse.

Be lem: Chúa ngự xuống trần

Sinh nơi hang đá, Thiên Thần hòa ca

Mục đồng hối hả loan ra

Hài Nhi sinh hạ, Ngài là Cứu Tinh

*

Thế nên Chúa có gia đình

Có Cha, có Mẹ, có tình thế nhân

Cuộc sống hạnh phúc vẹn phần

Làng Na-da-rét ân cần dựng xây 

 

Trong gia phả của người Do Thái thường chỉ có người nam mà không có người nữ. Nhưng trong bản gia phả của Đức Giêsu, Thánh sử Mátthêu nhắc đến năm người nữ, trong đó có bốn người của Cựu Ước và một người của Tân Ước. Điều này cho thấy Đức Giêsu đã nhập sâu vào gia đình nhân loại. Bốn người nữ trong Cựu ước thì lại bất toàn đã làm nổi bật người thứ năm trong Tân Ước là Đức Maria, người nữ vẹn toàn, vì là Mẹ Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế làm người đã đến để đem lại ơn cứu độ cho cả nhân loại.

Lớn lên trong cảnh sum vầy

Ấm êm hòa thuận tràn đầy bình yên

Bà con, lối xóm thân quen

Đoàn kết thân ái, tạo thêm nghĩa tình

*

Gia đình của Chúa quang minh

Hài hòa thân thiện ân tình chứa chan

Cùng nhau hiệp sức lo toan

Chân thành vui vẻ  vô vàn thân thương

 

Qua gia phả của Chúa Giêsu, Hội Thánh muốn khẳng định với chúng ta về sự nối tiếp của lịch sử cứu độ, trong đó Thiên Chúa luôn biểu lộ sự trung tín của Ngài qua việc thực hiện lời hứa. Đồng thời Hội Thánh cũng tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thế. Hài Nhi Giêsu bọc tã nằm trong máng cỏ chính là Ngôi Hai Thiên Chúa toàn năng và cũng thật sự là một con người có nguồn gốc nhân loại, là con cháu của vua Đavít.

 

Thánh Gia đích thật mẫu gương

Truyền cho hậu thế con đường đức tin

Cậy trông Thiên Chúa giữ gìn

Ban ơn hồng phúc, nguyện xin an lành

 

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con có một niềm tin kiên vững và mạnh mẽ để chúng con tìm thấy thánh ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng con,  giúp chúng con có thêm nghị lực và lạc quan để chúng con vững bước trên đường tiến về Quê trời. Amen.

 HOÀI THANH                                                               

Nguồn gốc dòng dõi Chúa Giêsu Kitô (17.12.2018)

Trong dân gian khi tìm hiểu về lịch sử thân thế người nào, người ta tra cứu nguồn gốc tổ tiên nơi cuốn gia phả của dòng họ người đó.

Cuốn gia phả dòng dõi của dòng tộc được viết xây dựng như một cây có gốc rễ rồi vươn lên cao thành thân cây tủa nảy sinh các nhánh cành. Bắt đầu từ gồc rễ tổ tiên nảy sinh ra ra các thế hệ dòng dõi kế tiếp theo nhau vươn lên cao.

Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, sinh xuống trần gian làm người, cũng thuộc về một dòng dõi tổ tiên như bao người khác trên trần gian.

Nguồn gốc dòng dõi của Chúa Giêsu được ghi viết lại thành gia phả trong Kinh Thánh nơi Tin mừng Chúa Giêsu Kito theo Thánh Matheo Mt 1, 1-17.

„ Gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara ?bởi bà Thamar; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Đavít.

Đavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.

Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Sala-thiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô.

Vậy, từ Abraham đến Đavít có tất cả mười bốn đời, từ Đavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời.“

1. Tổ phụ Abraham

Trong cuốn gia phả Chúa Giêsu Kito theo Thánh sử Matheo ghi lại, hai nhân vật chính được đề cập đến thủy tổ nguồn gốc của Chúa Giêsu: Tổ phụ Abraham và Vua Davít.

Sau khi con người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, và sự rối loạn do hậu qủa xây tháp Babel, lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người được khởi sự.

Ông Abraham được tuyển chọn là dòng dõi gốc rễ. Ông là người lữ hành sống nếp sống du mục di chuyển. Có thể nói được, đó là lối sống lữ hành di chuyển từ hiện tại tiến về tương lai. Lối sống lữ hành du mục của Ông nói lên chiều kích năng động tiến về đàng trước, đi vào con đường tương lai đang xuất hiện. Trong thư gửi tín hữu Do Thái đã có lời viết về Abraham: „ Ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng.“ (Dt 11,10)

Lời đoan hứa ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dành cho riêng Abraham, nhưng còn vươn trải rộng đến mọi thế hệ dòng dõi kế tiếp của Ông nữa: “Ông sẽ trở thành một dân tộc lớn mạnh và mọi dân tộc sẽ được chúc phúc.“ (ST 18,18.)

Và như thế toàn thể lịch sử khởi đầu từ Abraham dẫn trải tới Chúa Giêsu. Gia phả Chúa Giêsu Kito theo Thánh Matheo với tổ phụ Abraham khởi đầu lời hứa ơn cứu độ hướng tới đoạn chót của Tin mừng với lời của Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: „Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy.“ (Mt 28,19).

Đoạn ghi gia phả Chúa Giêsu bắt đầu căng trải toàn thể hướng về thời hiện tại, tính cách toàn cầu hóa với lời sai đi của Chúa Giêsu loan báo về nguồn gốc của Ngài.

Nhân vật thứ hai trong giả phả Chúa Giêu Kito được Thánh sử Matheo viết đến như nguồn gốc của lịch sử lời hứa ơn cứu độ là Vua Thánh David.

2. Chi nhánh dòng dõi vua David

Gia phả được chia ra ba thời kỳ,Thời kỳ thứ nhất từ Tổ Abraham đến Vua David có 14 đời, thời kỳ thứ hai từ Vua Salomon đến thời bị lưu đày sang Babylon với 14 đời, và thời kỳ thứ ba từ sau thời lưu đầy đến Chúa Giêsu Kito sinh ra, lời hứa ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện, cũng có 14 đời.

Tại sao lại có con số 14? Con số 14 là một con số tượng trưng suy ra từ tên Vua David theo nguyên ngữ Do Thái – theo nguyên ngữ tiếng Do Thái những vần chữ tên David hợp chung lại thành con số 14: D=4, W = 6 và D= 4. Và dựa theo tên Vua Davit, tổ tiên của Chúa Giêsu, nên gia phả cũng chia làm ba giai đoạn. Ba giai đoạn với ba lần 14 thế hệ trong lịch sử từ gốc rễ Abraham và Vua David đến Chúa Giêsu là cung ngai vĩnnh cửu.

3. Sứ mạng của Chúa Giêsu

Gia phả Chúa Giêsu theo Thánh sử Matheo hầu hết nói đến tên những người đàn ông. Có thể nói đó là gia phả theo chế độ phụ hệ. Nhưng trước đức mẹ Maria, người được nói đến sau cùng trong gia phả, cũng đã có 4 tên người phụ nữ khác được nói đến: Tamar, Rahab, Ruth và vợ của Urija.

Tại sao lại có bốn tên người phụ nữ ở trong gia phả, và với ý nghĩa gì?

Người ta kể bốn người phụ nữa đây đã là những người tội lỗi. Họ được nói đến trong gia phả Chúa Giêsu, Đấng cứu Thế, nói lên Chúa Giêsu đến trần gian để tẩy xóa tội lỗi cùng ban ơn tha thứ cho người phạm tội.

Bốn người phụ nữ này không phải là người Do Thái. Và như thế họ đại diện cho mọi dân tộc trên hoàn vũ có chỗ đứng trong gian phả Chúa Giêsu. Và qua đó sứ mạng của Chúa Giêsu đến với người Do Thái cùng với người ngoại các dân tộc được hiển thị rõ ràng thêm ra.

4. Cha mẹ Chúa Giêsu

Gia phả Chúa Giêsu kết thúc với tên một người phụ nữ: mẹ Maria, là một khởi đầu mới và làm cho toàn thể gia phả trở nên nhẹ nhàng. Gia phả viết theo một thứ tự „ Abraham sinh Isaak…“ nhưng ở đoạn kết thúc nói về Chúa Giêsu sinh ra lại khác: Giacop sinh Giuse là bạn đường của đức mẹ Maria, người sinh hạ Chúa Giêsu Kitô.

Liền tiếp theo gia phả Chúa Giêsu, Thánh sử Matheo viết về Thánh Giuse không phải cha Chúa Giêsu. Thiên Thần Chúa hiện ra nói với Giuse: hãy nhận Maria làm vợ. Thai nhi trong cung lòng Maria là do quyền năng Chúa Thánh Thần Mt 1, 18-20.

Đức mẹ Maria, mẹ Chúa Giêsu, đóng vai trò moột khởi đầu mới trong chương trìng lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Thai nhi Giêsu là công trình sáng tạo mới do đức Chúa Thánh Thần tác động.

Thánh Giuse theo phương diện pháp lý là cha Chúa Giêsu, nhưng cha thật của Giêsu là Thiên Chúa. Nguồn gốc Chúa Giêsu theo dòng dõi người trần thế được viết lại trong gia phả, nhưng vẫn còn là mầu nhiệm bí ẩn cho tâm trí con người về nguồn gốc thật sự thiên tính của Người.

Gia phả của Chúa Giêsu là gia phả theo chế độ phụ hệ, nhưng phần cuối gia phả đức mẹ Maria có chỗ đứng quan trọng trong chương trình lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa. Maria là một phụ nữ sống khiêm nhường ở làng quê Nazareth. Nơi người phụ nữ này đã diễn ra một khởi đầu mới của chương trình Thiên Chúa cho con người.

Đức Thánh Cha Phanxico hôm 17.12.2013 trong phần suy niệm phúc âm vể gia phả Chúa Giêsu theo Thánh sử Matheo đã nêu lên ý nghĩa ẩn chứa trong phần này: „ Đã có lần tôi nghe người ta nói, đoạn phúc âm nói về gia phả Chúa Giêsu giống như liệt kê tên trong cuốn sổ điện thoại. Nhưng không phải như vậy đâu, nó khác biệt hơn thế nhiều. Chương đoạn viết gia phả Chúa Giêsu trong phúc âm là một tường thuật lịch sử liên quan đến những điều quan trọng.

Là lịch sử như Thánh giáo hoàng Leo cả đã nói, vì Thiên Chúa đã sai con của Ngài đến. Và Chúa Giêsu đồng bản tính với Thiên Chúa là Cha, đồng thời cũng đồng bản tính với mẹ mình, một người phụ nữ. Thiên Chúa đã trở thành lịch sử. Ngài muốn đi vào lịch sử với chúng ta, cùng đồng hành đi với chúng ta.“

Thánh Matheo viết phúc âm Chúa Giêsu đặt trọng tâm đến nguồn gốc dòng dõi con người của Chúa Giêsu. Nên ngay chương đầu tiên Thánh nhân đã viết gia phả Chúa Giêsu ngay phần mở đầu. Vì thế phúc âm theo Thánh Matheo có biểu tượng hình người có đôi cánh và tay cầm chiếc bút viết.

Ghi Chú: Lấy hứng từ:

– Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., JESUS von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten, 1. Kapitel Woher bist Du? Seite 16- 19, Herder Freiburg i.Breisgau 2012.

– R. Schnackenburg, Matthaeusevangelium 1,1₫- 16,20, Die neueechter Bibel, Echter Verlag 2. Aufl. 1991, Seite 17 ff.

– Joachim Gnilka, Das Mathaeusevangelum 1,1- 132,58, 1. Teil, Herder Freiburg i. Breisgau 2000, Sonderausgabe, Seite 2 – 6.

– Alexander Sand, Das Evangelium nach Nathaeus, St. Benno Verlag 1989, Seite 41- 46.

Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

 

Người thừa kế (17.12.2016)

1. SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay trình bày gia phả của Đức Giêsu Kitô.

Thánh Mát-thêu trưng dẫn gia phả của Đức Giêsu ngay từ đầu sách Tin Mừng của ngài để minh chứng tính cách trần thế của “Con Thiên Chúa” làm người và ở giữa chúng ta; thánh sử nhấn mạnh đến ơn cúu độ Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại qua Đấng Cứu Độ, Đấng được sai đến để thực hiện lời hứa cứu chuộc loài người mà Thiên Chúa đã hứa với ông bà nguyên tổ nơi vườn E-den xưa.

Khởi đi từ Áp-ra-ham, là người đã thể hiện đức tin một cách tuyệt đối vào Thiên Chúa toàn năng, giàu lòng thương xót; ông để vâng phục và tín thác không điều kiện, kể cả khi ông được Thiên Chúa yêu cầu dùng chính I-sa-ác, đứa con trai duy nhất làm lễ vật tạ ơn dâng tiến Thiên Chúa. Áp-ra-ham trở thành tổ phụ một dòng tộc được Thiên Chúa tuyển chọn và được mệnh danh là “Cha những kẻ có lòng tin”.

Trong lịch sử ơn cứu độ, dòng tộc ấy được mệnh danh là “Dân riêng Thiên Chúa”, một dòng tộc được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt; đồng thời  Thiên Chúa trực tiếp dẫn dắt, huấn luyện qua muôn ngàn biến cố đầy gian nan và thử thách trong một thời gian lâu dài, để từ cá nhân ông Áp-ra-ham, từng bước lan tỏa đến gia đình, đến dòng tộc rồi trở thành một quốc gia, một vương quốc của Thiên Chúa. Đọc trong gia phả của Đức Giê-su Ki-tô, khởi đi từ tổ phụ Áp-ra-ham, rồi trải qua các đời con cháu của ông; cùng với những biến cố, những điều kỳ diệu xẩy ra trong dòng tộc; đặc biệt trong hành trình về Đất Hứa, đã diễn tả lòng khoan nhân, thương xót và sự trung tín giữ giao ước của Thiên Chúa với nhân loại mà chung cuộc là Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa làm người để lập công cứu chuộc loài người.

Những nhân vật trong gia phả của Đức Giê-su, ngoài Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp là những người được Cựu Ước nhiều lần nhắc đến như sở hữu của Thiên Chúa: “Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-sa-ác, của Gia-cóp”; còn nổi bật vua Đa-vít con ông Gie-sê. Đa-vít là một vị vua nổi tiếng của dân tộc Ít-ra-en; dưới triều đại của ông, lời hứa ban Đấng Cứu Độ được Thiên Chúa lập lại; do vậy các ngôn sứ truyền tụng Đấng Mê-si-a sẽ là con vua Đa-vít.

Một điểm khác biệt với lệ thường trong gia phả của người Do Thái, gia phả của Đức Giêsu theo thánh sử Mát-thêu còn nêu danh tính bốn người phụ nữ: Ta-ma vợ của Giu-đa, Ra-kháp vợ của Xan-môn, Rút vợ của Bô-as, Bát-sê-va vợ của U-ri-gia; họ đều là người dân ngoại và có những hoàn cảnh đặc biệt khi làm mẹ; còn người phụ nữ thứ năm trong gia phả là bà Ma-ri-a, người đã sinh ra Đức Giêsu. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu nêu danh tính các phụ nữ trong gia phả Đức Giêsu có ý muốn nói đến sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa khi cho dân ngoại tham dự vào dòng tộc Ngài đã tuyển chọn; đồng thời chuẩn bị cho sự can thiệp còn lạ lùng hơn nữa nơi Đức trinh nữ Ma-ri-a trong chương trình cứu độ của Ngài.

Phần cuối của gia phả, khi nói về Đức Giêsu, trình thuật Tin Mừng chỉ xác định mẹ của Người là bà Maria mà không nhắc đến từ “sinh ra” như các đời trước, điều này cho thấy bà Maria mang thai Đấng Cứu Thế không phải bởi máu huyết của Giuse chồng bà, nhưng là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, thánh Giuse người đã đính hôn với trinh nữ Maria đã chấp nhận và đón cô về làm vợ; đồng thời trở thành dưỡng phụ của Đức Giêsu. Nhờ thánh Giuse mà Đức Giêsu được đặt vào lịch sử nhân loại theo pháp luật.

Trình thuật Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu là một nhân vật lịch sử, Người là một con người thực sự vì có cha mẹ, có tổ tông, nguồn gốc. Tuy nhiên Người cũng là Thiên Chúa thật bởi Người là Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, nhập thể trong cung lòng trinh nữ Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, và đã sinh ra trong một dòng tộc được Thiên Chúa Cha tuyển chọn để xứng hợp với sứ mệnh cứu độ nhân loại của Người.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

  • Cùng với Giáo Hội toàn cầu đang chuẩn bị tâm hồn mừng mầu nhiệm “Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người”; xác tín mạnh mẽ Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, Người đã hoàn tất công trình cứu độ nhân loại theo kế hoạch của Chúa Cha: nhập thế, nhập thể làm người; được sinh ra trong một dòng tộc vương giả, trưởng thành và ra đi loan báo Nước Trời, ban ơn Cứu độ cho muôn dân.
  • Vững bước theo chân Người qua các mầu nhiệm Cứu độ với tâm tình yêu mến, tuân phục.

2. CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con vững tin Người là Đấng Em-ma-nu-en, Người đã giáng sinh làm người để đem lại bình an cho nhân loại; đồng thời, xin cho con biết cụ thể hóa tâm tình Mùa Vọng với lòng yêu mến Chúa và bác ái với mọi người.

3. SỐNG TIN MỪNG

Cậy nhờ ân sủng bí tích Hòa Giảỉ và Thánh thể để chuẩn bị tâm hồn kỹ lưỡng, xứng đáng là hang đá Be-lem sạch sẽ, ấm cúng chờ đón Hài Nhi Giêsu giáng sinh.

 

Gia phả Đức Giêsu Kitô (17.12.2015)

1- Ghi nhớ:

  “Như thế, tính chung lại thì : từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Ða-vít là mười bốn đời; từ vua Ða-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon cho đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời” (Mt 1, 17).

2- Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mat-thêu kể về gia phả của Đức Giê-su. Chúng ta thấy gia phả của Đức Giê-su không chỉ có những người tốt lành, đạo đức, nổi tiếng, thành công; mà còn có cả những người tội lỗi. Nhưng Ngôi Lời Thiên Chúa vẫn đón nhận và đi vào quan hệ huyết thống.

Theo niềm tin của người Do Thái, Đấng Mê-si-a được xuất thân từ dòng tộc vua Đa-vít sẽ làm vua cai trị dân Ít-ra-en. Nhưng vị Vua Giê-su còn cao trọng hơn rất nhiều lần so với vua Đa-vít, vì Ngài là Vua cả trời đất, muôn vật muôn loài do Người tạo thành mà có; cũng nhờ vào Ngài mà được tồn tại, để tất cả cùng quy hướng về Ngài.

Thiên Chúa yêu thương và quan phòng sắp đặt cho từng người chúng ta. Ngài ban đủ các ơn cần thiết để chúng ta sống xứng đáng là con cái của Ngài, để phụng sự Ngài và yêu thương anh chị em đồng loại như yêu chính bản thân mình.

3- Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho chúng con nhận ra thánh ý của Chúa trong từng giờ, từng ngày của cuộc đời chúng con, để chúng con biết cộng tác mật thiết nhiệt thành với Chúa trong chương trình cứu độ của Chúa, ngõ hầu làm cho Danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được trị đến. Amen.

4- Sống Lời Chúa:

Biết nhận ra thân phận của mỗi người chúng ta, để cùng góp phần nhỏ bé vào công việc xây dựng gia đình, Giáo xứ và Giáo hội… làm cho tất cả được an lành thánh thiện hơn.

HOÀI THANH

Con Thiên Chúa, trong cùng gia phả với con người

Gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu Áp-ra-ham. (Mt 1,1)

Suy niệm: Năm 2008 khi cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ đang diễn ra sôi nổi, các ứng viên được dư luận săm soi kỹ lưỡng về tông chi họ hàng. Đặc biệt ứng viên Obama, sau đó  là tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, gốc gác tổ tiên của ông ở Kenya thế nào đều được công khai trên các phương tiện truyền thông. Chúa Giêsu cũng được đưa ra “trình làng” như một người con trong đại gia đình nhân loại bằng một bản gia phả. Gia phả ấy không chỉ gồm ba, bốn thế hệ mà ngược lên đến tận tổ phụ Áp-ra-ham, cho thấy Chúa Giê-su là người kế tục và hoàn tất giao ước Thiên Chúa ký kết với con người qua Áp-ra-ham. Gia phả ấy kể lại Ngài thuộc dòng dõi hoàng gia, nhưng cũng không che dấu những vết nhơ. Điều đó có nghĩa là Ngài tự nhận mình là bà con thân thuộc với cả những tội nhân, để đền bù muôn tội lỗi và phục hồi quyền thừa kế chức vị tư tế hoàng vương cho toàn thể nhân loại là anh em của Ngài.

Mời Bạn đọc lại chậm rãi bản gia phả Chúa Giê-su. Giữa những cái tên lạ lẫm, bạn có cảm nghiệm được niềm sung sướng bồi hồi khi bắt gặp những tên gọi thật quen thuộc như “Giu-se, chồng bà Ma-ri-a, mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô” không? Những tên gọi đó có gắn với kỷ niệm nào liên quan đến câu chuyện bạn nhận được ơn cứu độ không? Bạn có nhận ra tình liên đới ấm cúng với những người chung quanh vì có chung bản gia phả cứu độ này không?

Sống Lời Chúa: Ghi tiếp bản gia phả trên như sau: “X. (tên một người mà bạn không ưa), con cái Chúa, được cứu độ trong Đức Kitô, là anh em của tôi.”

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

Gia phả Chúa Giêsu

“Đức Giêsu là con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham… ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.” (Mt 1,1.16).

Suy niệm: Đọc chỉ mất vài phút, song bản gia phả Đức Giêsu là cả một câu chuyện dài, gói ghém trong mình nó câu chuyện của ngót hai ngàn trang Cựu Ước Kinh, một dòng lịch sử chảy miên man qua bốn mươi hai thế hệ. Ta rút ra vài ghi nhận:

Ù Con Thiên Chúa nhập thể không bỗng nhiên ‘từ trên trời rơi xuống’. Nguời là con người đích thực. Người đã đi vào một gia hệ không gồm toàn những con người thánh thiện.

Ù Thiên Chúa đã phải cần đến hàng bao thế kỷ để chuẩn bị cho cuộc nhập thể này. Vì thế, để hiểu nhân vật và biến cố “Giêsu”, ta không thể không qui chiếu đến Cựu Ước.

Ù Các danh tánh và các khuôn mặt tiền bối Đức Giêsu nêu bật sự trung thành tuyệt vời của Thiên Chúa. Ngài vẫn kiên định yêu thương, bất chấp thói thay đổi thất thường về phía con người.

Ù Gia phả Đức Giêsu là một ‘dụ ngôn’ của gia phả Nhiệm Thể Chúa Kitô. Giáo Hội vẫn không ngừng được tinh luyện để trở nên hoàn hảo.

Mời Bạn: Cảm nghiệm lòng trung thành của Thiên Chúa trong cuộc đời bạn, cảm nghiệm cách Ngài rút điều tốt đẹp ra từ những cái tệ hại.

Sống Lời Chúa: Bạn dành ít phút để ôn lại lịch sử đời mình và rút ra bài học sâu xa nhất từ đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vẫn trung thành yêu thương con, dù con đã biết bao lần bất trung với Chúa. Xin giúp con từ nay yêu Chúa trung thành.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *