Thánh đường Phanxicô Assisi
Thánh đường này, dâng kính thánh Phanxicô, có từ thế kỷ 17, với tháp chuông cao có thể thấy được từ nhiều nơi trong thành phố. Nhà thờ này thuộc các cha dòng Phanxicô cho đến năm 1821 là năm chính phủ Colombia giải tán nhiều tu viện, và sau khi Panama độc lập khỏi Colombia, thì cơ sở này trở thành tài sản của chính phủ mới.
Đến nhà thờ, ĐTC được Đức TGM Ulloa, TGM Panama và cũng là Chủ tịch Liên HĐGM Trung Mỹ, gọi tắt là SEDAC, đón tiếp. Đây là tổ chức qui tụ các GM thuộc 7 nước Trung Mỹ, trong đó Panama là nước có tỷ lệ Công Giáo đông nhất với 88% dân số. Tại các nước khác, tỷ lệ Công giáo thấp hơn và có nhiều người theo Tin Lành.
Huấn dụ của ĐTC
Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Cha José Luis Escobar Alas, TGM giáo phận San Salvador, Chủ tịch Liên HĐGM Trung Mỹ, ĐTC đã đọc một bài huấn dụ dài 11 trang: Ngài đi từ tấm gương của thánh Oscar Romero cố TGM giáo phận San Salvador, bị sát hại ngày 24-3 năm 1981 trong khi cử hành thánh lễ, để rút ra từ đó những lời nhắn nhủ các GM Trung Mỹ: yêu mến, đồng cảm với Giáo Hội, đồng hóa với Chúa Kitô Mục Tử để yêu thương dân, quan tâm đến và chia sẻ những những đau khổ của dân, chú ý đến giới trẻ và lắng nghe họ, thăng tiến những chương trình giáo dục người trẻ và lôi kéo nhiều người trẻ khỏi nanh vuốt của những băng đảng bất lương và những kẻ buôn bán ma túy. ĐTC cũng mời gọi các GM sống thanh bần, chăm sóc các linh mục, người di dân.
Đồng cảm với Giáo Hội: yêu mến Đấng Sinh Thành là Giáo Hội
Trước tiên, ĐTC đề cao nguyên tắc hướng dẫn và là chính cuộc đời Mục Tử của Oscar Romero, như được ghi trong huy hiệu GM của Người với câu ”Sentire cum Ecclesia”, Đồng cảm với Giáo Hội. Đây chính là kim chỉ nam đánh dấu cuộc sống của thánh nhân, cả trong những lúc xáo trộn nhất. Đây là gia sản có thể trở thanh một chứng tá tích cực và mang lại sức sống cho chúng ta là những người được kêu gọi tận tụy đến độ tử đạo trong việc phục vụ hằng ngày đối với dân của chúng ta.
ĐTC giải thích rằng Thánh Romero đã có thể hòa nhịp và học cách sống Giáo Hội vì Người tận tình yêu mến Đấng đã sinh Người ra trong đức tin. Nếu không có tình yêu thâm sâu này thì rất khó hiểu cuộc đời và sự hoán cải của thánh Romero, vì chính tình yêu ấy đã hướng dẫn Người đến độ dâng hiến mạng sống trong cuộc tử đạo; tình yêu ấy phát sinh từ sự đón nhận một hồng ân hoàn toàn nhưng không, hồng ân không thuộc chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi mọi sự tự phụ và cám dỗ tưởng mình là sở hữu chủ hoặc là người duy nhất giải thích hồng ân Giáo Hội. Không phải chúng ta đã phát minh ra Giáo Hội, Giáo Hội không sinh ra với chúng ta và sẽ tiến bước mà không có chúng ta. Thái độ biết ơn ấy, thay vì bỏ mặc chúng ta trong sự lãnh đạm, thì lại khơi lên một lòng biết ơn khôn cùng, không thể tưởng tượng được, mang lại lương thực cho tất cả… Thánh Romero đã đồng cảm với Giáo Hội vì trước tiên, Người yêu mến Giáo Hội như một người mẹ đã sinh mình ra trong đức tin, và cảm thấy mình là thành phần của Giáo Hội.
Gần gũi dân chúng
Tiếp đến, ĐTC đề cao tình yêu của thánh Romero đối với Giáo Hội, nhưng đồng thời tình yêu ấy ”có mùi của dân”, biết lắng nghe dân, nghe nhịp tin đập của dân đã được ủy thác cho mình.
Đối với thánh Romero, đồng cảm với Giáo Hội là tham phần vào vinh quang của Giáo Hội, và vinh quang này hệ tại mang trong thẳm sâu tâm hồn mình toàn thể sự hạ cố, kenosis, của Chúa Kitô. Trong Giáo Hội, Chúa Kitô sống giữa chúng ta, vì thế Giáo Hội cũng phải khiêm tốn và thanh bần, vì một Giáo Hội kiêu kỳ, một Giáo Hội đầy kiêu ngạo, một Giáo Hội tự phụ không phải là một Giáo Hội hạ cố (Xc Thánh Oscar Romero, bài giảng 1-10-1978)
Thái độ như thế không phải chỉ là vinh quang của Giáo Hội, nhưng cũng là một ơn gọi, một lời mời để trở thành vinh quang riêng của chúng ta và là con đường nên thánh. Sự hạ cố, kenosis, của Chúa Kitô không phải là điều thuộc về quá khứ, nhưng là một ơn thánh hiện tại để cảm thấy và khám phá sự hiện diện của Chúa đang hoạt động trong lịch sử.
Không sợ cảm thông những đau khổ của dân
ĐTC nói: ”Anh em thân mến, điều quan trọng là chúng ta không sợ đến gần và động chạm đến những vết thương của dân chúng ta, và đó cũng là vết thương của chúng ta, và chúng ta thi hành điều ấy theo cách thức của Chúa. Người mục tử không thể xa những đau khổ của dân mình, trái lại, chúng ta có thể nói rằng con tim của mục tử được đo lường theo khả năng cảm động đứng trước bao nhiêu cuộc sống bị thương tổn và bị đe dọa. Thi hành điều ấy theo cách thức của Chúa, nghĩa là để cho đau khổ ấy đánh động và xác định những ưu tiên và sở thích của chúng ta, việc sử dụng thời gian, tiền bạc và cả cách thức cầu nguyện của chúng ta, để có thể làm cho mọi sự và mọi người thấm nhiễm sự an ủi nhờ tình bạn với Chúa Giêsu, trong một cộng đoàn đức tin, chứa đựng và mở ra một chân trời ngày càng mới mẻ, mang lại ý nghĩa và hy vọng cho cuộc sống” (EG 49).
Gần gũi thực tại người trẻ
Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nhắn nhủ các GM Trung Mỹ gần gũi hơn với thực tại của những người trẻ, đầy hy vọng và ước muốn, nhưng cũng bị bao nhiêu vết thương. Cùng với người trẻ, chúng ta có thể đọc thời đại chúng ta một cách mới mẻ và nhận ra những dấu chỉ thời đại, vì như các Nghị Phụ Thượng HĐGM về giới trẻ đã quả quyết, người trẻ là một trong những ”nguồn thần học” trong đó Chúa cho chúng ta biết một số trong những mong đợi và những thách đố của Ngài để xây dựng tương lai (Tài liệu chung kết 64).
”Người trẻ mang trong mình một sự bất an mà chúng ta phải quí chuộng, tôn trọng, đồng hành; và sự bất an ấy mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta, nó thúc đẩy và nhắc nhớ chúng ta rằng vị Mục Tử không bao giờ ngưng là một môn đệ và luôn tiến bước. Sự bất an lành mạnh này khiến chúng ta lên đường và nó đi trước chúng ta. Chúng ta phải vui mừng mà nhận thấy rằng hạt giống không bị hư mất. Nhiều điều trong số những khát vọng và trực giác được phát triển giữa lòng gia đình, được ông bà nội ngoại nuôi dưỡng hoặc một nữ giáo lý viên, hay trong giáo xứ, trong việcmục vụ giáo dục hoặc mục vụ giới trẻ.
Thăng tiến giới trẻ
Trong chiều hướng này, ĐTC nhắn nhủ các GM hãy thăng tiến các chương trinh và các trung tâm giáo dục biết đồng hành, nâng đỡ, gây ý thức trách nhiệm cho người trẻ; hãy kéo họ ra khỏi đường phố trước khi nền văn hóa chết chóc nắm bắt và khai khác trí tưởng tượng của người trẻ, bằng cách bán cho họ những khói và những giải pháp ma thuật. ĐTC nói: ”Anh em hãy thi hành điều ấy không phải với tinh thần cha chú, từ trên truyền xuống, vì đó không phải là điều Chúa yêu cầu chúng ta, nhưng hãy hành động như một người cha, người anh đối với các em. Người trẻ là khuôn mặt của Chúa Kitô đối với chúng ta và chúng ta đi đến với Chúa Kitô không phải từ trên đi xuống, nhưng là từ dưới đi lên; (Xc S. Oscar Romero, bài giảng, 2-9-1979)
Cứu người trẻ khỏi những nguy hiểm và cạm bẫy
ĐTC cũng nhận xét rằng ”rất tiếc có nhiều người trẻ bị thu hút vì những câu trả lời nhất thời làm thương tổn cuộc sống. Các nghị phụ Thượng HĐGM về giới trẻ nói với chúng ra rằng: ”vì bị cưỡng bách hoặc vì thiếu những giải pháp khác, người trẻ bị lâm vào những hoàn cảnh rất xung khắc, không có giải pháp mau lẹ, như bạo hành trong gia đình, nạn giết phụ nữ – một vết thương đau tại đại lục chúng ta – những băng đảng võ trang và tội phạm, nạn buôn bán ma túy, khai thác tình dục trẻ vị thành niên và cả những người lớn, v.v… Nơi căn cội của những tình trạng trên đây có nhiều gia đình bị kiệt quệ vì một chế độ kinh tế không đặt con người và công ích ở chỗ đứng thứ nhất và đầu cơ ”cái thiên đường” của mình trong đó người ta tiếp tục lo làm giầu bất kể tới những người khác. Vì thế những người trẻ của chúng ta không được hơi ấm trong gia đình, không có gia đình và cộng đoàn, không thuộc về ai, bị bỏ mặc cho kẻ lường gạt đầu tiên họ gặp phải.
Quan tâm đến các thổ dân và linh mục
ĐTC không quên mời gọi các GM Trung Mỹ quan tâm đến các thổ dân, giúp họ bảo vệ văn hóa của họ; tiếp đến là những người di dân, trong đó có nhiều người trẻ. Cần đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập họ.
Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các GM quan tâm tới các linh mục thuộc quyền, trong bao hoàn cảnh khó khăn thường nhật, và đang cần sự gần gũi, cảm thông, khích lệ, cần tình phụ tử của GM. Ngài nói: ”Kết quả công việc mục vụ, loan báo Tin Mừng trong Giáo Hội, và sứ vụ, không dựa trên nhiều phương tiện hoặc những tài nguyên vật chất, hoặc trên số lượng các biến cố và hoạt động chúng ta thực hiện, nhưng dựa trên đặc tính trung tâm của sự cảm thông: đó là một trong những đặc tính chính mà Giáo Hội có thể cống hiến cho các anh em chúng ta trong tư cách là Giáo Hội. Sự hạ cố của Chúa Kitô là sự biểu lộ tối đa lòng cảm thương của Chúa Kitô. Giáo Hội của Chúa Kitô là Giáo Hội cảm thương, và điều này bắt đầu tại gia. Luôn luôn là điều tốt khi chúng ta tự hỏi trong tư cách là chủ chăn: tôi quan tâm thế nào đối với đời sống các linh mục của tôi? Tôi có khả năng là một người cha hay tôi chỉ là người điều hành? Tôi có để cho mình bị quấy rầy hay không?
Sau khi giã từ các GM Trung Mỹ ĐTC đã về tòa Sứ Thần để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi. (Rei 24-1-2019)
G. Trần Đức Anh OP – Vatican