Nhớ về chợ Tết

Để chuẩn bị đón Tết cho thật “đàng hoàng,” mẹ tôi cũng như những người phụ nữ lãnh đạo gia đình khác đều phải đi chợ Tết. Đi chợ Tết như là một thủ tục đầu tiên để đón ông bà, đưa ông Táo nghinh Xuân cho thật chu đáo.

Cái sự “đàng hoàng” chỉ mang tính ước lệ tùy theo cái hầu bao to nhỏ, sự chắt chiu chia sẻ ngân sách nho nhỏ của gia đình. Nhưng dầu sao cũng phải ráng có cho được nồi thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, con gà cúng Mồng Ba. Và tùy theo cái túi này, các bà nội trợ sẽ đi chợ Sài Gòn, Chợ Lớn hay những chợ nho nhỏ gần nhà.

Chợ Sài Gòn-Bến Thành gần như là ngôi chợ tiêu biểu cho sự mua sắm Tết. Đâu đâu người ta cũng đến chợ Bến Thành – một ngôi chợ sang trọng bậc nhất đô thành. Khi chợ Tết Bến Thành mở cửa thì gần như không khí mua sắm Tết đã bắt đầu khắp nơi trong thành phố.

“Năm nào cũng vậy, Tết bắt đầu từ chợ Bến Thành khi những nhà ‘mại dô’ chuyên nghiệp và những ông hàng bánh kẹo được họp chợ công khai trên vỉa hè đường Lê Lợi và quanh bốn bức tường chợ Bến Thành…” (tạp chí Bách Khoa, 1960). Thật vậy, bao quanh khu vực cổng chính của chợ là những sạp bán bánh mứt, đồ khô. Họ bán từ sáng cho đến tận nửa đêm dưới ánh sáng rực rỡ của những ngọn đèn nê-ông nhiều màu sắc.

Khu vực đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn tấp nập những sạp hàng bán quần áo trẻ con và người lớn. Tết bắt đầu từ chợ. Chính chợ đã tạo nên không khí mua sắm, rạo rực của ba ngày Xuân. Đủ thứ hàng hóa như quầy thực phẩm khô bán lạp xưởng, thịt lạp, mứt gừng, mứt bí, mứt me, thèo lèo-cứt chuột. Những gian hàng bán rượu tây như Martel, Cognac, Ngũ Gia Bì, Mai Quế Lộ làm những ông khách đi ngang nhìn mà muốn xỉn.

Không thiếu những loại hàng hóa khác như quần áo, khăn trải bàn; gian hàng đồ chơi “xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng,” những trái cây “cầu, dừa, đủ, xài,” dưa hấu, quýt, đu đủ; hoa nhựa, hoa thật như vạn thọ, cúc, mồng gà, hướng dương… đã bao quanh chợ. Tiếng rao hàng, trả giá, giành mối, trêu đùa náo nhiệt vô cùng.

Ngộ một điều là hễ Tết đến là ai cũng muốn mua sắm đồ mới, thế mà lại có những gian hàng bán đồ cũ, người bán hàng la như hét vào tai: “Đồ sôn đây, mại dô, mại dô đồ sôn bán rẻ, dịp may hiếm có đây…” Cũng có những người đi chợ Tết Sài Gòn chỉ vì vui, thích bát phố để nhìn ngắm và ve vuốt lẫn nhau bằng con mắt tình tứ hơn là so đo, cò kè bớt một thêm hai từng gói lạp xưởng, chai rượu Ngũ Gia Bì và để lấy số má với chúng bạn “vừa mới đi chợ Tết Sài Gòn.”

Tụi con nít chúng tôi lại càng khoái vì chợ Sài Gòn là cái gì diệu vơi xa xăm với dân chánh hẩu Chợ Lớn quê rất là một cục. Tụi tôi ngon lắm là đến Chợ Lớn Mới-Bình Tây ngắm tượng ông Thông Hiệp là cùng.

Tuy nhiên, đâu hẳn là phải ra chợ Bến Thành hay vào Chợ Lớn Mới-Bình Tây mới có chợ Tết. Những gia đình nghèo, ở những xóm xa khu thị tứ thường đến những ngôi chợ Tết xóm nhỏ. Những ngôi chợ này trong những ngày gần Tết, ngoài những sạp hàng bán cá, thịt, rau, trái cây hằng ngày lại xuất hiện thêm những gian hàng đổ đống những thứ dành riêng cho Tết.

Nói gian hàng có vẻ to tát chứ thực ra chỉ là một tấm ni lông trên một khoảnh đất nhỏ đầy những mặt hàng mà những gia đình người Việt thường hay dùng trong ba ngày Tết. Nào là những củ dưa kiệu, củ hành tươi còn cả gốc và màu đen của đất được đổ thành từng đống nhỏ. Rồi nào là mứt gừng, mứt bí, mứt me, hột dưa được đựng trong những bao ni lông to, hoặc cao cấp hơn một chút xíu thì được bao bì trong những cái hộp vô cùng bắt mắt…

Nào là những cây hoa mai, hoa đào, cúc bằng nhựa đủ màu sắc chỉ phù hợp cho những gia đình nghèo, bình dân muốn tìm màu tươi của mùa Xuân cho ngôi nhà được rực rỡ trong ba ngày Xuân. Này là tấm áo, manh quần mới dành cho trẻ thơ để chúng có được cái rạo rực của tuổi nhỏ đón cái Tết về. Rồi những món quà không thể thiếu được trong ba ngày Tết như mứt gừng, mứt me, mứt bí trong những túi, những gói màu hồng tươi – màu sắc gần chư chủ đạo của những món hàng Tết.

Chợ nhỏ-nghèo trong một khu phố lao động nên hàng hóa cũng tầm tầm bình dân. Rộn rã nhất là những hàng thịt heo, với số lượng thịt tăng gần gấp đôi ngày thường. Cạnh những quầy thịt heo là những sạp bán hột vịt tươi cho đủ cặp đôi trong nồi thịt kho tàu dành để dùng dần suốt ba ngày Tết. Nhiều lồng gà đang úp sọt những con gà đi bộ khỏe mạnh cất tiếng gáy vang trong một khoảnh chợ để “Con gà trống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”(Đoàn Văn Cừ). Đâu đó tiếng rao mời chào khách hàng mua những bao lì xì đỏ cho em nhỏ nó mừng…

Không thể thiếu văn nghệ đường phố. Đó là chiếc xe ba bánh, có gắn một thùng loa to tướng hát những bản nhạc Xuân kiểu “Tết…Tết…Tết đến rồi…” (“Ngày Tết Quê Em,” Từ Huy). Năm nay mới hơn là có thêm bản “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/ Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó…” (“Ly Rượu Mừng,” Phạm Đình Chương) kèm theo lời giới thiệu “phim hài vui Tết,” cười lấy hên, kiểu “tiền vào như nước sông Đà, nếu ra thì chảy như cà phê phin…”

“Chợt thấy vui như trẻ thơ” (“Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ,” Trịnh Công Sơn) với những cái đầu lân, mặt nạ ông địa nho nhỏ, làm thủ công không đẹp bằng những loại đầu lân thứ thiệt nhưng cũng đủ làm vui các em nhỏ bằng tiếng trống tùng cắc tùng tùng, tiếng lẻng xẻng của xập xỏa. Dù chỉ khoảng thượng tuần của tháng cuối năm cũ thế mà không khí chợ nhỏ đã thấy không khí Tết tràn về qua những mặt hàng dành riêng cho Tết. Tất nhiên những món hàng truyền thống hằng ngày ở chợ như cá mú, mắm, rau vẫn chen vai thích cánh. Tết không ăn những món bình thường sao?

Chỉ cần mươi ngày nữa thôi là từ chợ lớn, chợ nhỏ trong thành phố hàng hóa Tết sẽ về tràn đầy  từ những chậu cây cảnh cho tới những trái dưa tươi ngon từ dưới miệt vườn. Những chợ này khá giống nhau về các mặt hàng và quy mô, riêng các chợ nhỏ thì mở khá sớm và thành phần khách đi chợ thuộc loại bình dân, ăn mặc tuềnh toàng.

Dù bây giờ đã có siêu thị lo hàng Tết, mua hàng Tết qua online nhưng người ta vẫn thấy thiêu thiếu khi không đi chợ Tết. Hầu như đa số nam phụ lão ấu vẫn cần phải đi chợ Tết lộ thiên để có không khí những cái Tết năm xưa cũng mang vốn vẻ như vậy.

Đi chợ Tết không phải chỉ đi mua sắm mà để hưởng cái không khí Tết bắt đầu từ chợ Tết. Lúc nhỏ đi chợ Tết để mong mau trở thành người lớn để ăn Tết cho thật bảnh tỏn, cho đã đời vân tiên. Khi có tuổi người ta đi chợ Tết để hoài niệm lại bao bóng hình tuổi thơ gắn liền với phiên chợ Tết, để nhớ lại bóng mẹ ngày xưa thân cò lặn lội để cho con có được ngày Tết…

Bởi vậy không lấy gì làm ngạc nhiên lắm khi thấy hình một số chợ Tết Việt Nam được dựng chung quanh khu Phước Lộc Thọ ở Little Saigon giống như những sạp bán hàng Tết chung quanh chợ Bến Thành ngày xưa.

“Lòng vòng trong chợ nhìn thiên hạ/ Hồn chợt ngang xương nỗi nhớ nhà” (“Đi Chợ Tết,” Quan Dương). Người Việt trong nước và ở hải ngoại lúc nào cũng chuẩn bị Tết từ cái chợ. Chợ Tết không chỉ là chợ Tết, mà đó là men để gợi nhớ miền quê xa!

Lê Văn Nghĩa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *