Những người góa vợ hay góa chồng có thể đi tu được không?

 

Câu hỏi này có thể được trả lời dưới nhiều phương diện khác nhau: phương diện giáo luật và phương diện thực hành; phương diện lịch sử và phương diện tu đức. Xét theo khía cạnh giáo luật, thì không có điều khoản nào ngăn cấm các người góa đi tu hết. Chắc là chị đã biết, trong đạo Công giáo có hai loại tu trì: tu làm tu sĩ và tu làm giáo sĩ. Cả nam giới lẫn nữ giới đều có thể đi tu làm tu sĩ; còn các giáo sĩ thì chỉ dành riêng cho nam giới. Đối với vấn đề gia nhập hàng ngũ tu sĩ, bộ giáo luật chỉ cấm thâu nhận những người đã lập gia đình, bao lâu giá thú còn hiệu lực (xc.: đ.643 §1,1* đối với các dòng tu; đ.721 §1,3* đối với các tu hội đời).

Do đó khi nào giá thú hết hiệu lực thì có thể đi tu được. Nên biết là giá thú hết hiệu lực không phải chỉ vì người phối ngẫu đã mệnh một, nhưng còn vì giá thú được toà án Giáo hội tuyên bố vô hiệu, hay là miễn chuẩn hợp pháp. Bước sang vấn đề thâu nhận vào hàng giáo sĩ, thì đ.1042 cấm truyền chức cho người nam có đôi bạn, (đừng kể trường hợp được tiến cử lên hàng phó tế vĩnh viễn). Nên lưu ý về sự khác biệt giữa hiệu quả pháp lý của hai sự ngăn cấm vừa nêu. Đối với hàng tu sĩ, việc thâu nhận người đang có giá thú sẽ vô hiệu; còn đối với hàng giáo sĩ, việc truyền chức cho người đang có giá thú thì bất hợp lệ nhưng vẫn hữu hiệu. Dù sao đi nữa, không có điều luật nào ngăn cấm người góa chồng hay góa vợ đi tu cả.

Đó là về phương diện giáo luật. Còn trên thực tế thì sao?

Trên thực tế, việc nhận những người góa đi tu tùy thuộc vào tập tục địa phương hay là của mỗi cộng đoàn. Nói chung, các chủng viện và Dòng nam sẵn sàng chấp nhận các người góa hơn là các Dòng nữ. Trong những năm dạy học tại Rôma này, tôi đã gặp những chủng sinh đã có cháu nội. Và đã có trường hợp hai cha con đồng tế với nhau. Chuyện này không có gì lạ hết. Người con đã đi tu trước và làm linh mục. Còn ông bố, sau khi bà xã qua đời, thì cũng theo chân của con mình, đi tu và làm linh mục. Trong ngày lễ mở tay của bố, người con đóng vai thượng khách trong số các vị đồng tế.

Thế còn các dòng nữ thì sao?

Tôi không hiểu tại sao các dòng nữ lại có thái độ dè dặt hơn trong việc chấp nhận các người góa. Thậm chí có Dòng còn ghi trong hiến pháp khoản cấm thâu nhận người góa. Một điều khoản khác cũng có thể giới hạn cách gián tiếp khi họ ấn định tuổi tối đa. Chẳng hạn như nếu Hiến pháp quy định sẽ không thâu nhận ứng sinh nào quá 30 tuổi, thì các bà góa coi như đã được yêu cầu đừng gõ cửa. Các Dòng nam thì không có giới hạn tuổi tối đa! Tuy nhiên, nếu chúng ta đi ngược lại dòng lịch sử thì phải nói rằng hàng ngũ của các bà góa tận hiến đã xuất hiện ngay từ đầu của Hội thánh, nghĩa là đã trở thành một định chế; đang khi mà các ông góa đi tu là luật trừ, vì thế cho nên không được nhắc tới.

Hàng ngũ các bà góa tận hiến đã có từ bao giờ?

Hàng ngũ này đã xuất hiện ngay từ trong Tân ước, nghĩa là vào thời các thánh tông đồ. Chúng ta thấy có sự thay đổi quan trọng của Kitô giáo về chỗ đứng của các bà góa. Trong Cựu ước, các bà góa là đối tượng săn sóc của cộng đoàn các tín hữu. Họ có nghĩa vụ phải giúp đỡ chăm sóc các quả phụ cũng như các cô nhi, ngoại kiều. Chúng ta có thể đọc thấy các quy tắc đó ở nhiều tác phẩm, chẳng hạn như: sách Xuất hành chương 22 câu 21-23; sách Đệ nhị luật chương 14, câu 28-29. Các Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem cũng tiếp tục truyền thống đó; và có thể nói được là tác vụ trợ tá (diakonos) đã được thiết lập để săn sóc các bà góa (chương 6 sách Tông đồ công vụ).

Thế nhưng, khi sang tới thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi Timôtêô (chương 5), ta thấy có sự chuyển hướng. Các bà góa không còn phải là đối tượng để cho cộng đoàn chăm sóc, nhưng họ trở thành một định chế, tạo thành một hàng ngũ có chỗ đứng trong cộng đoàn, bởi vì họ tham gia tích cực vào sinh hoạt của cộng đoàn. Nói cho đúng, tác giả nói đến cả hai hạng quả phụ: một hạng cần được cộng đoàn lưu tâm săn sóc (câu 16); hạng khác thì thực sự tham gia vào sinh hoạt của cộng đoàn: Họ chuyên chăm ngày đêm đọc kinh cầu nguyện (câu 5); đã quen làm việc thiện, hiếu khách, rửa chân cho các thánh, giúp đỡ người gian truân (câu 9-10). Họ họp thành một đoàn ngũ (ordo), và chỉ được thu nhận khi đã 60 tuổi. Tóm lại, tác vụ của các bà góa trong Hội thánh là cầu nguyện, khiết tịnh, bác ái.

Sang đến những thế kỷ tiếp đó, các bà góa được ủy thác việc chuẩn bị các dự tòng lãnh bí tích rửa tội: chuẩn bị qua việc dạy giáo lý cũng như chuẩn bị khi đưa các thiếu nữ dìm mình trong bể nước. Họ cũng được giao cho việc giúp đỡ các bà góa túng quẫn hay là đảm đương vài công thác từ thiện. Các sử gia cho rằng đây là nguồn gốc của định chế “nữ trợ tá” (diaconissa). Diakonia phải dịch là trợ tá thì đúng hơn là phó tế, bởi vì việc chính của họ không phải là phụ giúp vào việc tế lễ cho bằng thi hành các dịch vụ trong cộng đoàn.

Tuy nhiên, một điều gây thắc mắc không ít cho các sử gia là trong các tác phẩm của các giáo phụ, không rõ tiếng “quả phụ” ám chỉ một bà góa chồng, hay đã trở thành một từ ngữ chuyên môn. Lý do tại vì thánh Inhaxiô tử đạo, trong lá thư gửi cộng đoàn Smirna, có nói tới “các trinh nữ được gọi là bà góa”. Có thể là vào thời này, các bà góa đã tụ tập thành cộng đoàn, và thu nhận cả các trinh nữ nữa chăng. Nên biết là vào lúc đầu những từ ngữ về tác vụ còn mơ hồ lắm: thí dụ giám mục (episcopos) chỉ có nghĩa là giám sát; linh mục (presbyteros) nguyên gốc là ông lão.

Vào những thế kỷ đầu của Hội thánh, các bà góa đã họp thành một hàng ngũ rồi. Thế vào lúc nào hàng ngũ đó bị tan rã?

Thực khó xác định được vào lúc nào hàng ngũ các bà góa đã biến mất. Thực ra thì không phải chỉ có hàng ngũ các bà góa biến mất, mà kể cả hàng ngũ của các trinh nữ cũng chung một số phận. Mặt khác, phải hiểu thế nào là “hàng ngũ” (Ordo)? Chắc chắn là vào thời đó, các kỹ thuật pháp lý chưa hoàn bị, cho nên chưa có những cơ chế vững chắc. Khi nói tới hàng ngũ các trinh nữ hay các quả phụ, chúng ta đừng vội nghĩ rằng họ kết nạp thành đoàn thể hoặc là sống thành cộng đoàn. Không, các trinh nữ vẫn tiếp tục sống tại gia đình; phần nào có thể ví với các thành viên tu hội đời ngày nay. Họ được thánh hiến cho Thiên Chúa qua nghi thức phụng vụ; nhưng họ vẫn tiếp tục cuộc sống thường nhật như bao nhiêu thiếu nữ khác. Chúng ta cũng có thể nói cách tương tự về các bà góa.

Đến khi các đan viện và dòng tu xuất hiện, thì dĩ nhiên các trinh nữ và các bà góa sẽ hoan hỉ gia nhập các đơn vị này; rồi từ đó, ta cũng dễ hiểu sự tan biến của hai hàng ngũ vừa nói. Ngày nay, có người đã đề nghị tái lập. Thế nhưng Bộ giáo luật năm 1983 chỉ tái lập các ẩn sĩ và các trinh nữ chứ không đả động tới các bà góa. Còn Bộ giáo luật của các Giáo hội đông phương ban hành năm 1990 thì có đề cập tới hàng ngũ các quả phụ (đ.570), nhưng dành cho luật riêng xác định thêm chi tiết.

Nói thế có nghĩa là các bà góa có thể tận hiến mà không cần phải gia nhập một dòng tu phải không?

Đúng thế. Nhưng mà tôi xin nhắc lại rằng chỉ có bộ luật Đông phương bàn đến định chế này, chứ bộ luật La-tinh không biết đến. Trên thực tế, thì từ năm 1984, toà giám mục Paris, (tức là thuộc Giáo hội La-tinh) đã châu phê một nghi thức cung hiến các quả phụ. Nghi thức này do một hiệp hội các bà quả phụ đệ trình (Rituel de Bénédiction des veuves. Fraternité N.D. de la Résurrection). Mục tiêu của hiệp hội này là nâng đỡ nhau trong việc chu toàn tinh thần chung thủy vợ chồng và dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa, đặc biệt qua việc dưỡng dục con cái, hầu biến gia đình thành Hội thánh gia thất. Lễ nghi chúc phúc các quả phụ diễn ra theo mô hình tương tự như nghi thức cung hiến các trinh nữ. Trong thánh lễ, sau bài giảng, các quả phụ được mời tiến ra trước bàn thờ.

Vị chủ tế thẩm vấn ý định của họ, kế đó cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Cốt yếu của nghi thức ở chỗ các quả phụ đọc tuyên ngôn như sau: “Trước sự chứng kiến của Thiên Chúa Ba ngôi và để làm vinh danh Ngài, hôm nay con xin khấn giữ khiết tịnh trọn đời. Nguyện xin Chúa Giêsu đón nhận sự dâng hiến bản thân con đây: con là gì và con có gì thì đều là của Chúa. Xin Chúa đón nhận sự dâng hiến của con, hầu mưu ích cho Hội thánh, cho gia đình chúng con, cho tất cả các quả phụ và các gia đình trên thế giới”. Công thức nói tới sự dâng mình (dâng hiến toàn thân và tài sản) cho Thiên Chúa. Đương sự chỉ minh thị khấn hứa giữ khiết tịnh; nhưng trong cuộc thẩm vấn trước đó, thì đương sự cũng hứa sẽ sống theo tinh thần khó nghèo và vâng phục nữa.

Sau khi đương sự đã đọc lời tuyên bố, vị chủ sự sẽ đọc hay hát lời nguyện chúc phúc. Nên biết là lời chúc phúc hay cung hiến các quả phụ mang một nội dung hoàn toàn khác với các tu sĩ và hội viên tu hội đời. Các người này tuyên khấn khiết tịnh trong bậc độc thân, như dấu hiệu của hôn nhân huyền nhiệm giữa đức Kitô với Hội thánh. Còn các bà goá thì đã cử hành bí tích hôn nhân thực sự. Tuy rằng mối dây đó đã đứt do cái chết của người bạn; nhưng lời chúc phúc muốn xin ơn củng cố mối dây đó trong tình yêu của Thiên Chúa. Mối tình trước đây dành cho người bạn trăm năm bây giờ được biến đổi nhờ lòng mến Chúa. Một chiều kích khác của thân phận người quả phụ cũng được nêu bật là sự đau khổ do cảnh tang tóc gây ra. Sự đau khổ này được nhìn như là sự tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong niềm hy vọng cũng được thông dự vào sự Phục sinh của Ngài.

Để kết luận, trên đây tôi đã nói rằng các chủng viện và nhà dòng dễ mở cửa để thâu nhận các ông góa vợ, hơn là các dòng nữ đối với các bà góa chồng. Nhưng một mặt khác, các bà góa chồng đã có một truyền thống lâu đời họp thành một hàng ngũ riêng chứ không phải gia nhập một dòng tu nào hết. Hy vọng là tập tục này dần dần sẽ được khôi phục lại trong toàn Giáo hội. Về phương diện này thì các ông thua các bà!

 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *