Trần thuật cổ xưa nhất trong St 2,4b – 3,[1] cho thấy cặp vợ chồng hoàn hảo thời nguyên thuỷ, tiêu biểu bằng sự gắn bó lẫn nhau giữa người nam và người nữ và phẩm giá của họ đều bình đẳng như nhau. Thiên Chúa sáng tạo cặp vợ chồng lý tưởng, một người nam và một người nữ bình đẳng: phụ nữ là “người đối diện” với nam giới và là “trợ tá” của anh ta (2,18). Quan niệm này cho chúng ta thấy một cuộc đối thoại, gặp gỡ giữa hai người.
Việc người phụ nữ được rút ra từ xương sườn người nam chứng tỏ người nữ có cùng bản chất như nam giới.[2] Trong Cựu ước, tính thân tộc và cộng đồng sống được nối kết chặt chẽ với nhau. Thành ngữ “một thân xác” (2,24) nhấn mạnh tầm quan trọng của ý tưởng kết hợp này.[3]
Chính Thiên Chúa muốn dựng nên người nữ, vì “đàn ông ở một mình không tốt” (2,18) nên Ngài đã sáng tạo người nữ (2,21-22) và dẫn nàng đến với chàng (2,22): sự kiện này thường được hiểu như một sự biểu lộ ý muốn của Thượng Đế muốn kết hợp người này với người kia. Ở đây Thiên Chúa xuất hiện như tác giả chính của sự kết hợp giữa Adam và Eva.
(trích Từ cạnh sườn bị đâm thâu, trang 426 – 427).
syxpLtSGfXI
[1] Thuộc nguồn tài liệu Jahviste, có lẽ xuất hiện sau năm 721.
[2] Tiếng kêu vui sướng của Adam khi nhìn thấy Eva: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (St 2,23).
[3] Lưu ý là thành ngữ này không nói đến kết hợp thân xác như người ta vẫn thường hiểu. Vì trong tiếng Hébreu, từ “thân xác” (basar) dễ làm người ta liên tưởng đến chính nó: trở thành “một thân xác”, tức là trở nên một hữu thể, một nguyên tánh mới gồm hai nhân vị. Điều này gợi lên việc đồng hiện hữu trong bình an..