Video: Ngày Ngày Với Mẹ – Tháng 9

Ngày 30: Đức Mẹ Beaumont

Đức Maria không phải là một nữ thần, nhưng là một con người, một con người như chúng ta. Chúng ta tôn kính Đức Maria vì Mẹ là một người giữa chúng ta đã liên kết mật thiết nhất với công trình cứu độ của Chúa Kitô. Về phương diện thể lý, Đức Maria đã cưu mang Chúa. Quan trọng hơn nữa, Đức Maria là người đầu tiên trong chúng ta đã đáp lại tiếng Chúa. Đức Maria là người đầu tiên đã thưa lời “amen” với sứ mạng của Chúa Giêsu, và đáp ứng bằng trọn vẹn hữu thể của Mẹ.

Đức Maria là hoa quả đầu mùa của công trình cứu độ. Và vinh dự của Mẹ là ở chỗ đó. Ngoài ra, chúng ta cũng hãy yêu mến và noi gương Mẹ.

Được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Gilbert Roxburgh, O.P.

Ngày 29: Đức Mẹ Tongres

Đức hồng y Newman vĩ đại, một trong những con người xuất chúng nhất của thời hiện kim, đã viết về Thiên Chúa và soạn nhiều lời kinh rất hay:

“Lạy Thiên Chúa của con, xin cho hơi thở của hồn con được kết hợp cùng Giêsu, Maria và Giuse.”

“Lạy Thiên Chúa, con đến với Chúa trong niềm kính sợ thẳm sâu và lòng mến yêu nồng nàn. Ước chi con đừng bao giờ đánh mất tình yêu nồng nhiệt tuổi xuân của con dành cho Chúa, khi năm tháng trôi qua và trái tim đóng lại, và mọi sự trở nên như một gánh nặng. Lạy Chúa, xin cho ân sủng Chúa bù đắp cho thất bại do bản tính tự nhiên của con. Xin Chúa hãy làm thay cho con, khi con càng không thể nào tự làm được. Và khi con càng khước từ không chịu mở trái tim con cho Chúa, ước chi những cuộc thăm viếng Chúa dành cho con dàng sung mãn và mãnh liệt hơn.”

“Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, trọn khối Tình Yêu; ôi Thánh Tâm rất đáng kính mến, con mến yêu Chúa qua mọi giây phút khi con còn thở, cho đến cuối cuộc đời con. Amen.”

… thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá cho chúng con ngày sau khi sống lại.

Lm. Rawley Myers

Ngày 28: Đức Mẹ Cambron

Các tông thư thường là những văn kiện nặng nề khó đọc. Tuy nhiên, đôi khi người ta cũng tìm thấy một lời kêu gọi thiết tha trong một đoạn nào đó. Đó là đoạn nói về Đức Mẹ trong tông thư Đức Pius XII gửi cho toàn thế giới nhân dịp kỷ niệm 100 năm sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Lộ đức:

“Như mọi người mẹ đều xúc động khi nhận ra trên gương mặt con cái một nét giống như họ, thì Hiền Mẫu dịu hiền của chúng ta cũng không ước ao gì hơn, không có gì vui mừng hơn, khi nhìn thấy những người Mẹ đã nhận làm con thay cho Chúa Giêsu, dưới thập giá của Người, mang những đặc điểm và những trang sức của linh hồn Mẹ trong tư tưởng, lời nói và việc làm của họ.”

Một người mẹ rất thích khi có ai đó nói rằng con bà giống như bà và sống như bà. Điều ấy lại không hết sức tự nhiên hay sao? Vì vậy, Đức Maria cũng vui mừng khi chúng ta nghĩ tưởng và hành động giống như Mẹ.

… mà biết thật Chúa Kitô là Con Chúa đã xuống thế làm người,

Đức hồng y John J. Carberry

Ngày 27: Đức Mẹ của Sự Sum Họp Hạnh Phúc

Trong ngày Truyền Tin, lần đầu tiên, Đức Maria đã đóng vai trung gian giữa Thiên Chúa với nhân loại và giữa nhân loại với Thiên Chúa. Qua hành vi trung gian ấy, nhân loại đã được ban tặng Chúa Kitô!

Chúng ta tôn vinh Đức Maria là điều phải lẽ. Mẹ không muốn vinh quang hoặc danh dự cho bản thân, nhưng cho Con Mẹ. Ý Con là ý Mẹ; và ý Con là mọi người trong cộng đồng phải đưa cộng đồng ấy đến với Thiên Chúa Cha. Một phương thế để đưa cộng đồng đến với Thiên Chúa là việc cải thiện nội tâm của cộng đồng ấy. Qua ba trẻ tại Fatima vào năm 1917, Đức Maria hứa sẽ phù giúp những ai thường xuyên thực hành sám hối, hiệp lễ, cầu nguyện và suy gẫm các mầu nhiệm Mân Côi.

Qua Mẹ Maria để đến với Chúa Kitô là mục tiêu của người tín hữu. Cùng với Chúa Kitô, Mẹ Maria và toàn thể các thánh, chúng ta sẽ đến với Thiên Chúa. Cùng với Chúa Kitô, Giáo Hội, các thánh, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và cộng đồng chúng ta, tất cả đều giúp chúng ta đạt đến cứu cánh là Thiên Chúa, Cha Hằng Hữu của chúng ta.

… là kẻ đã nhờ thánh thiên thần truyền

Roger C. Lee

Ngày 26: Đức Mẹ Chiến Thắng

Trận thủy chiến Lepanto năm 1571 đã cứu được Kitô Giáo ở Châu Âu. Không như một sử gia, Giáo Hội nhìn biến cố ấy theo một quan điểm riêng. Bằng kinh Mân Côi, Giáo Hội đã cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban trợ chiến thắng. Hồi đó, ngày lễ ấy là ngày tạ ơn để tôn vinh Đức Mẹ.

Kinh Mân Côi có những đặc tính dễ được yêu chuộng rộng rãi: dễ đọc; sự cảm nhận tượng chuộc tội và những hạt kinh giúp dễ cầm trí; lời kinh thật đơn sơ; việc suy gẫm dựa theo Phúc Âm, hằng ngày nhắc lại các mầu nhiệm của hành vi yêu thương đưa đến sự sống đời đời trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Khi hiện ra với Bernadette tại Lộ đức vào năm 1858, Đức Mẹ đã cùng lần chuỗi với chị thánh. Bernadette không bao giờ quên được lời Đức Mẹ dạy về cách đọc kinh Mân Côi. Chị đã kể lại về một lần Đức Mẹ hiện ra: “Trong một lúc, ánh mắt Đức Mẹ không nhìn tôi, nhưng hướng về khoảng xa xăm trên đầu tôi. Khi Đức Mẹ nhìn xuống tôi, tôi liền hỏi điều gì đã làm cho Mẹ phải phiền sầu đến thế. Và Mẹ đáp, ‘Hãy cầu nguyện cho các tội nhân!’” Thế giới cần đến kinh Mân Côi!

… ban ơn xuống cho linh hồn chúng con,

George M. Buckley, M.M.

Ngày 25: Đức Mẹ Cửa Thiên Đàng

Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế qua Đức Maria, vì vậy, Mẹ được xưng tụng là Cửa Thiên Đàng. Giáo Hội đã sử dụng tước hiệu này với hết niềm tín cẩn. Đức Maria, người đã là cửa cho Đức Quân Vương cũng trở thành người mở cửa cho ánh sáng hồng phúc.

Chúa Giêsu là Ánh Sáng của ánh sáng và Mẹ Người được chúc tụng một cách xứng hợp là cửa ánh sáng. Khi trở thành cửa hồng phúc, Mẹ đã ban Đấng Cứu Độ cho thế giới; và vì vậy, mọi quốc gia đã ca khen Mẹ là người diễm phúc.

Đức Maria chí thánh đã ban ánh sáng hồng phúc để chúng ta có thể thoát khỏi những nỗi sợ hãi và những quyến rũ trần thế. Khi mắt và tai chúng ta bày tỏ dấu hiệu cho thấy tâm hồn muốn tiếp nhận những đường hướng trời cao – tất cả những dục vọng tháo thứ của chúng ta sẽ được xua trừ.

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa

Ngày 24: Đức Mẹ Chuộc Nô

Ngày lễ Đức Mẹ Chuộc Nô bắt nguồn từ hội dòng Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi được thành lập tại Tây ban nha vào thế kỷ XIII. Các thành viên của hội dòng này hiến thân làm con tin để trao đổi các tù nhân Công Giáo bị người Moors bắt giữ.

Ngày nay, các cha dòng Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi (Mercedarians) cũng được Đức Gioan Phaolô II ca ngợi là “một hội dòng lâu đời và xứng đáng, suốt bảy thế kỷ rưỡi qua đã dùng sức mạnh của mình để làm mọi việc hầu phục vụ những chi thể đau đớn và bị áp bức nhất trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô.” Sứ mạng của thánh Phêrô Nolasco, vị sáng lập hội dòng, đã được duy trì cho đến ngày nay…” trong việc phục vụ đức tin, đem lại hy vọng, và lấy đức ái Chúa Kitô mà trợ giúp tất cả những ai phải chịu đựng những hình thức nô lệ mới” – trong các nhà tù, trong cảnh đói nghèo tại các thành phố, nơi những người nghiện ngập và trong những lãnh vực Giáo Hội bị bách hại hoặc buộc phải câm lặng.

Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.

Robert J. Leuver, C.M.F.

Ngày 23: Đức Mẹ Valvancre – Tây ban nha

Những ngày thứ Bảy nào không thuộc các bậc lễ đều được Giáo Hội dành riêng để tôn kính Đức Maria. Như vậy, tuần lễ được Chúa khởi đầu vào Chúa Nhật; và được Đức Mẹ kết thúc vào thứ Bảy.

Chúng ta cũng hãy khởi đầu bằng ơn soi sáng của Chúa; và kết thúc bằng việc tận hiến cho Đức Mẹ Đồng Trinh. Như người con hằng ngày ra đi lo toan phận sự, và tối đến trở về bên mẹ. Như vậy, chúng ta sẽ sống một cuộc đời cho Chúa, với những công việc được Người soi sáng và hoàn thành, và được Mẹ diễm phúc hiến dâng lên ngai tòa trên trời.

Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.

Đức ông Joseph B. Lux

Ngày 22: Đức Mẹ Valvancre

Mọi vinh quang và đặc ân mà lòng đạo đức Kitô Giáo dâng lên Đức Trinh Nữ Maria đều dựa trên chân lý thần học căn bản này: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Chưa ai một mình đã từng viết nên được một quyển tiểu sử thành công về Mẹ Maria. Tuy nhiên,  mọi cuộc sống Chúa Kitô đều phải suy tôn Mẹ.

Một khía cạnh quan trọng đối với lòng sùng kính Đức Maria là địa vị ưu việt của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của Mẹ. Mẹ Maria đã cưu mang nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần; tất cả các tác giả đạo đức cho chúng ta biết Mẹ đã sống dưới tác động của Người. Khi Chúa Thánh Thần ban sức sống cho Giáo Hội, sách Tông Đồ Công Vụ đã đề cập đến chi tiết Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, cũng hiện diện ở đó.

Đức Maria chắc chắn đã được tiếp nhận “hồng ân thánh tẩy trong Chúa Thánh Thần” với tất cả những gì tiềm tàng trong đó.

Và ở cùng chúng con.

Lm. Charles Dollen

Ngày 21: Đức Mẹ Pucha – Valencia

Thánh Paschal Baylon nổi tiếng về lòng yêu mến Mẹ Thiên Chúa và lòng tôn sùng tha thiết đối với bí tích Thánh Thể.

Thực vậy, còn con đường nào tuyệt hảo hơn nữa để đạt đến trọn lành? Lòng sùng kính Mẹ Maria giúp chúng ta vượt thắng các dục vọng và thanh luyện các cảm tính thiêng liêng của chúng ta. Về phần Mẹ Maria, chưa bao giờ nghe nói Mẹ đã bỏ mặc người con nào của Mẹ giữa gian truân.

Trên đường Emmaus, hai môn đệ nài nỉ Chúa Kitô, “Xin Ngài ở lại với chúng tôi.” Chúa chỉ nấn ná với họ một buổi chiều. Còn với các tín hữu Công Giáo, Chúa Kitô lúc nào cũng hiện diện trong bí tích Thánh Thể để dạy dỗ và yêu thương. Khi hiệp lễ, Chúa đến và làm cho chúng ta trở nên một phần trong Người; và Người trở nên một phần trong chúng ta.

Quả thật, cuộc đời chúng ta đáng lẽ cũng đầy hoan lạc như thánh Paschal Baylon nếu như chúng ta tiếp tục yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và vun đắp lòng tôn kính Đức Mẹ.

Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.

Edwin R. Mc Devitt, M.M

Ngày 20: Đức Mẹ Chân Bạc

Thánh Gioan nhấn mạnh với chúng ta rằng, “thế gian này với những dục vọng của nó đang qua đi, còn ai thực thi thánh ý Thiên Chúa sẽ được sống muôn đời.” Đức Maria là một chứng nhân hùng hồn cho chân lý ấy. Ước chi chúng ta được hấp thụ niềm tin của Mẹ để cũng được chúc phúc vì đã vâng phục Thiên Chúa. Mọi tước hiệu xưng tụng Đức Maria trong kinh Cầu cho đến muôn đời đều chính xác.

Tôi cho rằng sứ điệp trong Phúc Âm thánh Luca (2:39-40) rất có sức khích lệ. Các chi tiết bình thường trong đời sống của Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu đã được trình bày; và từ những chi tiết bình thường ấy, “Con Trẻ lớn lên trong khôn ngoan, tuổi đời và ân sủng.” Chắc chắn Thánh Cả Giuse và Đức Maria cũng thăng tiến trong tất cả những lãnh vực ấy. Chúa Giêsu không có một học vị học hàm nào và cũng không làm việc cho General Motors. Chưa ai đề cử cho Chúa một giải “Oscar” hoặc “Emmy” nào cả; nhưng Người hiểu biết Chúa Cha, Người mời gọi và giúp chúng ta cùng Người thực hiện thánh ý Chúa Cha, và nhờ đó mà sống muôn đời.

Lạy Chúa, xin cầm lấy tay con kẻo con lạc mất đời đời.

Tôi xin vâng như lời thánh thiên thần truyền.

Nữ tu Theresa Molphy, C.S.J.

Ngày 19: Đức Mẹ La Salette

Diễn giả đang hùng hồn tố cáo tất cả những kẻ đang ra sức “hạ giá Đức Maria.” Một phụ nữ trong thính giả nêu lên câu hỏi, “Người phàm làm sao có thể bớt đi hoặc thêm thắt một điều gì cho Đức Maria – Đấng là Mẹ Chúa Giêsu Kitô?”

Cuộc tranh luận về Đức Maria nổi lên vào thời kỳ hậu Công Đồng thực ra là những “hình ảnh” đa dạng của Đức Maria theo con mắt của các tín hữu Công Giáo. Một số người chỉ có thể nhìn Đức Maria theo hình ảnh là một “Nữ Vương.” Những người khác nhìn Đức Maria như khi Mẹ hiện ra tại Lộ đức, Fatima, Guadalupe, Pontmain, La Salette, và các nơi khác.

Mặc dù được biết dưới nhiều tước hiệu khác nhau, nhưng Đức Maria vẫn là một, một phụ nữ Do Thái đã sinh hạ Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại. Đó chắc chắn là địa vị cao nhất có thể dành cho một người nữ. Không gì có thể hạ thấp điều này: đó là Đức Maria đã đem Đấng Cứu Thế đến cho trần gian.

Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.

Anne Tansey

Ngày 18: Đức Mẹ Smelcem

Thánh danh khả ái Maria có một ân sủng và một vẻ đẹp. Đã có thời, mọi gia đình có đạo đều lấy tên Maria đặt cho ít là một người con của họ.

Thánh Bernard có một giảng một bài tuyệt vời về thánh danh Maria. Thánh nhân viết: “Trong hiểm nguy, trong khó khăn, trong nghi nan, bạn hãy nghĩ đến Mẹ Maria, hãy gọi Mẹ Maria. Đừng để Mẹ xa khỏi môi miệng hoặc con tim của bạn.

“Nếu theo Mẹ, bạn sẽ không bao giờ lạc bước. Nếu cầu nguyện cùng Mẹ, bạn sẽ không bao giờ rơi vào tuyệt vọng. Nếu nghĩ đến Mẹ, bạn sẽ không bao giờ lệch hướng. Nếu Mẹ nắm giữ bạn, bạn sẽ không bao giờ ngã té. Nếu Mẹ hướng dẫn bạn, bạn sẽ không bao giờ mỏi mệt. Nếu Mẹ giúp đỡ bạn, cuối cùng bạn sẽ an bình về đến quê nhà.

“Và như vậy, bạn tự minh chứng cho mình thật chí lý: ‘Maria là thánh danh của Đức Trinh Nữ.”

Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.

Đức hồng y John J. Carberry

Ngày 17: Đức Mẹ Mọi Ngày

Thật là tốt đẹp nếu như chúng ta bắt đầu mỗi ngày bằng việc dâng mình khi vừa thức dậy, làm dấu thánh giá và cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, hợp với hiến tế thánh lễ khắp thế giới, con xin dâng lên Chúa những lời cầu nguyện, những việc lành và những đau khổ của con trong ngày hôm nay, theo tất cả những ước nguyện của Thánh Tâm Chúa, để đền bồi các tội lỗi của con, và theo ý nguyện của tất cả những người liên kết với chúng con, đặc biệt là ý nguyện của Đức Thánh Cha.”

Qua việc đọc lời kinh này một cách sốt sắng, bạn hiến dâng mọi tư tưởng, lời nói, việc làm lên Thiên Chúa Toàn Năng, và biến chúng nên công phúc cho bạn. Đó là ý nghĩa của lời khuyên nổi tiếng của thánh Phaolô: “Dù anh em ăn, dù anh em uống hoặc làm bất cứ điều gì, anh em hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa.” Việc dâng mình buổi sáng của bạn sẽ biến tất cả tư tưởng, lời nói, việc làm của bạn trở nên những lời cầu nguyện.

Kinh Truyền Tin: Đức Chúa Trời sai thánh thiên thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria:

Lm. John A. O’Brien

Ngày 16: Đức Mẹ Tin Mừng

Đức Maria muốn chúng ta giúp Mẹ đem Chúa Giêsu đến cho thế giới. Trong sự liên kết với Đức Maria, công việc của chúng ta sẽ nhận được một giá trị mới và trở nên đẹp lòng Chúa hơn. Các Phúc Âm đã minh chứng điều ấy. Chính nhờ Đức Maria mà trẻ Gioan và cả bà Elizabeth đã được thánh hóa. Chính nhờ Đức Maria mà các mục đồng và các hiền sĩ đã nhận ra được Đấng Cứu Thế. Chính nhờ Đức Maria mà ông Simêon đã được bồng ẵm trên tay Niềm Mơ Ước của Muôn Nước. Chính Đức Maria đã cầu bầu để phép lạ đầu tiên được thực hiện tại Cana. Chính Đức Maria đã đưa Chúa Giêsu đến “giờ” và cuộc Thương Khó của Người.

Đường đời của Đức Maria từ Bêlem đến Canvê thật vô cùng dốc dác. Nếu đường đời của tôi cũng dốc dác, tôi sẽ tìm sức mạnh nơi Chúa Giêsu, không những trong vòng tay, mà còn trong tâm hồn của tôi, trong cuộc hiệp lễ.

Khi bạn được rửa tội, Đức Maria đã đón nhận bạn từ giếng rửa tội để làm con Mẹ và trở nên hiền mẫu đúng nghĩa của bạn còn hơn cả người mẹ ruột thịt.

“Hãy đi khắp thế giới và rao truyền Tin Mừng” – Mc 16:15

Đức cha Rembert Kowalski, O.F.M. (Trung quốc)

Ngày 15: Đức Mẹ Những Niềm Đau; Đức Mẹ Khả Ái Starkenburg – Missouri

Tất cả những niềm đau của Đức Maria đều gắn liền với các đau khổ của Con Mẹ. Con Người Đau Khổ là con của Người Mẹ Khổ Đau. Ở đời này, nhiều nỗi đau buồn dày vò chúng ta, nhưng chắc hẳn phải có một thứ tự nào đó: trước tiên phải là nỗi đớn đau buồn ngày càng da diết vì các tội lỗi chúng ta. Đặc biệt là lúc lãnh nhận bí tích Hòa Giải, chúng ta phải giục lòng ăn năn về các tội lỗi.

Nỗi đau buồn khó chịu nhất là hoàn cảnh cha mẹ phải chịu vì các hành vi xấu của con cái, những điều mà họ không hề gây ra. Chúng ta phải cảm thấy đau buồn trước tất cả những sự dữ đang làm khốn nhân loại, bệnh tật, yếu đuối, bất lực của tha nhân. Ở đây, nỗi đau buồn của chúng ta phải hòa lẫn với lời cầu nguyện và nỗ lực trợ giúp họ trong cảnh thử thách. Chúng ta không thể chia sẻ những đau buồn với Đức Maria nếu như không chia sẻ những niềm vui của Mẹ: vui vì được sống bên Thánh Cả Giuse, vui vì Hài Nhi Mẹ cưu mang sẽ cứu độ nhân loại, vui vì vinh quang Chúa phục sinh và Mẹ được lên trời vinh hiển.

… một dủ lòng thương và nhậm lời con cùng. Amen.

Edwin G. Kaiser, C.PP.S.

Ngày 14: Đức Mẹ Fontevrault

Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, đã đứng dưới chân thập giá cùng với Gioan. Ngay sau khi trối Đức Maria làm mẹ của Gioan và chúng ta, Chúa Giêsu thì thào, “Mọi sự đã hoàn tất” và gục đầu trút hơi thở cuối cùng. Chúa Giêsu đã ban Đức Maria làm Mẹ chúng ta, để chúng ta có thể cầu xin Mẹ ban ơn giúp đỡ và noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ.

Đức Maria đã biết nỗi đau đớn của tang thương, cái day dứt vì cách biệt, sự trống vắng do mất mát. Đức Maria yêu thương chúng ta bởi vì Chúa Giêsu đã trao chúng ta cho Mẹ để làm con cái tinh thần của Mẹ.

… xin chớ bỏ lời con kêu xin,

Maurus Fitzgerald, O.F.M

Ngày 13: Maria Zell – Áo

Vào năm 1889, Đức Lêô XIII đã viết: “Giờ đây, hỡi chư huynh đáng kính, chư huynh biết thời buổi chúng ta đang sống. Đối với đạo thánh Kitô, thời buổi này cũng tồi tệ không kém những thời gian đầy dẫy tang thương cho Giáo Hội trong quá khứ. Chúng ta thấy đức tin, cội rễ của mọi nhân đức Kitô Giáo, đang suy yếu nơi nhiều linh hồn; chúng ta thấy đức ái ra nguội lạnh, thế hệ trẻ ngày càng suy đồi về luân lý và cách nhìn, Giáo Hội Chúa Kitô chịu tấn công từ mọi phía do các thế lực công khai hoặc mưu mô, một cuộc chiến không khoan nhượng dấy lên chống lại quyền bính giáo hoàng, và những nền tảng đạo thánh bị tấn công tàn bạo ngày càng dữ dội.”

Lời mô tả trên rất hợp với thời đại chúng ta. Những thế lực đen tối tìm cách công phá Thiên Chúa và đạo thánh. Bằng việc cầu nguyện, đặc biệt là kinh Mân Côi, các tín hữu có thể chiến đấu chống lại quỉ dữ trên thế giới ngày nay. Kinh Mân Côi là sức mạnh. Bạn hãy học cho biết mộ mến và cầu nguyện bằng kinh Mân Côi hằng ngày.

… là Mẹ Chúa Cứu Thế

Đức hồng y John J. Carberry

Ngày 12: Thánh Danh Maria

Hôm nay, chúng ta được nhắc cho biết thánh danh Maria nghĩa là “Sao Biển” và như thế, rất phù hợp khi được áp dụng cho Mẹ Đồng Trinh của Chúa Kitô. Đức trinh khiết của Mẹ Maria là ngôi sao tỏa sáng trước mặt Thiên Chúa và nhân loại.

Giáo Hội đọc trong kinh Nhật Tụng: “Vì vậy, Mẹ là ngôi sao rạng rỡ… hiện cao trên biển cả cuồng phong (cuộc đời), lấp lánh những công trạng và soi chiếu cho chúng con bằng gương sáng của Mẹ. Dù bạn là ai, khi thấy mình bị dập vùi giữa phong ba bão tố giữa những dòng nước dậy sóng thế gian này.. đừng bao giờ ánh mắt bạn lạc xa ngôi sao sáng tỏ này. Hãy nghĩ về Mẹ Maria, hãy réo gọi Mẹ Maria, hãy kêu cầu Mẹ Maria, để bạn cảm nhận nơi bản thân mình điều đã được xưng tụng một cách chính đáng: “Maria là thánh danh của Đức Trinh Nữ.”

Bằng những lời xinh đẹp của Giáo Hội, hôm nay, chúng ta hãy tìm sự trợ giúp và an ủi mà chúng ta cần thiết trong thời buổi thử thách và gian nan này.

Lạy Mẹ,

Đức ông James P. Conroy.

Ngày 11: Đức Mẹ Hildesheim

Những cuộc rước đèn đuốc và những đám đông trên đường phố thường là kết quả của một chiến thắng bóng đá, một cuộc đại hội, hoặc cuộc thăm viếng của một nhân vật danh tiếng nào đó. Đối với chúng ta ngày nay, khó mà tin được quyết định do một trong những công đồng Giáo Hội lại gây nên một sự hào hứng đến thế nơi dân chúng. Vào năm 431, khởi đầu là một người tại Ephesus đã reo lên một từ Hy lạp: Theotokos, “Mẹ Thiên Chúa.” Con tim các tín hữu reo vui vì sự nhất trí trong Giáo Hội. Giáo Hội xác quyết Chúa Kitô là Thiên Chúa, Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Dân chúng trên các đường phố reo vui vì tước hiệu ấy của Đức Maria đã có trong lòng họ trước rồi.

Tất cả đều gồm trong kinh Kính Mừng, như tất cả đã có trong các Phúc Âm và giáo huấn của Giáo Hội ngay từ buổi đầu. Trước tiên, chúng ta tôn vinh Mẹ là Đấng “Đầy Ơn Phúc” bởi vì “Thiên Chúa ở cùng Bà.” Rồi chúng ta lại đáp, như các tín hữu thời xưa, “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội.”

Xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi.

Đức Cha Paul J. Hallinan

Ngày 10: Đức Mẹ Tru

Tấm gương toàn hảo về nhân đức khiêm nhượng đã được sáng tỏ khi thánh nữ Elizabeth nói với Đức Maria về địa vị cá biệt và cao sang của Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và quả phúc của lòng em cũng được chúc phúc.”

Đức Maria đã không gắng gượng khước từ địa vị phi thường ấy, bởi vì – và đây là nhân đức khiêm nhượng – Mẹ đã không tự gán địa vị ấy cho mình. Mẹ tuyên xưng, “Linh hồn tôi ca ngợi Thiên Chúa… Đấng quyền năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu.”

Khiêm nhượng là vui tươi chấp nhận sự thật về mình, tin rằng tất cả những gì chúng ta có đều phát xuất từ Thiên Chúa. Chúng ta không có gì mà không do lãnh nhận. Khiêm nhượng thật không bao giờ tách rời sự tin tưởng hết lòng. Bởi vì tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa, nên niềm tin của chúng ta cũng không nên có một giới hạn nào.

… là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh,

 Eugene Boylan, O.C.S.O.

Ngày 9: Đức Mẹ Puy

Khi còn nhỏ, chúng ta rất thích các dịp sinh nhật. Đó là những ngày đặc biệt; chúng ta được nghe lại những ký ức hạnh phúc với những món quà, có thể còn có cả một bữa tiệc với những đặc ân đặc biệt. Ngay cả những năm về sau, chúng ta thấy nhiều người vẫn mừng dịp sinh nhật của họ.

Ngay từ thời sơ khởi, Giáo Hội đã mừng nhớ dịp sinh nhật Đức Maria, và đó là điều rất chính đáng. Ngày sinh của Đức Maria là một ngày hạnh phúc, bởi vì Mẹ đã được gìn giữ vẹn sạch ngay từ giây phút đầu tiên khi được tượng thai trong lòng thân mẫu. Đức Maria vẫn mãi mãi vô nhiễm tội và xứng đáng trở nên Mẹ Chúa Giêsu Kitô. Ngày sinh của Đức Maria đánh dấu bước cuối cùng trong việc chuẩn bị trần gian cho Đấng Cứu Độ sắp đến.

Nếu chúng ta mừng sinh nhật của mình, chúng ta còn có lý biết bao để mừng và cám tạ Thiên Chúa về sinh nhật của Đức Maria.

dưới chân Đức Mẹ

Đức cha Albert R. Zuroweste

Ngày 8: Sinh Nhật Đức Maria

Ngày lễ hôm nay mừng sinh nhật của người nữ cao trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Mặc dù Lời Chúa không đề cập về ngày sinh hoặc ngày qua đời của Đức Maria, nhưng chúng ta biết, trước ánh mắt nhân loại, ngày này đã đem đến Người Nữ được Tiền Định để làm Mẹ Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ thế giới. Thánh Joachim và thánh nữ Anna, song thân của Mẹ, được tôn vinh như những đấng thánh. Bà Elizabeth và ông Zachary là những bà con của Mẹ. Hôm nay, Chúa Cha trên trời nhìn xuống hài nhi này, người sẽ trở nên Mẹ của Người Con Một Hằng Hữu của Người.

Việc kỷ niệm dịp sinh nhật này phải nói lên ý nghĩa của tất cả vẻ đẹp nơi thiên chức làm mẹ, một ý nghĩa đáng yêu của bổn phận xinh đẹp huấn luyện và giáo dục con cái. Công việc của thánh nữ diễm phúc Anna thật thú vị khi được chăm sóc, may mặc, nuôi nấng, dạy tập đi, dạy cầu nguyện cho trẻ Maria, bởi vì con trẻ này rồi sẽ trở nên Mẹ của toàn thể nhân loại trong và với Người Con của mình. Không ai đã học cầu nguyện được như trẻ Maria.

Hôm nay, toàn thể nhân loại cầu nguyện cùng Con Trẻ ấy trong tư cách Mẹ Thiên Chúa.

… chạy đến sấp mình

Edwin G. Kaiser, C.PP. S.

Ngày 7: Đức Mẹ Zykrowic – Ba Lan

Ngày mai, phụng vụ Giáo Hội mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria. Vì Chúa Kitô đã ban Đức Maria làm mẹ tất cả chúng ta – “Hỡi con, này là Mẹ con” – nên việc mọi con cái nam nữ đón mừng sinh nhật của Mẹ là điều phải lẽ.

Những lời chúc mừng sinh nhật của chúng ta, theo thiển ý, tốt nhất nên được diễn tả bằng những lời quen thuộc mà sứ thần đã nói khi tuyên bố Đức Maria sẽ là Mẹ Thiên Chúa: “Kính mừng Maria, Đầy Ơn Phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được diễm phúc hơn mọi phụ nữ.” Vì thế, hôm nay, chuỗi Mân Côi sẽ mang một ý nghĩa rất đặc biệt; Mẹ Maria sẽ quan tâm và trân trọng tình yêu của chúng ta dành cho Mẹ. Việc mừng sinh nhật Đức Maria tự nhiên sẽ đưa gia đình Chúa đến với bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Con Thiên Chúa đã dọn sẵn và mời gọi tất cả chúng ta. Lạy Mẹ Maria, xin chúc mừng sinh nhật Mẹ!

… con lấy lòng trông cậy than van

Joseph F. Hogan, S.J.

Ngày 6: Đức Mẹ Guadalupe – Tây ban nha

Vương quyền Chúa Kitô có hai nguyên lý nền tảng: quyền tự nhiên do ngôi vị thần linh của Người và quyền thủ đắc qua công trình Người đã thực hiện để cứu độ nhân loại.

Tương tự, vương quyền Đức Maria có nền tảng là thiên chức thánh mẫu và địa vị Đồng Công Cứu Chuộc. Mẹ là Nữ Vương khi chào đời, đầy ơn thánh, được ưu tuyển làm mẹ Vua các vua để cộng tác với Người trong việc thiết lập vương quốc Thiên Chúa trên trần gian.

Thật ý nghĩa khi bức chân dung do Mẹ Maria – đích thân ban cho nhân loại – lại mang dáng vẻ vương đế, như lời thánh Gioan đã mô tả trong sách Khải Huyền. Đó là bức hình Đức Mẹ Guadalupe Mẹ ban qua thánh Juan Diego tại thành phố Mexico vào năm 1531.

Nhân vì sự ấy,

Ricardo Colin, M.G.

Ngày 5: Đức Mẹ Những Cánh Rừng – Pháp

Sự kiện Đức Maria hiện ra tại Lộ đức gợi lại nhân đức khiêm nhượng. Những lần hiện ra ấy đã thúc giục Bernadette trung thành noi gương thánh thiện của Mẹ. Theo bước chân Mẹ Maria là sống một đời ẩn khuất trong Thiên Chúa. Đó là việc thông phần nhân đức khiêm nhượng của Mẹ.

Khiêm nhượng là gì? Khiêm nhượng là một nhân đức đáng yêu. Người khiêm nhượng nhìn nhận họ cần đến Thiên Chúa và tha nhân. Họ nhìn nhận những phúc lành và ân huệ Chúa ban. Bất kỳ tài năng nào họ có, họ biết đều là ân huệ Chúa ban. Bất kỳ thành công nào họ đạt được, họ biết đều phát xuất từ Thiên Chúa và nhờ sự trợ giúp của tha nhân. Họ có thể thành thực nói như thánh Phaolô: “Nhờ ơn Chúa, tôi mới được như vầy.” Mẹ Maria đã tuyên xưng: “Đấng Quyền Năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu.”

Khiêm nhượng là một nhân đức Kitô Giáo đi liền với sáng kiến, năng lực và sáng tạo. Thiên Chúa ban những ân huệ nhằm thiện ích cho chúng ta và tha nhân.

… mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời.

Marie Layne

Ngày 4: Đức Mẹ Koden, Ziemia Lubelska – Ba Lan

Khi điêu khắc bức tượng danh tiếng Pieta, Michelangelo đã trình bày Mẹ Đồng Trinh trong tư thế ngồi, bồng thân xác bất động Con Chí Thánh của Mẹ trên tay. Gương mặt của Mẹ âu sầu, nhưng rạng ngời uy nghi. Thánh đức là ở chỗ đó, và sức mạnh cũng tràn đầy ở đó. Mẹ Maria đã trải qua một ác mộng khi Chúa chịu đóng đinh thập giá; tuy nhiên, Mẹ vẫn không quị ngã.

Một cơn choáng hoặc một tai ương kinh hoàng có thể xảy đến với chúng ta vào một thời điểm nào đó trong đời chúng ta. Nếu những thảm họa đã xảy đến cho người khác, thì ai dám nói mình lại được thoát? Trong lúc thảm sầu hoặc khủng hoảng, chúng ta cần sức mạnh để đứng vững, không chỉ vì bản thân, mà còn vì những người lệ thuộc vào chúng ta nữa.

Bạn hãy nhớ trong giờ thống khổ, Mẹ Đồng Trinh đã không sụp đổ. Thánh Ký ghi, “Đứng kề thập giá Chúa Giêsu có Đức Maria, Mẹ Người.” Bạn hãy chuẩn bị để đứng kề bên thập giá.

… xin bầu chữa cứu giúp

Edwin R. Mc Devitt, M.M.

Ngày 3: Đức Mẹ Mục Tử Nhân Lành

Thật là một mô hình tuyệt hảo! Khi Chúa Kitô lên trời, một đám mây che khuất Người đi, chúng ta có thể tưởng tượng một lòng mến như thế nào đã trào tràn nơi Người Mẹ của Chúa từ phía những người đã được chứng kiến Chúa lên trời và những người biết Mẹ đã từng sống bên Chúa trên trần gian.

Hãy xét xem, Đức Maria chắc chắn là một mẫu gương tuyệt hảo cho những người “lòng trí luôn luôn hướng về những sự trên trời.”

Hôm nay chúng ta thấy Đấng chiến thắng sự chết cho đến muôn đời là Chúa Kitô đã lên trời; chúng ta nài xin Mẹ Maria dạy chúng ta biết sống một cuộc đời như Mẹ, vượt trên những sự trần thế, giao tiếp với trời cao, sống bằng Mình Máu Chúa Kitô, cho đến khi được đón nhận vào thiên đàng, quê hương của chúng ta, muôn đời bên Thiên Chúa.

… chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ

Albert A. Murray, C.S.P.

Ngày 2: Đức Mẹ Ebron – Đức

Khoa nghiên cứu Thánh Kinh hiện đại giúp chúng ta nhận thức về sự hiện diện của Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô, trong Thánh Kinh hơn bao giờ hết. Về vấn đề đọc Thánh Kinh, trong Giáo Hội Công Giáo không còn thấy thái độ “không biết, không cần” nữa. Các anh em kitô khác cũng đã tìm hiểu Đức Maria trong Thánh Kinh.

Mẹ Chúa Kitô là sự trung gian cần thiết giữa các tín hữu Công Giáo và các tín hữu Kitô khác. Thông thường, ngôn từ sẽ không có ý nghĩa nếu như lòng trí xa lệch mục đích tinh thần. Mẹ Chúa Giêsu là nhân tố có thể sửa sai, chữa lành và liên kết các mục đích chung trong lý tưởng Kitô cao quí.

Vai trò Đức Maria trong Giáo Hội Công Giáo và các giáo hội Kitô khác có thể đem lại phúc lành, ơn thánh và đức ái, trong khi liên kết các tư tưởng và hoạt động qui hướng về sứ điệp của Chúa Kitô, Con yêu dấu của Mẹ.

… xin hãy nhớ xưa nay,

John Julius Fisher

Ngày 1: Đức Mẹ Vườn Olive

Ein Karem là một ngôi làng nhỏ bé gần Jerusalem, trồng nhiều nho và olive. Tại đây, ông Zachary và bà Elizabeth đã sống nhiều năm trong cảnh không con. Khi được mang thai Gioan Tẩy Giả lúc tuổi già, bà Elizabeth ca ngợi Thiên Chúa vì đã cất đi nỗi tủi nhục son sẻ của bà giữa người đời.

Còn phản ứng của ông Zachary thì sao? Ông đã hoài nghi khi thiên thần đến báo tin vui, vì thế, ông đã bị phạt câm cho đến ngày đặt tên cho con là Gioan. Khi Đức Maria đến Ein Karem để chia sẻ tin mừng cho bà Elizabeth, thai nhi Gioan đã nhảy mừng trong lòng thân mẫu.

Chúng ta đón nhận sứ điệp Chúa Kitô như thế nào? Chúng ta có nghi ngờ tin mừng ấy và câm nín mãi không? Hoặc chúng ta ca ngợi Thiên Chúa vì đã chỉ cho chúng ta con đường sống một cuộc đời sung mãn trên trần gian?

Kinh Hãy Nhớ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ,

Đức ông John G. Nolan

***

QUA MẸ MARIA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU là chủ đề chính của hợp tuyển tuyệt vời này, gồm các bài viết và tư tưởng thiêng liêng về Đức Trinh Nữ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta. Với 366 bài suy niệm hằng ngày của các văn sĩ, tác giả và học giả hàng đầu thế giới, Ngày Ngày Với Mẹ Maria đem đến những đề mục hay nhất tuyển lọc từ sưu tập 25 năm của tập san My Daily Visitor (Khách Mỗi Ngày của Tôi). Ở đây, chúng tôi chỉ xin đan cử một số cộng tác viên: Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen, Dale Francis, Đức Hồng Y John Carberry, Đức Hồng Y Richard Cushing, Đức Pius XI, Eileen T. Duffy và cha Patrick Peyton. Một điểm đặc biệt nữa là “Lịch Thánh Mẫu” với 366 tựa đề riêng biệt qui về Đức Mẹ Maria, và được cẩn thận liên kết với mỗi đề mục. Ngày Ngày Với Mẹ Maria đem đến cho độc giả một nhãn giới tân kỳ hấp dẫn về văn chương Thánh Mẫu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *