Chân phước James Miller, một cuộc đời dành cho giới trẻ và dân nghèo

2019.11.13 James Alfred Miller
Thứ Bảy ngày 07/12/2019, thầy James Miller dòng Lasan, bị sát hại tại Guatemala 36 năm trước, đã được phong chân phước tại nơi thầy đã hy sinh phục vụ người dân nghèo cho đến hy sinh mạng sống.

Audio

Thánh Gioan Baotixita Lasan đã nói với một trong những sư huynh đầu tiên của dòng Lasan: “Trao ban cho đến ngay cả sự sống, và phải yêu thương hết lòng những người trẻ được trao phó cho anh em.” Sư huynh James Miller đã sống tròn đầy sứ mạng phục vụ người trẻ và dâng hiến sự sống cho Thiên Chúa và cho các thế hệ mới bằng cái chết tử đạo của mình.

Tiểu sử

James Miller sinh ngày 21/09/1944, trong một gia đình nông dân người Mỹ ở Ellis, gần Stevén Point, bang Wisconsin, Hoa Kỳ. Là con đầu lòng trong gia đình có 5 người con, Miller lớn lên trong bầu khí lành mạnh, lao động, được hướng dẫn bởi các giá trị tôn giáo truyền thống. Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, Miller theo học trường trung học Công giáo Pacelli và tại đây cậu lần đầu gặp gỡ các sư huynh dòng Lasan. Mặc dù dự định sẽ trở thành linh mục, nhưng tháng 09/1959, Miller đã gia nhập dòng các sư huynh Lasan do bị thu hút bởi hoạt động tông đồ trong môi trường giáo dục của dòng.

Sau khi khấn dòng, thầy Miller học tại đại học Saint Mary ở Winnona và đậu cử nhân ngôn ngữ Anh và Tây Ban Nha. Ngay sau đó thầy được gửi về Stevens Point dạy học tại trường trung học ở Minnesota.

 

Sứ vụ truyền giáo

Ba năm sau, năm 1969, thầy Miller được khấn trọn đời và được gửi đến Bluefields, nước Nicaragua. Như thế là thầy được tròn nguyện ước truyền giáo tại Trung Mỹ. Năm 1974, thầy được chuyển đến Puerto Cabezas, cũng ở Nicaragua, và trở thành giám đốc một trường học. Trong 5 năm thầy Miller ở đó, số học sinh đăng ký học tại trường gia tăng gấp đôi. Thầy cũng khởi xướng xây thêm 10 trường trong vùng.

Năm 1979, vì tình hình chính trị bất an ở Nicaragua, với cuộc cách mạng của mặt trận dân tộc giải phóng do Sandino lãnh đạo chống lại sự chiếm đóng của Hoa Kỳ tại Nicaragua, lật đổ chính phủ Somoza mà thầy Miller đang làm việc, bề trên lo ngại cho sự an ninh của thầy nên đã gọi thầy trở về Mỹ. Dù nhận biết tình trạng bạo lực đang gia tăng xung quanh mình nhưng thầy Miller không sợ hãi.

Vì người nghèo

Tháng 01/1981, thầy Miller lại được gửi đến Trung Mỹ, nhưng lần này là đến vùng Huehuetenango ở Guatemala. Tình hình chính trị tại nước này khi đó rất khó khăn. Giữa những người da trắng và thổ dân có sự xung đột căng thẳng. Tại đây thầy Miller đã dạy học ở trường cho người thổ dân và làm việc tại trung tâm dạy kỹ thuật nông nghiệp thực nghiệm cho người thổ dân Maya. Trung tâm dạy cho 150 thiếu niên từ các khu vực nghèo khổ ở miền quê và đồi núi, giúp cho các em vừa theo học chương trình học vừa học về nông nghiệp. Các kỹ năng này rất hữu ích cho những người nghèo bản địa, những người đã bị các tập đoàn giàu có mua hết đất của họ trong những năm trước, và đang phải cố gắng canh tác trên những đồi núi.

Không sợ nguy hiểm

Tháng 11 năm 1981, thầy Miller trở về Minnesota để giải phẫu đầu gối. Người thân của thầy cố gắng thuyết phục thầy đừng trở lại Guatemala nhưng tin rằng mình có thể giúp ích cho các người trẻ nước này, đầu năm 1982 thầy Miller đã trở lại nơi truyền giáo của mình.

Ngày 10/02, người ta báo cho thầy biết có một nhóm âm mưu sát hại thầy và điều đó đã xảy ra vào ngày 13/02/1982. Khi thầy Miller đang sửa chữa lại bức tường của trường học, thầy đã bị bắn 3 phát đạn vào lưng và qua đời ngay lập tức, khi mới chỉ 37 tuổi.

Giáo hội đang bị bách hại vì lựa chọn của mình vì người nghèo

Một tháng trước khi bị sát hại, thầy Miller viết trong một lá thư: “Cá nhân tôi rất mệt mỏi với bạo lực, nhưng tôi tiếp tục cảm thấy dấn thân mạnh mẽ đối với người nghèo khổ ở Trung Mỹ… Giáo hội đang bị bách hại vì lựa chọn của mình vì người nghèo. Nhận thức được vô số nguy hiểm và khó khăn, chúng tôi tiếp tục làm việc với niềm tin và hy vọng và tin tưởng vào sự Quan phòng của Thiên Chúa.”

Thầy Miller viết thêm: “Tôi đã là tu huynh của các dòng Lasan gần 20 năm nay và dấn thân để ơn gọi của tôi ngày càng thêm mạnh mẽ hơn trong công việc của tôi ở Trung Mỹ. Tôi cầu xin Chúa ban ơn và sức mạnh để phục vụ Người một cách trung thành giữa những người nghèo và bị áp bức ở Guatemala. Tôi đặt sự sống của tôi trong sự Quan phòng của Người. Tôi tin tưởng vào Người.”

Dù cho bầu khí sợ hãi và bạo lực lan tràn, đã có gần 2000 người tham dự tang lễ của thầy tại Trung tâm thổ dân. Sau đó thi hài thầy được đưa về Hoa Kỳ an táng tại Wisconsin. Chiếc áo choàng trắng của thầy dính đầy bùn đất vì tất cả nông dân tham dự tang lễ của thầy ở Guatemala muốn chạm vào thầy để tỏ lòng tôn kính.

Hồng Thủy – Vatican

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *