Thánh lễ tại nhà nguyện Marta 12.03.2020: Thờ ơ, vực thẳm và bi kịch của người giàu

Trong thánh lễ sáng 12.03.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho những nhà cầm quyền, những người chịu trách nhiệm đưa ra quyết định về đại dịch virus corona. Ngài cũng kêu gọi mọi người đừng quên những người khốn khó, những trẻ em đang chịu đói khát và những ai đang phải trốn chạy vì chiến tranh.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục đồng hành với chúng ta trong thời khắc khó khăn này của đại dịch corona. Ngài đã dâng Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta dâng kính Chúa Thánh Thần. Trong phần đầu lễ, ngài đặc biệt mời gọi cầu nguyện cho các cấp chính quyền.

Cầu nguyện cho những nhà cầm quyền

Trong thời điểm đại dịch này, chúng ta tiếp tục cùng cầu nguyện cho các bệnh nhân, cho các thành viên gia đình, cho các cha mẹ có con cái ở nhà … Nhưng trên hết, tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho các cấp chính quyền, những người phải quyết định và nhiều lần phải đưa ra các biện pháp không theo ý thích của mọi người, nhưng vì lợi ích chung của chúng ta. Và nhiều khi, họ cảm thấy đơn độc. Chúng ta cầu nguyện cho những người cai trị đất nước để họ luôn cảm thấy rằng họ luôn được những lời cầu nguyện của người dân đồng hành.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha tập trung vào đoạn Tin Mừng về anh Lazaro nghèo khó và ông phú hộ. Ngài khuyên chúng ta đừng thờ ơ với những bi kịch cuộc đời của những người khốn khó, đặc biệt là các trẻ em, những người đang phải chịu đói khát, hay những ai đang phải trốn chạy chiến tranh mà trước mắt chỉ thấy những bức tường.

Ông nhà giàu và anh Lazaro

Dụ ngôn của Chúa Giêsu hôm nay rất rõ ràng, thậm chí, nó giống như câu chuyện cho trẻ em: nó rất đơn giản. Chúa Giêsu muốn chỉ ra rằng đây không chỉ là một câu chuyện, mà có lẽ đây là cách mà toàn nhân loại đang sống, và tất cả chúng ta đều sống như thế. Có hai người đàn ông, một người sống thoải mái, biết cách ăn mặc sao cho đẹp, có lẽ ông cũng đang tìm những nhà tạo mẫu nổi tiếng thời bấy giờ. Ông mặc những bộ quần áo đắt tiền. Và mỗi ngày, ông đi đến những bữa tiệc sang trọng. Ông hạnh phúc vì cuộc sống của mình như thế. Ông không phải lo lắng gì cả. Ông thậm chí còn thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bệnh tật, với những viên thuốc chống tăng lượng cholesterol để giữ cuộc sống ổn định. Mọi thứ thật sự bình yên.

Trước cửa nhà của ông, có một người đàn ông tội nghiệp: anh được gọi là Lazaro. Ông biết có một người nghèo ở đó: ông biết điều đó. Nhưng với ông, điều đó dường như là hiển nhiên và bình thường: “Cuộc sống là thế mà.” Và cùng lắm thì, – dù Tin Mừng không nói đến – thỉnh thoảng, ông cho chàng trai nghèo kia một vài thứ, những mẩu bánh vụn.

Cái kết không tránh khỏi

Và cứ thế, cuộc đời của hai con người ấy trôi qua và trôi qua. Cả hai đều phải tuân theo quy luật làm người, đó là cái chết. Người giàu có chết và anh Lazaro cũng chết. Tin Mừng nói rằng Lazaro đã được đưa lên Thiên đàng, ở trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham … Còn với người giàu có, Tin Mừng chỉ nói: “Ông đã được chôn cất”. Chấm hết. Và kết thúc như thế.

Hố thẳm lớn

Có hai điều đáng chú ý: thực tế cho thấy ông nhà giàu biết rằng có người nghèo ấy và ông biết tên anh là Lazaro. Nhưng nó không thành vấn đề. Và có lẽ ông nhà giàu cũng tiếp tục công việc của ông, đôi khi đi ngược lại với lợi ích của người nghèo. Ông biết rõ điều đó, và ông được nói cho biết về thực tế này.

Và điều thứ hai khiến tôi rung cảm rất nhiều đó là từ “vực thẳm lớn” – từ mà Áp-ra-ham nói với ông nhà giàu: “giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.” Đó là cũng chính là vực thẳm giữa ông nhà giàu và anh Lazaro trong cuộc sống trần thế của họ: vực thẳm không bắt đầu sau đó, vực thẳm bắt đầu từ ngay cuộc sống này.

Bi kịch của sự thờ ơ

Tôi nghĩ về bi kịch của cuộc đời ông nhà giàu: bi kịch ấy chính là việc ông biết rất nhiều thông tin, nhưng lại để con tim khép kín. Thông tin mà ông biết không đến được với trái tim ông. Ông đã không rung động trước những bi kịch của người khác. Thậm chí, ông đã chẳng nói với cậu bé hầu bàn trong nhà mình rằng hãy đem cái này cho anh ta, đem cái kia cho anh ta. Những thông tin ấy không đến được với con tim ông.

Điều này cũng xảy ra với mỗi người chúng ta. Chúng ta nghe tin tức trên báo đài và truyền hình và chúng ta đều biết rằng ngày nay, trên thế giới, có rất nhiều trẻ em đang bị đói; đang thiếu thuốc men cần thiết; và rất nhiều trẻ em không thể đến trường tại các châu lục khác nhau. Chúng ta nghe biết những điều này và thốt lên: “Ôi! Nghèo quá, thật tội nghiệp”… và rồi, chúng ta tiếp tục cuộc sống của riêng mình.

Những thông tin ấy không vào được trái tim của chúng ta. Nhiều nhóm người sống tách biệt giữa những điều họ nghĩ, những gì họ biết và những gì điều họ cảm: trái tim tách rời tâm trí. Họ thờ ơ, vô cảm. Giống như ông nhà giàu, ông thờ ơ với nỗi đau của Lazaro. Vực thẳm của sự thờ ơ là có thật.

“Toàn cầu hóa thờ ơ”

Khi tôi đến Lampedusa lần đầu tiên, có một từ đã làm tôi chú ý: “toàn cầu hóa thờ ơ” (chứ không phải toàn cầu hóa kinh tế). Có lẽ trong những ngày này, tại Roma, chúng ta đang lo lắng vì “dường như các cửa hàng đều đã đóng cửa, tôi phải đi mua cái này, cái khác, rồi tôi không thể đi dạo mỗi ngày và v.v… “. Tôi bận tâm về những vấn đề của tôi. Và chúng ta quên đi những trẻ em đang đói khát, chúng ta quên đi những người nghèo đang ở biên giới các nước, họ đang tìm kiếm tự do, những người bị buộc phải di cư, chạy trốn khỏi đói khát, khỏi chiến tranh, nhưng họ chỉ thấy những bức tường trước mặt, những bức tường làm bằng sắt, những bức tường làm bằng dây thép gai, những bức tường không cho phép họ đi qua. Chúng ta biết điều này đang xảy ra, nhưng nó không đi vào con tim của chúng ta… Chúng ta sống thờ ơ. Đây chính là vực thẳm: vực thẳm của sự thờ ơ.

Những người giàu vô danh

Và có một điều khác khiến chúng ta phải chú ý. Chúng ta biết tên của anh người nghèo: tên anh là Lazaro. Ông nhà giàu cũng biết điều đó. Dưới âm phủ, khi chịu cực hình, ông đã xin tổ phụ Áp-ra-ham làm cho ông vài điều. Ông nhận ra anh ở đó. Nhưng chúng ta không biết tên của ông nhà giàu. Tin Mừng không cho chúng ta biết tên của người đàn ông này là gì. Ông không có tên. Nói đúng hơn, ông đã bị mất tên. Cuộc đời ông gắn liền với những tính: giàu có, quyền lực,… và rất nhiều tính từ khác. Đó là những điều thói vị kỷ khiến cuộc đời chúng ta mất đi bản sắc thực sự, mất đi tên của mình và đưa chúng ta đến việc coi trọng các tính từ. Tinh thần thế gian giúp chúng ta trong việc này. Chúng ta rơi vào văn hóa của tính từ, văn hóa mà giá trị của bạn là những gì bạn có, những gì bạn có thể…, chứ không phải “tên bạn là gì?”. Sự thờ ơ dẫn đến điều này: đánh mất tên của mình. Rốt cục, họ chỉ còn nói rằng chúng ta là những người giàu, chúng ta là những người này, người kia. Chúng ta là những tính từ.

Và Đức Thánh Cha kết thúc với lời cầu nguyện: “Hôm nay chúng ta cùng cầu xin Chúa ban ân sủng, để chúng ta không rơi vào tình trạng thờ ơ. Chúng ta xin ân sủng để tất cả những thông tin về những đau khổ của người khác mà chúng ta biết, đi vào con tim của chúng ta và thúc đẩy chúng ta làm điều gì đó cho người khác.”

Trần Đỉnh, SJ – Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *