Video: Mẹ bề trên tốt lành phải ra tòa vì lòng thương xót

1. Trò đời trớ trêu: Mẹ bề trên tốt lành phải ra tòa vì lòng thương xót

Vì lòng thương xót mà phải ra hầu tòa, đó là một câu chuyện thật trớ trêu vừa xảy ra đối với một nữ tu là bề trên tu viện nữ Biển Đức. Thông tấn xã Công Giáo Đức KNA vừa cho biết như trên.

Việc xử phạt sơ bề trên không phải chỉ là xử phạt một cá nhân nhưng tầm vóc của câu chuyện có thể trở thành một trường hợp mang tính bước ngoặt trong việc xác định xem việc các Giáo Hội tại Đức cung cấp nơi tị nạn trong các cơ sở của mình có thể coi là hành vi phạm tội cung cấp nơi cư trú bất hợp pháp hay không. KNA báo cáo rằng chuyện này cuối cùng có lẽ phải nhờ đến sự can thiệp của Tối Cao Pháp Viện.

Mẹ Mechthild Thurmer bị cáo buộc đã cho những người phụ nữ xin tị nạn được cư trú trong tu viện của mình tại thị trấn Kirchschletten trong miền Bavaria hơn 30 lần. Phiên tòa tại quận Bamberg được dự trù vào giữa tháng 7 đã bị hủy bỏ vì thẩm phán muốn chờ đợi một cáo buộc của công tố viện có sức thuyết phục hơn, và có thể chống lại được sơ bề trên, một phát ngôn viên của tòa án nói với KNA.

“Tôi đã hành động theo tinh thần Kitô giáo, ” Mẹ bề trên Mechthild Thurmer, năm nay 62 tuổi nói. “Tôi không thể nào hiểu được tại sao cung cấp sự giúp đỡ cụ thể cho một người đang quẫn bách lại có thể là một tội phạm.”

Cho đến nay, các nhà chức trách ở Bavaria hầu hết đã mắt nhắm mắt mở lờ đi các thủ tục tố tụng chống lại những người cho tị nạn trong các nhà thờ và tu viện, và thực tế là chưa hề áp dụng hình phạt nào. Trong một vài trường hợp, họ đề nghị đóng tiền phạt thay vì phải ra tòa. Nếu bị cáo đồng ý, vấn đề được kết thúc, mặc dù án lệ vẫn không phải là một sự tha bổng.

Franz Bethauser, luật sư của Mẹ Mechthild, từ lâu đã hy vọng có thể làm rõ vấn đề cơ bản của hệ thống tư pháp để mang lại cho mọi người sự chắc chắn về mặt pháp lý.

KNA cho biết phiên điều trần ở Bamberg sẽ không chỉ là về Mẹ Mechthild. Nó cũng nói về việc thỏa thuận vào năm 2015 giữa các Giáo Hội và chính phủ về việc cung cấp nơi tị nạn có còn hiệu lực hay không. Theo thỏa thuận đó, các nhà chức trách công nhận quyền tị nạn trong khi đơn xin tị nạn cá nhân đang được cứu xét, với điều kiện là người đó không được chạy trốn.

Tòa án quận Freising phán quyết vào năm 2018 rằng chừng nào nhà nước chưa đưa ra phán quyết yêu cầu người tị nạn phải rời khỏi đất nước, các cơ sở của Giáo Hội cung cấp nơi tị nạn không thể bị trừng phạt.

Bộ trưởng Nội vụ Bavaria Joachim Herrmann kêu gọi cảnh sát và cơ quan nhập cư bám sát đường dây này nhưng không được trực tiếp trục xuất người tị nạn khỏi các nhà thờ. Tuy vậy, cho đến nay, những người xin tị nạn và những người cung cấp chỗ ở cho họ không có một bảo đảm pháp lý nào, và do đó không có chút an ninh nào trong vấn đề này.


Source:The Catholic Universe

2. Sóng gió tại Ý sau khi một linh mục chứng hôn cho một cặp đồng tính

Một linh mục đã từ chức cha sở giáo xứ sau khi ngài thực hiện một nghi thức chứng hôn dân sự cho một cặp đồng tính tại tòa thị chính của thị trấn Sant’Oreste của Ý. Vụ này đã gây nên một làn sóng phản đối rất lớn tại Ý.

Theo dự kiến, vị linh mục này sẽ không thi hành các thừa tác vụ công khai ít nhất là trong một năm nữa. Nhiều kiến nghị đòi hỏi vị linh mục này phải bị huyền chức vì công khai chống lại giáo huấn căn bản của Giáo Hội.

Vào ngày 11 tháng 7, Cha Emanuel Moscatelli đã chủ sự một buổi lễ, trong đó hai người phụ nữ, là những người bạn của vị linh mục, đã ký kết hôn nhân dân sự, trong một buổi lễ được mô tả trên truyền thông Ý là một đám cưới.

Vị linh mục đã không mặc trang phục phụng vụ, thay vào đó là một chiếc khăn lễ nghi màu đỏ, trắng và xanh lá cây, thường được các thị trưởng và các quan chức dân sự Ý khác mặc khi cử hành các buổi lễ dân sự. Cha Moscatelli được Valentina Pina, thị trưởng của thị trấn, ủy quyền để thực hiện buổi lễ này.

Tin tức về buổi lễ được hãng thông tấn Ý ADN Kronos đưa tin đầu tiên vào ngày 20 tháng 7 và đã lập tức gây nên một làn sóng phản đối dữ dội. Cùng ngày, Đức Cha Romano Rossi của giáo phận Civilita đã nói chuyện với vị linh mục này và tuyên bố rằng vị linh mục đã tự nguyện từ chức cha sở của giáo xứ Thánh Lôrensô tại thị trấn Sant’Oreste.

Trong một tuyên bố được công bố vào ngày 20 tháng 7, Đức Cha Rossi nói rằng ngài đã gặp cha Moscatelli vào ngày 14 tháng 7 và vị linh mục đã đồng ý từ chức cha sở của mình một cách tự nguyện. Đức Cha cũng yêu cầu cha Moscatelli ngưng các thừa tác vụ công khai trong một năm để có một thời gian suy tư hợp lý để lấy lại sự rõ ràng và niềm vui trong chức vụ linh mục của mình trong thực tế cụ thể của thế giới ngày nay.

Đức Cha Rossi nói với trang tin tức La Nuova Bussola của Ý rằng “Cha Emanuel bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào Giáo hội trong tư cách là mẹ và vào giám mục của mình, và hoàn toàn chấp nhận kế hoạch mà tôi sẽ đề xuất.”

Ngài nói thêm: “Tôi đã làm cho ngài hiểu được mớ hỗn độn mà ngài đã gây ra. Tôi nghĩ có thể trong một số trường hợp yếu đuối, tình bạn hay sự bốc đồng nhất thời mà ngài đã làm ra chuyện này, nhưng cử hành một kết hiệp dân sự đồng tính như thế là quá đáng.”

“Bây giờ nhiệm vụ của tôi là giúp vị linh mục này nhìn rõ bên trong tâm hồn chính mình. Và sau đó khởi động lại cuộc đời linh mục của mình trên những nền tảng mới, tôi tin rằng vẫn còn có cơ hội để sửa chữa sau sai lầm mà ngài đã gây ra. Dù sao đi nữa, chúng ta hãy dành ra một năm để xem sao.”

Trong tuyên bố ban đầu của ngài, Đức Cha Rossi nói rằng ngài muốn truyền đạt cho cha Moscatelli, một sự rõ ràng ở cấp độ giáo lý, và sự hiệp thông trên bình diện mục vụ, trong thời kỳ vị linh mục này không được thi hành các thừa tác vụ công khai.

Hôn nhân đồng giới không được công nhận là hợp pháp tại Ý, nhưng các kết hiệp dân sự đồng giới được coi là hợp pháp kể từ năm 2016, và thường được ký hợp đồng dân sự – không có giá trị hôn nhân – trong các nghi lễ giống như lễ cưới.

Đến nay, vẫn chưa rõ liệu vị linh mục này có phải đối mặt với một hình phạt giáo luật hoặc bị xét xử theo điều 1369 của Bộ luật Giáo luật hay không.

Ðiều 1369 nói rằng: “Ai, trong buổi trình diễn công cộng, hay trong buổi đại hội, hay trong bài viết phổ biến cho công chúng, hay dùng phương tiện truyền thông xã hội khác mà nói lộng ngôn phạm thượng, hoặc xúc phạm nặng nề đến thuần phong mỹ tục, hoặc nguyền rủa hay khích động lòng thù ghét hay khinh bỉ tôn giáo hay Giáo Hội, phải bị phạt hình phạt xứng đáng.”

Giáo luật 1369: “Ai, trong buổi trình diễn công cộng, hay trong buổi đại hội, hay trong bài viết phổ biến cho công chúng, hay dùng phương tiện truyền thông xã hội khác mà nói lộng ngôn phạm thượng, hoặc xúc phạm nặng nề đến thuần phong mỹ tục, hoặc nguyền rủa hay khích động lòng thù ghét hay khinh bỉ tôn giáo hay Giáo Hội, phải bị phạt hình phạt xứng đáng.”

Theo tờ La Nuova Bussola, Giáo Hội Công Giáo dạy rằng các hành vi đồng tính luyến ái là tội lỗi trái ngược với sự khiết tịnh. Cha Moscatelli, lẽ ra trong tư cách một người bạn phải thực thi nghĩa vụ của bất cứ một người Công Giáo nào là phải lấy lời lành mà khuyên người. Cha Moscatelli đã không làm như thế nhưng công khai chống lại giáo huấn của Giáo Hội.

Giáo Hội dạy rằng những người đồng tính nam hay đồng tính nữ nên được tôn trọng, cảm thông và nhạy cảm, và không nên bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, năm 2003, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã khẳng định rằng “sự tôn trọng người có khuynh hướng đồng tính luyến ái không thể nào dẫn đến việc tán thành các hành vi đồng tính luyến ái hoặc công nhận hợp pháp các kết hiệp đồng tính.”

“Trong những tình huống mà các kết hiệp đồng tính đã được công nhận về mặt pháp lý hoặc đã được trao cho tư cách pháp lý và các quyền thuộc về hôn nhân, sự phản đối rõ ràng và dứt khoát là một nghĩa vụ. Ta phải tránh mọi sự hợp tác trong việc áp dụng các luật bất công nghiêm trọng đó. Trong lĩnh vực này, mọi người đều phải thi hành quyền phản đối lương tâm.”


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *