Làm phép nhà thờ giáo họ Cổ Loan: Điểm loan báo Tin Mừng mới trên vùng đất cổ Ninh Bình

“Anh chị em trong giáo họ Cổ Loan, bây giờ đã chính thức được thành lập giáo họ rồi, thì hãy nhiệt tình đóng góp công sức của mình vào để xây dựng giáo họ ngày càng phát triển thêm”.

Đó là lời nhắn nhủ của Đức TGM Giuse, Giám quản Tông toà Phát Diệm, trong Thánh lễ tạ ơn làm phép nhà thờ giáo họ Cổ Loan, thuộc xứ Hoàng Mai, sáng 06.06 trước sự hiện diện của một số quí cha, quí tu sĩ, quí khách và cách riêng anh chị em giáo họ.

Một trang sử mới đã mở ra cho giáo họ Cổ Loan bởi đây là một cộng đoàn giáo họ mới chỉ được thành lập từ năm 2010, khi chưa có đất để xây dựng nhà thờ, một điểm loan báo Tin Mừng mới ngay ở gần trung tâm thành phố Ninh Bình cổ kính về lịch sử, văn hoá và du lịch. Giáo họ Cổ Loan thuộc giáo xứ Hoàng Mai, do cha Antôn Đoàn Minh Hải làm chính xứ. Nhà thờ toạ lạc ở thôn Cổ Loan hạ, xã Ninh Tiến, tỉnh Ninh Bình.

Sau khi đoàn đồng tế đã tề tựu trong nhà thờ, Đức TGM Giuse mời gọi cộng đoàn dâng lời tạ ơn Chúa và Ngài chính thức làm phép nhà thờ mới.

Làm phép nhà thờ giáo họ Cổ Loan: Điểm loan báo Tin Mừng mới trên vùng đất cổ Ninh Bình

Trong bài giảng lễ, khởi đi từ các bài đọc Lời Chúa, cách riêng bài Tin Mừng về câu chuyện ông Giakêu (Lc 19, 1-10). Đức Tổng Giuse diễn dải 3 điều sau đây.

Trước tiên, Ngài mời gọi cộng đoàn dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho giáo họ có ngôi nhà thờ mới. Thiên Chúa là Đấng là Đấng mà “trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây” (1V 8, 22-29), nhưng vì thương dân Người, nên Chúa chọn ở lại giữa họ. Người tín hữu vì thế cần đến nhà thờ để lãnh nhận ân sủng của Chúa qua các bí tích.

Khuynh hướng xã hội ngày càng đề cao vật chất, người tín hữu cũng dễ bị cuốn theo vật chất, tiền bạc. Tuy nhiên, Bài gương ông Giakêu, người đứng đầu “sở thuế vụ”, có tiền bạc, mọi sự nhưng ông vẫn thấy thiếu. Khi đối diện với sự sống đời sau, đâu là ý nghĩa cuộc đời. Vì thế, ông trèo lên cây sung để nhìn xem Chúa Giêsu là ai. Ông đã gặp được Chúa. Dù không ai ép buộc, ông đã tuyên bố chia nửa gia tài cho người nghèo, rồi đền bù gấp bốn nếu có làm thiệt hại ai điều gì. Ông không cảm thấy đó là mất mát, nhưng là được. Cuộc đời mỗi người theo Chúa cũng vậy, chỉ khi có Chúa Giêsu, chúng ta mới tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời.

Điều thứ hai, đến nhà thờ lãnh ơn cứu độ để mang Chúa về nhà. Ở nhà cũng phải có Chúa. Đem Chúa về nhà, làm sao để Chúa ở lại trong nhà anh chị em, để làm sao Chúa nói: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Mỗi người chạy theo ý riêng, quên mất đức tin, quên mất Chúa, không mời Chúa ở lại trong gia đình thì sẽ mất hạnh phúc. Bàn thờ trong gia đình là dấu chỉ Chúa ở lại trong gia đình, là nơi cầu nguyện gặp gỡ Chúa.

Điều thứ ba, Ngài mời gọi mỗi người trở nên viên đá sống động xây lên đền thờ thiêng liêng là chính Giáo hội của Chúa. Đó là cộng đoàn giáo họ, giáo xứ, giáo hội: “Anh chị em trong giáo họ Cổ Loan, bây giờ đã chính thức được thành lập giáo họ rồi, thì hãy nhiệt tình đóng góp công sức của mình vào để xây dựng giáo họ ngày càng phát triển thêm”. Trong tương lai, giáo phận mong muốn giáo họ trở thành giáo xứ, một địa điểm quan trọng trong thành phố Ninh Bình. Làm sao sự hiện diện của người tín hữu ở nơi này làm chứng cho Chúa, qua đời sống sống hài hoà với mọi người chung quanh.

Sau bài giảng, Thánh lễ tiếp diễn như thường lệ.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, một vị đại diện cho nhóm các ân nhân xa quê cũng như vị đại diện giáo họ đã dâng lời tạ ơn Chúa, tri ân quí đấng bậc và mọi người.

Ước mong Cổ Loan sẽ ngày càng phát triển như lòng Chúa mong ước để làm cho men Tin Mừng được lan toả nơi vùng đất mới mà cổ kính này.

Xem thêm hình ảnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *