Hội nghị thường niên các Đại Chủng Viện năm 2022: Đúc kết thuyết trình và thảo luận ngày thứ III

 “Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.” Đó là tâm tình khởi đi từ thẳm sâu lòng yêu mến của tất cả các tham dự viên dâng lên Thiên Chúa trong giờ Kinh Sáng cho một khởi đầu ngày làm việc thứ III của Hội nghị. Trung tâm điểm của đời sống Giáo Hội và cũng là của Hội nghị là Thánh Lễ – Bí  tích Thánh Thể. Hôm nay là thứ Tư, theo truyền thống đạo đức của Giáo hội Việt Nam, Đức cha chủ tế dâng thánh lễ Kính thánh Giuse cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam và tiến trình phong thánh cho Đức cha Pallu và Đức cha Lambert.

Trong phần giảng lễ, cha Giuse Bùi Công Trác, Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, dựa trên ánh sáng Lời Chúa (Hs 10, 1-3.7-8.12; Mt 10, 1-7) gợi cho cộng đoàn 2 điểm suy tư: Vẻ đẹp của Tin Mừng và điều kiện cần thiết cho một chứng nhân. Từ đó, ngài khơi lên mẫu gương cuộc đời Đức cha Lambert đã sống vẻ đẹp của Tin Mừng khi sống trọn vẹn cho Đức Kitô chịu đóng đinh; như vậy, người môn đệ truyền giáo được mời gọi mở tâm hồn để cho Chúa huấn luyện bằng việc sống kết hợp cá vị với Ngài ngõ hầu sống vẻ đẹp Tin mừng và trở thành gương mẫu cho anh chị em.

Sau thánh lễ, các tham dự của Hội nghị chụp hình lưu niệm tại tiền sảnh Tòa Giám Mục Đà Lạt.

Trong buổi sáng,

Lúc 8g00, Hội nghị bắt đầu bước vào ngày làm việc mới với tinh thần sẵn sàng học hỏi và tham gia chia sẻ. Trước khi lắng nghe các đề tài mới, cha Giuse Nguyễn Văn Am SDB đúc kết những ý tưởng cốt lõi của ngày Hội nghị và thảo luận hôm qua. Bản tóm lược cho thấy nét nổi bật về linh đạo Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của đời sống chúng ta được Đức cha Lambert chọn, suy gẫm, nội tâm hóa và sống trọn trong suốt cuộc đời thừa sai. Cuộc đời Đức cha Lambert như mẫu gương sáng có thể áp dụng trong đào tạo linh mục trở thành người “môn đệ truyền giáo” đích thực của Chúa Kitô cho thế giới hôm nay.

Tiếp đến, cha Giuse Trương Đình Hiền trình bày đề tài: “Bình vẫn chưa hề cũ (một thoáng nhìn về văn kiện “Monita ad Missionarios – nhắn nhủ các thừa sai” của công đồng Ayuthia 1664.” Bài thuyết trình ngoài phần mở đầu và kết luận gồm 3 phần chính:

– Những chân trời mới để Hôi thánh “ra khơi”

– Nhận định tổng quát về “Monita Ad Missionarios”

– Monita Ad Missionarios: Định hướng và áp dụng.

“Bình vẫn chưa hề cũ,” thuyết trình viên đưa người nghe trở về và sống lại bối cảnh xã hội, văn hóa và tôn giáo để giúp hiểu rõ hơn lý do ra đời của Monita ad Missionarios – Huấn dụ gửi các thừa sai như kết quả tinh hoa của công nghị Ayuthia 1664. Đọc lại những hướng dẫn cụ thể cho các thừa sai như một cuộc trở về nguồn, Cha Giuse mời gọi mọi người tìm ra giá trị trường tồn của lịch sử truyền giáo trong Giáo hội. Áp dụng vào đào tạo, Cha Giuse nói, “Hội nghị trong tinh thần hiệp hành để hướng tới đào tạo con người trưởng thành là sự gắn bó và yêu mến Chúa Kitô để phục vụ hăng say Giáo hội.” Ngài ước nguyện Hội nghị sẽ tìm ra một phương cách đào tạo để có một thế hệ người “môn đệ truyền giáo” mới cho Giáo hội.

Nối tiếp những chia sẻ của cha Giuse, Cha Gioan Trần Văn Thức trình bày đề tài, “Đường hướng đào tạo linh mục theo Huấn thị cho các Thừa Sai (Monita ad Missionarios) của Đức cha Pallu và Đức cha Lambert.”  Thuyết trình viên mong cùng với tham dự viên đi sâu vào nội dung của Huấn dụ Monita ad Missionarios để cảm nghiệm chiều sâu giá trị, ý nghĩa và gợi hứng hướng dẫn thực hành cụ thể cho đời sống linh mục cũng như công cuộc đào tạo linh mục trong thời đại hôm nay. Huấn dụ gồm 10 chương với 3 nội dung chính:

– Thánh hóa bản thân các thừa sai: linh đạo tập trung vào Chúa Kitô chịu đóng đinh.

– Hoạt động truyền giáo-đào tạo linh mục theo linh đạo mầu nhiệm Chúa Kitô.

– Tổ chức Giáo hội sống theo mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh.

Từ những khai triển nội dung sâu sắc của Monita, cha Gioan kết luận: “Huấn thị Truyền giáo’ của Tòa Thánh và ‘Chỉ dẫn Thừa sai’ của Hai Đức Giám Mục Đại Diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Các ngài đã dành thời gian quan trọng để chuẩn bị bằng việc cầu nguyện, thảo ra bản hướng dẫn việc truyền giáo xoay quanh việc tu đức, việc giảng đạo và việc tổ chức giáo hội theo linh đạo tập trung vào Mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh.  Ngay từ thời đó mà các ngài đã sử dụng một phương pháp quản trị rất khoa học và hiện đại của thế kỷ XX, XXI ngày nay, rất hữu ích cho việc đào tạo linh mục thích ứng với mọi thời.”

Trong buổi chiều,

Lúc 14g30, các nhóm tiếp tục cùng nhau đào sâu nội dung đã học hỏi trong buổi sáng qua việc chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận điều tâm đắc. Câu hỏi gợi ý, “Từ Huấn thị cho các Thừa sai, đâu là điều mà cha tâm đắc và có thể áp dụng trong việc đào tạo linh mục?”

Lúc 15g45: Từ một nguồn chung là huấn thị Monita Ad Missionarios, hoa trái của thảo luận được các đúc kết và chia sẻ.

Sau đây là các bài đúc kết thuyết trình và thảo luận của ngày làm việc thứ III của Hội nghị do cha Giuse Nguyễn Văn Am SDB, Thư ký Hội nghị thực hiện.

Đúc kết thuyết trình và thảo luận bài 3:

BÌNH VẪN CHƯA HỀ CŨ
(Một thoáng nhìn về văn kiện “MONITA AD MISSIONARIOS”

Một tựa đề khá thú vị cho một bài khảo cứu mang nhiều tính chất lịch sử về tài liệu ‘Monita ad Missionarios’, được tác giả đánh giá như một văn kiện ‘đổi mới việc truyền giáo tại Á châu’ theo hướng đi của Công đồng Trentô, cách riêng theo Huấn thị năm 1659 của Thánh bộ Truyền giáo năm 1622.

Bài viết được chia làm ba phần với một phần dẫn nhập dài (trg 7-15) nói về thái độ quân bình hay tế nhị hay công bằng trước lịch sử để chúng ta không bi quan trước quá khứ, vì quả thực Kitô giáo tại Việt Nam lúc sơ khai đã làm được rất nhiều điều hữu ích cho dân tộc, cả trên bình diện văn hoá lẫn vật chất. Với tác giả, Giáo hội tại Việt Nam chẳng có gì phải mặc cảm trước sự hưng thịnh của quê hương cả, dẫu rằng có những đánh giá tiêu cực.

Trong phần I, “những chân trời mới để Hội thánh ‘ra khơi’, tác giả cho thấy cách tổng quát và hoàn vũ một Giáo hội trong biến động của thế giới thời mới buộc phải chuyển mình trước phong trào Cải cách Tin lành bằng cách “tìm một lối sống tin mừng triệt để hơn’. Giáo hội ấy cũng phải mở rộng tầm nhìn về thế giới rộng lớn hơn Âu châu. Trong thế giới ấy, Thánh Thần vẫn hoạt động qua những điều tốt lành của các văn hoá và tôn giáo khác. Thực tại đó thách đố Giáo hội về thần học, về truyền giáo, về chính trị. Giáo hội đang từng bước chuyển mình từ một thái độ đóng băng trước thế giới sang một thái độ rộng mở hơn qua nhiều bài học thành công và thất bại của mình. Trong bối cảnh đó, Á châu và cuộc tái rao giảng Tin Mừng được định hình bằng cách đi vào văn hoá và tôn giáo Á châu với tâm trí rộng mở của những nhà truyền giáo như Matteo Ricci, Roberto de Nobili, Alexandre de Rhodes… Trong bối cảnh này, Việt Nam được thừa hưởng làn sóng ấy: Alexandre de Rhodes với chân trời loan báo Tin Mừng bằng chính chữ Quốc Ngữ. Luận đề tác giả muốn trình bày ở đây chính là công cuộc truyền giáo tại Việt Nam được hưởng lợi từ những thất bại được suy đi nghĩ lại mà các vị thừa sai gặp phải. Đúng vậy, nếu những thất bại đó không được suy đi nghĩ lại trong ánh sáng đức tin có lẽ công việc truyền giáo trên mảnh đất chữ S khó mà tiến triển nhanh như thế. Chỉ một thời gian ngắn ngủi đã có tới 50.000 tín hữu thuộc Đàng Trong và 350.000 tín hữu thuộc Đàng Ngoài cùng với vô số nhà thờ. Tác giả cũng không quên cho thấy những ‘tính toán nhân loại’ ngay cả trong việc linh thánh nhất trong các việc linh thánh là cứu rỗi các tâm hồn (Augustinô). Tuy nhiên, Thiên Chúa có cách hành động và hướng dẫn của Ngài.

Phần II, tác giả trình bày nhận định tổng quát về tài liệu ‘Monita Ad Missionarios’. Tác giả đưa người đọc chú ý đến “cuộc đại phân định”. Giáo hội luôn phân định để tìm kiếm ý Chúa trong việc loan báo Tin Mừng. Quả thế, Thánh bộ Truyền giáo thu gom các bản tường trình 1625, 1628 và 1644 để đưa ra Huấn thị 1659. Và như thế Công nghị Ayutthaya 1664 tìm cách hấp thụ huấn thị trên trong bối cảnh Á châu. Công nghị đó dẫn tới văn kiện Monita ad missionarios. Và theo tác giả, văn kiện này được trình bày theo phương pháp “xem, xét, làm” hay “nhìn nhận, giải thích và lựa chọn”. Thật ra, đây là những phương pháp làm thần học trong hướng mục vụ của thế kỷ 20 (đặc biệt phong trào Thanh Sinh Công) và của Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ cũng như Christus vivit đề xướng, chứ không phải của thế kỷ 17. Điều ấy có nghĩa rằng tác giả đang cố gắng đọc tài liệu Monita ad missionarios theo cách hiện tại.

Phần III, tác giả phân tích định hướng và áp dụng của tài liệu này. Vì phần này sẽ liên quan rất nhiều đến bài của cha Gioan Trần văn Thức, nên ta không tìm hiểu ở đây. Dù vậy, ta không thể không nêu lên kết luận của tác giả.

Tác giả cho thấy ngày hôm nay Giáo hội tại Việt Nam phải tiếp tục làm mới lại định hướng truyền giáo như Đại hội Dân Chúa 2010 mong đợi, khi “canh tân các phương thức truyền giáo nhằm đáp ứng những biến chuyển mau chóng của thời đại”. Tuy nhiên, không chỉ có thế đâu. Chính văn kiện của Đại hội Dân Chúa nói rõ chiều kích truyền giáo phải thấm nhập, chi phối mọi suy tư, sinh hoạt, cung cách sống của Giáo hội và ngay cả đến việc sử dụng tài sản vật chất của Giáo hội. Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng phải là nguồn mạch, là động lực, là chuẩn mực xem xét mọi hoạt động và cũng là đích tới cho mọi sự của Giáo hội. Toàn Giáo hội hay bản chất Giáo hội là truyền giáo có nghĩa là như thế. Nếu vậy, thao thức truyền giáo phải thúc đẩy mọi sự trong Giáo hội, làm cho Giáo hội thật sự thành Giáo hội truyền giáo, chứ không phải thành một Giáo hội chỉ lo đến một vài hoạt động truyền giáo. Giữa Giáo hội truyền giáo, môn đệ truyền giáo và Giáo hội làm một vài việc truyền giáo có một sự khác biệt một trời một vực, điều này chúng ta phải luôn đặt trước mặt. Theo nghĩa đó, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng như Đức Bênêđictô XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô có lý để nói rằng điều Giáo hội ngày nay cần không hẳn là phương pháp truyền giáo mới, là phong thái truyền giáo mới, nhưng chính là NHỮNG VỊ TRUYỀN GIÁO ĐƯỢC ĐỔI MỚI.

ĐƯỜNG HƯỚNG ĐÀO TẠO LINH MỤC THEO HUẤN THỊ CHO CÁC THỪA SAI, MONITA AD MISSIONARIOS CỦA ĐỨC CHA PALLU VÀ ĐỨC CHA LAMBERT

Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu văn kiện Monita ad missionarios dưới sự hướng dẫn của cha Gioan Trần Văn Thức. Văn kiện đã cách xa chúng ta, vì thế chúng ta buộc phải tìm ra để hấp thụ văn kiện đó. Làm thế nào đây?

Đức Phaolô VI đề ra phương pháp để làm cho sự hợp thời của đức tin mà Đức Gioan XXIII đề ra cho công đồng Vatican II được thành sự: tìm về nguồn, thích ứng với thời đại và đối thoại với thế giới. Để giải thích các văn kiện Vatican II, Đức Bênêđictô XVI nói đến nguyên tắc về tiếp nối trong sáng tạo chứ không phải là đoạn tuyệt với những văn kiện quá khứ của Giáo hội. Còn đức Phanxicô khẳng định mạnh mẽ Vatican II là chiếc la bàn cho Giáo hội hôm nay. Những điều ấy đòi buộc chúng ta phải nỗ lực đọc văn kiện Monita ad missionarios một cách mới mẻ và ích lợi.

Với ánh sáng và hướng đi này, ta thấy trước hết tác giả viết một dẫn nhập mang tính lịch sử về văn kiện Monita ad Missionarios, cho thấy nó được xuất phát từ cầu nguyện và dựa vào những nền tảng đức tin vững chắc với huấn quyền của Huấn thị 1659; nó được soạn thảo do 6 vị thừa sai gồm hai Giám mục (Pallu và Lambert) và bốn linh mục trong bối cảnh truyền giáo tại Á châu. Thế nhưng văn kiện cũng được huấn quyền của Giáo hội hoàn vũ rất trân trọng. Sau đó, tác giả trình bày suy tư của mình dựa theo dàn bài và nội dung của văn kiện ấy.

Để nắm bắt văn kiện Monita một cách độc sáng hơn, ta cần lưu ý một chút đến bối cảnh một chút của văn kiện.

Văn kiện xuất hiện vì đã chứng kiến không ít các thừa sai đã sa sút trong nhiệt tình truyền giáo, dưới ánh sáng của FABC đã đọc lại lịch sử truyền giáo tại Á châu. Họ đã vướng mắc vào điều cơ bản nhất mà Á châu không chấp nhận nơi những vị truyền giáo: thiếu trải nghiệm thiêng liêng và thần nghiệm; bộc lộ là những người quản trị hơn là những người thần nghiệm; mất đi khả năng đối thoại, gần gũi với dân chúng bình dị; trình bày một Kitô giáo xa lạ như của phương Tây.

Theo ánh sáng này và như một nỗ lực đọc và nắm bắt bài viết của tác giả về văn kiện Monita này, tôi mạo muội tóm tắt bài viết như sau. Bài viết và văn kiện Monita kêu gọi các vị thừa sai tại Á châu dám nói KHÔNG:

– Nói KHÔNG với tiền bạc, ham mê của cải. Nó ‘đặt vị thừa sai vào tình trạng nguy hiểm nhất’. Nó được biện minh cách sai lầm rằng cần phải có quà cáp cho vua quan, phải tổ chức lễ lạc…

– Nói KHÔNG với danh vọng, quyền lực, tự phụ và phù phiếm. Nó biểu lộ mạnh mẽ trong việc mua tậu, buôn bán… cũng vậy, nó tìm cách chen chân vào chính trị để có lợi cho rao giảng mà văn kiện gọi là “sự giúp đỡ thuần tuý con người gây hại nhiều hơn cho việc truyền bá đức tin.”

– Nói KHÔNG với những mưu chước của ma quỷ. Nói cách khác, hãy nói không với những thúc đẩy bên trong của thù hận, ghen tuông, ganh đua. “Sự rạng ngời chân lý phải ưu thắng chứ không phải sự hùng biện.”

– Nói KHÔNG với bất kỳ hình thức bạo lực nào trong rao giảng Tin Mừng.

Tất cả những điều này có thể được tóm bằng ngôn ngữ của Đức Giáo hoàng Phanxicô: một linh đạo theo kiểu thế tục. Mọi sự bên ngoài đều là linh đạo, với những điều rất thiêng liêng, nhưng tận bên trong sâu thẳm nhất không phải là Thiên Chúa mà là chính mình. Chính vì thế, người môn đệ truyền giáo phải rất chân thật, trong sáng với chính mình. “Hãy bàn hỏi với Chúa Giêsu trước khi bàn hỏi với người khác.” “nguyện gẫm là nguồn và là đầu của mọi nhân đức”. Người môn đệ truyền giáo luôn sống trước tôn nhan Thiên Chúa.

Thay vào đó nhà truyền giáo hãy nói CÓ:

– Nói CÓ với cầu nguyện. “Tất cả đời sống của nhà thừa sai phải là một chuỗi cầu nguyện liên lỷ, phải bắn bó từng giây phút với Thiên Chúa”.

– Nói CÓ với hy sinh. Tìm kiếm an nhàn và tiện nghi đối nghịch hoàn toàn với đời sống người môn đệ, với Thập giá Đức Kitô. “Tông đồ chỉ trưởng thành qua vất vả và khổ hạnh”.

– Nói CÓ với ngôn ngữ của dân chúng. Đó là dấu chỉ về một người của Chúa gắn bó với dân chúng. Đúng hơn, đó là dấu chỉ nói lên Thiên Chúa hội nhập vào dòng sông Giođan của dân chúng cần được tẩy gội.

– Nói CÓ với cuộc sống chứng tá, luôn làm việc thiện. “Uy tín đặt nền tảng trên nhân đức và sự thánh thiện.” Một cách nào đó, đời chứng nhân làm cho người môn đệ truyền giáo nên hùng mạnh trước mặt thế gian, y như Môsê trước Pharao.”

– Nói CÓ với tìm hiểu và lắng nghe tình trạng nhân sinh của nơi truyền giáo. Hiểu biết dân chúng, văn hoá, tập tục, những nét tích cực của nơi truyền giáo là một mệnh lệnh cho nhà truyền giáo.

Chính điều này cho thấy sự tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống truyền giáo. Nó làm chứng rằng Đức Giêsu chịu đóng đinh luôn hấp dẫn, luôn thu hút nhân loại. Ngài là ĐẤNG ĐẸP NHẤT giữa nhân loại, cho dẫu ngài bị bầm dập đến độ chẳng ai thèm nhìn nhận và là kẻ bị nguyền rủa! Chính Đấng chịu đóng đinh cho thấy vẻ đẹp tuyệt vời nhất của Thiên Chúa Tình Yêu chiến thắng tất cả.

Chính vì thế, ta hiểu rõ chẳng thể nào đào tạo được những môn đệ truyền giáo trong đời sống chủng sinh, tu sĩ hay giáo dân mà không có hai diện KHÔNG VÀ CÓ trên. Nó như hai mặt của một ĐỒNG TIỀN Tin Mừng mà Chúa trao cho người môn đệ, bỏ đi bất kỳ mặt nào chỉ rơi vào ảo tưởng.

Như thế, rõ ràng Monita vẫn hợp thời cho hôm nay trong chiều sâu của nó: trung thành với Ngôi vị Đức Kitô một cách sáng tạo. Lúc đó, ta hiểu rằng người quản lý giỏi sẽ có thể lôi ra từ trong kho cái cũ lẫn cái mới để làm giàu cho GIA SẢN TIN MỪNG là chính CHÚA GIÊSU, CON THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG.

Trong ánh sáng đó, ta phải khẳng định cùng với FABC rằng không phải ngày nay chúng ta truyền giáo giỏi hơn, hiệu quả hơn, tốt hơn những bậc cha anh của chúng ta. Không phải thế! Nhưng chúng ta được mời gọi mới mẻ và sáng tạo để làm cho gia sản của các ngài trở thành trong bối cảnh hiện nay của quê hương chúng ta. Bởi chưng, chúng ta xác tín rằng giống như lửa chỉ lan toả bằng cách châm lửa, thì truyền giáo cũng thế. Ta chỉ đào tạo được những môn đệ truyền giáo khi chính mình là những người môn đệ truyền giáo mà thôi. “Đức tin tăng trưởng khi nó được sống như một kinh nghiệm về tình yêu được tiếp nhận và khi được thông truyền như kinh nghiệm về ân sủng và niềm vui” (Porta Fidei, 7). Điều này mời gọi các nhà đào tạo ý thức phẩm giá mình: đào tạo những Kitô hữu tốt lành, những Kitô hữu thánh thiện, những môn đệ truyền giáo nhiệt thành.

Lm. Phaolô Đinh Chí Hiền
Ban Thư ký Hội nghị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *