Vatican News
Mặc dù tình trạng sức khỏe đã khá hơn, nhưng theo lời khuyên của các bác sĩ, Đức Thánh Cha đã hủy chuyến đi Dubai nhân Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28.
Trong bài diễn văn được Đức Hồng y Parolin đọc thay, Đức Thánh Cha bày tỏ sự tiếc nuối vì không thể có mặt tại Dubai tham dự Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023, nhưng khẳng định ngài hiện diện với họ. Ngài nhắc lại niềm tin của ngài rằng “tương lai của tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào hiện tại mà chúng ta đang lựa chọn”.
Ngài nói với các tham dự viên Hội nghị COP28 rằng ngài hiện diện với họ nhằm nhắc nhở họ rằng “việc hủy hoại môi trường là một hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa, một tội lỗi không chỉ mang tính cá nhân mà còn mang tính cấu trúc, một điều gây nguy hiểm lớn cho toàn thể nhân loại, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương nhất ở giữa chúng ta và đe dọa gây ra xung đột giữa các thế hệ”.
Lời kêu gọi chọn sự sống
Đức Thánh Cha nói tiếp, biến đổi khí hậu là “một vấn đề xã hội toàn cầu và là một vấn đề liên quan mật thiết đến phẩm giá sự sống con người”. Nó đặt ra một câu hỏi cấp bách: “Chúng ta đang làm việc cho một nền văn hóa sự sống hay một nền văn hóa của sự chết?”
Ngài đưa ra lời kêu gọi chân thành: “Chúng ta hãy chọn sự sống! Chúng ta hãy chọn tương lai! Xin cho chúng ta chú ý đến tiếng kêu của trái đất, xin cho chúng ta nghe thấy lời cầu xin của người nghèo, xin cho chúng ta hãy nhạy cảm với niềm hy vọng của giới trẻ và ước mơ của trẻ em! Chúng ta có một trách nhiệm nặng nề: đảm bảo rằng tương lai của các em không bị từ chối”.
Lòng tham vô độ bóc lột môi trường không giới hạn
Nhắc lại lời kêu gọi khẩn cấp của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, Đức Thánh Cha cho rằng nguyên nhân sâu xa của nó là do hành tinh nóng lên quá mức, chủ yếu là do mức độ gia tăng khí nhà kính, điều mà theo ngài là do các hoạt động không thể chấp nhận của con người. Ngài nói: “Năng lực sản xuất và sở hữu đã trở thành nỗi ám ảnh, dẫn đến lòng tham vô độ khiến môi trường trở thành đối tượng bị bóc lột không giới hạn. Khí hậu, đang bị hỗn loạn, đang kêu gọi chúng ta ngăn chặn ảo tưởng về sự toàn năng này”.
Đức Thánh Cha kêu gọi nhân loại thừa nhận những giới hạn của mình “với sự khiêm nhường và lòng can đảm” như là bước duy nhất hướng tới sự viên mãn đích thực.
Sự chia rẽ ngăn cản chúng ta thay đổi vì khí hậu
Ngài cũng chỉ ra sự chia rẽ đang có giữa chúng ta là trở ngại chính cho sự thay đổi quan trọng này và nói rằng “một thế giới được kết nối hoàn toàn, giống như thế giới của chúng ta ngày nay, không nên bị ngắt kết nối bởi những người cai trị nó, với các cuộc đàm phán quốc tế ‘không thể đạt được tiến bộ đáng kể do quan điểm của các quốc gia đặt lợi ích quốc gia của họ lên trên lợi ích chung toàn cầu'”.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt qua những quan điểm cứng nhắc, Đức Thánh Cha kêu gọi tập trung vào trách nhiệm tập thể vì tương lai: “Nhiệm vụ mà chúng ta được kêu gọi hôm nay không phải là về ngày hôm qua mà là về ngày mai: một ngày mai, dù chúng ta có muốn hay không, sẽ thuộc về mọi người hoặc không thuộc về ai cả”.
Không do lỗi của người nghèo
Sau đó, Đức Thánh Cha bác bỏ những nỗ lực đổ lỗi cho người nghèo và tỷ lệ sinh cao. “Đó không phải lỗi của người nghèo, vì gần một nửa thế giới nghèo khó hơn của chúng ta chỉ chịu trách nhiệm cho khoảng 10% lượng khí thải độc hại, trong khi khoảng cách giữa một số ít người giàu và đại đa số người nghèo chưa bao giờ quá lớn đến thế”.
Nhấn mạnh tác động không cân xứng của các vấn đề môi trường đối với người nghèo, Đức Thánh Cha lưu ý những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu đối với người dân bản địa, nạn phá rừng, nạn đói, tình trạng mất an ninh nước và lương thực cũng như tình trạng di cư cưỡng bức.
Ngài cũng nhấn mạnh rằng “Sinh con không phải là một vấn đề mà là một nguồn tài nguyên, trong khi một số mô hình ý thức hệ và vị lợi hiện đang được áp đặt bằng một chiếc găng tay nhung đối với các gia đình và các dân tộc tạo thành những hình thức thực dân hóa thực sự”.
Hơn nữa, Đức Thánh Cha chống lại việc trừng phạt sự phát triển của các quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế, thay vào đó đề nghị xem xét lại “nợ sinh thái” mà các quốc gia giàu có hơn mắc phải, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận toàn diện và công bằng để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, nợ kinh tế và công bằng xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Con đường của sự đoàn kết và chủ nghĩa đa phương
Đức Thánh Cha gợi ý rằng con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay là con đường của sự đoàn kết và chủ nghĩa đa phương, và ngài kêu gọi sự hợp tác hiệu quả trong một thế giới đang “trở nên đa cực và đồng thời quá phức tạp đến nỗi cần có một khuôn khổ khác cho sự hợp tác hiệu quả”.
Ngài lưu ý, “sự nóng lên toàn cầu đi kèm với sự nguội lạnh chung của chủ nghĩa đa phương, sự thiếu tin tưởng ngày càng tăng trong cộng đồng quốc tế” là điều đáng lo ngại, và nhấn mạnh vai trò quan trọng của niềm tin trong việc xây dựng lại sự hợp tác quốc tế hiệu quả.
Dành tài nguyên để phát triển thay vì cho chiến tranh
Đức Thánh Cha thu hút sự chú ý đến bản chất liên kết của các vấn đề môi trường và hòa bình, lên án sự lãng phí năng lượng và tài nguyên của nhân loại vào các cuộc chiến tranh, ví dụ như ở Israel và Palestine, ở Ucraina và ở nhiều nơi trên thế giới, vốn làm trầm trọng thêm các vấn đề hơn là giải quyết chúng.
Ngài nói: “Có bao nhiêu tài nguyên đang bị lãng phí vào các loại vũ khí hủy diệt sự sống và tàn phá ngôi nhà chung của chúng ta!”. Ngài đề xuất: “Với số tiền chi cho vũ khí và các chi tiêu quân sự khác, chúng ta hãy thành lập một quỹ toàn cầu để cuối cùng có thể chấm dứt nạn đói” và thực hiện các công việc vì sự phát triển bền vững của các nước nghèo hơn và để chống biến đổi khí hậu”.
Dẹp bỏ tư lợi và chủ nghĩa dân tộc
Nhắc lại sự cần thiết phải thay đổi chính trị được báo hiệu bởi biến đổi khí hậu, Đức Thánh Cha kêu gọi hãy từ bỏ tư lợi hẹp hòi và chủ nghĩa dân tộc, đồng thời ủng hộ một tầm nhìn thay thế nhằm thúc đẩy sự hoán cải sinh thái.
Sự dấn thân của Giáo hội Công giáo
Về vấn đề này, ngài đảm bảo sự cam kết và hỗ trợ của Giáo hội Công giáo, khi “tham gia nhiệt tình vào công việc giáo dục và khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người, cũng như thúc đẩy lối sống lành mạnh, vì tất cả đều có trách nhiệm và sự đóng góp của mỗi người là cơ bản”.
Đề cao tầm quan trọng của những thay đổi văn hóa và một tư duy tập thể mới vượt trên lợi ích cá nhân và quốc gia, Đức Thánh Cha nói: “Chớ gì COP này chứng tỏ là một bước ngoặt, thể hiện ý chí chính trị rõ ràng và hữu hình có thể dẫn đến sự tăng tốc mang tính quyết định của quá trình chuyển đổi sinh thái” với các biện pháp hiệu quả, bắt buộc và dễ dàng giám sát trong các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, nguồn tái tạo, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và giáo dục về lối sống bền vững.
“Hãy tiến về phía trước và đừng quay lại”
Đức Thánh Cha kêu gọi: “Chúng ta hãy tiến về phía trước và đừng quay lại”. Ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo đừng trì hoãn hành động nữa và chỉ ra trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các phản ứng cụ thể và gắn kết vì hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai. Ngài nhắc nhở họ rằng mục đích của quyền lực là phục vụ và kêu gọi họ thúc đẩy “nền chính trị tốt đẹp”, bởi vì “nếu một tấm gương cụ thể và gắn kết đến từ tầng lớp lãnh đạo, thì điều này sẽ mang lại lợi ích cho cấp dưới, nơi nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đã tận tâm chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”.
Chớ gì năm 2024 có thể đánh dấu một bước đột phá
Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn với hy vọng rằng năm 2024 có thể đánh dấu một bước đột phá, lấy cảm hứng từ kinh nghiệm biến đổi của Thánh Phanxicô Assisi, người đã sáng tác “Bài ca các thụ tạo ” vào năm 1224, một kinh nghiệm đã khiến ngài “biến nỗi đau thành lời khen ngợi và sự mệt mỏi thành việc cam kết canh tân”, điều cũng dẫn ngài đến việc giải quyết xung đột giữa chính quyền dân sự và Giám mục địa phương.
Gọi sự kiện lịch sử này như một biểu tượng của tình huynh đệ, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo “hãy bỏ lại đàng sau sự chia rẽ và hiệp nhất các sức mạnh của chúng ta! Và với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta hãy bước ra khỏi đêm tối của chiến tranh và sự tàn phá môi trường để biến tương lai chung của chúng ta thành bình minh của một ngày mới rạng ngời”.(CSR_4895_2023)