I. DẪN NHẬP
Sau khi khám phá các miền đất Thánh Kinh, hôm nay chúng ta tìm hiểu tổng quan lịch sử Thánh Kinh. Tại sao chúng ta cần tìm hiểu lịch sử Thánh Kinh?
Việc tìm hiểu lịch sử về các thời của Thánh Kinh đóng vai trò rất quan trọng trong việc khám phá ra ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với con người trong ngôn ngữ và lịch sử của họ. Lời Chúa được lồng vào thời gian và không gian của dân tộc được Ngài tuyển chọn, vào những nhu cầu và khả năng lãnh hội của họ. Khi đọc Thánh Kinh, chúng ta đừng quên rằng mỗi từ, mỗi câu đều được viết cho những người đã sống cách chúng ta hai, ba ngàn năm trước. Về hầu hết mọi mặt, những con người này sống, làm việc và suy nghĩ rất khác với chúng ta. Họ không có những kiến thức khoa học như chúng ta có hiện nay.[1] Thế nên, với cố gắng chân thành, việc tìm hiểu những lối suy nghĩ của ngày xưa sẽ giúp ta lọc được những gì là quan yếu và trường tồn trong sứ điệp của Thánh Kinh.[2]
Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu lịch sử Dân Thiên Chúa.
II. LỊCH SỬ DÂN THIÊN CHÚA
Khi tìm hiểu nguồn gốc và lịch sử các dân tộc, có lẽ một câu hỏi chúng ta thương hay đặt ra: Tại sao Thiên Chúa lại chọn Ít-ra-en làm dân riêng của Chúa?
Công đồng Va-ti-ca-nô II, trong Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, khẳng định rằng: “Vào mọi thời và trong mọi dân tộc, bất kỳ ai kính sợ Thiên Chúa và thực thi đức chính trực đều được Người tiếp nhận (x. Cv 10,35). Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế, Ngài đã chọn dân Ít-ra-en làm dân riêng, đã thiết lập giao ước, dạy bảo họ dần dần bằng cách bày tỏ chính mình và ý định của mình qua lịch sử, đồng thời thánh hóa họ để dành riêng cho mình.”[3] Bởi vậy, đối với Ít-ra-en, nền tảng đức tin của họ không phải là Thiên Chúa mạc khải chính mình trong thiên nhiên, nhưng là Thiên Chúa Đấng đã cứu họ ra khỏi Ai-cập; Thiên Chúa là Đấng can thiệp vào trong chính lịch sử của họ.
Sách Sáng thế từ chương 1-11 mô tả thời kỳ trước khi Thiên Chúa kêu gọi và chuẩn bị cho Người một dân tộc khởi đi từ tạo dựng vũ trụ, con người, sự sa ngã, tội lỗi và phân tán. Lịch sử Dân Thiên Chúa có thể nói khởi đi từ Ab-ra-ham. Chúng ta có thể chia lịch sử 2000 năm từ Ab-ra-ham cho tới Đức Giê-su giáng sinh thành 4 thời kỳ và mỗi thời kỳ cách nhau khoảng 500 năm được tóm gọn trong biểu đồ dưới đây.
Năm trước Công nguyên | 2000 tCn | 1500 tCn | 1000 tCn | 500 tCn |
Thời kỳ | Tuyển chọn | Xuất hành | Vương triều | Lưu đầy |
Nhân vật điển hình | Ab-ra-ham | Mô-sê | Đa-vít | I-sai-a |
Tầng lớp lãnh đạo Ít-ra-en trong từng thời kỳ | Các tổ phụ | Các ngôn sứ | Các vua | Các tư tế |
1. Thời các tổ phụ
Truyền thống Thánh Kinh, dưới hình thức bình dân, đã lưu lại những kỷ niệm về nguồn gốc của dân Ít-ra-en và làm nổi bật lên vài khuôn mặt vĩ đại: Ab-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp và các tổ tiên chi tộc Ít-ra-en (St. 12-50). Các tổ phụ sống giữa những người Sê-mít bán du mục, sống dưới lều, khi thì từ nơi này qua nơi kia tìm đồng cỏ cho đàn gia súc, đi tận sang Ai Cập khi gặp hạn hán. Là du mục, các tổ phụ có ý thức về tinh thần thống nhất của gia đình hay của thị tộc. Phong tục của các tổ phụ về luật lệ và về xã hội là phong tục của Cận Đông thời đó.
2. Thời xuất hành
400 năm sau khi Giu-se cùng với những người đương thời qua đời bên Ai-cập, Dân Do-thái trở thành một dân lớn mạnh và là một mối đe dọa đối với Ai-cập. Thế nên, vua Ai-cập là Pha-ra-ô Ram-xết II đã buộc người Do Thái phải khổ sai để xây thành đô (Xh 1,11). Người Ai-cập cưỡng bách con cái Ít-ra-en lao động cực nhọc. Con cái Ít-ra-en rên siết trong cảnh nô lệ. Họ ca thán, và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp (x. Xh 1,23-25). Thiên Chúa gọi Mô-sê để giải cứu dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai-cập và dẫn họ đến miền Ca-na-an.
Sau khi Mô-sê qua đời, Chúa đã chọn Giô-suê làm thủ lãnh để dẫn Ít-ra-en vào chiếm đất Ca-na-an. Phải trải qua 200 năm chiến tranh, nổi dậy, thâm nhập hòa bình, liên minh giữa các chi tộc mới dần tạo nên được một dân tộc Ít-ra-en. Đây thực sự là bước khởi đầu của một dân tộc gồm 12 chi tộc.
3. Thời quân chủ
Sau khi tràn vào Ca-na-an, Ít-ra-en từ một liên minh các chi tộc, đã trở thành một quốc gia với việc phong vương cho Sa-un, có nền văn hóa phát triển. Đa-vít được xem như là một vị vua lý khuôn mẫu của Ít-ra-en. Dưới thời Đa-vít và con ông là Sa-lô-mon, Ít-ra-en là một quốc gia thống nhất và có nền văn hóa phát triển cao độ.
Sau khi Sa-lô-mon qua đời, khoảng năm 931tCn cuộc ly khai Bắc – Nam xảy ra: vương quốc miền Bắc được gọi là Ít-ra-en và vương quốc miền Nam được gọi là Giu-đa. Giữa hai vương quốc và các nước xung quanh thường xuyên xảy ra chiến tranh. Bối cảnh này dẫn chúng ta đến thời lưu đày và hậu lưu đày.
4. Thời lưu đày và hậu lưu đày
Năm 721 tCn Vương quốc miền Bắc thất thủ trước đế quốc Át-sua hùng mạnh. Sau Át-sua, đế quốc Ba-by-lon chiếm ưu thế trong miền Cận Đông. Na-bu-cô-đô-nô-xô chỉ huy quân đội đánh chiếm Giê-ru-sa-lem và bắt vua Gio-a-kin của Giu-đa sang Ba-by-lon năm 598. Sau đó, vào năm 587, Na-bu-cô-đô-nô-xô san bằng Giê-ru-sa-lem và thiêu hủy Đền thờ, bắt tất cả đi lưu đầy Ba-by-lon.
Đúng như lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a tiên báo: Tất cả xứ này sẽ nên chốn điêu tàn đổ nát và các dân ấy sẽ phải làm tôi vua Ba-by-lon trong bảy mươi năm. Nhưng khi mãn bảy mươi năm, Ta sẽ viếng thăm để trừng phạt vua Ba-by-lon và dân ấy – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – vì tội lỗi của chúng, cũng như trừng phạt xứ Can-đê và biến nó thành chốn điêu tàn vạn cổ. (Gr 25,11-12).
Khoảng năm 539, đại đế Ky-rô, nước Ba-tư đã đánh bại Ba-by-lon, và ký sắc chỉ cho phép người Do-thái trở về quê nhà. Sau thời lưu đày, Giu-đa chỉ còn là một quốc gia rất nhỏ bé nằm trên vùng đất xung quanh Giê-ru-sa-lem. Đất nước không còn độc lập, bị đặt dưới quyền cai trị của các thống đốc người Ba-tư và được các thượng tế lãnh đạo về mặt tôn giáo. Thực hành tôn giáo dựa trên kinh Torah (sách Luật của Mô-sê).
Vào khoảng 332 tCn, A-lê-xan-đê chiếm vùng Cận Đông và bắt đầu cai trị. Ông thực hiện chính sách Hy-lạp hóa toàn vùng Cận Đông, thế nên người Do-thái chịu ảnh hưởng của văn hóa và tôn giáo Hy-lạp. Trong thời kỳ này, ngươi Do-thái, vì trung thành với Lề Luật của Thiên Chúa, đã chịu nhiều bách hại và đã đấu tranh đòi độc lập, điển hình là những cuộc đấu tranh của anh em nhà Ma-ca-bê từ những năm 175 đến 63 tCn.
Năm 63 tướng Pompê chiếm Giê-ru-sa-lem và thiết lập ách thống trị của người Rô-ma. Cuối cùng Rô-ma trao quyền cho một thủ lãnh địa phương là Hê-rô-đê Cả. Ông này thay mặt người Rô-ma khiểm soát vùng Pa-lét-tin mãi cho đến khi Đức Giê-su giáng sinh.
III. TÓM KẾT
Lịch sử của Ít-ra-en không thuần tuý là lịch sử của một dân tộc nhưng là lịch sử cứu độ. Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của muôn dân muôn nước thông qua Ít-ra-en. Do đó, lịch sử của Ít-ra-en cũng là lịch sử của chúng ta. Lịch sử này được tóm gọn trong lời mở đầu của Thư Do-thái: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Thật vậy, Ngài đã sai Con của Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng soi sáng mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ biết những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (x. Ga 1,1-18).[4] Điều này cho ta thấy biến cố Nhập thể là hành động tột đỉnh của quá trình mạc khải, đó là hình thức tuyệt hảo nhất mà Thiên Chúa bước vào lịch sử của con người.[5]
[1] Lawrence Boadt, Dẫn Vào Cựu Ước, chuyển ngữ Lm. Simon Nguyễn Phú Cường và J.B. Phạm Đức Sử, Nxb Đồng Nai, 2021, tr. 28
[2] Lawrence Boadt, Dẫn Vào Cựu Ước, chuyển ngữ Lm. Simon Nguyễn Phú Cường và J.B. Phạm Đức Sử, Nxb Đồng Nai, 2021, tr. 29.
[3] Công Đồng Vaticanô II (1965), Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 9.
[4] Công Đồng Vaticanô II (1965), Hiến chế tín lý về mặc khải Thiên Chúa Dei Verbum, số 4.
[5] Nguyễn Phúc Thần, Dẫn Vào Kinh Thánh, tr. 79.