Kinh Truyền tin với ĐTC 28.01.2024: Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ thương thuyết với ma quỷ

Trưa Chúa nhật, ngày 28 tháng Giêng năm 2024, đã có hơn 10.000 tín hữu đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô, đặc biệt trong đó có đông đảo các em học sinh ở Roma thuộc phong trào Công giáo tiến hành tham dự đoàn lữ hành về hòa bình. Đức Thánh cha tái kêu gọi hòa bình cho Myanmar chịu cảnh nội chiến, đặc biệt với cường độ gia tăng từ sau cuộc đảo chánh hồi tháng Hai năm 2021.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Huấn từ của Đức Thánh cha

Trong huấn từ ngắn trước khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ IV mùa Thường niên Năm B.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu, trong lúc Ngài giải thoát một người khỏi “thần dữ” (Xc Mc 1,21-28) hành hạ ông và tiếp tục làm cho ông kêu la (Xc vv 23.26). Quỷ làm như thế vì hắn muốn chiếm đoạt để “trói buộc tâm hồn chúng ta”. Và chúng ta phải chú ý tới những “xiềng xích” bóp nghẹt tự do của chúng ta. Vậy, chúng ta thử đặt tên cho một vài xiềng xích có thể trói buộc con tim chúng ta.

Các xiềng xích của ma quỉ

Đức Thánh cha nói: “Tôi nghĩ đến những nghiện ngập, làm cho chúng ta trở nên nô lệ, luôn bất mãn, làm tiêu hao nghị lực, của cải và tình cảm; tôi nghĩ đến những cách thức thống trị, thúc đẩy tới những thứ duy hoàn hảo không thể đạt tới, tiêu thụ và duy khoái lạc, biến con người thành hàng hóa và làm hư hỏng các tương quan. Và tiếp đến, có những cám dỗ và những điều kiện hóa làm tiêu tán sự tự tin, sự thanh thản và khả năng chọn lựa và yêu đời; có thái độ sợ hãi làm ta bi quan nhìn về tương lai, và đau khổ, luôn đổ lỗi cho người khác; và có sự tôn thờ quyền bính như thần, tạo nên những xung đột và sử dụng những võ khí giết người hoặc dùng những bất công về kinh tế, lèo lái tư tưởng.

Hoạt động giải thoát của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu đã đến để giải thoát chúng ta khỏi những xiềng xích ấy. Và hôm nay, quỉ kêu với ngài: “Ông muốn gì? Ông đến để làm hại chúng tôi hay sao?” (v.24) Trước thách thức đó, Chúa trả lời: “Hãy im đi và ra khỏi người này”! (v.25). Chúa Giêsu giải thoát khỏi quyền lực sự ác và – chúng ta hãy để ý kỹ – ngài không bao giờ đối thoại với quỷ! Trái lại, chúng ta thường để cho những xiềng xích của hắn trói buộc chúng ta cho đến khi chúng làm cho chúng ta quá đau, nhưng như thế sẽ khó giải thoát chúng ta khỏi chúng. Trái lại, Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta rằng đừng bao giờ thương thuyết với ma quỷ.

Thái độ trước cám dỗ và áp bức

Đức Thánh cha đặt câu hỏi: Vậy, ta làm gì khi chúng ta cảm thấy bị cám dỗ và đè nén? Hãy cầu khẩn Chúa Giêsu: cầu khẩn Ngài ngay tại đó, nơi chúng ta cảm thấy xiềng xích sự ác và sợ hãi xiết chặt mạnh mẽ hơn. Với sức mạnh của Thánh Linh, Chúa muốn lập lại ngày hôm nay với quỷ rằng: “Hãy xéo đi, hãy để yên tâm hồn này, đừng chia rẽ thế giới, gia đình, các cộng đoàn chúng tôi; hãy để họ sống thanh thản, để các hoa trái Thánh Linh của Ta được triển nở chứ không phải của ngươi. Để tình thương, vui mừng, sự dịu dàng, được hiển trị nơi họ thay vì bạo lực và những tiếng kêu oán thù có tự do và an bình, tôn trọng và săn sóc tất cả mọi người”. Đó là điều Chúa Giêsu muốn và phó thác giấc mơ tự do này cho chúng ta, cho sự canh giữ – chứ không đối thoại với ma quỷ, và cho kinh nguyện của chúng ta để Chúa chữa lành chúng ta.

Xét mình

Vậy, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có thực sự muốn tự do khỏi những xiềng xích trói buộc tâm hồn tôi hay không? Và tôi có biết chống nhưng cám dỗ của sự ác, trước khi chúng lén vào tâm hồn hay không? Sau cùng, tôi có cầu khẩn Chúa Giêsu, để Chúa hành động trong tôi, chữa lành tôi từ bên trong hay không?

Xin Đức Thánh Trinh Nữ gìn giữ chúng ta khỏi sự ác.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu hiện diện và kêu gọi cầu nguyện và liên đới với các nạn nhân ở Myanmar.

Ngài nói: “Từ ba năm nay, tiếng khóc đau thương và tiếng ồn của võ khí đã chiếm chỗ của nụ cười tiêu biểu của nhân dân Myanmar. Vì thế, tôi hiệp với tiếng nói của một số giám mục Myanmar, để “võ khí tàn phá được biến thành những dụng cụ làm tăng trưởng trong tình người và công lý”. Hòa bình là một con đường và tôi mời gọi tất cả mọi phe can dự hãy thực hiện những bước đối thoại và cảm thông, để đất nước Myanmar đạt được mục tiêu hòa giải huynh đệ. Hãy để cho đồ cứu trợ nhân đạo được đưa tới hầu bảo đảm nhu cầu thiết yếu của mỗi người”.

Đức Thánh cha cũng kêu gọi tôn trọng các thường dân ở trong chiến tranh tại Trung Đông, Palestine và Israel cũng như các nơi khác. Đức Thánh cha không quên nhắc đến đất nước Ucraina đau thương. Và ngài cảm thấy nhẹ nhõm khi hay tin các nữ tu và những người khác ở Haiti bị bắt cóc, đã được trả tự do trong tuần qua. Đức Thánh cha cũng kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt cóc còn bị cầm giữ, và mời gọi mọi người góp phần vào sự phát triển an bình cho đất nước, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Đức Thánh cha bày tỏ gần gũi với cộng đoàn nhà thờ Đức Mẹ Draperis ở Istanbul, trong thánh lễ đã bị tấn công võ trang làm cho một người chết và nhiều người bị thương.

Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc đến Ngày Thế giới các Bệnh nhân phong, cử hành vào Chúa nhật ngày 28 tháng Giêng này, cũng như đặc biệt chào thăm các trẻ em thuộc Phong trào Công giáo tiến hành, các giáo xứ và trường Công giáo ở Roma.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *