Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Các Ơn Gọi

Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi lần thứ 60, Đức Phanxicô mời gọi các Kitô hữu suy nghĩ về chủ đề « Ơn gọi : ân sủng và sứ mạng », và Ngày Thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi lần thứ 61 vào ngày 21/4/2024, Đức Phanxicô mời gọi mọi người hãy gieo rắc niềm hy vọng và xây dựng hòa bình. Và ngày này liên quan đến tất cả các ơn gọi, chứ không riêng gì của linh mục hay tu sĩ. Nói tóm lại là ơn gọi Kitô hữu.

Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Các Ơn Gọi

Theo sáng kiến ​​của Pháp, quốc gia đầu tiên thành lập Ban Ơn gọi toàn quốc vào năm 1959 và gợi ý cho Đức Thánh Cha Phaolô VI thành lập Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi, vì thế, chính Đức Phaolô VI đã thiết lập Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi, vào năm 1964, tại Công đồng Vatican II. Và chính ngài, vào năm 1971, đã chọn Chúa Nhật IV Phục Sinh để cử hành Ngày này, cũng được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Ban đầu, Ngày này được lập dường như chỉ nhắm đến các linh mục và tu sĩ, nhưng dần dần Giáo hội hướng đến tất cả các ơn gọi. Cụ thể, Ngày này bao gồm một lời mời gọi kép : mời gọi suy nghĩ về ơn gọi đã nhận được và mời gọi cầu nguyện để đáp lại ơn gọi đó. Một lời mời gọi suy nghĩ, vì ơn gọi chạm đến con người trong sự tự do thâm sâu nhất của nó : con người tự do đáp trả hay không đáp trả ơn gọi mình đã lãnh nhận. Nhưng còn là một lời mời gọi cầu nguyện, vì quyết định đáp lại một ơn gọi cần được soi sáng, khích lệ và gợi hứng bởi Chúa Thánh Thần.

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Sứ điệp lần thứ 60 này, đã nhắc lại rằng « tiếng gọi của Chúa là một ân sủng, một hồng ân nhưng không, và đồng thời đó cũng là một sự dấn thân ra đi, đi ra để mang lại Tin Mừng. » Và « « trọng tâm » của ơn gọi Kitô hữu : noi gương Chúa Giêsu-Kitô, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ ».

Từ « ơn gọi » (vocation) phát xuất từ tiếng Latinh (vocatio) có nghĩa là « được kêu gọi ». Nó chỉ lối sống mà một Kitô hữu chọn lựa : hôn nhân, thiên chức linh mục, tu sĩ, đời sống đan tu….Nhưng ơn gọi là phần của tất cả các Kitô hữu ở mọi thời điểm trong cuộc sống của họ. Trong Sứ điệp lần thứ 60, Đức Phanxicô cũng nhắc nhớ rằng ơn gọi Kitô hữu là một ơn gọi “trao hiến chính mình trong tình yêu, chung cho mọi người”, được biểu lộ trong đời sống hôn nhân gia đình, trong đời sống linh mục, tu sĩ…. Cũng trong Sứ điệp lần thứ 59 (năm 2022), ngài đã cho thấy rằng Ngày Thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi là một lời mời gọi « các linh mục, các tu sĩ và các giáo dân, chúng ta hãy bước đi và làm việc cùng nhau, để làm chứng rằng một đại gia đình nhân loại hiệp nhất trong tình yêu… ». Đặc biệt, Sứ điệp lần thứ 61 (năm 2024), Đức Thánh Cha nhấn mạnh rõ hơn nữa về ý nghĩa của Ngày này: “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về món quà quý giá là lời kêu gọi mà Chúa ngỏ với mỗi người chúng ta, dân tộc trung tín đang lữ hành của Người, để chúng ta có thể tham gia vào kế hoạch yêu thương của Người và thể hiện vẻ đẹp của Tin Mừng trong những bậc sống khác nhau […] Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi mang dấu ấn của tính hiệp hành: có nhiều đặc sủng và chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau và cùng nhau bước đi để khám phá chúng và để phân định điều gì Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta vì lợi ích của tất cả mọi người”.

Một Kitô hữu luôn được Chúa Giêsu kêu gọi bước theo và noi gương Ngài. Chúa Nhật IV Phục Sinh là ngày Giáo hội đặc biệt cầu nguyện để mỗi người khám phá ra con đường của mình. Vào năm 2018, nhân Ngày Thế giới cầu nguyện lần thứ 55, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh : « Chúng ta không bị chìm trong sự ngẫu nhiên, cũng không bị lôi cuốn bởi một loạt các biến cố lộn xộn, nhưng ngược lại, cuộc sống và sự hiện diện của chúng ta trên thế giới là hoa trái của một ơn gọi từ Thiên Chúa ! »

Tại Pháp, vào năm 2024 này, một tuần cửu nhật cầu nguyện cho các ơn gọi với các ý hướng sau đây: cầu xin các ơn gọi trong đời sống tu trì nam, cầu xin các ơn gọi trong đời sống tu trì nữ, cầu xin các ơn gọi trong đời sống đan tu, trong đời sống trinh nữ thánh hiến, trong đời sống phó tế vĩnh viễn, trong đời sống hôn nhân gia đình, ơn gọi giáo dân truyền giáo và ơn gọi linh mục.

 

Tý Linh

(xem nhật báo La Croix ở đây và ở đây )

Nguồn: xuanbichvietnam.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *