Bài 28 : Bí Tích Sám Hối (Sự sống Thiên Chúa trong chúng ta)

BÀI 28 : BÍ TÍCH SÁM HỐI

Lời Kinh Thánh

“Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.

Nếu chúng ta nói là chúng ta không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và Lời của Người sẽ không ở trong chúng ta. Hỡi anh em la những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi đền bù chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” (1Ga 1,8-10; 2, 1-2). Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy con người khỏi tội nguyên tổ và những tội riêng đã phạm trước đó. Nhưng con người vốn yếu đuối, vẫn có thể vấp ngã vào những lỗi lầm thiếu sót. Đó là thân phận con người, Thiên Chúa đã tìm thấy điều đó và trù liệu phương thế để ta tìm lại ơn tha thứ và trở về với Ngài. Chúa Giêsu lập Bí tích sám hối.

nguoicha.jpg

A. TỘI LỖI

1. Tội lỗi là gì ?

Tôi không phải chỉ là sự vi phạm một sự cấm đoán bên ngoài, nhưng là thái độ bên trong chủ tâm làm điều ác. Tội lỗi có thể coi như mặt trái của tình yêu, đi ngược lại tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Các tội có thể khác nhau về hình thức nhưng tất cả đều giống nhau về bản chất: Không vâng phục Thiên Chúa, khước từ làm theo ý Ngài, không trung tín với lòng yêu thương và đáp ứng các ân sủng Ngài ban.

Tội có thể phạm bằng nhiều cách như: lời nói, việc làm, ý tưởng, thiếu sót bổn phận…

2.Tội nặng và tội nhẹ

Tội nặng và tội nhẹ

a.Tội nặng

Mọi tội thành tội nặng khi đồng thời mắc pah3i ba điều sau:

– Lỗi phạm một điều nặng
– Biết rỏ là điều xấu và nặng
– Chú tâm lỗi phạm điều đó

Hậu quả của tội nặng:

– Mất ơn nghĩa với Thiên Chúa
– Chịu hình phạt sau khi chết
– Gây nhiều tai họa cho người khác.

b.Tội nhẹ

Thiếu một trong ba điều kiện nói trên

Hậu quả của tội nhẹ: Mặc dù tội nhẹ không làm mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, nhưng cũng làm tổn thương tương quan với Ngài và mở đường đưa tới tội nặng. Tội nhẹ có thể được tha mà không cần lãnh nhận Bí tích Sám hối như: cầu nguyện, sám hối, làm việc bác ái… tuy nhiên, lãnh nhận sám hối vẫn tốt hơn. Người thú tội như vậy sẽ được bình an, hướng dẫn, được ơn thánh hóa và trợ giúp nhiều hơn, tránh khỏi nguy cơ sa ngã trong tội nặng.

B.ƠN THA THỨ

1.Nguồn gốc và ý nghĩa

a.Nguồn gốc.

Thiên Chúa luôn tỏ ra là Đấng nhân hậu và sẵn lòng tha thứ. Ngài muốn cứu vớt con người. Trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã không ngừng thay lời Thiên Chúa kêu gọi tội nhân hối cải để được sống (Ezêlkiel, Joel, Amos…). Người kêu gọi họ “đổi đường” và kiên tâm chờ đợi họ.

Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã đi tìm kiếm những người tội lỗi: “Tôi không đến để kêu gọi những người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13b). Ngài tha thứ cho các tội nhân: Ma-đa-lê-na, người bất toại (Mt 9, 1-7; Ga 5, 1-18), người phụ nữ ngoại tình (Ga 7, 2-11), người trộm lành (Lc 23,43)… Rồi Ngài chịu chết đền tội thay cho nhân loại. Chiều ngày Phục sinh, Ngài đã ban Thánh thần và troa quyền tha tội cho các Tông đồ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20, 22-23).

b.Ý nghĩa

Bí tích của Lòng Thương Xót: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân được diễn tả trong nhiều dụ ngôn (Lc 15, 1-32) và thể hiện qua thái độ khoan dung của Chúa Giêsu khi các tội nhân đến với Ngài. Chính lòng thương xót đó lại đón nhận ta mỗi lần ta tìm đến ơn tha thứ trong bí tích sám hối.

Bí tích ban niềm vui: Chúa Giêsu dùng bí tích sám hối để tha thứ và giao hòa ta cùng Thiên Chúa. Mọi tội lỗi, nếu thực tâm sám hối sẽ được tha thứ. Ơm thứ tha chẳng những mang lại niềm vui cho chính hối nhân, nhưng còn là niềm vui cho Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn con người được cứu thoát: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín chín mươi chí người công chính không cần phải sám hối ăn năn”. (Lc 15,7-10)

Bí tích canh tân đời sống. Chẳng những tha thứ tội lỗi, bí tích sám hối còn cải hóa, đổi mới tâm hồn (Ga 10,10). Nhờ đó, tội nhân đã chết nay sống lại, và trở thành con Thiên Chúa (Lc 19, 8-10), thành chi thể Chúa Giêsu, giúp họ nên tốt hơn, tiến xa hơn.

Như vậy, bí tích sám hối – bí tích của lòng thương xót – mang lại niềm vui và canh tân đời sống, làm cho ta sống cuộc đời mới trong Chúa Kitô phục sinh.

2. Hiệu quả

Bí tích sám hối thứ tha những tội đã phạm từ khi lãnh nhận bí tích rửa tội, hoặc từ khi lãnh nhận bí tích sám hối gần nhất, đưa chúng ta về làm con Thiên Chúa và Giáo hội.

Ban các ơn đặc biệt cho người lãnh nhận để họ sống thánh thiện. Phục hồi đời sống thần linh và đổi mới tâm hồn hối nhân.

3.Điều kiện lãnh nhận

Để lãnh nhận bí tích sám hối, cần thực hiện những việc sau đây:

a.Xét Mình

Xét mình là kiểm điểm đời sống một cách thành thực và vô tư dưới ánh sáng của Thiên Chúa để thấy rõ tâm hồn mình từ lần rửa tội hoặc xưng tội lần cuối cùng, dựa theo:

+ Các điều căn bản của Giáo lý
+ Các giới luật của Thiên Chúa và Giáo Hội.
+ Các mối liên lạc với Thiên Chúa, với tha nhân và bản thân.

Khi xét mình cần lưu lý:

+ Cần chú trọng tới nguyên nhân của các lỗi lầm hơn là những chi tiết tỉ mỉ.
+ Nhớ lại đã phạm những điều nào, bao nhiêu lần, những yếu tố làm tội thêm nặng hoặc nhẹ.
+ cần xét mình thật chu đáo, cẩn thận.

b.Thống hối

Thành tâm thống hối trước mặt Chúa, quyết tâm chống lại và từ bỏ những khuynh hướng xấu cũng như tội lỗi mà ta vừa xét mình xong. Một cách đơn sơ giúp ta thống hối là đọc chậm và suy nghĩ theo kinh “Ăn năn tội”.

c.Thú tội

Tìm đến một linh mục thú nhận các lỗi lầm vừa kiểm điểm xong:

+ Trình bày mọi tội trọng đã xét thất.

+ Nêu rõ từng tội, nguyên nhân đưa tới phạm tội.

+ Không được chủ ý giấu bớt tội nào. Nếu cố tình giấu tội (không phải vì quên) thì bí tích sám hối không thành mà còn mắc thêm tội xúc phạm đến Bí tích Sám hối. Trong lần xưng tội sau, phải xưng tội này cùng tất cả những tội nặng đã phạm và mới phạm.

+ Sau khi thú tội, linh mục khuyên bảo và ban Bí tích Sám hối.

d.Đền tội

Đây là những việc linh mục hướng dẫn buộc ta làm (sau khi ta thú tội), nhằm mục đích đền bù phần nào tội lỗi đã phạm như: Đọc kinh, làm việc bác ái, hy sinh.

4.Nghi thức bí tích sám hối

a.Thừa tác viên (Gl 965,966)

Các giám mục và những linh mục nào được phép, đều có quyền ban Bí tích Sám hối.

b.Cách thức thú tội

Sau khi xét mình và thống hối, bạn đến tòa hòa giải thú nhận các lầm lỗi với Thiên Chúa qua sự hiện diện hữu hình của linh mục với cách trình bày tổng quát như sau:

  • Giới thiệu: Thưa Cha, …. xưng tội lần trước cách đây (mấy tuần, mấy tháng, lần đầu).
  • Trình bày: Trong thời gian qua (vì ích kỷ, lười biếng …),,, đã ,,, (bao nhiêu lần).
  • Kết thúc: Thưa Cha … cũng muốn thú nhận tất cả những tội quên sót, xin Cha giải tội cho …

Sau đó linh mục gợi ý giúp bạn thống hối, và định việc đền tội, rồi đọc lời tha tội: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót… Vậy, Cha tha tội cho Con – Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Bạn thưa: Amen !

5.Bao lâu nhận Bí tích sám hối một lần

Mỗi khi phạm tội nặng, cần xưng tội ngay để giao hòa lại cùng Thiên Chúa và Giáo hội.

Trong các dịp lễ quan trọng (Phục sinh, Giáng sinh, Chúa Thánh Thần…). Những biến cố đặc biệt trong đời ta, cũng cần chuẩn bị xưng tội để lãnh nhận nhiều ơn Chúa trong những dịp đó.

Giáo hội ước mong các tín hữu nhận Bí tích Sám hối thường xuyên, ngay cả khi có tội nhẹ, giúp ta vững mạnh trong đời sống thiêng liêng.

Kết luận

“Vậy đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ. tâm trí họ đã ra tối tăm, họ xa lạ với sự sống Thiên Chúa ban, vì lòng chai dạ đá khiến họ trở nên dốt nát. Họ đã mất ý thức nên đã sống buông thả, sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ. Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Kitô như vậy đâu; ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần con Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu. Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.” (Ep 4, 17-24)

Câu hỏi

Tội là gì ?
Tội nặng và tội nhẹ ?
Nguồn gốc và ý nghĩa Bí tích Sám hối ?
Hiệu quả Bí Tích Sám Hối ?
Điều kiện lãnh nhận ?
Khi nào cần lãnh nhận Bí tích Sám Hối ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *