29-11: CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG
Gr 33, 14-16; 1 Tx 3, 12 – 4, 2; Lc 21, 25-28, 34-36.
BÀI ĐỌC I: Gr 33, 14-16
“Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính”.
Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ðây lời Chúa phán: Ðã đến ngày Ta sẽ thực hiện tin mừng Ta loan báo về nhà Israel và nhà Giuđa. Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn. Và đây là tên người ta sẽ gọi Ngài: “Thiên Chúa, Ðấng Công Chính của chúng tôi”.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5ab. 8-9. 10 và 14
Ðáp: Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa (c. 1b).
1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.
2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.
3) Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài.
BÀI ĐỌC II: 1 Tx 3, 12 – 4, 2
“Xin Chúa làm cho lòng anh em nên dũng cảm khi Chúa Kitô đến”.
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với tất cả các Thánh. Amen.
Anh em thân mến, ngoài ra, tôi còn van nài anh em trong Chúa Giêsu điều này, là như anh em được chúng tôi bảo cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em.
Ðó là lời Chúa.
ALLELUIA: Tv 84, 8
All. All. – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. – All.
PHÚC ÂM: Lc 21, 25-28, 34-36
“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”
Ðó là lời Chúa.
MỤC LỤC
1- Hãy nhìn đường
2- Tỉnh thức
3- Đứng thẳng và ngẩng đầu
4- Hãy tỉnh thức và cầu nguyện
5- Tỉnh thức đi vào thế giới mới- ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
6- Trước ngày gặp gỡ
1. Hãy nhìn đường
Ít năm trước đây, có một bác tài xế xe buýt ở bên Mỹ, đã đạt kỷ lục xuất sắc. Suốt hai mươi ba năm trong nghề, bác đã đi được trên một triệu năm trăm cây số mà không gây nên một tai nạn nào. Khi được hỏi làm sao mà bác đạt được kỷ lục ấy, thì bác đã trả lời một cách đơn giản đó là hãy nhìn đường.
Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay cũng đem lại cho chúng ta một lời khuyên tương tự: Hãy tỉnh thức luôn. Ý tưởng này được nhắc đi nhắc lại bằng những hình thức khác nhau: Hãy coi chừng, hãy chú ý, hãy ngẩng đầu lên.
Đó không phải chỉ là một lời khuyên có ích cho đời sống thiêng liêng, mà còn là một quy luật cho những sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Đúng thế, chúng ta vốn thường nói: Hãy chú ý, hãy nhìn cho kỹ và hãy đề cao cảnh giác.
Để lái một chiếc xe, chúng ta phải nhìn đường. Một cầu thủ trên sân cỏ, phải lẹ mắt để sẵn sàng đối phó với những cảnh huống bất ngờ. Anh phải theo sát trái banh. Trong lớp, các em phải chăm chú lắng nghe những lời thày cô giảng dạy.
Qui luật này cũng được áp dụng trong những công việc bình thường nhất. Một bà mẹ, phải canh chừng đứa con nhỏ, kẻo nó té ngã xuống sông, xuống ao… Phải để ý tới cái nồi, cái chảo trên bếp, kẻo món ăn bị cháy khê cháy khét.
Cuộc sống giống như một chuyến xe mà chúng ta là người tài xế. Chúng ta không phải chỉ có một trách nhiệm đối với bản thân mà còn có cả trách nhiệm đối với người khác.
Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, chúng ta cần phải nhìn đường, cần phải chú ý để khám phá ra sự hiện diện của Chúa. Thực vậy, Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng kẹt một nỗi, Ngài lại là Đấng thiêng liêng, nên con mắt phàm trần của chúng ta không thể nào nhìn thấy. Tuy nhiên với con mắt đức tin, chúng ta có thể khám phá ra Ngài.
Trước hết, Ngài ngự thật trong Bí tích Thánh Thể. Vì thế khi tham dự thánh lễ, chúng ta phải tỉnh thức phần xác, không ngủ gà ngủ gật đã đành, mà còn phải tỉnh thức cả phần hồn bằng cách kết hiệp tâm tình của chúng ta vào với những lời kinh, những tiếng hát, nhất là khi lên rước lễ, chúng ta sẽ được kết hiệp với Chúa, Đấng mà ngày xưa đã sinh ra trong máng cỏ Bêlem.
Với con mắt đức tin, chúng ta sẽ thấy Chúa hiện diện qua những sự kiện, qua những biến cố xảy đến và bằng một bàn tay uy quyền và yêu thương, Ngài đang hướng dẫn cả lịch sử của nhân loại, điều cần thiết là chúng ta phải tìm biết và thực thi thánh ý Ngài qua những biến cố, những sự kiện, những dấu chỉ của thời đại.
Và sau cùng, với con mắt đức tin, chúng ta sẽ thấy Chúa không phải chỉ đến với chúng ta trong đêm Giáng sinh, mà Ngài còn viếng thăm bản thân chúng ta khi chúng ta từ giã cuộc đời, cũng như Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết vào ngày tận cùng của trời và đất.
Thế nhưng, chúng ta có biết tỉnh thức và nhất là chúng ta có biết chuẩn bị cho ngày giờ Chúa viếng thăm bản thân chúng ta hay không?
2. Tỉnh thức
Có một bà già nóng tính, đi trên một chuyến tàu lửa. Khi xe đang xuống dốc, bà liền hỏi bác tài công:
– Chúng ta có thể dừng lại được không?
Bác tài công trả lời ngay:
– Được chứ, chúng tôi có chiếc thắng điện mà.
Bà già chưa lấy làm thỏa mãn, nên hỏi tiếp:
– Nhưng nếu chiếc thắng điện không ăn, thì bác có thể dừng lại được không?
Bác tài công vui vẻ trả lời:
– Được chứ, chúng tôi còn chiếc thắng tay nữa.
Bà già liền nói:
– Lỡ chiếc thắng tay cũng không ăn thì sao?
Bác tài công vẫn không mất kiên nhẫn:
– Chúng tôi còn một chiếc thắng đặc biệt dành cho những trường hợp khẩn cấp.
Bà già vẫn không an tâm, nên hỏi:
– Nếu cả chiếc thắng đặc biệt này cũng không ăn, thì số phận chúng ta sẽ ra sao?
Bác tài công tỏ vẻ bực bội:
– Nếu chiếc thắng đặc biệt này mà không ăn, thì một số người trong chúng ta sẽ lên thiên đàng, còn một số người khác sẽ xuống hỏa ngục.
Thực vậy, qua đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ với mỗi người rằng: Mỗi ngày qua đi là một bước chúng ta tiến dần đến cái chết, để rồi tới một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải ra trước tòa án tối cao mà tính sổ cuộc đời với Chúa. Liệu mỗi người chúng ta có sẵn sàng cho phiên tòa định mệnh này hay chưa?
Trong ngày trọng đại ấy, Chúa Kitô sẽ lại đến như một tia chớp lóe lên từ đông sang tây, hay như một kẻ trộm viếng thăm vào ngày chúng ta không ngờ, vào giớ chúng ta không biết. Liệu chúng ta có ở trong tư thế tỉnh thức và sẵn sàng hay không?
Nhiều người trong chúng ta vốn thường nghĩ:
– Tôi không có thời giờ để lo việc linh hồn, bởi vì tôi bận rộn quá nhiều công việc phải làm.
Nếu nghĩ và sống như vậy, họ sẽ có cả một khoảng thời gian đời đời để hối tiếc cho việc đã không làm này. Nhưng bấy giời thì đã quá muộn. Nước đến chân rồi mới nhảy, thì nhảy làm sao cho kịp.
Chúng ta không biết việc phán xét ấy xảy ra như thế nào, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng: Lúc bấy giờ Chúa sẽ hỏi mỗi người chúng ta xem có mang hình ảnh của Ngài trong tâm hồn hay không? Nếu linh hồn chúng ta ở trong tình trạng ơn thánh, thì hình ảnh của Ngài sẽ tỏa sáng, bằng không, Ngài sẽ nói:
– Ta không biết các ngươi từ đâu mà đến.
Có một câu chuyện kể lại như sau:
Một linh hồn kia tới trước của thiên đàng, vừa ngơ ngác, lại vừa sợ hãi, nhưng cũng đưa tay ra và gõ. Khi được hỏi là ai, linh hồn ấy đã trả lời:
– Lạy Chúa, con đấy ạ.
Bỗng một tiếp đáp lại:
– Nếu ngươi là con, thì ngươi chưa sẵn sàng để vào thiên đàng.
Trở lại trần gian, linh hồn ấy lo ăn chay cầu nguyện, hãm mình phạt xác. Cũng trong thời gian này, linh hồn ấy học hỏi và biết được rằng trong ngày phán xét, Chúa sẽ hỏi:
– Ngươi có mang hình ảnh Ta trong tâm hồn ngươi hay không?
Ngày kia, linh hồn ấy cũng lên tới của thiên đàng và khi nghe tiếng hỏi:
– Ai đó?
Linh hồn ấy đã thưa lên:
– Chúa đấy.
Lập tức có tiếng vọng lại:
– Hỡi đầy tớ trung thành và khôn ngoan, hãy vào lãnh lấy phần thưởng của ngươi.
Mỗi người chúng ta đều phải chết. Đó là là sự thật thứ nhất. Rồi sau đó, mỗi người chúng ta đều bị phán xét. Đó là sự thật thứ hai. Trót cả cuộc đời, chúng ta phải hướng tới hai sự thật ấy.
Vậy chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc phân xử định mệnh này hay chưa? Nếu như chúng ta chưa sẵn sàng, nếu như chúng ta còn vướng mắc quá nhiều những món nợ đối với Chúa và đối với anh em, nếu như chúng ta còn chồng chất tội lỗi, thì ngay từ hôm nay, chúng ta hay thanh toan cho xong bằng tâm tình sám hối của bí tích giải tội, để rồi chúng ta không còn phải lo lắng khi phải tính sổ cuộc đời với Chúa.
3. Đứng thẳng và ngẩng đầu
(Trích trong Manna năm C – Lm. Nguyễn Cao Siêu)
Suy Niệm
Cuộc sống con người đầy những bất ngờ. Có những điều tôi nghĩ sẽ không bao giờ xảy ra, thậm chí tin chắc sẽ không thể xảy ra được, vậy mà thực tế chúng lại xảy ra. Có những bất ngờ thú vị làm tôi ngất ngây. Có những bất ngờ đớn đau làm tôi hụt hẫng.
Lắm người đi coi bói để biết trước tương lai, hầu mong tránh được những bất ngờ bi thảm.
Người kitô hữu tin rằng vũ trụ sẽ có ngày cùng tận, lịch sử sẽ kết thúc bằng biến cố Đức Kitô quang lâm. Nhưng khi nào chuyện đó xảy ra, chẳng ai biết được. Nó giống như tấm lưới bất thần chụp xuống trên tất cả dân cư trên mặt đất.
Thiên Chúa có tàn nhẫn không khi cứ thích cái bất ngờ, khi cứ để cho con người sống trong thấp thỏm? Thật ra cái bất ngờ chỉ đáng sợ khi Ngài đến mà đèn chúng ta đã cạn dầu, và những nén bạc Ngài giao vẫn còn bị chôn giấu. Nếu chúng ta luôn thanh thoát, sẵn sàng, thì việc Ngài đến sẽ là một bất ngờ thú vị.
Chúng ta dễ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế. Trái tim chúng ta dễ bị trì trệ, nặng nề, vì ăn nhậu say sưa, vì nuông chiều thân xác, hay vì quá lo lắng cho cuộc sống hiện tại.
Cả những lo lắng chính đáng cũng có thể kéo ta đi xa, và làm ta đánh mất khả năng dừng lại.
Chúng ta bị chìm ngập trong những tính toán làm ăn, lo toan cho cuộc sống mà quên tìm lẽ sống.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những điều kinh khủng những xáo trộn sâu xa trong vũ trụ vào ngày Chúa đến.
Chúng ta không nên hiểu mọi hình ảnh ấy theo nghĩa đen.
Điều quan trọng hơn là những xáo trộn nơi lòng người: lo lắng hoang mang sợ hãi đến hồn xiêu phác lạc… khi Đức Giêsu ngự đến uy nghi như vị Thẩm Phán.
Nhiều người sẽ khiếp sợ rụng rời trước nhan Ngài, nhưng đối với những ai đã tỉnh thức, cầu nguyện, thì đây lại là giây phút được mong đợi từ lâu Đấng họ chỉ thấy trong lòng tin, nay được diện đối diện.
Đây là cuộc hạnh ngộ giữa những người yêu nhau. Chúa nhận ra tôi, tôi nhận ra Chúa, và tôi hiểu rằng chẳng gì có thể chia lìa được chúng tôi.
Tư thế của người biết mình sắp được giải phóng là tư thế đứng, đứng thẳng, đứng vững, đầu ngẩng cao, lòng tràn ngập hy vọng và hân hoan vui sướng trước chiến thắng dứt khoát và trọn vẹn của Vua Giêsu.
Mùa Vọng nhắc ta lần đến đầu tiên của Con Chúa, và nhắc ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Ngài. Giữa hai lần ấy, có biết bao lần Ngài bất ngờ đến. Xin cho tôi luôn đứng thẳng, cao đầu ra đón Ngài, chẳng chịu bỏ lỡ một lần cùng Ngài gặp gỡ.
Gợi Ý Chia Sẻ
Cuộc sống được đan bằng những bất ngờ. Mỗi ngày là một bất ngờ, nên mỗi ngày có hương vị riêng. Bạn nghĩ gì về những người mê bói toán? Bạn có thích biết trước mọi chuyện tương lai của bạn không?
Nếu ngày mai tận thế thì hôm nay bạn sẽ làm những việc gì?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ như tấm bánh nơi nhà Tạm, nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ, những người sống không ra người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người gặp gỡ nhau để chia sẻ lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo hội gồm những con người yếu đuối, bất toàn, và Chúa cũng ở rất sâu trong lòng từng kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con thấy Chúa đang tạo dựng cả vũ trụ và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra Chúa đang hẹn gặp con nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi, thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa. Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa trên bước đường đời của con. Amen.
4. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện
(Trích trong Manna năm C – Lm. Nguyễn Cao Siêu)
Suy Niệm
Nhiều kitô hữu tưởng Phục Sinh là dấu chấm hết của Kitô giáo. Thật ra Kitô giáo vẫn đang hy vọng và chờ đợi một biến cố hết sức quan trọng: biến cố Chúa trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Biến cố này hoàn tất lịch sử nhân loại và hoàn tất công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu.
Bao lâu Chúa Kitô chưa trở lại người kitô hữu còn phải chờ.
Chờ đợi làm nên cuộc sống kitô hữu, cuộc sống Giáo Hội.
Những kitô hữu thời sơ khai đã nôn nao chờ đợi. Họ ngỡ rằng chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ trở lại. Nhưng dần dần người ta nhận ra rằng cần phải chờ đợi một cách tích cực, cần phải chuẩn bị thế giới này đón tiếp Chúa khi Ngài đến, để Ngày Chúa quang lâm thực sự là ngày hội vui của cả địa cầu và cả vũ trụ. Mà ngày Chúa đến vẫn là một bất ngờ như mọi lần.
Ngài đã chào đời bất ngờ như một trẻ thơ quấn tã. Ngài đã sống bất ngờ như một bác thợ mộc vô danh. Ngài đã chết bất ngờ như một kẻ bị đóng đinh vì gây rối. Ngài đã sống lại bất ngờ, hiện ra với hai môn đệ về Emmau. Ngài sẽ trở lại bất ngờ…
Tỉnh thức chờ đợi là thái độ sống của Mùa Vọng.
Tỉnh thức là sẵn sàng đón Chúa với đèn sáng trong tay. Tỉnh thức là trung tín chu toàn cả những điều bé nhỏ. Tỉnh thức là tích cực đầu tư những nén bạc Chúa trao. Tỉnh thức đi đôi với cầu nguyện.
Thế giới hôm nay có nhiều thứ gây ngủ mê.
Cuộc sống quá khó khăn hay quá tiện nghi dễ dãi đều làm chúng ta đánh mất thái độ tỉnh thức chờ đợi.
Chúa đã đến âm thầm, Chúa sẽ đến trong vinh quang.
Chúa đang đến nhẹ nhàng trong thế giới, trong từng người, từng tập thể. Cần tập nghe tiếng bước chân của Chúa…
Mùa vọng là thời gian ta chờ Chúa đến, nhưng đừng quên chính Chúa mới là người chờ ta trước, từ lâu, vì ta không nhận ra tiếng gõ cửa của Ngài.
Ước gì chúng ta dám can đảm và thành thật nài xin: Marana tha! Lạy Chúa, xin hãy đến.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, con người hôm nay có dễ tỉnh thức không? Cái gì đang làm cho giới trẻ trở nên mê ngủ (ma túy, rượu chè, bạo lực, tình dục…?
Bạn dự tính sống mùa Vọng như thế nào? Bạn sẽ giúp gì cho những bạn khác sống mùa Vọng?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
Con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài. Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con. Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu là con có thể tạo ra sa mạc.
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất: khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh ở ngã tư, chờ món hàng đang được gói; Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, khi kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột con lại thấy mình sống an bình trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
Những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày giúp con tỉnh thức để nhạy cảm với ý Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn để tìm ra những sa mạc mới và vui vẻ bước vào.
5. Tỉnh thức đi vào thế giới mới- ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Thật ngạc nhiên. Ta cứ tưởng trong mùa Vọng, phải có những bài sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Nhưng không ngờ những bài sách thánh và đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Tại sao thế? Thưa vì Giáo Hội muốn cho ta hiểu ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến. Hàng năm vào mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi ta chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra Chúa đã đến rồi khi sinh ra tại hang đá Bêlem cách nay hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày với ta. Và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Việc Chúa đến lần thứ hai đưa ra những hướng dẫn quan trọng cho cuộc đời chúng ta.
Hướng dẫn thứ nhất: Có hai thế giới. Thế giới hiện tại và thế giới tương lai. Thế giới hiện tại sẽ qua đi. Vạn vật có khởi đầu và có kết thúc. Con người có sinh có tử. Đó là định luật tự nhiên. Không chỉ những gì yếu đuối, bé nhỏ mới qua đi. Cả những gì lớn lao, mạnh mẽ, có vẻ bền vững nhất như mặt trời, mặt trăng cũng qua đi. Điều quan trọng nhất là chính ta cũng sẽ qua đi. Khi thế giới này qua đi, một thế giới mới sẽ bắt đầu: thế giới vĩnh cửu.
Hướng dẫn thứ hai: Chúa làm chủ lịch sử. Sở dĩ thế giới cũ tan biến đi vì Chúa đã định cho nó một thời hạn. Khi thế giới đến ngày cùng tháng tận Chúa sẽ đến. Quyền uy của Chúa thể hiện qua việc Chúa xét xử thế giới cũ và khai sinh thế giới mới. Sau cảnh tan vỡ kinh hoàng của thế giới cũ sẽ là một khởi đầu mới đem đến niềm hy vọng mới cho con người. Có thể nói thế giới không chấm dứt nhưng biến đổi. Từ một thế giới mong manh mau tàn đến một thế giới vững bền vĩnh cửu. Từ một thế giới tương đối đến một thế giới tuyệt đối.
Hướng dẫn thứ ba: Ta tự quyết định vận mệnh đời mình. Thế giới này sẽ qua đi. Thế giới mới sẽ xuất hiện. Ta sẽ bị hủy diệt cùng với thế giới cũ. Hay sẽ được hạnh phúc trong thế giới mới? Điều đó tùy thuộc bản thân ta. Chúa đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng. Thế giới cũ sẽ suy tàn. Nên ai quá gắn bó với nó sẽ khổ sở. Thế giới mới sẽ tới. Ai biết chuẩn bị chờ đón sẽ được hạnh phúc. Phải làm gì? Thưa phải tỉnh thức và cầu nguyện.
Tỉnh thức không “chè chén say sưa”, tức là không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ đời này. Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, nghĩa là không quá mê say danh, lợi, thú, là những giá trị đời này. Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Tỉnh thức tuy còn sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.
Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện để biết tỉnh thức. Vì khi cầu nguyện ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh. Nhất là cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp. Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị trần gian lôi kéo. Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát ra khỏi vòng giam hãm của vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng.
Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới khao khát Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa. Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay. Tỉnh thức cầu nguyện ta sẽ gặp được Chúa trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Tỉnh thức cầu nguyện chắc chắn ta sẽ được gặp Chúa trong ngày cùng tận của thế giới. Chúa sẽ đón ta vào hưởng hạnh phúc trong một thế giới mới hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến cứu con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Chúa đã đến rồi sao ta vẫn còn chờ mong Chúa đến?
2) Chúa làm chủ lịch sử. Bạn có cảm nghiệm về điều này trong đời sống không?
3) Ta phải làm gì để được niềm vui trong ngày Chúa đến?
4) Tỉnh thức nghĩa là gì?
5) Tại sao phải cầu nguyện?
6. Trước ngày gặp gỡ
Đoạn Phúc Âm hôm nay liên quan trực tiếp đến sự quang lâm của Con Người, chấm dứt vòng thịnh suy của thời gian và thiết lập Ngày Quang Vinh của Chúa (Chúa Nhật là biểu tượng, đồng thời là tiền diễn Ngày đó). Chọn bản văn này cho thời kỳ chuẩn bị lễ Giáng Sinh, Giáo Hội muốn lưu ý chúng ta đến sự kiện Chúa Giáng Sinh mở màn cho một lịch sử sẽ kết thúc trong huy hoàng rực rỡ, như chúng ta có thể đoán trước. Sự Chúa sinh ra, thời thơ ấu của Chúa đưa đến kết quả là tôn vinh tính loài người trong Chúa. Tuy nhiên trong quá trình lịch sử ấy có xen lẫn những thảm kịch của tự do. Những kẻ được tham gia tôn vinh Đức Kitô là những kẻ đã cẩn mật canh thức, vì thế giữ vững được lòng trung thành. Họ chiến đấu chống sự dữ, vì sự dữ là thất bại của tự do.
Như vậy, Đức Kitô làm nổi bật khía cạnh cá nhân của một biến cố chung, là sự tận cùng thế giới chúng ta đang sống. Ngày nay, nhiều người muốn tổ chức thế giới như thể xem thế giới là bất diệt. Họ cũng cho rằng không cá nhân nào khỏi chết, tuy nhiên nhân loại gồm những cá nhân chìm biến trong đó thì bất diệt. Đức Giêsu nói: Thế giới trong hình thái hiện nay sẽ qua đi. Mỗi người tin, trong cuộc đời hiện tại, phải canh thức và cầu nguyện vì chính cá nhân mình chịu trách nhiệm về số phận vĩnh cửu của mình.
Đối với mỗi người, ngày giờ chết sẽ đến bất chợt, dù có dự đoán. Cũng vậy, đối với nhân loại, ngày tận thế sẽ đến vào lúc không ngờ. Chúng ta tự hỏi, mình có trong số những kẻ trông thấy ngày tận thế không? Chúng ta làm sao biết được? Dẫu thế nào đi nữa, chúng ta biết chắc chúng ta sẽ chết. Chúng ta phải chuẩn bị kỹ cuộc gặp gỡ riêng với Chúa, như thể ngày mai sẽ tận thế. Điều quan trọng là lúc gặp Chúa chúng ta có thể đứng thẳng trước Con Người, cách rất khiêm nhượng đơn sơ, hy vọng được Chúa đón nhận vì mình đã hết lòng ăn ở hiếu thảo, không bị Chúa xét phạt.