Bài Giảng Lễ 40 Năm Thành Lập Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam

Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Bài Giảng Lễ 40 Năm Thành Lập (17-3-2007)

TRÊN CÁNH ĐỒNG QUÊ HƯƠNG

BT Giám tỉnh Giuse Nguyễn Cao Luật O.P.

Một hình ảnh, một lối nói khá quen thuộc – mặc dù lúc này không còn được sử dụng nhiều lắm, đó là hình ảnh, là lối nói về người nông dân : anh hai lúa.

Nói đến anh hai lúa, người ta liên tưởng ngay đến con người gắn bó với đất, với mùa màng. Lòng gắn bó này tựa như một nghiệp chuyên để anh sống còn và phát triển. Sự cần cù, lòng say mê và thích thú khiến anh dường như chung số phận với mảnh đất. Anh học hỏi, tìm tòi và biết làm gì với hạt giống, với mảnh ruộng và với vụ mùa.

I. HÌNH ẢNH NGƯỜI NÔNG DÂN

1.Với hạt giống. Người nông dân sàng lọc để chọn lựa, phơi phóng để bảo đảm chất lượng, dọn chỗ để cất gĩư, canh phòng để bảo toàn, và ủ ấp để hạt lúa nẩy mầm đúng ngày đúng giờ… Ngòai ra, đối với khí hậu thời tiết không ngừng đổi thay, người nông dân phải bảo quản hạt lúa bằng cách tránh mưa tránh sương, tránh bị trộm cắp hay bị chuột đục khoét …

2.Với mảnh đất. Biết rõ mảnh đất thửa ruộng của mình thế nào, với biết bao đòi hỏi liên quan đến nó. Anh ta phải cải tạo lại mảnh đất, cầy sâu cuốc bẫm, nhặt đá sỏi, vun xới từng lô đất, san bằng từng hố sâu, uốn nắn từng con mương, be bờ đắp đập, đặt ống khơi nguồn cho dòng nước lưu thông …

3.Với vụ mùa. Người nông dân thức khuya dậy sớm, sáp xếp thì giờ tốt nhất để lao động, làm mọi cách để có vụ mùa tốt nhất – trông trời trông đất trông mây. Anh đánh đổi bản thân mình, cả vốn liếng, cả sức khoẻ, cả tâm trí, cả thì giờ cho vụ mùa; người nông dân đặt cược chính cuộc đời mình cho vụ mùa, người nông dân buông niềm vui nỗi buồn của mình theo từng thời kỳ phát triển của cây lúa…

II. HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI MANG SỨ VỤ LỜi

Nếu như hạt giống là Lời Thiên Chúa, nếu như mảnh đất là tâm hồn con người, thì tất cả những phẩm chất của một anh Hai Lúa chính cống như thế cũng thật sự là hình ảnh lý tưởng của một người mang sứ vụ Lời, là nhiệm vụ của một anh “nông dân của Lời” trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam.

Nếu như Hạt giống là Lời Thiên Chúa thì người “Nông dân của lời” cũng cần và càng cần hơn nữa việc trân trọng Hạt giống của Lời; và làm sao để sàng lọc, để phơi phóng, để cất giữ, để ấp ủ cho hạt giống của Lời được phát huy hết tiềm lục của Lời Thiên Chúa

Nếu như mảnh đất là tâm hồn con ngươi, thì người “Nông dân của Lời” cũng cần và càng cần hơn nữa biết  nỗ lực cải tạo mảnh đát đời người để có thể trở nên mảnh đát tốt cho Hạt Giống Lời Chúa.

Và nếu như phẩm chất của một anh nông dân Hai lúa là thiết tha với vụ mùa đến quên mình, thì phẩm chất của người “nông dân của Lời” lại cần và càng cần hơn nữa đón nhận việc loan báo Tin Mừng như một sứ vụ. Sứ vụ nghĩa là không có lấy giới hạn nào làm đủ; kẻ mang sứ vụ là người không đi tìm sung sướng an nhàn cho bản thân, nhưng là một hành trình cống hiến, và cống hiến cho đến cùng. Kẻ mang sứ vụ không được quyền so sánh công sức của mình với sự đáp ứng của người khác, nhưng so sánh công sức của mình với một sự thôi thúc cho đi trọn vẹn chính bản thân của mình, nghĩa là không dừng bước để đổ tội cho người khác, không được đặt giới hạn để phó mặc cho hoàn cảnh, nhưng càng gặp khó khăn thì lại càng cảm thấy lòng thôi thúc xả thân hơn nữa. Bởi vì, ý nghĩa cuối cùng của sứ vụ không là gì khác hơn chính lời mời gọi của Chúa đã được ghi khắc trong khát vọng yêu thương của con người.

Người mang sứ vụ là người làm sao để vệ đường cũng có khả năng trở thành mảnh đất canh tác được 30, khao khát làm sao để mảnh đất sỏi đá cũng có thể mang lại vụ thu hoạch 60, khao khát mảnh đất gai góc cũng có thể trở thành mảnh đất tươi tốt mang lại vụ mùa 100. . .

III. BỐN MƯƠI NĂM GIEO TRỒNG

Hôm nay và ở đây, trong tâm tình tạ ơn với bao ký ức sống động còn đó, tỉnh dòng được sinh ra và lớn lên nhờ mồ hôi nước mắt và máu đào của biết bao nhiêu vị anh hùng tử đạo.

Tỉnh Dòng được thành lập 40 năm. Đó là :

40 năm cày sâu cuốc bẫm trên quê hương Việt Nam
40 năm ấp ủ Lời trong tim
40 vất vả gieo trồng từng hạt giống của Lời
40 năm vui buồn theo thế sự thăng trầm hạt giống Tin Mừng trên dải đất Việt Nam

Đó là, 40 năm tiếp tục trên mảnh đất đã được gieo trồng trong nước mắt, trong hy sinh, trong máu đào của những vị truyền giáo khởi đầu, những vị anh hùng tử đạo, và những vị cha anh của những thế hệ đi trước.

Đó là, 40 gặt hái những thành quả đã được gieo xuống mảnh đất này từ những thuở xa xưa, và hạt giống vẫn âm thầm lớn mạnh cùng với những hy sinh trong âm thầm và sáng tạo của biết bao người. Lời của thánh Phaolô : “Tôi trồng, anh Apôlô tưới” vẫn đang được thể hiện mỗi ngày. Thế hệ nào đó đã gieo và hôm nay chúng ta là những người đang gặt hái. Những thành quả ấy lại được quy về Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Cửu, vẫn không ngừng gửi hạt giống Lời Người đến trần gian.

Đó là, 40 năm trong sáng tạo và dấn thân đến những biên cương mới, cả về địa dư, thể chất lẫn tinh thần, với một nỗ lực lớn là mong muốn để hạt giống Lời được gieo vãi mỗi ngày một rộng hơn, sâu hơn trong lòng con người thời đại.

Giờ đây chúng ta đã có được bao nhiêu bông hạt ? Không rõ, nhưng điều chắc chắn, đây không phải là lúc an nghỉ, mà là lúc tiếp tục lên đường. 40 năm mới chỉ làm được một phần trong cánh đồng bao la của quê hương, của Thiên Chúa. Cánh đồng vẫn ở phía trước và vụ mùa vẫn ở phía trước. Nhiệm vụ hôm nay của chúng ta là tiếp tục gieo trồng, là tiếp tục cày xới cho những vụ mùa tương lai.

Qua 40 năm, trước mặt chúng ta, vẫn là những thách đố và hy vọng, vẫn là những mảnh đất đời người, những mảnh đất khát khao được gieo hạt, và mỗi người chúng ta, trong Chúa Giêsu, cùng với Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta vẫn sống như bản chất của một người mang sứ vụ Lời, vẫn là “anh nông dân của Lời”, vẫn là “người gieo giống ra đi gieo giống trên ruộng mình”

Thưa anh em,

… Ngày 18-3-2007, Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam thành lập được 40 năm. Bốn mươi năm không phải là con số dài lắm, so với chiều dài của lịch sử một tập thể như Tỉnh Dòng. Tuy vậy, 40 năm đó không phải là một sự xuất hiện ngẫu nhiên và đột nhiên; để rồi cũng ngẫu nhiên mà sống hoặc đột nhiên mà chết. Bốn mươi năm ấy như một khúc sông mà nếu đưa mắt nhìn lên thượng nguồn, chúng ta còn thấy cả một ngọn nguồn cao vút và nhìn tới hạ nguồn chúng ta còn có thể thấy thấp thoáng cả một biển cả bao la.

Từ nơi “thượng nguồn” ấy, Lời đã tràn vào thế giới như một nguồn mạch tuôn trào phong phú, toả ra bao nhánh, mang sự sống đến cho muôn loài. Thế đó, Lời đã thấm vào bao đại lục và bao thế hệ; Lời đã khơi nguồn cho bao dòng sông và vun tưới cho bao đồng lúa nhân sinh. Cũng thế, Lời đã thấm vào một con người mang tên là Đa Minh và đã khơi lên một dòng sông vẫn không ngừng băng qua các miền đất mới của cuộc sống nhân sinh. Lời được cha Đa Minh ôm ấp ấy, cách đây hơn 400 năm đã đến trên quê hương này (1550).

Tự hào với một nguồn cội như thế, chúng ta cũng có thể đưa mắt nhìn về hạ nguồn để thấy những vùng đất khát khao đợi chờ dòng nước mát. Trong dòng sông của Lời, 40 năm của Tỉnh Dòng không phải là một con sông nhỏ chơi vơi, không phải là một dòng kênh tù đục thảm hại, nhưng là một phần của dòng sông có cội nguồn phong phú bất tận. Trong dòng sông của Lời, chúng ta được tiếp sức từ một cội nguồn không bao giờ có thể cạn; chính trong ý nghĩa của niềm tin ấy, chúng ta có quyền lạc quan để mừng 40 năm, và hăng hái để hướng tới tương lai.

Anh em thân mến,

Phần lớn các vị giữ trọng trách trong thời gian thành lập Tỉnh Dòng đã hoàn tất vai trò của mình, và một số đông các vị đã yên nghỉ. Mới ngày nào đây, khi thành lập Tỉnh Dòng, người viết những dòng này còn là một chú bé, hôm nay đã thuộc vào “phần ba trên” trong danh sách anh em. Hai phần ba nhân sự của Tỉnh Dòng hiện nay là những anh em vào sau ngày thành lập. Quãng thời gian 40 trôi qua, trôi đi cùng với hơn một thế hệ và trôi chảy đến một hành trình mới. Dòng sông Tỉnh Dòng đã đi đến một khúc ngoặt mới; và bởi vì “không ai tắm hai lần trong một dòng sông” nên trung thành với dòng sông cũng phải bao gồm một sự làm mới lại dòng nước ấy.

Nhìn lại 40 năm, để biết trân trọng cũng như để tiếp nối những truyền thống tốt đẹp; nhưng nhìn lại 40 năm, đó cũng là để khám phá những lãnh địa mới và những nguồn sức sống mới. Đúng thế, cuộc sống với bao nhiêu sự việc, cái hay và cái dở, cái vui và cái buồn, cái thuận lợi và những khó khăn cứ mỗi ngày dồn dập đổ tràn tới. Mỗi cộng đoàn, mỗi cá nhân lúc nào cũng hối hả với công việc và nhiều khi ngay cả những kế hoạch hay chiến lược được đặt ra, một cách nào đó, trong một hướng nhìn dài, vẫn mang tính cách một sự đối phó. Nhìn lại 40 năm và nhìn lại xa hơn nữa, điều đó có thể giúp chúng ta bắt lại được nguồn cội và thấu hiểu được mình nhiều hơn chăng ? Nhìn lại 40 năm và nhìn lại xa hơn nữa để chúng ta, như một sức sống chung của Tỉnh Dòng, có thể biết nhận biết “tôi là ai” qua mỗi chặng đường, có thể hình thành phẩm cách “cái tôi tập thể” ấy qua mỗi thách đố, chứ không phải chỉ là một nhận thức mơ hồ về chính mình qua phương cách giải quyết hoặc qua những thành công hay thất bại nhất thời.

Truyền thống của Dòng và của Tỉnh Dòng cung cấp cho chúng ta một diện mạo, một “nhân cách”, một gia sản, và chính gia sản ấy là hành trang để chúng ta có thể đi dài hơi trong cuộc chạy đua của thời đại hôm nay. Hiện nay, nhân sự Tỉnh Dòng mỗi ngày mỗi đông hơn và cũng trẻ hơn. Hiện nay, hoàn cảnh có nhiều thuận lợi hơn nhưng cũng hàm chứa nhiều thách đố hơn. Nhưng có lẽ, thách đố chính lại chính là chúng ta có nhận ra được thách đố của thời đại mình hay không. Thời gian tới, chúng ta rất cần nhìn lại sứ vụ truyền giáo mà Tỉnh Dòng nhận là sứ vụ riêng của mình. Công cuộc truyền giáo và tinh thần truyền giáo là một truyền thống sống động của Tỉnh dòng, đồng thời cũng là một thách đố lớn Tỉnh dòng phải thực hiện trong thời gian tới, trong bối cảnh phần đông dân chúng tại dại lục Á Châu cũng như tại Việt Nam chưa được nghe loan báo Tin Mừng.

Dòng sông vẫn cứ miệt mài chảy, lúc âm thầm, lúc mãnh liệt, lúc rì rào bên bờ tre, ruộng lúa, lúc lặng lờ xuyên qua thành phố, xóm làng. Chúng ta hiện diện và thi hành sứ vụ như một dòng sông có cội nguồn và có cả biển lớn đang đợi chờ. Sức sống của chúng ta, lúc phẳng lặng, lúc chảy xiết với những thác ghềnh, nhưng dòng chảy vẫn tiếp diễn không ngừng nghỉ; con nước sau xô dòng nước trước, thôi thúc nhau tiến bước, hòa làm một cùng nhau, cùng hò reo trong sự hăng nồng, cùng rù rì trong lúc khó khăn . . .

Ước mong tất cả chúng ta, – những giọt nước của Dòng sông Đa Minh- luôn tuôn chảy không ngừng nghỉ. Hôm qua chúng ta đã cùng khởi đầu trong một cội nguồn; ngày mai chúng ta vẫn luôn gắn kết với nhau trong một dòng chảy; và một ngày không xa chúng ta cùng reo lên vì đđược hội tụ cùng nhau giữa lòng biển cả. Dòng sông cỦa LỜI vẫn không ngừng trôi chảy trong mỗi người chúng ta, trong cộng đoàn chúng ta và vẫn đưa chúng ta đi đến bến bờ đại dương bao la.

Thưa anh em,

Nhờ lời cầu bầu của thánh Đa Minh, ước mong năm hồng  phúc này trở thành thời gian của ân sủng, thời gian để thức tỉnh và để tái khám phá, ngõ hầu Tin Mừng được loan báo qua đời sống, qua những hoạt động và lời nói của các anh em, chị em, huynh đoàn giáo dân và của mọi người đang cảm thấy bị thôi thúc cần phải loan báo Tin Mừng.


Tỉnh Dòng năm 2007 tại Gò Vấp (có hình lớn)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *