Bài hát và suy niệm (03.04.2016 – Chúa Nhật II Phục Sinh năm C)

  Lời Chúa: Mc 16,9-15
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mac-cô
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Suy niệm: 

Sau khi Đức Ki-tô bị đóng đinh. Các môn đệ thấy tuyệt vọng. Họ như  đã chết với Thầy, vì đối với họ cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Họ thấy mình sống như thừa thãi. Quanh họ chỉ còn nỗi buồn, nỗi lo sợ và sự tuyệt vọng mà thôi. Khi nghe tin Đức Ki-tô phục sinh, họ ngỡ ngàng, không thể tin được, rồi cùng nhau họp mặt, nhưng nỗi sợ hãi  đã thúc dục họ đóng cửa kín lại.

Và Ngài đã hiện đến giữa  các ông, chia sẻ những cảm nghiệm về nỗi thống khổ của thập giá, rồi Người thổi hơi và phán bảo các ông:” “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Trong trình thuật Tin Mừng còn kể về người môn đệ vắng mặt, khi được các bạn kể về Chúa đã sống lại hiện ra với các Tông đồ, ông đã không tin và còn nói lên điều kiện để tin của mình như thế nào. Tám ngày sau, Chúa hiện đến lần thứ hai. Ngài đã gặp Tô-ma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tô-ma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giê-su nói với ông: “Tô-ma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”

Qua những sự kiện trên, ta thấy rõ đức tin của các môn đệ đã bị lung lay tận gốc do cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su. Sự chấn động tâm hồn do cuộc khổ nạn gây nên mạnh mẽ đến nỗi các môn đệ không việc Chúa sống lại. Nhưng giả thuyết cho rằng sự phục sinh là sản phẩm của sự dễ tin của các Tông đồ là không có cơ sở. Đức tin của các ông xuất phát từ kinh nghiệm trực tiếp về Chúa Giê-su sống lại, dưới tác động của ân sủng Thiên Chúa. Ngài hiện đến và liên hệ trực tiếp với các ông qua đụng chạm để các ông thấy không phải là ma, nhưng để các ông thấy thân thể ấy bị hành hạ và bị đóng đinh vào Thập tự giá bởi vì thân thể ấy vẫn còn mang đấu tích của cuộc khổ nạn.

Ghi nhớ: Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”

Đây là lời Chúa nói với chúng ta. Hãy tin và sống với niềm tin ấy. Khi được anh chị em trong huynh đoàn tín nhiệm trao phó trách vụ:

  • Không tự ti vì những hạn chế của bản thân, nhưng vững lòng trông cậy nơi Chúa và sự hỗ trợ của huynh đoàn
  • Không tự mãn về tài năng của mình, nhưng cần khiêm tốn lắng nghe và thi hành trách vụ trong sự vâng phục

Chúng ta sống chung nhưng mỗi người đều có phận vụ riêng, vì thế khi thi hành sứ vụ không phải làm cho riêng mình mà vì huynh đoàn, vì Hội thánh.

Sống Lời Chúa:

“…vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”

Là người đoàn viên, chúng ta phục vụ trong Đức ái là cách sống tương quan yêu thương với anh chị em, chứ không là  thứ thương cảm tội nghiệp rồi ban phát. Hãy yêu như Chúa yêu, đó là tình yêu nhưng không, tình yêu luôn đi trước, không vì lợi danh, không tính toán, không cân đong đo đếm. Nếu bạn xây dựng niềm vui  hạnh phúc trong Chúa, bạn sẽ an tâm phục vụ, luôn đồng hành với anh em. Làm tốt từng việc một, dù lớn hay nhỏ. không ngại ngần làm những việc vô tình ít người nghĩ đến

Cầu nguyện:

Con xin Chúa cho con luôn yêu mến những công việc hàng ngày, biết chu toàn từng việc nhỏ và biết thương yêu anh chị em.

BRC

***

  1. Nỗi oan Tôma – ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống.

  2. Dấu chứng Phục Sinh

  3. Niềm tin Chúa Phục Sinh – Noel Quesson.

  4. Mối phúc thật Đức Tin – Cố Lm Hồng Phúc

  5. Lòng Chúa xót thương – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

1.   Nỗi oan Tôma – ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống.

Đối với phần đông tín hữu Việt Nam, danh xưng Tôma khơi gợi về một thái độ, rất riêng tư nhưng cũng rất điển hình, chẳng những không tích cực mà xem ra còn để lại nhiều tai tiếng. Gặp một tâm hồn cứng cỏi trước những biểu cảm của niềm tin, người ta đã khéo ví von “cứng lòng như Tôma”; thấy ai biểu lộ do dự hoặc nghi ngờ trước những sự kiện tôn giáo, người ta đã vội đưa vào gia phả “con cháu thánh Tôma”. Kể cũng oan.

Thật ra, đi liền với danh xưng Tôma lại là một bài học dẫn đến niềm tin, và cũng còn đó lời gọi sống sao cho mối phúc thứ chín, như người ta gọi về lời Chúa Giêsu kết thúc trang Tin Mừng hôm nay “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”, được trở thành hiện thực trong đời mỗi Kitô hữu.

  1. LẠY CHÚA TÔI, LẠY THIÊN CHÚA CỦA TÔI

Niềm tin của Tôma vào Đấng Phục Sinh là cả một chặng đường trong đó yếu tố trước hết chính là cộng đoàn: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Chính vì chứng từ của cộng đoàn này mà Tôma đã tự vấn để rồi sau đó mới đi tới đức tin. Ngay việc các môn đồ hội họp vào ngày thứ nhất trong tuần cùng với lời chúc bình an của Đấng Phục Sinh, làm bối cảnh hình thành truyện Tôma, cũng cho thấy vai trò của cộng đoàn trong việc khai sinh đức tin nơi một người.

Nhưng yếu tố chủ động hơn phải được tìm thấy trong phản tỉnh của cá nhân ông. “Nếu tôi không thấy… tôi không tin”. Câu nói tự phát ấy đã trở thành tai tiếng khiến nhiều người nghĩ rằng Tôma là một kẻ cứng đầu cứng cổ, đòi hỏi, nghi ngờ. Nhưng thực ra, ông là người thực tiễn. Chính nhờ ông lên tiếng mà ta mới thấy rõ hơn thế nào là trăn trở của đức tin thuở ban đầu và thế nào là nỗ lực cá nhân làm cho niềm tin có được bản sắc riêng không thể lẫn với người khác. Nếu hôm trước Tôma đòi thấy mới tin, thì tám ngày sau, qua tiếp xúc cá nhân với Đấng Phục Sinh, ông đã tuyên xưng không phải bằng công thức chung nữa, mà bằng một cách rất riêng làm thành đỉnh cao tuyên tín Phục Sinh: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”.

Và niềm tin chỉ có thể đạt được kết quả khi có yếu tố quyết định chính là hồng ân Thiên Chúa, như một bao trùm từ khởi sự cho đến hoàn thành. Nguyện vọng của Tôma xem ra ngược ngạo, nhưng đã được Đức Giêsu thanh luyện, để cuối cùng khi dâng lời tuyên tín, cũng là lúc ông được dẫn vào một nhận thức mới mẻ hoàn toàn. Thay vì phải thấy mới tin, ông nhận ra rằng phải tin mới thấy trọn vẹn: thấy Đấng Phục sinh và con người Giêsu cũng là một, thấy Đấng Phục sinh rốt cuộc là Chúa và là Thiên Chúa của mình, và thấy niềm tin vượt lên tất cả sẽ trở thành hạnh phúc.

  1. ĐỪNG CỨNG LÒNG, NHƯNG HÃY TIN

Chuyện lòng riêng của Tôma cũng là chuyện lòng chung của muôn lòng tín hữu. Từ nỗi oan Tôma, ngày nay người ta hiểu hơn rằng niềm tin không phải là một yếu tố đơn thuần, mà là một tổng hợp giữa ơn thánh và nghị lực con người, trong đó có cộng đoàn và mỗi cá nhân.

Chỉ dựa vào ơn thánh, người ta có nguy cơ rơi vào thái độ coi mọi sự là bởi Chúa nên không cần phải đào sâu tìm hiểu nữa. Có biết đâu tin như thế là không còn tin nữa, mà một cách nào đó đã là cả tin. Vì tin tất cả nên cả tin, hay vì cả tin nên tin tất cả? Chỉ dựa vào lý trí, người ta lại có nguy cơ khác là thái độ muốn giới hạn tri thức về thực tại và tiêu chuẩn của kinh nghiệm khả giác hoặc khả năng suy luận: những gì không hiểu, không đo lường sờ chạm, đều bị chối từ. Có biết đâu tin như thế cũng không còn là tin nữa, mà xem ra lại gần với sự bất tín! Nếu chỉ dựa vào cộng đoàn thôi, người ta còn có thêm một nguy cơ nữa là thái độ tiêu cực. Bên ngoài có vẻ ngoan ngùy, nhưng thực chất là dấu hiệu của một niềm tin hời hợt. Lúc đạo giáo hưng thịnh xem ra không có vấn đề, nhưng khi sự đạo phải bước vào thầm lặng thì biết đâu bởi vì dễ tin nên cũng dễ bỏ niềm tin trước bất cứ ai?

Thành ra, phải xem trường hợp Tôma như một kinh nghiệm, và cần xem chặng đường niềm tin của ông như một kinh điển cho niềm tin đang dấn bước đi trong cuộc sống. Đừng cứng lòng! Phải chăng là lời gọi hãy xa đi những thái độ không phù hợp, để chẳng những tránh được khủng hoảng, mà dường như còn nghe lại từng ngày lời ân cần đã một lần ngỏ với Tôma ở cuối chặng đường gặp gỡ: “Nhưng hãy tin!”

  1. PHÚC CHO KẺ KHÔNG THẤY MÀ TIN

Cũng từ nỗi oan Tôma, tín hữu hôm nay cảm nhận hơn niềm vui trong đức tin của mình. Niềm vui của Tôma là được thấy Chúa nên tin, còn niềm vui của đời tín hữu lại là tin để được thấy Chúa. Tin như thế là một hạnh phúc.

Trong hạnh phúc ấy, sau này các tông đồ đã qui tụ cho Chúa những kẻ tin, và những kẻ tin sơ khai đã vui mừng cử hành niềm tin của mình một cách sống động, không những qua nghi thức phụng vụ, mà còn qua cách sống cộng đoàn biết chia sẻ và phục vụ lẫn nhau, và niềm hạnh phúc, cuối cùng, sẽ là sức mạnh chiến thắng.

Nhưng với kẻ tin hôm nay, tất cả vẫn còn ở phía trước. Bổn phận của ta là phải khổ công vun đắp niềm tin của mình sao cho thắm đượm hồng ân Thiên Chúa mà vẫn không quên nỗ lực đóng góp của con người, sao cho chan hòa với nhịp sống cộng đoàn mà vẫn không triệt tiêu bản sắc cá nhân. Và một khi niềm tin muốn khơi dậy niềm tin, thì cái bổn phận kia đã trở thành trách nhiệm loan báo hạnh phúc cho những người đồng thời.

Tuy nhiên, phải thú nhận rằng niềm tin hạnh phúc ấy còn lắm nhạt nhòa. Đó đây trong nhịp sống chung Giáo Hội cũng như trong nếp sống riêng mỗi tín hữu, vẫn có thể có những lúc ngại tin hoặc chậm tin vào điều mình không thấy. Nhất là phải hy sinh những hạnh phúc chính đáng thấy được để vươn đến một thứ hạnh phúc ở ngoài tầm nhìn khả giác. Quả là vất vả. Nhưng chính lúc ấy, Tôma xuất hiện như một người bạn tri âm, như một người thầy đã từng trải nghiệm. Và lời Đức Giêsu nói với ông lại trở thành lời vỗ về đem lại sức mạnh. Nghe trong mối phúc thứ chín có lời dặn dò: muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy; và chừng như cũng có lời ước hẹn:tin điều mình không thấy sẽ được thấy điều mình tin.

Ngày nay nỗi oan Tôma vẫn còn đó. Một mình ông chịu tai tiếng để sau này người ta biết đường mà tránh. Một mình ông chịu quở là cứng lòng tin để tín hữu hiểu rằng phải vượt trên những điều nhìn thấy mới gặp được lối đi hạnh phúc của niềm tin. Và như thế, liệu ta có thể bảo rằng nỗi oan Tôma là một nỗi oan hạnh phúc? Cùng với mầu nhiệm đức tin khi bánh rượu được truyền phép hôm nay, ta sẽ lặp lại lời tuyên xưng của Tôma. Để xin thêm đức tin cho những tấm lòng còn nghi ngại, củng cố đức tin cho những người đang yếu đuối, và xin được hạnh phúc cho mọi kẻ tin.

2.      Dấu chứng Phục Sinh

 

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, tôi chẳng có tin”. Đó là thách thức của tông đồ Tôma. Đó cũng là đòi hỏi của con người khoa học thực nghiệm ngày nay: phải thấy, phải đụng chạm, phải kiểm nghiệm được mới tin.

Ngày 23 thánh 9 năm 1968, cha Piô, linh mục nổi tiếng dòng Capucinô đã qua đời trong một tu viện tại Italia. Suốt 50 năm cha Piô mang năm dấu thánh, nghĩa là trên hai tay, hai chân và ngực ngài được in năm vết thương của Chúa Giêsu. Những vết thương mà Chúa Phục Sinh đã tỏ cho ông Tôma tông đồ trong Tin Mừng hôm nay. Nhiều người trên khắp thế giới đã đến xưng tội với vị linh mục thánh thiện này và tham dự thánh lễ cha cử hành. Khi cha Piô dâng lễ, cả ngài và dân chúng đều nhận thức rõ ràng ngài mang trên thân thể ngài những dấu thương tích mà Chúa đã chịu trên thập giá, những vết thương làm cha đau đớn khôn tả. Thỉnh thoảng những giọt máu rỉ ra trên tay của cha, hai tay chỉ để trần khi dâng lễ. Lúc khác, hai tay ngài được bao lại trong đôi gang tay màu nâu. Khi dâng lễ, ngài thường gồng như một người vác thập giá. Ngài thường khóc khi nhìn thánh Thể, mặt ngài như thiên thần, nhưng người có mặt cảm thấy bình an.

Với một số người, câu chuyện của cha Piô coi như chuyện đạo đức giả tưởng ở thời Trung cổ. Nhưng thực ra đây là một con người của Chúa sống trong thế kỷ của chúng ta. Hằng trăm ngàn người thuộc đủ mọi tín ngưỡng hay không tín ngưỡng đã thấy tận mắt, đã đến thăm viếng ngài. Ngài cũng chịu đủ mọi khám nghiệm y khoa cũng như khoa học. Tất cả đều chứng minh rằng không có lối giải thích tự nhiên nào đối với các vết thương trên cơ thể ngài. Và cũng không có cách nào chữa trị được.

Chúa chọn vị linh mục thánh thiện này để chia sẻ nỗi khổ thể xác của Con Chúa. Để làm cho sự chia sẻ này hiển nhiên hơn, xúc động hơn, Chúa đã để cho xuất hiện những vết thương trên thân xác cha Piô. Và trong lịch sử đã có hàng trăm người khác cũng đã được in dấu thánh, đặc biệt là cha Thánh Phanxicô thành Assisi, để họ trở nên những nhân chứng sống động cho cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Ktô.

Chúa Kitô Phục Sinh là một Tin Mừng, nhưng là một Tin Mừng không dễ tin, đặc biệt đối với những người theo Chúa, như các tông đồ. Nguyên sự kiện ngôi mồ trống không đủ bằng chứng để họ tin. Cần phải có những lần hiện ra của Chúa Giêsu mới củng cố được lòng tin của các ông. Thánh Gioan đã ghi lại câu chuyện Chúa hiện ra cho các tông đồ và cho Tôma là để chúng ta tin. Thế nhưng, trong những lần hiện ra đó, cái gì đã giúp cho những người thân của Chúa Giêsu nhận ra Ngài? Có thể là một tiếng gọi (với Maria), một cử chỉ bẻ bánh (với hai môn đệ Emmau) hoặc cũng có thể là một phép lạ xẩy ra theo lệnh truyền của Chúa (như mẻ cá đầy ở biển hồ Tibêria), nhưng đặc biệt là những thương tích nơi tay chân và cạnh sườn của Ngài. Ông Tôma đã thưa cùng với Chúa: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con” khi Chúa Giêsu cho ông thấy những dấu đinh của cuộc khổ nạn trên thân thể Ngài và nói với ông những lời không thể ngờ được: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin!”.

Như thế, dấu chỉ để người nhận ra Chúa Phục Sinh không phải là vinh quang chói lọi hay cái gì khác, mà là chính dấu đinh. Nếu chính Đứng Phục Sinh vinh hiển đã không muốn dùng vinh quang và sức mạnh chiến thắng của mình mà khuất phục thế gian, thì phương chi là chúng ta. và nếu Chúa đã muốn dùng những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn làm những dấu chứng phục sinh, thì mỗi người chúng ta cũng không có dấu chỉ nào ý nghĩa hơn là những vết thương của các cuộc khổ nạn mà chúng ta có thể đã, đang và sẽ còn chia sẻ với Chúa. Chính với những dấu chỉ này mà chúng ta có thể làm chứng cho Chuá Phục Sinh một cách sống động nhất. Từ hơn 2000 năm nay, Thánh giá mới thực sự là biểu hiện vinh quang, và dấu đinh mới là dấu chỉ của Chúa Phục Sinh. Hãy nhận ra Chúa nơi năm dấu thánh, chứ không phải trong ánh hào quang. Chúa Kitô thực sự là “người” khi “đầu đội vòng gai, mình mặc áo đỏ” (Ga 19,5) nghĩa là khi Ngài bị đánh đập sỉ vả; Ngài thực sự là “Chúa” khi bị đóng đinh trên thập giá. Ngày nay Ngài cũng vẫn đang hiện diện giữa chúng ta như là “người” và là “Chúa” trong những người anh em bị đau khổ, bị ngược đãi, sỉ nhục, bị tù đày, tra tấn, bị đói khát, trần truồng, bị chối bỏ, bị giết vì tình yêu Thiên Chúa và tình yêu nhân loại.

Nhưng thưa anh chị em,

Giáo hội nói chung và mỗi người tín hữu chúng ta nói riêng có sẵn sàng mang dấu tích của Chúa Phục Sinh, có sẵn sàng trở nên khí cụ bình an của Chúa hay không? Nói khác đi, chúng ta có sẵn sàng chịu đau khổ, chịu đóng đinh để làm chứng cho Chúa Phục Sinh không? Có sẵn sàng hoà giải nhân loại với Chúa, hoà giải nhân loại với nhau, bằng những hy sinh và cả giá máu mà chúng ta phải sẵn sàng đổ ra hay không?

Con người ngày nay không dễ tin. Họ cũng đòi hỏi như ông Tôma, phải được trông thấy, phải được kiểm nghiệm, phải có dấu chứng khả giác mới chịu tin. Chúng ta có nghiệm vụ trình bày cho họ thấy rõ khuôn mặt thật của Chúa Phục Sinh. Làm sao họ có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu, nếu họ không nhìn thấy những vết thương, những chứng tích của Chúa Kitô đóng đinh nơi tay chân, nơi thân xác, nơi cuộc sống cuả người Kitô hữu? Làm sao họ có thể tin được, nếu họ không thấy chứng tích của những bàn tay chai cứng vì lao động, của những khuôn mặt đẫm mồ hôi vì phục vụ, của những cuộc đời xả thân hy sinh cho tha nhân? Làm sao có thể tin được, nếu họ không thấy dấu chứng của cộng đoàn Kitô hữu tương tự như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem sau ngày Chúa Phục Sinh theo sách Công vụ mô tả: “Những kẻ tin, muôn người như một, chuyện cần với lời giảng dạy của các tông đồ, hiệp nhất và cùng chung lo cho người nghèo khó bằng cách để chung tiền của, họ đồng tâm nhất trí chia sẻ bánh thánh và cầu nguyện”. Đời sống chứng tá đó đã thu hút những người không tin, nên “số những người tin Chúa mỗi ngày càng thêm đông” (X. Cv 4,32-35; 2,42-47). Đó chính là chứng tích của tình yêu. Con người ngày nay cũng đang đòi kiểm nghiệm những chứng tích tình yêu của cộng đoàn Kitô hữu chúng ta. Đạo của anh là đạo tình yêu ư? Xin đừng nói nhiều, hãy cho tôi xem những chững chứng tích tình yêu của anh đi!

Ước gì mỗi người chúng ta đều mang những chứng tích tình yêu của Chúa Kitô đóng đinh trên tay chân, trên thân xác, trong cuộc sống… để chia sẻ với Chúa Giêsu những vết thương của các cuộc khổ nạn đang diễn ra trên thế giới ngày nay, nhờ đó chúng ta mới có thể làm chứng cho chiến thắng vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh.

3.      Niềm tin Chúa Phục Sinh – Noel Quesson

“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người… và không đặt tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.

Một hôm ma quỷ muốn cám dỗ Thánh Martinô vào đường sai lạc, hắn hiện hình một vị vua oai phong đến bảo Thánh nhân:

– Hỡi Martinô, Cha cám ơn con đã tin Cha. Con biết rằng Cha luôn tin tưởng con. Cha mong từ nay con luôn ở bên Cha và tín nhiệm vào Cha.

Martinô chăm chú nhìn vào ông vua và hỏi:

– Nhưng thưa ông, ông là ai vậy?

Ông vua đáp:

– Ta là Đấng Kitô đây mà!

Martinô lại hỏi:

– Vậy thì những vết thương bị đóng đinh ở tay chân Ngài đâu?

– Ta từ vinh quang trên trời xuống, nên đâu còn thương tích gì.

Martinô nói:

– Tôi không muốn nhìn Đức Kitô không thương tích.

Vua quỷ liền biến mất.

Đức Kitô khi đã Phục sinh vẫn giữ những thương tích của cuộc khổ nạn và những lần xuất hiện đầu tiên, Chúa thường cho các môn đệ xem những thương tích này để họ dễ nhận ra Chúa và cũng để nhắc lại cái chết với dấu tích yêu thương trọng đại của Chúa đối với họ.

Qua Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa đã hiện ra với các Môn đệ trong những buổi họp mặt thường lệ. Các tín hữu, bắt đầu có buổi họp hàng tuần. Lễ hội đã chuyển từ ngày Sabat sang ngày Chúa nhật, ngày Chúa sống lại. Niềm tin và phương thức thờ tự đã chuyển từ Cựu ước sang Tân ước, từ Do thái giáo sang Kitô giáo. Mỗi Chúa nhật khi chúng ta họp nhau để phụng thờ Chúa đó là một lễ Phục sinh, và Chúa ở giữa các tín hữu Người. Cho dù chúng ta khoá kín cửa, cho dù tâm hồn ta còn ngổn ngang nhiều trở ngại, nhưng khi chúng a họp nhau lại vì Danh Chúa, thì Chúa có mặt với chúng ta.

Tin Mừng hôm nay kể lại hai lần Chúa xuất hiện sau khi người sống lại. Và lần xuất hiện thứ hai chú trọng đặc biệt tới Tôma. Tông đồ Tôma là người nhiệt tình và thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy. Ông đã mạnh dạn biểu lộ nỗi nghi nan trước sự kiện Chúa sống lại. Khi hiện ra lần sau, Chúa đã bảo ông Tôma: “Đây là vết thương của Ta, Con hãy đặt tay vào và đừng hoài nghi nữa”. Có lẽ Chúa đã mỉm cười trước sự nghi nan này. Chúa cho ta biết dù Người không có mặt, Người vẫn nghe mọi lời nói, vẫn thấy mọi tâm tình, mọi suy tư của chúng ta. Sự kiện đó giúp chúng ta dễ tin vào lời hứa của Chúa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” cho dù chúng ta không thấy Chúa.

Chúng ta không thấy Chúa mà vẫn tin, vẫn thi hành lời Chúa, vẫn trung thành thực hiện sứ mệnh Chúa trao, đó là căn bản cuộc sống và của niềm tin. Nhờ đó chúng ta đáng lãnh phần thưởng như lời Chúa: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con mỗi khi chúng con ngắm nhìn những thương tích nơi chân tay và cạnh sườn Chúa. Chúng con xin tạ ơn Ngài.

4.      Mối phúc thật Đức Tin – Cố Lm Hồng Phúc

 

Chúng ta đang ở vào cuối tuần bát nhật Lễ Phục Sinh. Mầu nhiệm Phục sinh là mầu nhiệm lớn lao hơn cả. Mầu nhiệm căn bản của Đức Tin chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì niềm tin của chúng ta vẫn còn trong tội lỗi” (1 Cr 15, 17).

Tại Nhã điển, thủ đô Hy lạp, Phaolô gặp ngoài đường phố những bàn thờ “kính thần vô danh”. Phaolô dùng sự kiện ấy làm nhập đề và giảng một bài cho giới trí thức tại Tối cao Pháp viện. Ngài trình bày việc Chúa Giêsu đã Phục sinh sống lại từ cõi chết. Vừa nghe đến việc người chết sống lại, một nhà trí thức đứng lên, nhắc cho Phaolô biết lời của nhà hiền triết Eschyle rằng: “Khi tro bụi đã uống máu một con người, người ấy không bao giờ sống lại”. Phaolô buồn “rũ áo” đi đến cùng dân ngoại (Cv 17, 22-33).

Đạo Kitô giáo không phải là một triết lý theo quan niệm Hy lạp, một thứ tam đoạn luận, mà là một cái gì cao siêu hơn: một mầu nhiệm, một sự sống, một niềm Tin.

Mầu nhiệm ấy, Thiên Chúa không mặc khải cho người khôn ngoan hiền triết mà cho kẻ bé mọn, để bẻ gãy sự kiêu căng của người khôn ngoan.

Bài Phúc Âm hôm nay là một bằng chứng.

Chiều thứ nhất Phục sinh, các môn đệ họp nhau trong nhà Tiệc ly nơi Chúa đã lập phép Thánh Thể thứ năm tuần trước và hứa rằng Ngài sẽ trở lại. Bỗng nhưng, trong khi đóng cửa then cài, Ngài xuất hiện. Ngài đứng đó và nói: Shalom – Bằng an cho các con. Ngài đến đem sự bìng an vui mừng cho họ và sai họ đi phổ cập ơn cứu rỗi: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai chúng con”. Chúa Giêsu nhận lấy cho mình quyền năng tha tội, quyền năng của một Thiên Chúa (Mt 9, 2-8). Hôm nay, Ngài trao lại cho các môn đệ bằng một lời nói, bằng một hơi thở, “Ngài thổi hơi trên họ và nói: Hãy chịu lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì tội họ được tha, các con cầm tội ai thì tội họ bị cầm lại”. Ngày khai thiên lập địa, Chúa thổi hơi ban sự sống cho nguyên tổ Ađam (St 2,7) thì nay, hơi thở ấy chính là Ngôi Ba Thiên Chúa mà một trong hoa quả là bình an (Ga 5, 22).

Nhưng chiều hôm ấy, trong một nhóm môn đệ thiếu mặt Tôma, một con người thực tế, khó bảo.

Người ta thường dùng giác quan để tiếp xúc với ngoại giới, mắt thấy tai nghe, tay sờ đụng, nhưng người ta cũng dùng lý trí để kiểm chứng, dùng niềm tin để tăng phần hiểu biết.

Tôma nghe các bạn cho biết, họ đã nhìn thấy Thầy vì Thầy đã sống lại. Tôma không tin. Có lẽ ông nói: “Còn khuya tôi mới tin”, nếu tôi không kiểm chứng bằng mắt thấy, tay sờ đụng. Thái độ của Tôma lại càng làm nổi bật sự hiển nhiên của dữ kiện sống lại.

Hôm nay, Chúa hiện ra với các môn đệ có Tôma hiện diện. Chúa nhắc lại các đòi hỏi của Tôma kéo dài cả tuần lễ nay. Tôma không biết làm gì hơn là phủ phục xuống và tuyên xưng Đức Tin, “Lạy Chúa là Chúa Trời tôi”, một lời tuyên xưng trong sáng, tóm tắt tất cả Tin Mừng của Gioan và của chúng ta.

Ngài là Cứu Chúa đã chết để đền tội ta nhưng nay Ngài đã phục sinh trở về với Thiên Chúa, đồng hàng với Thiên Chúa, chính là Thiên Chúa. Trong dịp này. Ngài cũng để cho chúng ta, qua Tôma, một mối phúc thật khác là phúc thật Đức Tin. Ngài nói: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin, Phúc cho ai không thấy mà tin” (Gio 20, 29). Đức Tin là một đặc ân của Thiên Chúa, người ta có thể thành tâm đón nhận cũng như có thể, như dân Do thái xưa, từ chối ơn Chúa.

Tại Lộ-Đức, Đức Mẹ đã ban nhiều ơn và làm nhiều phép lạ. Cách đây 50 năm, có hai người thời danh là Bác sĩ Alexis Carrel và nhà văn Emile Zola cùng đi Lộ-đức để quan sát. Cả hai cũng chứng kiến một ơn lạ nhãn tiền. Tại nhà ga Austerlitz, Zola gặp một người đàn bà hấp hối, bệnh lao đến thời kỳ tuyệt vọng. Bà tên là Marie Lebranche, Zola nói: “Bà này đến Lộ-Đức khỏi bệnh thì tôi tin!” Người đàn bà sắp chết đó đi tắm suối Đức Mẹ run rẩy nhưng sau đó chỗi dậy, cất tiếng hát Ave Maria, rồi tự đi ra hang đá quì cầu nguyện một giờ. Bác sĩ khám, phổi nguyên lành. Zola ứa nước mắt. Bác sĩ Carrel cũng xúc động, được ơn trở lại. Bác sĩ viết cuốn “Hành trình Lộ-Đức” để nói lên sự thật; Zola chối sự thật trong cuốn “Lourdes” của ông.

“Tôma, vì con thấy Thầy nên con tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Xin Chúa ban cho con mối phúc thật niềm Tin ấy. 

 

5.      Lòng Chúa xót thương – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

 

Nếu tình yêu là bản tính của Thiên Chúa thì lòng thương xót là cách thức Chúa bày tỏ tình yêu, là dấu chỉ cho tình yêu vững bền của Ngài. Lòng thương xót nhìn kẻ tội lỗi, không oán giận, không trả thù bằng sự giận dữ hay chừng phạt, nhưng xót xa vì họ lầm đường lạc lối, xót xa vì họ đang đi đến hố diệt vong. Lòng thương xót tựa như ánh mắt của tình yêu, giúp người ta nhận ra nhu cầu của tha nhân để chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ, xoa dịu hay chữa lành. Chúng ta có thể cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa qua dọc dài lịch sử cứu độ.

Khởi từ tội lỗi của Adam, Chúa không đoạn nghĩa dứt tình với Adam. Chúa vẫn thương Adam và xót xa dường nào khi thấy Adam tủi hổ lẩn trốn trong vườn địa đàng. Adam là kẻ phản bội làm sao dám vác mặt gặp Chúa. Tội lỗi làm cho người ta mặc cảm, xấu hổ và lo sợ khi phải đối diện với sự thật. Thế nhưng Adam phần nào đã bớt đi sự sợ hãi, bớt đi áp lực tâm lý khi nghe tiếng gọi: “Adam, Adam ngươi đang ở đâu?”. Âm thanh của tiếng gọi không mang âm sắc của giận dữ hay quở mắng, nhưng tiếng gọi vẫn thân thương dịu ngọt, có điều pha trộn chút âm điệu xót xa. “Phải chăng ngưoi đã ăn trái cây trong vườn mà ta đã cấm?”.

Tội có thể được tha, nhưng hình phạt vẫn phải chịu. Nhưng ai là người phải chịu phạt thay cho tội Adam. Thiên Chúa không suy tính thiệt hơn. Không đắn đo suy xét. Ngay tức thời, lời hứa cứu độ đã được ban ra. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ gánh lấy tội Adam và đền thay cho tội lỗi Adam. Có thể nói, lòng thương xót của Chúa được tỏ bầy cụ thể và rõ nét trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Cả cuộc đời luôn sống vì người khác, luôn đi đến mọi hang cùng ngõ hẻm để thi ân giáng phúc. Cả trong những lúc đau khổ nhất của cuộc đời, Ngài vẫn không nghĩ đến mình: Ngài xót thương các bà mẹ thành Giêrusalem “đừng than khóc Ta nhưng hãy than khóc con cháu các người; Ngài xót thương những kẻ đã làm hại mình, vì “họ không biết việc họ làm”; Đỉnh cao của lòng thương xót đó là ơn tha tội và ban thưởng hạnh phúc trường sinh. Đó là đặc ân mà anh trộm lành được diễm phúc đón nhận đầu tiên từ cây thập giá: “ngay đêm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Chính điểm này mà trong dịp giảng tĩnh tâm Giáo triều Rôma, Đức cố hồngY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nêu ra 10 điểm khiếm khuyết của Chúa Giêsu trong đó có sự hay quên: chỉ 1 câu nói thành thật với chính mình của tên trộm lành mà Chúa đã quên cả quá khứ tội lỗi của anh. Chỉ cần thấy bóng dáng thằng con trời đánh bỏ nhà đi hoang nay thất thểu trở về là người cha đã quên hết quá khứ đi hoang của người con. Lòng thương xót của Thiên Chúa là vậy. Một vì Thiên Chúa chậm bất bình và rất mực khoan dung mà vua Đavít đã từng nói lên rằng: Nếu Chúa chấp tội nào ai đứng vững. Tình yêu Chúa cao hơn tội lỗi chúng ta, đến nỗi có thể phủ lấp muôn vàn tội lỗi chúng ta.

Tác giả Ron Lee đã viết một câu chuyện trong cuốn “Một Thiên Chúa Tha thứ trong một thế giới không tha thứ” như sau:

Có một vị linh mục là một người rất yêu mến Chúa, nhưng ông luôn bị ám ảnh bởi một tội mà ông đã phạm trong quá khứ. Ngài đã ăn năn sám hối nhưng vẫn không bình an tâm hồn. Cho tới một hôm nghe nói có một phụ nữ trong giáo xứ hay được tiếp xúc và nói chuyện với Chúa trong giấc mơ. Vị linh mục không tin, nên muốn thử bà ta và nói: lần sau bà có nói chuyện với Chúa thì hỏi xem, tôi đã phạm tội gì? Thế là mấy ngày sau gặp lại, vị linh mục đã hỏi bà là Chúa đã nói gì? Bà trả lời: Chúa nói rằng: Ta chẳng còn nhớ gì nữa!

Bài Phúc âm hôm nay cũng cho chúng ta thấy khi hiện ra với các tông đồ, Chúa Giêsu không hề nhắc tới những chuyện đáng tiếc đã xảy ra: nơi Phêrô kẻ chối Chúa ba lần; nơi các tông đồ hèn nhát bỏ chạy nơi vườn Giệtsêmani; nơi Tôma kẻ bi quan, cố chấp luôn đòi sự kiểm chứng minh nhiên và cụ thể. Dường như Chúa đã quên hết và còn ban bình an cho các ông.

Hôm nay kính nhớ lòng thương xót của Chúa, Giáo hội mời gọi chúng ta nhận ra mình là một tội nhân đã được Chúa cứu chuộc bằng giá máu cực thánh, chúng ta hãy biết đền đáp tình yêu Chúa bằng sự hoàn thiện con người của mình như Cha chúng ta ở trên trời. Đồng thời chúng ta cũng dâng hy sinh, lời cầu nguyện cho các tội nhân được ơn trở về với Chúa.

Có lẽ đây là vấn đề mà những người Kitô hữu phải lo lắng quan tâm. Vì qua báo chí và các phương tiện truyền hình truyền thanh chúng ta không khỏi đau xót khi nhìn thấy một thế hệ trẻ sa đoạ, cuồng loạn và lạc mất hướng đi của đời người. Con số thống kê về sì ke, ma túy, mại dâm, phá thai, bệnh nhân nhiễm HIV hay Aid mỗi ngày một tăng theo cấp số nhân, mà một ai đó đã nói một cách mỉa mai rằng: những điều tốt thì không thấy tăng, nhưng tội phạm thì năm nào cũng được nghe câu nói quen thuộc: “năm nay cao hơn năm trước”.

Có lẽ Chúa cũng đang cần những con người thanh sạch như như ông Lót trong thành Sôdôma. Ông đã bị dày vò bởi những cảnh đồi bại luân lý diễn ra hằng ngày quanh mình. Ông cố thuyết phục dân thành ăn năn hầu tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng không ai nghe ông. Rồi Abaraham cũng nài xin Chúa tha thứ nhưng lại không kiếm được 10 người công chính, thế là cả thành bị tiêu diệt.

Và hôm nay, Chúa đang cần có nhiều người như thánh nữ Faustina, biết dâng những hy sinh đau khổ của mình như lễ vật tôn thờ Thiên Chúa và cứu thế gian khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Biết phó dâng bản thân, gia đình và nhân loại cho lòng thương xót của Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta hãy sám hối về lỗi phạm của mình và hãy dâng những hy sinh và lời cầu nguyện cho kẻ có tội được ơn trở về với Chúa. Nguyện xin Chúa là Đấng giầu long xót thương tha thứ và ban bình an cho mỗi người chúng ta. Amen.