Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Năm 2022:
NL: CA LÊN ĐI
ĐC: THÁNH VỊNH 39
Lạy Chúa! Xin mau đến, mau đến phù trợ con.
DL: DÂNG NIỀM CẢM MẾN
HL: TÌM CHÚA
KL: MẸ VINH QUANG ( ĐK)
Năm 2019:
NL: ĐI VỀ NHÀ CHÚA
ĐC: CHÚA MUỐN CON LÀM GÌ
HALL: Chúa phán: chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo ta.
DL: LỜI TRẦM HƯƠNG
HL: CA VANG TÌNH CHÚA
KL: AVE MARIA
Năm 2016:
Lời Chúa: Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12, 49-53
Bài đọc 1: Gr 38,4-6.8-10
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
Hồi ấy, các thủ lãnh thưa với vua Xít-ki-gia-hu : “Xin ngài cho giết Giê-rê-mi-a đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ.” Vua Xít-ki-gia-hu nói : “Đây ông ta đang ở trong tay các ngươi ; nhà vua cũng chẳng có thể làm gì trái ý các ngươi được.” Họ liền điệu ông Giê-rê-mi-a đi, và bỏ xuống một cái hầm nước của hoàng tử Man-ki-gia-hu, trong sân vệ binh. Họ lấy dây thừng thả ông Giê-rê-mi-a xuống. Vì trong hầm không có nước, mà chỉ có bùn, nên ông bị lún sâu.
Ông E-vét Me-léc đi ra khỏi đền vua và thưa với vua rằng : “Thưa đức vua, chúa thượng tôi, những người này làm toàn những chuyện tai ác cho ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Họ đã thả ông xuống hầm, và ông đang chết đói ở dưới ấy, vì trong thành không còn bánh nữa.” Vua liền truyền cho ông E-vét Me-léc, người Cút rằng : “Ngươi hãy đem theo ba mươi người ở đây, đi kéo ngôn sứ Giê-rê-mi-a lên khỏi hầm, kẻo ông chết mất.”
Bài đọc 2: Hr 12,1-4
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
Thưa anh em, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.
Phân tranh ánh sáng và bóng tối
Xin Chúa thương xót chúng con!
Từ ngàn xưa, sau khi tội lỗi nhập vào thế gian, sự phân tranh giữa thiện và ác, bóng tối và ánh sáng, kẻ xấu và người tốt đã trở nên rất quyết liệt. Các anh luôn khai mở những cuộc chiến để hãm hại người công chính, hay cám dỗ họ cho sa ngã mất đi ơn nghĩa Chúa. Rất mực tức tối, do cả đạo binh khốn khổ cùng sa hỏa ngục, khiến các anh điên cuồng lao vô tấn công con cái loài người. Tìm giết trước cho được “dòng dõi sẽ đạp nát đầu mi”, trước hết đặc biệt là các ngôn sứ của Chúa. Trong tình huống và cảnh trạng này, bài đọc một nói về cuộc đối đầu giữa ngôn sứ Giê-rê-mi-a và các thủ lãnh của Vua Xít-ki-gia-hu. Họ bị các anh xúc xiểm quyết hãm hại ngôn sứ Giê-rê-mi-a, một tôi tớ trung thành của Chúa cho phải chết, nhưng Chúa đã can thiệp. Người thúc đẩy cho ông E-vét Me-léc đến trình vua Xít-ki-gia-hu cứu ngôn sứ Giê-rê-mi-a dưới hầm tối bùn lầy. Những tình tiết phân tranh vừa kể mở đường cho tâm tình của thánh Phao-lô nơi bài đọc hai.
Bài đọc một chủ yếu nói về sự phân tranh bên ngoài con người, còn bài đọc hai lại nói về sự phân tranh nơi chính con người. Các con đã biết, sau khi nguyên tổ phạm tội mọi tương quan ở con người đều rạn vỡ. Tương quan với tha nhân: thay vì yêu thương như thuở ban đầu xem nhau là một (x. St 2,23), giờ đổ lỗi cho nhau, hậu duệ dễ dàng ghét bỏ nhau, xa lánh nhau (thời đại chúng ta đi đến chỗ giết nhau tàn bạo, mổ sống tập thể con người để lấy nội tạng); tương quan với Thiên Chúa: cảm thấy ngăn cách sợ hãi Ngài, xa lánh Thiên Chúa đến phải chạy trốn, hay nghịch thượng chống đối, phủ nhận sự hiện hữu của Người; tương quan với chính mình: mâu thuẫn nội tại, điều muốn thì không làm, điều không muốn lại làm “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7,15). Thể xác cũng rạn vỡ: sinh ra bệnh tật, sinh con tật nguyền hay không tròn giới tính; tinh thần thì đau khổ, buồn phiền, chao đảo, đổi thay, tự mâu thuẫn… Chính những ngáng trở thiêng liêng này đưa tới sự bất nhất, khô nhạt hay quá khích, dễ thăng trầm trong đức tin. Biết thế, nên thánh Phao-lô hướng chúng ta đến một ánh nhìn tích cực hơn trong đức tin. Đầu tiên, lấy tinh thần của cộng đoàn dân thánh, tức Hội Thánh để củng cố đức tin mình “Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh”. “Ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” nói lên một con số quá nhiều chứng nhân, đông đảo, quy tụ hun đúc cho đức tin của chúng ta nên vững vàng. Những dòng máu anh hùng tử đạo ào ạt đổ xuống minh chứng cho sự sáng đức tin, một dòng chân lý toàn vẹn thành Tin Mừng cho toàn nhân loại. Tạo ra một sự đoàn kết tinh thần trong cùng một đức tin nơi dân thánh, tái lập lại sự rạn vỡ ban đầu mà hậu quả tội nguyên tổ gây ra. Lời của thánh Phao-lô không khác nào một lời hiệu triệu quần hùng đức tin: Tôi tin. Anh tin. Chị tin. Chúng ta cùng tin và cùng hướng về Thiên Chúa, nhờ Đức Ki-tô Giê-su Chúa chúng ta.
Nhờ tinh thần nói trên, chúng ta có sức mạnh để thực hiện lời khuyên của vị Tông Đồ mạnh mẽ hiến thân vì Chúa Ki-tô “chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình”. “Mọi gánh nặng”, tức kết quả xấu của tinh thần thế tục, của những đam mê hướng về thụ tạo nơi tâm hồn chúng ta. Hãy cởi bỏ chúng để dễ dàng ly thoát tội lỗi, bẻ gãy xiềng xích, đang trói buộc bản thân!
Có kinh qua chặng đường từ bỏ thụ tạo, tội lỗi và chính bản thân mình. Linh hồn chúng ta mới thong dong hướng về Đức Ki-tô, và mới có khả năng tiếp nhận ân sủng, đón nhận chân lý là ánh sáng từ nơi Chúa. Để có được một đức tin tinh ròng, mạnh mẽ và sáng suốt, một đức tin được củng cố bởi sự hiểu biết đạo lý chắc chắn và vững vàng. Thật ra, việc tiếp nhận ân sủng và đón nhận chân lý không phải là một ân ban nhưng không. Mà có sự cộng tác rất lớn từ phía con người, đầu tiên phải ý thức rằng “học biết Chúa” là điều vô cùng quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả sự sống tự nhiên. Vì chính Chúa đã dạy “ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra.” (Đnl 8,3c); “Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4) Từ đó mới đem lòng khao khát học biết Chúa, ra công sức, bỏ thời gian, bỏ công việc mà sắp xếp cho có giờ học tập đạo lý của Chúa. Sự cộng tác này đưa linh hồn tới chỗ phát triển được năng lực thực sự của người con Thiên Chúa, có khả năng tiếp nhận được nguồn sáng chân lý sự sống thần linh ở nơi Người. Đây chính là nội dung được thực hiện từ câu nói của thánh Phao-lô, bậc thầy về đức tin “mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.”
Bước thứ hai, không còn dừng lại ở lý thuyết, hay kiến thức nơi nội tâm mà kiên trì đi sâu vào thực hành lời Chúa dạy, thực hiện những kiến thức đức tin mình đã kín múc được “Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.” Lời này còn nhắc nhở chúng ta về tính quyết liệt khi chiến đấu với tội lỗi. Rất nhiều người ban đầu năng nỗ khởi sự chiến đấu, nhưng mau chóng yếu lòng nhượng bộ cho cám dỗ. Bởi thế, thường xuyên sa ngã vào tội trọng, hay không thường xuyên nhưng khi đối mặt cùng cám dỗ cũng mau chóng dễ dàng bỏ cuộc cho tội chiếm lĩnh linh hồn mình. Lời Chúa thúc đẩy chúng ta phải quyết tâm hơn, sống mạnh mẽ đức tin và chiến thắng cám dỗ.
Đến đây, chúng ta có thể hòa chung khả năng tâm linh với ý nghĩa của bài Tin Mừng. Chúng ta có thể tiếp được ngọn lửa mà Chúa Giê-su đem đến thế gian “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”, làm thành ngọn lửa linh hồn mình soi sáng và sưởi ấm cho tha nhân. Ngọn lửa đức tin, ngọn lửa nhiệt huyết sẵn sàng đốt cháy đời mình cho rực ngời ánh quang chân lý dẫn các linh hồn về với Đức Ki-tô. Làm được như vậy là đáp thỏa nguyện vọng của Chúa Giê-su đem “lửa” đến trần gian, nỗi khắc khoải của Người được rạng lên niềm hy vọng thỏa lòng.
Lửa Chúa Giê-su ném vào mặt đất là lửa nhiệt huyết dấn thân cho Nước Trời, lửa tình yêu kính mến Chúa Cha, lửa khát khao cháy bỏng lo cho phần rỗi các linh hồn khỏi sa vào lửa đời đời. Lửa tình hồn trinh nữ với Đấng Tình Lang cháy sáng trong ngọt ngào, nồng ấm, thiết tha, ta có nhau hôm nay và mãi mãi. Lửa yêu đương ân ái của sủng ân tình trời thiêu tế của lễ tình nương sống một đời dâng hiến, thánh hiến đến cùng.
“Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” đây là phép rửa bởi thần khí. Phép rửa mà Đấng Vô Tội khắc khoải hoàn thành để làm gương cho chúng ta, được rửa chúng ta nơi chính Người. Những ai, ở trong Người, sống tinh thần của Người, tức thông hiệp vào sự sống thần linh ở nơi Chúa Giê-su, họ được chịu chung phép rửa thần khí mà Người đã chịu. Khi đó, cuộc phân tranh giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, chân lý vĩnh tồn và sự chết đời đời sẽ phân rõ thành bại nơi chính họ và cuộc sống chung quanh họ.
Trong tiến trình vừa nói trên, linh hồn phải đi theo tiến độ mà Chúa Giê-su đã đi “Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục”. Quả thật, những điều này hoàn toàn trái ngược với tính tự nhiên của con người, nên linh hồn phải chịu nhiều cay đắng, đau khổ và nhiều khi cảm thấy thật sỉ nhục khi đối mặt với nó. Nhưng chẳng còn con đường nào khác, nếu không kinh qua khổ nạn và cái chết thảm sầu trên thập giá, linh hồn chẳng thể cùng được phục sinh với Người. Ai chấp nhận đứng về phái ánh sáng, sẽ bị bóng tối xa lìa; ai ở cùng Chúa Giê-su sẽ bị thế gian ghét bỏ, lên án; ai sống theo lời Người, chấp nhận bơi ngược dòng nhân thế, sẽ bị khinh miệt và tẩy chay… kể cả những người có liên quan huyết nhục hay từng là người thân yêu nhất của mình. Nhưng sau tất cả những điều đó, là vinh quang rạng ngời và hạnh phúc thiên thu.
Tình Yêu Hoa Cỏ
3. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
4. “Phải chi lửa ấy đã bùng lên!”
5. Bình An, Niềm Vui, Ơn Cứu Độ – An Phong.
7. Sứ mệnh – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
8. Thầy đem lửa đến thế gian
***
Thầy đem lửa xuống trần gian.
Sách có chữ: Đạo bất viễn nhân. Đạo không bao giờ xa người, vì thế ngày nào có người thì ngày ấy phải có đạo, bằng không thì người chẳng còn là người nữa. Tuy nhiên theo thời gian, đạo chia làm hai giai đoạn, đó là đạo cũ và đạo mới. Đạo cũ cũng gọi là đạo lề luật có từ khởi thuỷ cho đến Chúa Giêsu sinh ra. Còn đạo mới được gọi là đạo tình thương xuất hiện kể từ Chúa Giêsu cho đến ngày tận thế. Đạo cũ dựa trên lề luật cho nên nó nặng nề. Các ngươi đã nghe người xưa dạy rằng: Mắt đền mắt, răng thế răng. Đồng thời nó cũng thẳng thắn và phân minh: Tội phạm ở đâu thì hình phạt ở đó. Đời ông Noe vì phạm tội cho nên loài người đã bị trừng phạt bằng trận đại hồng thuỷ. Đời ông Abraham vì tội lỗi mà hai thành Sođoma và Gômôra đã bị thiêu huỷ. Đời ông Maisen, vì tội thờ bò vàng ma dân Do Thái đã nhiều phen bị khốn đốn.
Thế nhưng, khi Chúa Giêsu giáng trần, Ngài ban hành đạo mới tức là đạo tình thương. Đạo tình thương không giẫm chân lên đạo lề luật, nhưng bổ túc và tăng cường làm cho đạo lề luật trở nên hoàn hảo hơn. Đạo lề luật đặt nền móng trên hình phạt trong khi đạo tình thương xây dựng trên sự tha thứ: Hãy yêu thương kẻ thù, hãy tha thứ cho nhau mãi mãi. Chính vì thế Chúa Giêsu có lý khi quả quyết: Gánh Ta thì nhẹ nhàng và ách Ta thì êm ái.
Sáng lập ra đạo tình thương mà thôi chưa đủ, Chúa Giêsu còn biểu lộ tình thương ấy cho mọi người nhận biết. Để đạt mục đích ấy, Chúa Giêsu đã dùng việc làm và lời nói như sách Tông đồ Công vụ đã bảo: Chúa Giêsu làm trước và nói sau. Vậy thì Ngài đã làm gì? Tôi xin thưa: Ngài đã xuống thế để ở cùng chúng ta để yêu thương chúng ta và để chết vì chúng ta như lời Ngài đã phán: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Suốt cuộc đời đã không ngừng yêu thương từ người lành như các môn đệ đến những kẻ tội lỗi như bọn thu thuế và đĩ điếm, từ người đau yếu đến kẻ đã chết, từ người quê mùa đến kẻ thông biết, Ngài đã thực hiện đúng như thánh Phaolô đã diễn tả: Ta đã trở nên tôi tớ mọi người để sinh ích cho mọi người. Đức Kitô nhận Ngài là Thiên Chúa, đã hạ mình xuống trở thành con người để nhờ đó con người trở thành Thiên Chúa. Ngoài việc làm, Chúa còn dùng lời nói, vậy Chúa đã nói những gì? Ngài bảo kẻ không yêu thì ở trong sự chết. Ngài còn nói gì nữa? Ngài bảo kẻ nào yêu Ta thì Cha Ta sẽ yêu lại nó và chúng ta sẽ đến cư ngụ tại nhà nó. Rồi Ngài lại còn nói gì nữa? Ngài bảo những kẻ đã được Cha Ta trao phó cho Ta thì Ta không để một ai bị hư mất. Ngài chính là người cha mòn mỏi trông chờ đứa con hoang đàng trở về. Vậy chúng ta phải làm gì? Thánh Augustinô trả lời: Tình yêu kêu gọi tình yêu. Chúa đã yêu thương chúng ta cho nên chúng ta cũng phải lấy tình thương mà đáp trả. Yêu Chúa là đi một đường với Chúa: Kẻ không đi với Ta là kẻ phản bội Ta. Mà con đường của Chúa gồm trong hai điểm: mến Chúa và yêu người: Hãy kính mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình. Chúa Giêsu đã đem lửa xuống trần gian và mong cho lửa ấy bừng cháy. Vậy trước hết xin cho lửa ấy bừng cháy trong con tim trong cõi lòng của chúng ta, để nhờ đó sẽ bừng cháy trong xã hội chúng ta đang sống.
Đức Kitô đến để ban bình an hay để chia rẽ? Cứ nhìn vào cục diện của Giáo Hội, vào bộ mặt của thế giới ngày nay, thì khách quan mà nói: Đức Kitô đúng là đã gây chia rẽ. Ngài chia rẽ những kẻ tin và không tin. Rồi ngay giữa những kẻ tin thì cũng còn có chuyện Công giáo, Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo. Rồi giữa người công giáo với nhau, hiện nay cũng có phe nọ phe kia, và phe nào thì cũng lấy Chúa ra để biện minh cho lập trường của mình. Người ta đã chẳng chia rẽ nhau vì Chúa đó ư? Quả thật đúng như lời ông già Simêon đã nói: Trẻ nhỏ này sẽ nên cớ cho nhiều người vấp ngã.
Thực ra vấn đề không phải là Đức Kitô đã gây chia rẽ bằng cách xúi giục người ta ghen ghét hận thù nhau, hay là khích bên này chống lại bên kia. Chúa đến thực sự để đem lại sự bình an, để xây dựng một thế giới có công lý và tình thương, nền tảng của hoà bình. Nhưng hoà bình đó, đúng như Ngài đã nói, không phải là loại hoà bình kiểu thế gian, nghĩa là hoà bình của một sự thoả hiệp vì hèn nhát hay vì áp lực. Bình an của Ngài là bình an nhờ giá máu thập giá, nghĩa là bình an được xây dựng trên công lý, một công lý mà người ta phải đấu tranh, phải hy sinh, phải liều mạng mới có thể đạt được.
Hoà bình phải là thành quả của công lý, nhưng có được công lý, hay nói đúng hơn thực hiện được công lý, không phải là chuyện dễ. Người ta có thể dễ dàng kết bầu kết bạn với nhau để ăn nhậu, để chơi bời, nhưng tìm người hợp tác làm ăn thì không phải bao giờ cũng dễ. Ăn cho đều, kêu cho sòng, là nguyên tắc không phải bao giờ cũng thực hiện được, bởi vì khi làm thì ai cũng muốn phần ít, nhưng khi hưởng lợi thì lại muốn phần nhiều. Như thế, ngồi nhà mát, mà được ăn bát vàng, phải chăng đã là cái thói thường của người đời.
Thế nhưng Chúa Giêsu đã lên án thứ công lý ăn gian ấy, Ngài đấu tranh cho người nghèo, đem công lý đến cho những kẻ tội lỗi, bởi vì họ mới chính là những người đáng thương. Công lý của Chúa là bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu. Là hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm nhu, là kẻ khó nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng. Chính vì lý do ấy mà Ngài đã gây chia rẽ bất đồng. Nói khác đi, những ai theo đúng đường lối của Chúa, thì sẽ không thể nào đứng chung hàng ngũ với những người chà đạp và bóc lột những kẻ nghèo túng và thấp cổ bé miệng.
Vì thế, những ai đứng về phe Chúa thì cũng phải đứng về phía những người nghèo hèn khốn khổ. Chính Ngài đã đến với họ, sống với họ, chết như họ và cho họ. Tuy nhiên liệu chúng ta có can đảm đứng về phía Ngài và cùng bước đi với Ngài hay không.
3. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI
Một đạo sĩ Ấn Độ hỏi các đệ tử: “Này các con, các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện không?”. Các môn đệ thi nhau trả lời. Có người hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi mà nhìn một đoàn vật từ xa người ta có thể phân biệt được con nào là con bò, con nào là con trâu không?”. Thày lắc đầu: “Không phải”. Một đệ tử khác lại hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui, là khi từ xa nhìn vào vườn cây người ta có thể phân biệt cây nào là cây xoài, cây nào là cây mít không?”. Thày vẫn lắc đầu. Không đệ tử nào trả lời được câu hỏi. Lúc đó, đạo sĩ mới từ từ nói: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”.
Thật kỳ lạ. Chúng ta đã biết nhiều loại ánh sáng như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng đèn điện, đèn pin, ánh sáng đèn dầu, đèn cầy. Cả những ánh sáng tinh vi như tia hồng ngoại, tia X. Tất cả chỉ soi sáng cho thấy sự vật như nó là. Không có ánh sáng nào soi vào mặt một người xa lạ có thể biến người đó thành anh em mình cả. Thứ ánh sáng ấy ở đâu?
Mẹ Têrêxa có thể trả lời câu hỏi này. Một hôm, Mẹ ghé thăm một người đàn ông tội nghiệp. Ông sống trong một túp lều tồi tàn, lụp xụp. Bên trong lều là cả một bãi rác mênh mông. Mùng mền, chăn chiếu, quần áo hỗn độn, rách nát và hôi hám. Nhà cửa, đồ đạc phủ một lớp bụi dầy. Thế mà ông lão tự giam mình trong đống rác ấy. Ông ghét bỏ mọi người nên không lui tới với ai. Ông sống cô độc. Mẹ Têrêxa và các chị vào chào ông. Ông làm thinh không đáp. Thấy căn lều hỗn độn, bụi bặm, các chị xin phép ông dọn dẹp, ông không trả lời. Mặc kệ! Các chị cứ bắt tay vào dọn dẹp, xếp đặt, lau chùi. Thấy trong góc lều có một cây đèn, mẹ Têrêxa lấy ra lau chùi. Chùi sạch lớp bụi, mẹ kêu lên: “Ồ, cây đèn đẹp quá!”. Ông lão bỗng lên tiếng: “Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi nhân dịp đám cưới”. – Ông không thắp đèn lên sao?”. – Không, từ khi vợ tôi qua đời, tôi không bao giờ thắp đèn”. – Thế ông có muốn chúng tôi tới thăm ông mỗi ngày và thắp đèn cho ông không?”. Thấy các nữ tu tử tế, ông đồng ý. Từ đó, mỗi chiều các chị đều ghé thăm, truyện trò và thắp đèn cho ông. Dần dà, ông trở nên vui vẻ yêu đời. Ông nói chuyện cởi mở với các nữ tu. Ông đi lại thăm viếng hàng xóm. Mọi người đến với ông. Căn lều hiu quạnh trở lại ấm áp. Trước kia, căn lều tăm tối không phải vì ông không thắp đèn, nhưng vì ngọn lửa trong trái tim ông lịm tắt. Nay căn lều sáng lên niềm vui không phải vì ánh sáng ngọn đèn dầu, nhưng vì ánh sáng trong trái tim ông bừng lên. Trước kia ông thù oán, xa lánh mọi người vì ánh lửa trong trái tim tàn lụi. Nay nhờ các nữ tu nhen nhúm, ngọn lửa trong trái tim ông bừng lên và ông cảm thấy tha thiết yêu mến mọi người và mọi người cũng tha thiết yêu mến ông.
Thứ ánh sáng kỳ diệu ấy phát xuất từ trái tim. Ánh sáng ấy ta thấy thấp thoáng khắp các trang sách Tin Mừng. Khi người xứ Samaria nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng bừng lên. Hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em.
Chúa Giêsu mang ánh sáng này xuống trần gian. Và Người ước mong cho ngọn lửa yêu thương cháy bừng lên soi sáng cho thế giới: “Thày đã đến ném lửa vào trái đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Lời ước mong thật tha thiết nhưng có pha lẫn ngậm ngùi. Phải chi lửa ấy đã bùng lên có nghĩa là lửa ấy chưa bùng lên cao, chưa lan ra xa.
Thật vậy, nhìn vào tình hình thế giới, chiến tranh không lúc nào ngơi. Thế kỷ 20 đã biết đến hai cuộc thế chiến với biết bao thiệt hại về người về của và nhất là về tình đoàn kết. Trong thập niên 80, chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông-Tây chấm dứt, người ta tưởng rằng giấc mơ hoà bình thế là đã thành sự thật. Nhưng không, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Rwanda, Kosovo, ở Trung Đông… ánh sáng vẫn chưa soi tới những vùng chiến tranh. Bóng tối hận thù vẫn còn vây phủ. Những người anh em vẫn còn chém giết nhau.
Nhìn vào bản thân mình, ta thấy trong ta cũng còn nhiều vùng mà ánh sáng Tin Mừng chưa soi dọi tới. Trong lòng ta vẫn còn những ngõ ngách chứa đầy bóng tối ghen ghét, hận thù. Nên ta nhìn ra chung quanh mà ít gặp được anh em mình.
Lời Chúa hôm nay tha thiết kêu gọi ta. Hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên. Hãy đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ. Để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự. Bấy giờ đêm mới tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương.
Lạy Chúa, xin hãy nhóm lên trong trái tim con ngọn lửa yêu thương của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Bạn đang sống trong ánh sáng hay bóng tối?
2) Bạn có muốn góp phần đem ánh sáng của Chúa đi gieo rắc khắp nơi không?
3) Bạn bắt đầu chiếu sáng bằng cách nào?
4. “Phải chi lửa ấy đã bùng lên!”
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Báo Tuổi Trẻ trong bài “Một cái chết bắt đầu cho sự sống” đã viết về anh Nguyễn Đức Minh như sau:
“… Vật vã với cơn đau ngày càng tăng, từ đầu năm anh tìm đến khoa giải phẫu của Trường Đại Học Y Dược rồi về nhà lập tờ di chúc, trong đó chỉ có 3 điều ước mong: hiến xác, đề nghị gia đình không làm đám tang lớn để lấy tiền giúp người khốn khó và dành những vật dụng riêng gồm máy đánh chữ, cassette, ampli, dụng cụ học tập của Câu lạc bộ Bừng Sáng. Chị hai của Đức Minh cho biết: “Em tôi lo gia đình không thực hiện lời hứa nên đã bắt cha mẹ ký xác nhận cho xác em mới chịu lên bàn mổ. Trước khi mổ, em còn dặn bác sĩ viện trưởng có gì thì đưa xác em đi ngay để gia đình khỏi đổi ý…”
Mong ước của anh Minh giúp chúng ta phần nào nhận ra được những khao khát của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc Thương Khó: “Thầy ước mong phải chi lửa ấy cháy bùng lên!” Chính Đức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài: Ngài đến để ném lửa trên măt đất, và Ngài ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên. Ngọn lửa Đức Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và huỷ diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Đây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ trên đường Emmau đang tuyệt vọng.
Ngọn lửa ấy, có lẽ rất cần chạm đến cuộc đời chúng ta. Vì cuộc đời quanh ta vẫn còn đó những bóng tối của đọa đầy, của bất công. Vì cuộc đời quanh ta vẫn còn đó những người đang thất vọng chán chường. Phải chi ngọn lửa của Đức Kitô luôn được thắp sáng nhờ những người môn đệ của Chúa. Những con người luôn làm cho ngọn lửa ấy mãi bừng cháy lên trong thế giới quanh ta.
Vâng, sự trăn trở và ước mong cho ngọn lửa ấy bừng lên dường như vẫn đang là lời mời gọi thiết tha mà Chúa muốn nơi chúng ta: “Phải chi lửa ấy đã bừng lên!” Chúa vẫn mời gọi chúng ta thực hiện niềm ước mong mà Chúa đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn, cho con người biết sống cho nhau và vì nhau. Cho con người biết lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy. Cho công lý ngự trị và hoa bác ái nở rộ tràn lan trên mặt đất.
Nhưng, để có thể gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng, là phải chấp nhận bị khước từ và đe doạ. Chính Chúa khi còn tại thế đã linh cảm những gì xảy ra cho đời mình. Chúa sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng, sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau của cô đơn phản bội.
Hôm nay, Chúa lại mời gọi chúng ta ném lửa trên mặt đất và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối:
Bóng tối của bất công, sa đoạ và tuyệt vọng.
Bóng tối của hận thù, cục bộ và chia rẽ.
Bóng tối của nghèo nàn và lạc hậu.
Bóng tối ở ngay trong lòng mình.
Đôi khi bóng tối quá dày đặc mà ngọn lửa của chúng ta lại qúa yếu ớt, khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi. Nhưng sau đêm dài là ánh bình minh. Sau gian khó hy sinh là những ngày gặt hái tươi vui. Như Chúa khi bị treo trên thập tự giá. Khi bị giam trong mồ. Bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Chúa, nhưng ngọn lửa Phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn can đảm thắp sáng ngọn lửa yêu thương giữa đêm đen của ích kỷ hận thù hôm nay. Xin cho ánh lửa tình yêu của chúng ta mãi lan toả đến tận cùng trái đất. Amen.
5. Bình An, Niềm Vui, Ơn Cứu Độ – An Phong
Tin mừng chúa nhật 20 thường niên C thuật lại những lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ trong hoàn cảnh bị bách hại. Những lời này gợi lên một viễn cảnh bi thảm cho sứ vụ của Người trên trần gian: đó là cuộc Thương khó trong tương lai, những đấu tranh làm phân rẽ con người với nhau.
Khi vào trần gian, Đức Giêsu đã đưa lửa vào, và Người ước mong lửa đó bùng lên. Theo Kinh thánh, Lửa là biểu tượng hình phạt của Thiên Chúa, nhất là vào lúc tận cùng thời gian. Lửa còn là biểu tượng cho sự thanh tẩy và làm đổi mới. Chúa Giêsu sẽ thực hiện cuộc thanh tẩy tâm linh nhờ Chúa Thánh Thần.
Đức Giêsu cũng nói đến phép Rửa mà Người sẽ phải chịu. Đây là biểu tượng của việc dìm vào đau khổ – cuộc Thương khó. Người sẽ phải “cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình” (Dt 12,4).
“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao?… Không phải thế đâu, nhưng đúng hơn là để gây chia rẽ”. “Sự chia rẽ là đối cực của sự bình an. Nhưng đây là sự chia rẽ vì Chúa, một sự chia rẽ đi vào qui luật của thập giá: Khi mất đi là khi tìm thấy, khi chết đi là khi được sống muôn đời. Hơn nữa, Đức Giêsu đã hứa: Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Bởi thế Đức Giêsu không đến trần gian để gieo sự bất hòa, nhưng là đem đến sự hiện diện của Thiên Chúa, đồng nghĩa với sự bình an. Sự bình an Đức Giêsu mang đến là sự bình an phải chiến đấu trong chân lý, phải được xây dựng trong khó nhọc, trước hết ở trong chính bản thân ta rồi lan tỏa chung quanh ta: đó là dám chấp nhận những mệt nhọc, đói khát, thua lỗ, nhường nhịn vì những điều lành, biết tách mình ra khỏi những đố kị và muôn vàn những cái vừa vụn vặt vừa tầm thường của cuộc sống. Lương thực của sự bình an luôn là một thách thức” (Văn Hòe).
Trong lịch sử nhân loại, Đức Giêsu Kitô quả thực là một nghịch lý. Người đã nên dấu chỉ cho người ta chống đối. Người đã đóng ấn chứng từ của mình bằng việc tự nguyện hy sinh bản thân trên thập giá. Cuộc sống và cái chết của Người đã trở thành dấu chỉ của tình yêu, hy vọng và sự sống.
Trong một thế giới thiếu vắng hơi ấm tình người, thiếu vắng một niềm hy vọng đích thực và tình yêu, Đức Giêsu đã mang đến lửa tình yêu của Người. Ngọn lửa đó sưởi ấm cõi lòng con người, thắp sáng niềm hy vọng. Đó là ngọn lửa Tình Yêu Cứu Độ, nơi đó tất cả chúng ta được thanh tẩy.
Người kitô hữu là người được “vầng đông từ chốn cao vời tỏa xuống hào quang sáng chói, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79). Thiên Chúa chiếu soi chúng ta, để chúng ta được bình an. Khi cuộc sống có những lo âu, buồn chán, tuyệt vọng, chúng ta hãy tìm đến với ơn Chúa; “ơn Chúa sẽ lôi cuốn bạn, cho tới khi bạn tìm lại được nguồn vui” (thánh Bênađô). Người kitô hữu đích thực là người sống trong niềm vui, bình an và ơn cứu độ của Chúa. Người kitô hữu đích thực thắp lên ngọn lửa tình yêu của Thánh Thần trong lòng mình và nơi người khác.
Phải chăng chúng ta đang sống trong bình an, niềm vui và ơn cứu độ của Thiên Chúa?
Phải chăng chúng ta đang thắp lên ngọn lửa tình yêu, hy vọng và cứu độ để sưởi ấm trần gian?
Lạy Chúa,
Xin đừng để chúng con thất vọng
khi đứng trước khổ đau thử thách.
Xin giúp chúng con nhận ra
giữa những tăm tối vẫn còn ánh sáng,
giữa những đau buồn chóng qua luôn có niềm vui đích thực,
và nhất là giữa những thăng trầm biến đổi
luôn có những hồng ân và sự hiện diện đầy yêu thương.
(Trích dẫn từ ‘Tin Mừng Chúa Nhật’)
DỆT NÊN HÒA BÌNH BẰNG NHỮNG SỢI LEN CHIẾN TRANH
Chúng ta yêu hòa bình biết bao, bằng bất cứ giá nào! Cho đến độ vì thế mà trở thành những kẻ yếu hèn. Nhưng nếu chúng ta mơ ước có tâm lòng thanh thản, cuộc sống hòa bình, môi trường sống an lành (gia đình, cộng đoàn, công việc, làng xóm hay khu phố, cho đến đất nước và thậm chí thế giới), bài suy niệm hôm nay sẽ nói với chúng ta rằng chúng ta không tìm thấy những điều đó nơi Chúa Giêsu: “Ta không ban hòa bình cho các con như thế gian cho” (Ga 14,27)
– Thầy đến mang lửa xuống, nhưng trước hết Thầy phải chịu phép rửa bằng lửa. Các con đừng tưởng Thầy đến để thiết lập sự bình an trên trái đất, mà là đem sự chia rẽ.
Nếu lời này đụng chạm đến chúng ta và thậm chí làm chúng ta phẫn nộ, chúng ta phải tự kiểm tra: nỗi lo sợ chia rẽ của chúng ta có lành mạnh, cao cả, hoặc chỉ là một ước muốn an thân khá tầm thường? Mác đã nói: một dân tộc khốn khổ tạo ra, cùng với tôn giáo, một loại thuốc phiện. Có bao giờ chúng ta rút ra từ Tin Mừng đôi chút thuốc an thần nào chưa? Và đây là thuốc an thần hiệu quả nhất dưới mắt chúng ta: “Các ngươi hãy thương yêu nhau”, các ngươi hãy làm dịu tất cả các xung đột của các ngươi.
Dĩ nhiên, điều đó không xuôi chảy. Vì lý do là việc muốn yêu thương như Chúa Giêsu (chúng ta thường quên xác định) dẫn chúng ta đi đến chỗ làm chia rẽ, giống như Ngài. Và dẫn đến việc chính chúng ta bị chia rẽ. Chúng ta thường kinh nghiệm điều này. Chính ngày mà chúng ta chọn thực sự để yêu thì những xung đột gay gắt nhất nổi lên. Tại văn phòng của chúng ta, để tỏ ra huynh đệ với đồng nghiệp, chúng ta phải tố cáo bất công của cấp trên. Để yêu thương người Palestin chúng ta quay lưng lại gia đình của chúng ta. Để giúp đỡ những người hàng xóm nghèo nàn, chúng ta xung đột với vợ và mẹ vợ: “Ông bố làm thế là hy sinh các con của mình!”. Để lãnh đạo một cuộc đấu tranh nghiệp đoàn, một trong những người bạn của tôi đã thất bại trong việc tiến thân và các cô con gái của ông ta đối xử với ông ta là… ông già thảm hại. Trong khi chia sẻ số phận với những người bị áp bức tại một nước nọ ở Châu Mỹ La tinh, một linh mục xung khắc với Giám mục bảo thủ của mình và linh mục đó tự hỏi ai là người có lý. Trong một cộng đoàn người ta biết rằng trở lại một vấn đề công bằng, nghèo nàn hoặc ý nghĩa của Tin Mừng là sẽ châm ngòi lại những xung đột. Người ta im lặng nhưng trong những con tim bị xem là nhát đảm, sự an bình đã bị phá vỡ.
Do lời này phải đi vào tận thâm tâm của chúng ta. Chúa Giêsu sẽ luôn luôn là sự chia rẽ bởi vì tâm lòng của chúng ta xấu xa. Khi chúng ta muốn yêu thương và đấu tranh cho tình yêu, chúng ta chỉ làm điều đó do sự vụng về, sự hăng hái hoặc sự sợ hãi của chúng ta. Trước mặt chúng ta những người Kitô hữu tốt nhất, trong đó có các thánh, cũng yêu thương chúng ta theo khả năng của họ, cũng với con người tội lỗi của họ.
Những người như chúng ta, chúng ta không ngừng có nguy cơ tạo ra những hòa bình pha tạp: hòa bình của người cai trị làm im lặng cả thế giới và thiết lập sự yên tĩnh một cách gượng gạo; hòa bình của những người bị ám ảnh do tình thương yêu huynh đệ tránh sự xung đột nhỏ nhặt nhất bằng cách để các hoàn cảnh trở nên tệ hại; hòa bình của những người đấu tranh đơn thuần vì công bằng là người xếp loại người ta và bình thản tiến bước giữa những người tốt và những người xấu. Chúa Giêsu đâm lưỡi gươm chia rẽ vào trong các hòa bình sai lạc này.
Hòa bình nào đây? Một nền hòa bình hay đặt vấn đề, nóng bỏng và yêu thương xen vào giữa các xung đột và ở lại đó. Hòa bình đó không tìm kiếm những cái hồ yên tĩnh, mà là muốn làm cho có thể sống được trong các phong ba bão táp.
Đối với một người con của Tin Mừng, không có sự an bình nếu không nói là ở nghĩa trang mới có một công việc kiến tạo hòa bình kiên trì và thông minh có thể có ở khắp nơi; trong tâm lòng bị xuyên qua của chúng ta, trong nhóm của chúng ta nơi đó nổ ra một cuộc đấu tranh cần thiết, trong Giáo Hội nơi đó luôn luôn sẽ có những người duy trì trật tự và những người suy nghĩ ra cái mới.
Chính ở giữa chúng ta là những người bất toàn và tội lỗi phải làm lại những hòa bình tạm bợ của chúng ta, các hòa bình này sẽ bị phá hủy khi thì do những kiêu ngạo của chúng ta, khi thì do lưỡi gươm Tin Mừng. Sẽ phải can đảm bắt đầu lại mà không nghĩ đến những kết thúc hoàn toàn của cuộc chiến đấu. Người ta chỉ có thể trở thành một người thợ xây dựng hòa bình bằng cách dệt nên hòa bình bằng những sợi len chiến tranh.
7. Sứ mệnh – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Tiên tri Giêrêmia hoạt động tại Giêrusalem khoảng năm 627 tới sau năm 587 trước Công Nguyên. Tiên tri đã cảnh báo thần dân, vì tội lỗi mà họ đã phạm đến Chúa. Dân thành sẽ bị phá hủy bởi vua Nebuchadrezzar, người Babyon. Khi nghe cảnh cáo, nhiều nhà chức trách đạo đời cảm thấy khó chịu và muốn diệt trừ tiên tri Giêrêmia: “Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉtìm tai hoạ”(Gr 38, 4). Tuy nhiên, trong số đó có những người trung thành và biết lắng nghe lời sự thật. Thay vì bỏmặc tiên tri để chết trong giếng cạn, vua đã truyền cứu ngài ra khỏi giếng: Vậy vua truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: “Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết” (Gr 38, 10). Sống ở đời luôn có kẻ ưa người ghét là thế!
Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đối diện với hai chọn lựa: Tốt xấu, phải trái, lành dữ,đúng sai, yêu ghét và tội phúc… Dù tốt hay xấu, phía nào cũng có người phò theo. Phe lành và phe dữ song hành trong cuộc sống như bóng tối và ánh sáng. Làm sao chúng ta có thể rút ra những nhận định đúng đắn trong xã hội vàng thau lẫn lộn? Vì mỗi bên, mỗi phía đều có chia sẻ ít nhiều sự tốt lành và xấu dữ.Đâu là chân lý? Mỗi xã hội con người có những chủ trương riêng biệt. Văn hóa này có thể thích hợp ở đây, nhưng không thể thực hành nơi khác. Tất cả những nền văn hóa do con người kết cấu thành đều là tương đối. Các luật lệ do con người đặt ra cũng rất tương đối. Sự phán đoán về sự đúng sai của con người xã hội cũng bị ảnh hưởng bởi quan niệm sống mỗi vùng, nên dân luật hay tục lệ có thể thay đổi.
Cảm giác về tội lỗi phai nhạt dần. Chủ nghĩa cá nhân được đề cao. Con người xã hội tìm kiếm và thỏa mãn những gì mình ưa thích. Nhiều người chủ trương sống hưởng thụ và đáp ứng mọi nhu cầu cảm xúc thể xác. Những nét đẹp của Công Dung Ngôn Hạnh từ từ biến mất. Chúng ta không thể ngồi ung dung tự tại mặc cho con tạo xoay vần. Là các bậc phụ huynh, những người giáo dục và thầy dậy, chúng ta cố gắng khơi lên ngọn lửa cháy sáng soi đường. Hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã đem lửa xuống thế gian và ước mong lửa bừng cháy: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên (Lc 12, 49). Lửa của tình yêu và lửa của sự thật. Chúa là tình yêu. Chúa là sự thật và là sự sống.
Chúa Giêsu không dấu diếm sứ mệnh, Ngài nói: Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ (Lc 12, 51). Sự chia rẽ giữa sự thánh thiện và tội ác. Sự chia rẽ giữa người công chính và kẻ gian ác tội lỗi. Nhưng Chúa Giêsu không bỏ rơi một ai. Ngài hiện diện đó không phải để kêu gọi người công chính mà là kẻ tội lỗi. Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến, Chúa sẽnâng đỡ bổ sức cho. Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, Ngài đến để đoàn chiên được sống và sống dồi dào.
Đối diện với cuộc sống đa dạng, đa văn hóa và đa tôn giáo của thời đại hôm nay, chúng ta cần học hỏi và nhận định rõ ràng hơn. Rất nhiều chính thể chủ trương triết thuyết tương đối. Họ cho rằng không có gì tuyệt đối là đúng hay sai và tốt hay xấu hoàn toàn . Theo họ, đúng hay sai, dựa vào sự quyết định của đa số áp đặt. Trước tiên, sự tốt xấu và lành dữ được đánh giá qua vấn đề lợi nhuận kinh tế. Chúng ta đang va chạm với những chủ trương cởi mở và qúa cấp tiến. Những điều đang xảy ra hằng ngày về vấn đề đạo đức luân lý. Thí dụ: Một số Tiểu Bang ở Hoa Kỳ, các nhà Lập Pháp đã bỏ phiếu đa số đồng thuận về hôn nhân đồng tính, về sự ngừa thai, phá thai không giới hạn, về án tử và trợ tử…
Về sự sống con người: Phe phò phá thai (pro-abortion) chủ trương bảo vệ tự do và quyền bình đẳng của phụ nữ, trong khi hủy diệt sự sống của thai nhi. Tuy nhiên, Phong trào phò sinh (pro-life) vẫn tiếp tục đấu tranh cho quyền tự do lương tâm và tựdo tôn giáo. Chúng ta căn cứ vào lương tâm và lời Mạc Khải để tìm đến sự thật. Sự thật có thể áp dụng chung cho mọi người, mọi dân và mọi nước. Chúng ta gọi là luật tự nhiên hay luật lương tâm đã được in ghi tận đáy tâm hồn.
Càng ngày càng có nhiều tệ nạn xảy ra trong xã hội con người. Các học viên được huấn luyện trở thành bác sĩ để cứu chữa con người, nhưng một số lại tìm cách hủy diệt mạng sống con người. Các công ty dược phẩm chế tạo thuốc để chữa lành, nhưng đồng thời cũng chế tạo các loại thuốc giết người. Các tòa án Tối Cao Pháp Viện, phải là nơi công lý được thể hiện, nhưng cũng lại đưa ra những chỉ thị và phán quyết độc hại hủy phá sự sống con người. Biết tin vào ai? Đâu là điều tốt hay điều xấu vàđiều lành hay điều dữ. Mỗi quan tòa đều có những lý luận sắc bén để biện luận và đôi khi ngụy biện để dấu diếm sự thật. Nhiều chính phủ dùng quyền lực của luật pháp để áp chế người dân đi ngược dòng đạo đức luân lý. Dù với quyền lực, họcũng không thể giết đi tiếng nói của lương tâm. Sự thật vẫn luôn là sự thật.
Thánh Phaolô khuyên dạy: Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa (Dt 12, 2). Chúng ta tìm về nguồn chân thiện mỹ. Đức Kitô là Đấng trung gian giữa đất trời. Ngài là Lời của Thiên Chúa. Ngài mạc khải cho chúng ta về con đường cứu độ qua thập giá. Ngài đã chấp nhận cái chết đau thương trên khổ giá để minh chứng cho lời rao giảng và sự thật Nước Trời. Muốn đạt được quê trời, chúng ta cũng phải phấn đấu một cách kiên vững và gian khổ. Bước qua cửa hẹp. Từ bỏ mình và vác thập giá theo Chúa. Muốn bước theo Chúa, chúng ta không thể bắt cá hai tay. Cần có sự chọn lựa dứt khoát.Tránh kiểu sống nửa vời tương đối vô thưởng vô phạt.
Nhắm hướng nhìn lên. Suy gẫm sự khổ đau của Chúa Kitô trên thập giá để tìm hướng đi. Chúng ta có thể hỏi rằng tại sao Chúa phải chịu khổ nhục như thế? Chúa có thể chọn cách khác nhẹ nhàng hơn chứ! Không, Chúa Kitô đã ước ao hoàn tất chén đắng mà Cha đã trao đề kéo lôi chúng ta ra khỏi vực sâu của tội lỗi và sự chết: Anh em hãy tưởng nghĩ đến Đấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng (Dt 12, 3). Mầu nhiệm Chúa Kitô chịu chết và sống lại là một chân lý. Chân lý của sự giải thoát. Để tìm câu trả lời cho sự lành sự dữ, sự tốt sự xấu, tội hay phúc, chúng ta hãy tìm câu trả lời nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh.
Các nhà làm luật phán đoán và quyết định những điều đối nghịch với đạo đức luân lý nhưng họ đâu có chịu trách nhiệm. Sự dữ, sư xấu và sự sai trái đổ trên đầu người dân thấp cổ bé miệng. Các nhà lập pháp đâu có cảm thông và hiểu thấu những sầu khổ oan khiên trong thâm tâm của mỗi người. Các quan tòa vui mừng mở rượu vang chúc mừng nhau, khi thành công bỏ phiếu thành luật về một vấn đề luân lý nghịch đạo. Họ đâu có lường được những hệ lụy khổ đau kéo theo từ dòng dõi này qua dòng dõi khác. Biết bao tâm hồn bị tổn thương và rơi vào cô đơn giá lạnh. Chỉ có một Người cảm thông nỗi đớn đau tuyệt vọng và có uy quyền chữa lành tâm hồn là chính Chúa Kitô trên thập giá.
Lạy Chúa, Chúa đang giang tay chờ đón chúng con. Chúa nới với chúng con rằng ai yêu nhiều sẽ được tha nhiều. Chúng con chạy đến với Chúa, xin Chúa dủ lòng thương xót chúng con.
8. Thầy đem lửa đến thế gian
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49).
Ngày xưa lúc Thầy xuống thế, các Thiên Thần hát rằng: “Vinh danh thiên Chúa trên trời, BÌNH AN dưới thế cho người thiện tâm”. Thầy được mệnh danh Hoàng Tử Hòa Bình. Vậy mà hôm nay Thầy bảo các môn đệ: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.” (Lc 12, 51-53).
Đường lối của Thiên Chúa thì khác xa tư tưởng của loài người. Đòi hỏi của Thiên Chúa thì không như sở thích của con người. Người ta mong ấm no hạnh phúc, hưởng thụ dễ dãi, Thầy bảo phải chui vào con đường hẹp khó đi. Bình thường người ta yêu kẻ yêu và sống tốt với kẻ yêu mình thôi, đằng này Thầy dạy phải yêu cả kẻ ghét mình. Hoặc “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). Phải yêu Thầy hơn cha mẹ, anh em, cứ nhìn người đi tu thì rõ. Thế là người tin, kẻ không tin, người chấp nhận, kẻ chống đối, người theo kẻ chạy, bất đồng chia rẽ đối nghịch nhau thì khác gì có chiến tranh với chuyện kẻ thù, dù là sống trong một mái nhà với nhau.
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12, 49-50).
Qua cách nói của Đức Giêsu, lửa mà Ngài ném vào mặt đất là lửa Tình Yêu, lửa này có sức thanh luyện mọi sự. Vì Người muốn cho con người nên thánh thiện và hạnh phúc. Người đã thanh luyện chúng ta bằng cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Người. Từ đó mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới, là kỷ nguyên của hạnh phúc.
Sống dưới ánh mắt của Chúa mà thực hành chỉ thị huấn lệnh sẽ được trả cho cân xứng những việc mình làm. Sống đẹp theo huấn lệnh thì đẹp lòng Thiên Chúa, tâm tư luôn hạnh phúc bình an dù sống giữa “chiến tranh” đối nghịch của thế trần. Nếu sống ngược với chỉ thị của Thầy thì cuộc sống dù xem như hạnh phúc mà chẳng có bình an thực sự trong tâm hồn.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con quá bội, yêu đến hy sinh cả mạng sống mình. Xin cho loài người chúng con biết đáp lại tình Chúa bằng một lòng tin sắt son và một lòng mến nồng nàn. Chúa ơi! ngày nay được sống trong sự Hiện Diện của Chúa, chúng con luôn an bình thư thái trong ánh mắt yêu thương âu yếm dõi nhìn của Chúa. Chúng con vui, buồn, sướng khổ hay phải gắng sức lội ngược dòng có Chúa cùng phấn đấu, hay có sao nhãng lang thang thì Chúa vẫn nhìn và không ngừng yêu thương chăm sóc từng giây. Xin đừng để chúng con dại dột xa rời Vòng Tay yêu thương ấy. Dẫu đời hiện tại chúng con có nhỏ bé âm thầm thì nó vẫn có giá trị, ý nghĩa lớn lao trong Con Tim Yêu của Ngài. Amen.
Én Nhỏ