36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”
1- Ghi nhớ:
“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”. (Lc 24, 46)
2- Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ. Người thiết lập lại tương quan mà các tông đồ tưởng như đã mất vì cuộc tử nạn của Chúa; qua đó Người tỏ cho các ông biết Người hằng sống và Người chúc bình an cho các môn đệ của Người. Lời chúc bình an của Đức Giêsu ở đây không đơn thuần chỉ là lời chào hỏi, nhưng lời chúc này là dấu hiệu chiến thắng của Chúa Giêsu Phục Sinh, lời chúc này còn đồng hóa sứ mạng của Ngài với các Tông Đồ. Như Đức Kitô đã đem niềm vui và bình an cho các Tông Đồ thì các ông cũng phải đem niềm vui và bình an đến cho người khác như vậy.
“Bình an cho các con”. Khi tâm hồn của các Tông Đồ đang hoang mang lo lắng buồn vui lẫn lộn về sự việc Chúa chết và sống lại, thì lời chúc lành của Chúa Giêsu rất đúng lúc để củng cố đức tin và đem lại an bình cho tâm hồn của các ông.
“Bình an cho các con”. Sự bình an này không giống bình an của người đời ban tặng. Sự bình an của người đời là tạm bợ và sẽ không tồn tại, bởi vì người đời chỉ dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đầy bất an. Người ta chúc nhau được bình an, nhưng không ai tìm được bình an trong cuộc sống. Người giàu có thì cảm thấy bất an khi đêm về vì sợ kẻ trộm. Người có địa vị thì sợ kẻ khác chiếm đoạt, lật đổ. Người mạnh khoẻ thì sợ đau ốm… tất cả đều ở trong trạng thái mất bình an.
Bình an là kết quả của lòng trông cậy vào Chúa và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan trọng bậc nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được. Chỉ có Bình An của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa nên Ngài vẫn có thể nói về bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài.
Bình an là một hồng ân Chúa ban và cũng là một trách nhiệm. Không phải chúng ta chỉ cầu khẩn và tìm kiếm bình an cho mình mà còn phải là “khí cụ bình an của Chúa”, góp phần tạo nên bình an cho mọi người và cho toàn xã hội.
3- Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con thực hiện tinh thần hiệp nhất yêu thương nhau, nhất là biết ý thức về trách nhiệm của mỗi người chúng con là đem bình an và niềm vui đến cho mọi người. Amen.
4- Sống Lời Chúa :
Có nhiều bằng chứng về sự kiện Chúa sống lại, đó là: những lần Ngài hiện ra với các môn đệ, những phép lạ các môn đệ nhân danh Ngài mà làm, cuộc sống chứng nhân và thay đổi hoàn toàn của các môn đệ, Kinh Thánh, và những cuộc trở lại Đạo của nhiều người. Chúng ta hãy vững vàng trong niềm tin vào Chúa và nhiệt thành loan truyền Tin Mừng của Chúa cho mọi người đang sống chung quanh chúng ta.
HOÀI THANH