Bộ trưởng Bộ Tôn giáo muốn mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm Indonesia

1. Bộ trưởng Bộ Tôn giáo muốn mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm Indonesia

Indonesia mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm nước này: Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Menag RI Yaqut Cholil Qoumas thông báo với Sứ thần Tòa thánh là Đức Tổng Giám Mục Pietro Pioppo và các Giám mục Công Giáo Indonesia nhân dịp lễ tấn phong giám mục của tân Giám mục Giáo phận Amboina, Đức Cha Senno Ngutra, ngày 23 tháng 4 vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Tôn giáo muốn mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm Indonesia

Tại cuộc gặp với sứ thần, các giám mục và linh mục Indonesia tại Trung tâm Cộng đồng Công Giáo ở trung tâm thành phố Ambon trước khi cử hành trọng thể lễ tấn phong giám mục, Ông Menag RI đã thông báo với các quan chức Giáo Hội có mặt về chuyến đi sắp tới của ông tới Vatican, nơi ông sẽ đưa ra một lời mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Indonesia.

Tòa thánh trước đó đã chính thức thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có kế hoạch thăm Indonesia và Đông Timor sớm nhất là vào tháng 9 năm 2020, nhưng chuyến đi dự kiến đã phải bị hủy bỏ vào thời điểm đó do đại dịch Covid 19.

Bộ trưởng cũng báo cáo về vấn đề này rằng chính phủ Indonesia dự định khởi động việc xây dựng một nhà thờ chính tòa mới ở IKN Nusantara, thủ đô mới của Indonesia, ở Đông Kalimantan. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang phối hợp việc này với giám mục địa phương của Tổng giáo phận Samarinda, là Đức Cha Yustinus Harjosusanto.


Source:Fides

2. Nga tăng cường nỗ lực để xóa bỏ bản sắc Ukraine khi Lenin xuất hiện trở lại ở miền nam đất nước

Một siêu thị nổi tiếng của Ukraine ở khu vực phía nam Zaporizhzhia đã thông báo mở cửa lại vào thứ Bảy dưới sự quản lý mới của người Nga. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy những nỗ lực của các lực lượng đang chiếm đóng của Mạc Tư Khoa nhằm xóa bỏ bản sắc của người Ukraine trong các vùng lãnh thổ do nước này kiểm soát.

Trước đây, cửa hàng ở Melitopol là một phần của chuỗi ATB, một doanh nghiệp có trụ sở tại Dnipro. Nhưng một bài được đăng trên kênh Telegram của đài truyền hình địa phương cho biết siêu thị hiện là một phần của chuỗi MERA, có trụ sở chính tại St.Petersburg, bên Nga.

Bài báo hứa hẹn rằng những người mua sắm chi tiêu ít nhất 500 hryvnia (khoảng 16 đô la) sẽ được tham gia vào một “siêu giải thưởng” – mặc dù chi tiết về những gì người chiến thắng có thể mang về nhà không được tiết lộ.

Ở những nơi khác trong khu vực, một quốc huy lớn của Ukraine đã được dỡ bỏ trước văn phòng thị trưởng ở thị trấn Tokmak. Các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy biểu tượng đặc biệt của Ukraine – một chiếc đinh ba màu vàng trên nền xanh lam – đang dựa vào lối vào của tòa nhà. Một bức ảnh trước đó trên cùng một kênh Telegram cho thấy một người đàn ông đang leo lên thang dường như đang làm việc để nới chiếc đinh ba ra khỏi vị trí của nó.

Và như để nhấn mạnh cảm giác đồng hồ quay ngược, video đã xuất hiện từ khu vực lân cận Kherson – cũng đang bị Nga chiếm đóng – cho thấy bức tượng cựu lãnh đạo Liên Xô Vladimir Lenin được dựng lại ở thị trấn Nova Kakhovka.

Một video khác ghi lại bức tượng của nhà cách mạng Nga và nhà lãnh đạo đầu tiên của Liên Xô được chở trên một chiếc xe tải qua thành phố.

Một bức ảnh sau đó cho thấy bức tượng được dựng lên một cái giá đỡ trước tòa nhà hội đồng thành phố.

“Trong khi Ukraine là quốc gia đầu tiên trên thế giới giới thiệu hộ chiếu điện tử, thì ‘Orc’ đang khôi phục tượng đài của Lenin ở Nova Kakhovka bị chiếm đóng tạm thời,” Phó Thủ tướng Mykhailo Fedorov, cho biết trong một bài đăng trên Telegram dưới bức ảnh.

Orc là nhân vật hình người đầu thú trong các chuyện của J.R.R. Tolkien. Người Ukraine dùng chữ Orc, như một thứ tiếng lóng chỉ người Nga, hàm ý khinh miệt một bọn nửa người, nửa ngợm.

Những bức tượng của Vladimir Lenin là một dấu ấn đặc trưng của các thị trấn và thành phố trên khắp Liên Xô, nhưng nhiều bức tượng đã bị dỡ bỏ khỏi các địa điểm của Ukraine trong những năm gần đây do quan hệ với Nga ngày càng xấu đi.

3. Đức Tổng Giám Mục Chaput kêu gọi: Hãy đốt lửa lên cho thế giới

Tạp chí First Things vừa cho đăng tải một bài báo của Đức Cha Charles J. Chaput, Tổng Giám Mục hưu trí của Philadelphia, dựa vào bài phát biểu của ngài tại Buổi Phát Thưởng của Viện Benedictine Leadership ở Belmont Abbey College. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Things Worth Dying For' Review: Death and the Archbishop - WSJ

Sự khinh thường đối với đức tin tôn giáo đã ngày càng gia tăng trong các tầng lớp lãnh đạo của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên, như các học giả Christian Smith và Christopher Lasch đã chỉ ra. Nhưng trong những năm gần đây, áp lực của chính phủ đối với các thực thể tôn giáo ngày càng gia tăng. Nó liên quan đến việc can thiệp vào quyền lương tâm của các nhà cung cấp dịch vụ y tế, người sử dụng lao động tư nhân và cá nhân công dân. Nó bao gồm các cuộc tấn công vào các chính sách, hoạt động tuyển dụng và tình trạng thuế của các tổ chức bác ái tôn giáo, bệnh viện và các thừa tác vụ khác. Những cuộc tấn công này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi đặc điểm tôn giáo của Mỹ suy yếu đi.

Điều này đang xảy ra vào thời điểm mà các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta đưa ra một sự pha trộn kỳ lạ giữa sự cao ngạo và trả thù ở trong nước, và sự thiếu khả năng ở nước ngoài. Với tư cách là một quốc gia, chúng ta đã biến việc phá thai thành một quyền thiêng liêng. Chúng ta đã mất quyền kiểm soát biên giới phía nam của mình. Chúng ta bị ám ảnh bởi các đại danh từ và tình dục lẫn lộn. Cha mẹ được nhận diện như những kẻ khủng bố trong nhà. Các người Công Giáo tự cho mình là các nhà lãnh đạo công cộng hành động đạo đức giả đáng kinh ngạc. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc – như chúng ta đã thấy ở Ukraine và Hồng Kông, và có thể sẽ sớm thấy ở Đài Loan – tri nhận chúng ta như những kẻ yếu ớt, mất tập trung và vấp ngã. Nếu tôi phóng đại những vấn đề này, thì quả việc phóng đại này không có bao nhiêu. Chúng ta ngày càng có vẻ là một thứ bá chủ đang suy tàn, và các quốc gia khác có thể cảm nhận được điều đó.

Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta trong tư cách Kitô hữu và công dân?

Hệ thống chính trị truyền thống của chúng ta giả định một xã hội dân sự vốn hiện hữu trước và đứng ngoài sự kiểm soát hoàn toàn của nhà nước. Trong mô hình của Mỹ, nhà nước hiện đang (hoặc đã) có nghĩa là có phạm vi khiêm tốn và bị hạn chế bởi chính sách kiểm tra và cân bằng. Các thể chế trung gian, chẳng hạn như gia đình, Giáo Hội và các tổ chức huynh đệ, nuôi sống cộng đồng công dân. Họ đứng giữa cá nhân và nhà nước. Và khi họ rút lui, nhà nước lấp đầy khoảng chân không. Do đó, việc bảo vệ các thể chế trung gian này là điều cần thiết đối với quyền tự do chính trị của chúng ta. Nhà nước hiếm khi sợ hãi các cá nhân, vì các cá nhân có thể bị cô lập hoặc làm ngơ. Các cộng đồng có tổ chức là một vấn đề khác. Họ có thể chống lại. Và không ai có thể làm ngơ họ.

Đây là lý do tại sao, nếu người ta muốn sửa đổi câu chuyện của Mỹ thành một loại thí nghiệm xã hội khác, một vấn đề như Giáo Hội Công Giáo có thể gây nhiều khó chịu. Giáo Hội ấy là một cộng đồng rất lớn. Giáo Hội ấy có niềm tin mạnh mẽ. Và Giáo Hội ấy có một cấu trúc quyền lực khó bị phá vỡ — kiểu cấu trúc dường như tồn tại qua mọi định kiến và sự ngược đãi, thậm chí cả những tội lỗi tầm thường và tồi tệ nhất của những người lãnh đạo chính nó.

Là các Kitô hữu, hầu hết chúng ta đều có một tình yêu sâu sắc đối với đất nước của mình. Nhưng nước Mỹ không phải là ngôi nhà cuối cùng của chúng ta. Không hề có sự hòa hợp tự động giữa đức tin Kitô giáo và nền dân chủ Hoa Kỳ. Đối với tất cả các điểm mạnh của nó, nền dân chủ có tiềm năng tạo ra một loại hình chuyên chế đặc biệt và rất mạnh mẽ của riêng nó. Theo lời của nhà triết học chính trị Robert Kraynak, dân chủ đẩy mạnh “sức mạnh của văn hóa đại chúng, một nền văn hóa làm hạ thấp giọng điệu của xã hội… bằng cách hạ thấp các mục tiêu của cuộc sống từ vẻ đẹp cổ điển, các đức tính anh hùng và sự siêu việt của thế giới khác thành việc theo đuổi công ăn việc làm, tiêu dùng vật chất và giải trí.” Cuộc sống của con người bị giản lược thành “chủ nghĩa duy vật một chiều và [một] hiện hữu động vật làm suy yếu phẩm giá con người và cuối cùng dẫn đến ‘việc hủy diệt con người’”.

Nói cách khác: Quyền mưu cầu hạnh phúc của người ta không bao gồm quyền bào chữa hoặc làm ngơ điều xấu trong chính chúng ta hoặc bất cứ ai khác. Khi chúng ta tách rời nền chính trị khỏi nền tảng đạo đức và sự thật, chúng ta biến đất nước của mình từ một cơ thể sống có đạo đức thành một thực thể đần độn (golem [*]) của bộ máy pháp lý vô hồn.

Hạnh phúc, hạnh phúc thực sự, gắn liền với khôn ngoan, và khôn ngoan phát triển từ rủi ro và đau khổ, vẻ đẹp và những góc cạnh khó khăn của việc trải nghiệm đời thực. Nó không bao giờ là kết quả của thương mại. Chúng ta không thể “sở hữu” hạnh phúc. Và nó không bao giờ đơn độc. Hạnh phúc cần có người khác. Niềm vui của người mẹ trẻ được liên kết với hồng phúc sự sống mà bà ấy tạo ra cho một linh hồn mới và không thể lặp lại trong hành vi sinh hạ – với nỗi đau và nỗ lực mà bà ấy phải trải qua khi sinh con. Hạnh phúc hoặc được tạo ra và chia sẻ với những người khác ở đây và bây giờ, hoặc được ghi nhớ như những khoảnh khắc được chia sẻ với những người khác trong quá khứ. Đây là lý do tại sao, ngay cả khi bị đánh đập và bỏ đói trong trại tử thần của Đức Quốc xã, Viktor Frankl, người sống sót sau thảm họa Holocaust, vẫn có thể biết được hạnh phúc và sự tự do nội tâm mà nó mang lại khi tưởng nhớ đến tình yêu của vợ mình.

“Thoải mái” là một điều khác hẳn. Theo nghĩa lịch sử của nó, từ ngữ này – gốc Latinh của nó là fortis – biểu thị sự củng cố hoặc tăng cường, có thể là cho hành động tâm linh, có lẽ thông qua các trợ giúp của Đấng An ủi, Đấng Bảo trợ. Ý nghĩa hiện đại bị suy giảm nhiều hơn: một điều gì đó tạo ra sự thoải mái về thể chất. Trong thời đại tiêu dùng của chúng ta, “sự thoải mái” là chất làm mềm mà chúng ta đặt giữa bản thân và các sự kiện của cuộc sống hàng ngày. Đó là vật cách nhiệt, thuốc giảm đau của chúng ta. Thế giới có thể là một nơi khó chịu và không khoan nhượng. Không ai muốn lạnh giá trong mùa đông khi có thể được sưởi ấm, hoặc đói khi có thể ăn bít tết. Thoải mái, theo nghĩa này, tự nó không phải là một điều xấu. Nhưng nó trở thành “hạnh phúc” chỉ trong một trường hợp: khi chúng ta cung cấp nó cho người khác; khi chúng ta giảm bớt đau khổ hoặc gánh nặng của người khác.

Nước Mỹ vào năm 2022 đã trở thành một nền văn hóa tiêu dùng dựa trên tiếp thị, bán, mua và tiêu dùng thoải mái. Chúng ta thích và muốn được thoải mái bởi vì chúng ta là những tạo vật có cơ thể biết trải nghiệm khoái cảm và đau đớn. Nhưng chúng ta khao khát hạnh phúc. Và trong nội thẳm, chúng ta đều biết điều nào là điều nào, điều nào quan trọng hơn. Chúng ta được tạo ra cho một điều gì khác với gây mê. Đây là lý do tại sao một nền văn hóa lạc thú và buông thả, một nền văn hóa tập trung chủ yếu vào việc theo đuổi sự sung túc về vật chất, không bao giờ thực sự là một nền văn hóa của niềm vui. Thoải mái là về bản thân ta, về việc làm cho mọi sự dễ dàng hơn hoặc thoát khỏi sự bất tiện. Và khi đó là quy trình chính của một cuộc sống và một nền văn minh, trước tiên, nó sẽ làm thui chột ham muốn hạnh phúc và sau đó thay thế nó hoàn toàn.

Văn hóa tiêu dùng làm giảm bớt khó nhọc, nhưng nó cũng hạ thấp tầm nhìn của chúng ta ở đây và bây giờ. Thoải mái là một thói quen tốn kém để nuôi dưỡng và một thói quen khắt khe để duy trì. Như Coco Chanel thích nói, những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống đều miễn phí; nhưng những thứ tốt thứ hai lại rất, rất đắt. Con người càng có nhu cầu về sự thoải mái, thì họ càng phải mất mát nhiều hơn, nỗi sợ hãi mất nó càng lớn và họ càng bị ràng buộc chặt chẽ hơn với thế giới này và những bất ổn của nó.

Một nền văn hóa cam kết với và có tổ chức xung quanh việc theo đuổi sự thoải mái không bao giờ có thể thực sự trân quí sự cao quý, danh dự, lòng dũng cảm hay sự hào hùng — những phẩm chất giúp phân biệt chúng ta như những con người —vì những điều này đòi hỏi việc từ bỏ mình, mạo hiểm và niềm tin vào một điều gì đó hoặc Ai đó vĩ đại hơn chúng ta. Sự thoải mái khi được sống như một sự thèm thuồng có tính hướng dẫn, sẽ tạo ra sự tầm thường. Nó là thuốc an thần của linh hồn. Kết quả là sự thù ghét đối với bất cứ mục đích cao hơn nào ở trong đời như một sự phân tâm không mong muốn — hoặc tệ hơn, một sự xâm nhập thù địch. Sẽ là điều hữu ích khi so sánh loại làm suy yếu tâm linh này với tham vọng hung hãn và đạo đức học làm việc không ngừng của các bộ phận lớn trong ngành quốc phòng, phần mềm và các ngành kỹ nghệ chủ chốt khác của Trung Quốc. Việc làm bắt đầu sớm và kết thúc trễ. Và chế độ này, cuối cùng phải giải trình trước Đảng, phục vụ một mục đích cao hơn: quyền lực và uy tín của quốc gia. Các từ ngữ “suy yếu” và “suy tàn” không có trong từ vựng Trung hoa đương thời.

Tôn thờ cái tôi và những thoải mái của nó, và tôn thờ nhà nước và uy thế của nó, đều là những hình thức thờ ngẫu tượng. Nhưng không cần một thiên tài để biết hình thức thờ phượng nào hấp dẫn hơn và mạnh mẽ hơn.

Chúng ta phải làm gì với tình huống của chúng ta? Cách để tạo ra cuộc sống mới trong bất cứ nền văn hóa nào là sống cuộc sống của chúng ta theo những niềm tin lớn hơn chính chúng ta và chia sẻ với những người chúng ta biết và yêu thương. Con đường này rất đơn giản và đồng thời rất khó. Đó là cách duy nhất để tạo nên một cuộc cách mạng đáng kể.

Khi những người trẻ hỏi tôi làm thế nào họ có thể thay đổi thế giới, tôi bảo họ yêu nhau, kết hôn, chung thủy với nhau, sinh nhiều con và nuôi dạy những đứa con đó thành những người nam và người nữ có tư cách Kitô giáo. Niềm tin là một hạt giống. Nó không nở hoa qua đêm. Cần có thời gian và tình yêu và nỗ lực. Tiền bạc là quan trọng, nhưng không bao giờ là thứ quan trọng nhất. Tương lai thuộc về những người có con, chứ không phải có những sự vật. Mọi thứ đều sẽ rỉ sét và vỡ nát, nhưng mỗi đứa con là một vũ trụ có khả năng vươn tới vĩnh cửu, kết nối ký ức và hy vọng của chúng ta thành dấu hiệu của tình yêu thương của Thiên Chúa qua nhiều thế hệ.

Muốn thấy bộ mặt của châu Âu trong một trăm năm, hãy nhìn vào khuôn mặt của những người nhập cư Hồi giáo trẻ tuổi. Hồi giáo có tương lai vì Hồi giáo tin vào trẻ em. Nếu không có một đức tin siêu việt làm cho cuộc sống đáng sống thì không có lý do gì để sinh con. Và nơi không có trẻ em, không có trí tưởng tượng, không có lý do để hy sinh, và không có tương lai. Ít nhất sáu trong số các nhà lãnh đạo quốc gia nổi bật và gần đây nhất của châu Âu không có con. Thật khó để tránh cảm giác rằng phần lớn châu Âu đã chết hoặc đang chết dần và không có gì ngăn cản chúng ta làm điều tương tự.

Nước Mỹ mà chúng ta đang thấy đang trỗi dậy — một nước Mỹ không biết hoặc hoài nghi đối với tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng — không thực sự khiến ai ngạc nhiên. Đó là một nước Mỹ mới, được sản xuất tại Mỹ. Các Kitô hữu — bao gồm cả những người Công Giáo — đã giúp tạo ra nó với sự háo hức của chúng ta muốn thích ứng vào, sự xao lãng và đức tin hâm hấp của chúng ta.

Quá nhiều người tự xưng là Kitô hữu chỉ đơn giản là không biết Chúa Giêsu Kitô. Họ không thực sự tin vào Tin Mừng. Họ cảm thấy xấu hổ vơi tôn giáo của mình và lỡ nhịp với thời đại. Họ có thể giữ tôn giáo của mình vì giá trị thoải mái của nó, hoặc điều chỉnh nó để phù hợp với những nghi ngờ của họ. Nó không định hình lại cuộc sống của họ, bởi vì nó không có thực chất. Và bởi vì nó không có thực chất, nó không có tác dụng biến đổi tác phong của họ, không có sức mạnh xã hội và ít hậu quả công cộng. Đức tin của họ, bất kể nó từng là gì, giờ đây đã chết.

Chúng ta tạo ra lịch sử, chứ không phải ngược lại. Chúng ta không phải là nạn nhân, hay những tạo vật bất lực của các thế lực lịch sử không thể tránh khỏi. Không có gì là không thể tránh khỏi ngoại trừ chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô — và điều này bao gồm những gì lịch sử cuối cùng sẽ nói về đặc tính của quốc gia mà chúng ta gọi là Hoa Kỳ.

Nếu chúng ta không biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô, phó thác cuộc đời mình cho Người, và hành động theo những gì mình tuyên bố tin tưởng, thì mọi điều khác đều trống rỗng. Nhưng nếu chúng ta làm như vậy, thì rất nhiều điều có thể xảy ra – bao gồm cả việc hoán cải ít nhất một phần thế giới xung quanh chúng ta. Câu hỏi duy nhất cuối cùng quan trọng là câu mà Chúa Giêsu đã đặt ra cho các tông đồ: “Các con gọi Thầy là ai?” Đức tin dẫn theo một hướng; thiếu nó theo một hướng khác. Nhưng vấn đề luôn là đức tin — luôn luôn và khắp mọi nơi, cho dù chúng ta là học giả hay bác sĩ hay giáo sĩ hay luật sư hay thợ máy. Chúng ta có thực sự tin vào Chúa Giêsu Kitô hay không? Và nếu chúng ta thực sự tin, chúng ta sẽ làm gì với nó?

Ơn gọi của người môn đệ Kitô hữu là nuôi linh hồn cũng như trí óc; cung cấp cho thế giới một viễn tượng về đàn ông và đàn bà được làm nên trọn vẹn nhờ tình yêu của Thiên Chúa, sự hiểu biết sáng thế và thực tại của những điều không nhìn thấy; nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới dưới ánh sáng của vĩnh cửu; lấy lại sự cao quý của câu chuyện con người, và phẩm giá của nhân vị.

Đây là công việc thắp lửa cho trái tim con người. Nó bắt đầu một cuộc cách mạng duy nhất thực sự thay đổi bất cứ điều gì: một cuộc cách mạng của tình yêu. Chúa Giêsu phán rằng: Ta đến để đốt lửa trái đất, và lửa ấy đã thắp sáng rồi. Nhiệm vụ của chúng ta là thắp lên ngọn lửa đó, và sau đó sử dụng tất cả sức mạnh của mình để giúp nó phát triển.


Source:First Things

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *