Bởi đâu có Chiến Tranh?

Nhìn lại lịch sử nhân loại, thế giới chưa một ngày vắng bóng chiến tranh. Từ thời tiền sử, đã có xung đột giữa các bộ lạc. Rồi chiến tranh giữa các đế chế. Chiến tranh xâm lược nhằm bành trướng lãnh thổ. Chiến tranh tôn giáo nhằm khẳng định địa bàn hoạt động. Gần đây nhất là hai cuộc đại chiến tranh thế giới. Bao nhiêu mạng người ngã xuống. Bao nhiêu máu đã đổ ra vô ích. Trẻ em. Phụ nữ. Những người già. Những người dân thường vô tội. Chiến tranh đúng là một “mối họa”.

Vậy mà nhân loại vẫn không rút ra được bài học. Sau hai cuộc đại chiến thảm khốc, chiến tranh vẫn tiếp tục tái diễn rải rác ở khắp nơi, và triền miên cho đến ngày hôm nay. Khoa học càng phát triển thì vũ khí càng tối tân hiện đại, chiến tranh càng thảm khốc ác liệt.

Thế giới không thể ngờ được rằng: giữa lòng châu Âu văn minh là thế, lại xảy ra một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Chiến tranh xâm lược, Nga-Ukraina. Người ta có thể dễ dàng nhận ra những lý do dẫn đến cuộc chiến phi lý này. Thứ nhất, có những tham vọng về kinh tế. Bởi vì Ukraina là nơi có nhiều tài nguyên: dầu mỏ, than đá, và vị trí cảng biển đắc địa. Thứ hai, có những tham vọng về quyền lực: từ nhiều năm nay, nước Nga luôn muốn bành trướng quyền lực, muốn bá chủ châu Âu để đẩy lui các tổ chức quốc tế khác. Và lý do thứ ba, con người muốn gạt bỏ Thiên Chúa. Châu Âu đã in đậm dấu ấn Kitô giáo trải dài suốt 2000 năm nay, nhưng đang có nguy cơ trở thành sa mạc vì muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi mọi lĩnh vực đời sống. Chiến tranh là vô cùng độc ác. Chúng ta không dửng dưng với cuộc chiến tranh đang xảy ra ở châu Âu, bởi vì với hiện tượng toàn cầu hóa hiện nay, hệ lụy của nó vô cùng phức tạp. (x. Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên, Bài giảng Chúa Nhật 1 mùa Chay năm 2022).

Bởi đâu có chiến tranh? Đây là câu hỏi cần phải được đặt ra nơi tất cả những tâm hồn yêu chuộng hòa bình. Thật vậy, “hầu như không thể nào tưởng tượng được trong một kỷ nguyên hạt nhân như hiện nay, người ta lại sử dụng chiến tranh như một công cụ để thực thi công lý”. Chiến tranh không bao giờ là một phương cách thích đáng để giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa các quốc gia. Chiến tranh sẽ tạo ra những sự xung đột mới còn phức tạp hơn. Khi chiến tranh bùng nổ, nó trở thành một “cuộc tàn sát không cần thiết”, một “cuộc ra đi không có ngày về”, làm hại tới hiện tại và đe doạ tới tương lai của nhân loại. “Hòa bình không làm mất điều gì, nhưng chiến tranh có thể làm mất tất cả”. Một cuộc xung đột vũ trang không chỉ gây ra thiệt hại vật chất mà còn thiệt hại tinh thần. Rốt cuộc, chiến tranh là “sự thất bại của toàn thể nền nhân đạo chân chính”, “chiến tranh luôn luôn là một sự thất bại của con người”.

Chính Thánh Giacôbê Tông đồ cũng đã đặt ra câu hỏi và trả lời thay cho chúng ta: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 4,1-3).

Mặc dù chiến tranh là hành động của tập thể, nhưng rốt cuộc nguyên nhân sâu xa vẫn nằm trong mỗi cá nhân, nơi những tham lam, những khái lạc đang gây chiến và làm điên đảo lòng người. Chính Chúa Giê-su cũng đã cảnh báo các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (Lc 12,15). Nhiều nhà chính trị có những tham vọng làm đảo lộn thế giới mà không nghĩ đến mạng người, không nghĩ đến máu người đổ ra, không nghĩ đến dân lành, không nghĩ đến các quốc gia nghèo, mà chỉ nghĩ đến chính mình. (Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên, Bài giảng Chúa Nhật 1 mùa Chay năm 2022).

Tham lam và ích kỷ đã tạo ra bất công, nghèo đói và bóc lột. Đây là nguyên nhân ẩn đằng sau các cuộc xung đột có thể gây ra chiến tranh. Tình trạng bất công và nghèo đói này đòi buộc mỗi cá nhân và các tập thể phải dấn thân và can thiệp sâu thì mới loại trừ các nguyên nhân ấy được. “Vì lý do đó, hòa bình mang một danh hiệu mới là sự phát triển. Nếu phải có một trách nhiệm tập thể để tránh chiến tranh thì cũng phải có một trách nhiệm tập thể để đẩy mạnh sự phát triển”.

Sẽ không thể có hòa bình nếu mỗi người không thực sự có một tâm hồn bình an. Bình an là dấu chỉ của một đời sống công chính thánh thiện, đời sống trong Chúa Thánh Thần. Là người môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cũng đồng thời là sứ giả loan báo hòa bình. Vào nhà nào, trước tiên anh em hãy nói: “Bình an cho nhà này” (Lc 10,5). Cổ vũ hòa bình trên thế giới là một phần tất yếu trong sứ mạng của Giáo hội khi tiếp tục công trình cứu chuộc của Đức Kitô trên trần gian. Thật vậy, trong Đức Kitô, Giáo Hội là một “bí tích, tức là dấu chỉ và công cụ của hòa bình trên thế giới và cho thế giới”. Cổ vũ hòa bình chân chính là một biểu hiện về niềm tin của người Kitô hữu vào tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi con người.

Đất nước Việt Nam của chúng ta đã trải qua chiến tranh, và mỗi chúng ta đã kinh nghiệm về những hậu quả tàn khốc do những cuộc chiến đó. Chúng ta hãy tha thiết cầu xin lòng nhân lành Chúa. Xin Ngài ban cho thế giới được hòa bình. Mỗi chúng ta cũng hãy là những người kiến tạo hòa bình, vì “phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). (Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Thư kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraina, Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2022).

Lm. Giu-se Nguyễn Minh Triệu
Trưởng Uỷ ban Công Lý và Hòa Bình

Trích “Nội san Nhà Chung”, số 1 (tháng 2 năm 2023)

https://www.tonggiaophanhanoi.org/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *