Dù bận rộn chuẩn bị cho mùa Tết đoàn viên nhưng nhiều người vẫn đến giáo xứ dự buổi thánh lễ xúc động cầu nguyện cho 1.200 ‘thiên sứ’ là những thai nhi bị tước bỏ quyền sống.
“Tội phá thai là tội lớn nhất. Bình thường mỗi tháng chỉ 200 – 300 em nhưng lần này để 2 tháng mà lên tới 1.200 em là con số quá lớn, là điều ngoài sức tưởng tượng. Lỡ có thai và quyết định giữ lại thai để làm cha, làm mẹ đơn thân là điều tuyệt vời, không phải cuộc sống thất bại”, một cha xứ nhà thờ đau xót nói trong buổi thánh lễ đặc biệt ngày cuối năm ở giáo xứ Bắc Hải (Đồng Nai).
Mong các em được an nghỉ
Suốt 10 năm qua, Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch (thường gọi Cha Tịch thai nhi) phụ trách Ban bảo vệ sự sống giáo phận Xuân Lộc đều đặn tổ chức các buổi cầu nguyện và chôn cất thai nhi tại chính nghĩa trang do ông xây dựng.
Ông cho biết, các buổi cầu nguyện thường được tổ chức mỗi tháng một lần và người tham dự cầu nguyện, an táng cho các em phần đông là giáo dân ở Biên Hòa, Gia Kiệm, có cả người ở Sài Gòn, Vũng Tàu.
Nói về cơ duyên với thai nhi, vị linh mục cho biết, hơn 10 năm trước, khi về nhận công tác tại đây, có người mang đến cho ông một bọc đen, đó là một thai nhi vừa bị phá bỏ. Đau xót vì em bé không còn nguyên hình hài, ông tẩm liệm rồi mang đi chôn cất. Từ đó, ông bắt đầu đến các phòng khám, bệnh viện để xin thai nhi bị phá bỏ về lo chôn cất.
|
|
Thấy việc làm lạ lùng của vị linh mục, ban đầu một số nơi không đồng ý nhưng cha Tịch không bỏ cuộc, ông cố gắng thuyết phục để lo cho các em một nơi an nghỉ. Rồi dần dà các phòng khám, bệnh viện đều quen mặt ông và những tình nguyện viên của ông đi xin thai nhi.
Cha Tịch tâm sự: “Động lực để tôi làm công việc này suốt 10 năm qua chỉ vì muốn các em có một nơi an nghỉ, đồng thời chữa lành cho một số người vì lý do nào đó mà họ vướng vào điều này”.
Buổi thánh lễ những ngày giáp Tết được tổ chức trong một không khí trang trọng, xúc động. Từ 14 giờ chiều, nhiều người đã đến nghĩa trang thai nhi thắp hương, cầu nguyện rồi đưa các em ra nhà thờ. Đa số những tham dự là tình nguyện viên, nhưng cũng có những người lặng lẽ đứng nhìn, nước mắt cứ vậy rơi, người thì vội vã vào tìm con để được tự mình đưa con từ nơi bảo quản sang nhà thờ làm thánh lễ.
“Bình an rồi, con ơi!”
15 giờ, các em được đưa lên một căn phòng nhỏ trong khuôn viên nhà thờ. Tại đây, sau nghi thức cầu nguyện, các em được “khoác lên mình” những chiếc áo rực rỡ sắc màu.
|
|
|
Trong lúc mọi người tất bật chuẩn bị cho buổi lễ, một số người lại nép vào một góc sụt sùi, người khác lại ra ngoài lặng lẽ ngồi khóc. Nắm chặt tay người đàn ông đứng kế bên, chị N.H.T (25 tuổi, TP.HCM) luôn hướng mắt về chiếc hũ nhựa chứa đứa con không may mắn của mình. Khi chúng tôi hỏi vì sao chị không đến gần nhìn con, chị nghẹn ngào nói “không nỡ” rồi hai hàng nước mắt chảy dài.
Chị T. cho biết mình mang thai bé 6 tuần thì bị sảy, chuyện xảy ra chỉ cách nay 2 tuần. “Tôi biết chỗ cha Tịch có nhận thai nhi nên đem gửi con lên đây để cha và các giáo dân cầu nguyện, an táng, mong con được bình an”, chị T. ngậm ngùi.
|
Ở bên ngoài nơi đặt những chiếc hộp gỗ chứa những hài nhi đã thành hình, chị N.T.D (40 tuổi, Đồng Nai) thẫn thờ đứng tựa vào tường, mắt vẫn không rời chiếc hộp dán tên con.
Chị D. kể, khi mang thai bé đến tháng thứ 7 thì chị phải sinh non. Sau khi bé được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, bác sĩ cho biết bé có nhiều bệnh trong người và cần chữa trị. Chị D. đã mượn hơn trăm triệu để chữa nhưng bé vẫn không qua khỏi sau 2 tháng cố gắng cùng mẹ.
Hoàn cảnh khó khăn lại biết chỗ cha Tịch có nhận thai nhi đã mất, chị D. liền gửi con vào đây chờ ngày làm lễ và an táng. Từ đó đến nay, cứ mỗi cuối tuần chị lại mang cho con vài hộp sữa, mấy món đồ chơi, hôm nay thì lặng lẽ đến đây nhìn con lần cuối.
|
“Khi còn sống con tôi đã thiệt thòi, chịu nhiều đau khổ và chưa biết hơi ấm của mẹ là như thế nào. Giờ con mất rồi nhưng được mọi người yêu thương, cầu nguyện và an táng một cách long trọng như vầy thì phần nào tôi cũng cảm thấy an lòng”, ngưng giây lát, chị D. nức nở: “Con bình an rồi, con ơi!”.
Đó là những thai nhi may mắn được người nhà đến dự thánh lễ, phần đông những em còn lại, không có người thân trong buổi cầu nguyện, nhưng các em nhận được tình yêu thương của của hàng trăm người tham dự thánh lễ. Những người khoác áo cho các em đều vừa làm vừa nói chuyện, nâng niu các em như những thiên thần bé nhỏ.
“Đây là nơi dành cho các con”
Bà Nguyễn Thị Căn (59 tuổi, ngụ Đồng Nai) gắn bó với công việc này cùng cha Tịch từ những ngày đầu tâm sự, cũng là một người mẹ mẹ và hiểu được sinh mạng của các em thiêng liêng đến nhường nào.
“Lần đầu tiên nhìn thấy các bé tôi cũng sợ lắm nhưng sau này thì quen và thấy thương nhiều hơn. Tôi cũng nhiều lần đến các phòng khám, bệnh viện, báo lấy và đón các em từ sọt rác về. Dù người ta coi chúng là rác thải y tế hay chỉ là giọt máu nhưng trong thâm tâm tôi chúng có quyền chào đời, là con người và cũng như con mình”, bà Căn bộc bạch.
|
|
|
Bà Căn cho biết người trông nom tủ thai nhi và bà con ở đây giờ đã quen với những bọc xốp đen chứa thai nhi được đặt đâu đó trong nghĩa trang. Có người đến rồi đi vội, có người thì để lại lá thư gửi gắm con mình. Đến ngày lễ, bà Căn biết họ cũng đến tiễn con qua cách họ bật khóc, ánh mắt hối hận và đau lòng khi nhìn vào hũ nhựa.
18 giờ, buổi lễ kết thúc, cha Tịch lại cùng mọi người chuyển các em về nghĩa trang thai nhi thuộc giáo phận Xuân Lộc (Đồng Nai) để an táng.
Nói lời sau cùng trước khi đưa các em xuống huyệt, cha Tịch ngậm ngùi: “Đây là nơi dành cho các con, hãy ở lại nơi đất thiêng này, có người sẽ lau phần mộ, cầu nguyện và thắp nén hương cho các con. Các con hãy cầu nguyện cho cha, cho mọi người, cho sự sống của con người luôn được tôn trọng”.
Cha Tịch nói xong, một số người đã không cầm lòng mà rơi nước mắt, nhưng tất cả đều biết các “thiên sứ” đã được bình an, được yêu thương dù không có duyên đến thế gian này.
https://thanhnien.vn/doi-song/buoi-thanh-le-dac-biet-cua-1200-thien-su-chua-kip-khoc-chao-doi-binh-an-coi-vo-thuong-1341537.html