1. Những người biểu tình kết thúc việc chiếm đóng tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Bogotá

Những người biểu tình chiếm Tòa Sứ thần ở Bogotá trong hai ngày qua, cuối cùng đã tuyên bố họ sẽ rút khỏi nơi này, sau khi đạt được thỏa thuận với chính phủ.

Fabián Barreto, phát ngôn viên của Đại hội Nhân dân, tổ chức phi chính phủ dẫn đầu việc chiếm đóng, cho biết trong một cuộc họp báo hôm Thứ Ba, 11 Tháng Sáu: “Tòa Sứ thần đã được bàn giao lại. Các cộng đồng của chúng tôi đã rút lui.

Barreto bảo đảm rằng tổ chức của ông đã đạt được thỏa thuận với Bộ Nội vụ để bắt đầu một cuộc đối thoại, vì vậy họ đã di tản khỏi tòa Sứ thần Tòa Thánh.

Những người bản địa trùm đầu đã xâm nhập vào trụ sở ngoại giao ở trung tâm Bogotá. Họ làm như vậy để yêu cầu “xóa bỏ chủ nghĩa bán quân sự” trong nước và thu hút sự chú ý của Nhà nước đến tình trạng bạo lực ảnh hưởng đến thổ dân và những nông dân khác ở những vùng lãnh thổ xa xôi.

Mặc dù không rõ họ vào bằng cách nào nhưng truyền thông địa phương cho rằng cuộc xâm lược được thực hiện “bằng vũ lực”. Một bức ảnh được báo chí chia sẻ cho thấy ít nhất 14 người che mặt bên trong tòa Sứ thần Tòa Thánh.

“Họ tập trung ở chổ đậu xe. Họ đã ở đó trong suốt cuộc biểu tình”, Đức ông Fabio Henao, người đóng vai trò trung gian thay mặt Giáo Hội Công Giáo để đàm phán với những người chiếm đóng bất hợp pháp tòa Sứ thần Tòa Thánh, cho biết như trên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Luis Fernando Velasco, bảo đảm hôm thứ Tư rằng “việc tin rằng vấn đề vũ trang bán quân sự sẽ được giải quyết tại bàn đàm phán là không có thật”.

Ông cũng chỉ trích việc đóng cửa đường của các tổ chức ở nhiều vùng nông thôn khác nhau của đất nước do Đại hội Nhân dân và các tổ chức xã hội khác đứng đầu: “Điều đó khá bất công đối với phần còn lại của cộng đồng nông dân,” ông nói.


Source:France 24

2. Các Hồng Y Müller và Schönborn: Việc phong chức cho phụ nữ là không thể

Ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô phản đối khả năng phong chức phó tế cho nữ, hai vị Hồng Y nói tiếng Đức đã công khai nói rằng chỉ nam giới mới được thụ phong linh mục.

“Phụ nữ không thể được mời đến chức vụ này,” Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller nói với cổng thông tin kath.ch của Thụy Sĩ vào ngày 7 tháng Sáu. “Linh mục đại diện cho Chúa Kitô trong tư cách đàn ông của Ngài”.

Đức Hồng Y người Đức, người giữ vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 2012 đến 2017, đã nhấn mạnh nền tảng thần học và giáo lý của quan điểm này, đồng thời nói rằng việc cấm phụ nữ thụ phong linh mục đã ăn sâu vào chính bí tích.

Đức Hồng Y Müller, người dạy thần học tín lý tại Đại học Ludwig Maximilian ở Munich, đã nhấn mạnh “sự bình đẳng cơ bản của tất cả mọi người trong mối quan hệ cá nhân của họ với Thiên Chúa”, dù là nam hay nữ.

Theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, ngài nhấn mạnh rằng cũng giống như “một người đàn ông không thể trở thành mẹ và một người phụ nữ không thể trở thành cha”, chỉ có đàn ông mới được kêu gọi làm linh mục.

“Ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Người ta sẽ phải phàn nàn với chính Thiên Chúa rằng Ngài đã tạo dựng nên con người có nam có nữ.”

Nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô về bản chất của Giáo hội ở Querida Amazonia, Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng “Giáo hội không thể được đại diện bởi một người đàn ông vì Giáo hội là nữ và Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, là nguyên mẫu của Giáo hội. Chính trong bản chất của bí tích mà chỉ có một người đàn ông mới có thể đại diện cho Chúa Kitô trong mối quan hệ với Giáo hội.”

Những tuyên bố của vị Giám Mục người Đức được tiếp nối bởi những tuyên bố của Đức Hồng Y Christoph Schönborn, tổng giám mục Vienna, CNA Deutsch đưa tin.

Trong một bài giảng tại Đại học Công Giáo ITI ở Áo vào ngày 1 tháng 6, Đức Hồng Y Schönborn cho biết ngài “tin tưởng sâu sắc rằng Giáo hội không thể và không được thay đổi điều này, bởi vì Giáo hội phải giữ gìn mầu nhiệm phụ nữ hiện diện một cách thuần khiết”.

“Tất cả chúng ta đều được sinh ra bởi một người phụ nữ. Điều này sẽ luôn được phản ảnh trong mầu nhiệm của Giáo Hội.”

Giống như Đức Hồng Y Müller, Đức Hồng Y Schönborn khẳng định lời dạy của Thánh Gioan Phaolô II rằng việc truyền chức cho phụ nữ sẽ vi phạm nguyên tắc cơ bản của giáo hội học.

Năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trích dẫn giáo huấn truyền thống của Giáo hội, đã tuyên bố trong tông thư Ordinatio Sacerdotalis:

“Vì vậy, để loại bỏ mọi nghi ngờ liên quan đến một vấn đề có tầm quan trọng lớn lao, một vấn đề liên quan đến chính hiến chế thiêng liêng của Giáo hội, nhân danh thừa tác vụ củng cố anh em của tôi (x. Lc 22,32), tôi tuyên bố rằng Giáo hội không có thẩm quyền nào để truyền chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này phải được tất cả các tín hữu của Giáo hội tuân giữ một cách chung cuộc.”

Tại Đức, hàng chục phụ nữ Đức đã tham gia một khóa đào tạo mở rộng có tên gọi là “Sứ vụ Lãnh đạo Phó tế dành cho Phụ nữ”, kết thúc hôm 30 Tháng Tư, tại Speyer. Theo những người tổ chức “Ngày Nữ Phó tế” tại Đức, các sinh viên tốt nghiệp có thể được phong chức phó tế vào “Chúa nhật 5 Tháng Năm, nếu Giáo Hội cho phép”. Họ là những “phụ nữ có chuyên môn và trình độ cao”.

Thất vọng trước quyết định cuối cùng không được thụ phong phó tế, họ đã tham gia vào một sự kiện công kích Giáo Hội tại nhà thờ chính tòa Speyer vào chiều Thứ Ba, 30 Tháng Tư.

Khác với những gì đã được báo chí tường thuật là một thánh lễ do phụ nữ cử hành từ đầu đến cuối, đó cùng lắm chỉ là một buổi phụng vụ lời Chúa. Gọi đó là một buổi phụng vụ lời Chúa có lẽ cũng không đúng. Đó chính xác là một cuộc biểu tình trên cung thánh trong đó 7 phụ nữ và một thím hề công kích điều mà họ gọi là truyền thống trọng nam khinh nữ của Giáo Hội khi chỉ truyền chức thánh cho nam giới.

Nhiều quan sát viên âu lo rằng đường lối hiện nay của Hội Đồng Giám Mục Đức và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức sẽ khiến làn sóng rời bỏ Giáo Hội Công Giáo ngày càng tăng phi mã. Thật thế, thay vì truyền giáo, họ công khai chỉ trích các giáo huấn và truyền thống của Giáo Hội để biện minh cho nhu cầu phải làm cách mạng trong Giáo Hội theo chương trình nghị sự của họ. Việc công khai chỉ trích Giáo Hội như thế làm nản lòng những ai đang muốn tìm đến với Giáo Hội và cả các tín hữu trong lòng Giáo Hội.

Hội Đồng Giám Mục Đức và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức cũng tạo ra những kỳ vọng không hợp lý mà chắc chắn sẽ sớm trở thành thất vọng. Những người vừa tốt nghiệp khóa đào tạo Phó Tế Nữ là một thí dụ. Những người ấy không rời bỏ Giáo Hội thì cũng mang trong lòng những tình cảm cay đắng thay vì yêu mến Giáo Hội.


Source:Catholic News Agency

3. Giáo Hội Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu

Thứ Sáu, ngày 7 tháng 6, lễ Thánh Tâm, Giáo Hội Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Nhà thờ Thánh Gioan, ở Izmir.

Đức Tổng Giám Mục Marek Solczyński, Sứ thần Tòa thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã chủ trì buổi lễ và được vây quanh bởi hầu hết các giám mục của bốn cộng đồng Công Giáo trong nước – tiếng Latinh, tiếng Armenia, tiếng Syriac và tiếng Chalđê. Hiện diện còn có Cha James Buxton của Giáo hội Anh giáo Izmir.

Cha Alessandro Amprino, Chưởng ấn Tổng giáo phận Izmir, đã nảy ra ý tưởng về việc thánh hiến. Ngài sẽ đại diện cho Giáo Hội Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại Quito, Ecuador, từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 9 tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 53, với chủ đề là: “Tình huynh đệ để chữa lành thế giới: Tất cả các bạn đều là anh chị em (Mt 23: số 8).”

Ecuador là quốc gia đầu tiên được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu vào năm 1874, cách đây 150 năm.

Cha Amprino giải thích rằng khi ngài nhìn thấy lòng nhiệt thành và những hoa trái thiêng liêng hiện tại của cuộc thánh hiến này ở Ecuador, trái tim ngài tràn ngập mong muốn mang lại cơ hội tương tự cho Giáo hội ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài đã đề xuất nó với Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ Kỳ như một sáng kiến cho Năm Thánh Thể quốc gia của Giáo Hội Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, được tổ chức trong năm nay cùng với Đại hội Quito.

Ba sự kiện sẽ diễn ra ở cấp quốc gia, một sự kiện cho mỗi giáo phận: tĩnh tâm dành cho các tu sĩ ở Iskenderun, thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Nhà thờ Thánh Gioan Tông đồ ở Izmir, và bế mạc Năm Thánh Thể quốc gia ở Istanbul.

Về việc lựa chọn nhà thờ Thánh Gioan ở Izmir là vì chính Thánh Gioan Tông đồ là người đã tựa đầu vào trái tim của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly.

Đức Tổng Giám Mục Martin Kmetec, Tổng Giám mục Công Giáo Rôma ở Izmir, người được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày hôm trước, đã giảng trong thánh lễ.

Sau khi hiệp lễ, mọi người quỳ trước bàn thờ để thờ lạy Mình Thánh Chúa. Bài thánh ca “Pange Lingua” được hát, sau đó là sự thờ phượng thầm lặng. Tiếp theo là kinh cầu Thánh Tâm.

Sau đó, cùng với toàn thể cộng đoàn, Đức Sứ thần Tòa Thánh đọc lời nguyện tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và buổi cử hành kết thúc bằng phép lành Thánh Thể.


Source:National Catholic Register