Đặt câu hỏi là một nghệ thuật. Trong văn chương cũng như trong đời sống thường nhật (bao gồm cả thi cử và phỏng vấn), câu hỏi được đặt ra thường có ba mục tiêu chính: để kiểm tra trình độ, để tìm thông tin và đơn thuần là để giao tiếp.
Chúng tôi xin lướt qua vài loại câu hỏi vừa nghe được đó đây trong các lớp Giáo lý và cả trong nhà thờ. Người đặt câu hỏi không phải là không có trình độ, mà chỉ là chưa chú ý lắm khi đặt câu hỏi. Những dạng câu hỏi sau đây cần tránh.
Loại câu hỏi thứ nhất là trả lời sao cũng được, không có câu trả lời đúng. Cái đáng nói là khi người hỏi đưa ra lời giải đáp thì ai cũng chẳng đồng tình. Sáng nay có vị hỏi: “Khi đi Lễ bạn mang theo cái gì?”. Có em nói chiếc cặp, có em nói chai nước, em thì nói tâm hồn trong sạch. Nhưng đáp án là… tiền để ăn sáng (!)
Câu hỏi ấy làm cho trẻ em lúng túng và khi nghe câu trả lời thì ngẩn ngơ, vì chẳng ăn nhập gì cả. Cũng tương tự như thế, câu hỏi: “Chúa xuống thế làm người có tên là gì?”. Lẽ ra câu trả lời là “Chúa Giêsu, Chúa Kitô”, thì đáp án đưa ra là “Bánh Hằng Sống”, vì Chúa nói “Ta là Bánh Hằng Sống”.
Nghe câu trả lời, các em ngỡ ngàng nói với nhau: “Chúa là Bánh Hằng Sống nhưng đó đâu phải là tên của Chúa”.
Cách đây ít lâu có một chị phụ trách khối Thêm Sức ở một giáo xứ cho chúng tôi xem hai câu hỏi mà giáo lý viên ra cho các em: “Đức Chúa Cha tạo thành Chúa Thánh Thần khi nào?” (câu này sai tín lý), và “Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể ngày tháng năm nào?” (câu này các em không thể trả lời và cũng không cần phải biết).
Từ những thực tế ấy, chúng tôi xin mạo muội góp đôi ý kiến về việc đặt câu hỏi Giáo lý dưới cái nhìn sư phạm chung và sư phạm Giáo lý, mong quý vị hữu trách và các anh chị huynh trưởng giáo lý viên quan tâm.
Điều cần nhớ đầu tiên là câu hỏi phải giúp các em nhớ bài học và có thể trả lời, chứ không mang tính đánh đố. Trong một số trường hợp, câu hỏi mang tính lắt léo một chút, gọi là “đố vui”, khi ai trả lời được thì mọi người đều… vui! Nhưng khi kiểm tra kiến thức các em, thì câu hỏi phải rõ ràng, trực tiếp và có thể trả lời nếu có kiến thức.
Một ví dụ cho câu hỏi rõ ràng là “Tại sao Chúa hoá bánh ra nhiều?” Câu trả lời chắc chắn là “để cung cấp cho những đi người theo nghe Chúa giảng”. Nếu đặt câu hỏi: “Trong Phúc Âm Chúa Giêsu hoá cái gì ra thế nào?” thì rõ ràng là quá mờ mịt, các em không trả lời được.
Cách đặt câu hỏi này chỉ đơn giản là nghĩ đến câu trả lời trước, rồi đặt câu hỏi với các từ ai, cái gì, tại sao, thế nào, cái gì, ở đâu và khi nào?
Thứ hai, câu hỏi phải nằm trong chương trình dạy. Điều này trong sư phạm tiếng Anh người ta gọi là “validity” (tính hữu hiệu) của đề thi. Cũng thế, trong Thánh Lễ hay trong các lớp Giáo lý, câu hỏi không nên vượt ra ngoài chương trình và trình độ các em.
Đặc tính này của câu hỏi còn bao hàm từ ngữ thích hợp với trình độ các em nữa. Nếu kiểm tra về bí tích, thì câu hỏi sau đây được coi là không phù hợp với thiếu nhi: “Mô thức của bí tích là gì?” chẳng hạn.
Thứ ba, câu hỏi phải mang tính “reliability” (nghĩa là mang tính đáng tin cậy). Chỉ có một câu trả lời đúng, và giám khảo nào cũng chấm như nhau, không mang tính chủ quan của người chấm bài hay người hỏi.
Đa phần người hỏi không nói rõ ý mình là do không chú ý trình độ các em. Luôn hỏi những câu hỏi “hóc búa” hay sâu quá so với trình độ giáo lý phổ thông có thể làm các em chán hoặc lơ là với Lời Chúa, với giáo lý.
Chúng ta luôn nhớ rằng Lời Chúa là lương thực cao quý và cuốn hút con người. Nhưng cách trình bày Lời Chúa cho các em có thể có ảnh hưởng đến các em bây giờ và cả sau này nữa. Nhiệm vụ của người rao giảng do đó mà rất quan trọng trong tiến trình đưa các em đến với Lời Chúa.
Và thứ tư, câu hỏi phải giúp các em thêm lòng yêu mến Chúa, yêu mến Hội Thánh. Đặt câu hỏi thế nào cho các em thấy được Lời của Chúa “làm hoan lạc tuổi xuân con” như Thánh Vịnh 43 viết. Đặt câu hỏi cho các em say mê tìm hiểu là cả một nghệ thuật chứ không phải thích thì hỏi!
Như thế, để đặt câu hỏi giáo lý, đòi nhiều người hỏi bỏ nhiều công sức, suy tư và nhất là cầu nguyện trước khi hỏi các em. Có những câu hỏi đơn giản nhưng là kết quả của suy niệm Lời Chúa cùng với lòng yêu mến việc đem Lời Chúa đến cho các em.
Gioan Lê Quang Vinh