Cầu nguyện cùng Bậc Đáng Kính HY Nguyễn Văn Thuận cho Việt Nam tại Đền Thờ Đức Bà Cả, Rôma

1. Cầu nguyện cùng Bậc Đáng Kính HY Nguyễn Văn Thuận cho Việt Nam tại Đền Thờ Đức Bà Cả, Rôma

Hôm 17 tháng 9, giữa những bộn bề sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hung Gia Lợi và Slovakia, truyền thông Tòa Thánh đã cho đăng một bài dài về tiến trình tuyên thánh cho Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận với những lời thập đẹp.

Bài báo của ký giả Francesca Sabatinelli có nhan đề “Il Venerabile Van Thuan, uomo di Dio, esempio di cristianità”, nghĩa là “Bậc Đáng Kính Nguyễn Văn Thuận, người của Chúa, tấm gương của niềm tin Kitô”.

Hôm nay, vị Hồng Y Việt Nam được tưởng nhớ trong thánh lễ tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Trastevere, một ngày sau ngày kỷ niệm 19 năm ngày mất của ngài. Luisa Melo, người chịu trách nhiệm lo hồ sơ tuyên thánh cho ngài nói “Tôi bị đánh động bởi sự giản dị của ngài và cuộc sống thanh bần của ngài”

Một con người phi thường và giản dị, với kinh nghiệm Kitô tuyệt vời, con người chân thật của Thiên Chúa, đầy bình an và vui vẻ, niềm nở, giàu trực giác nhân bản, có khả năng làm mọi người ngạc nhiên về sự đơn sơ của ngài. Luisa Melo, thuộc Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, người chịu trách nhiệm hồ sơ tuyên thánh cho Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, đã cho biết như trên khi đề cập đến vị Hồng Y, là người mà bà đã gắn bó kể từ khi ngài làm phó chủ tịch của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình vào năm 1994, và sau đó là Chủ tịch Hội Đồng này cho đến ngày ngài qua đời năm 2002. Nói về Đức Hồng Y Thuận, Melo nhấn mạnh đến “sức mạnh của kinh nghiệm Kitô, được củng cố trong lời cầu nguyện”. Cô cũng không quên nhắc đến những ký ức cá nhân vì những điều này rất quý giá, chẳng hạn như vào năm 1994, khi Đức Tổng Giám Mục Thuận bước vào văn phòng lần đầu tiên. “Chắc chắn không ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng rằng một tổng giám mục lại có thể đi đến nơi làm việc trên một chiếc xe gắn máy, do một linh mục Việt Nam khác lái!”

Đây là bước đầu tiên, vị Tổng Giám Mục Việt Nam đi vào trái tim của Melo và các đồng nghiệp của cô. Nét đặc trưng của ngài là sự giản dị mà cho đến tận ngày nay, nhiều đồng nghiệp của Melo vẫn sẵn sàng nói rằng họ có đặc ân được chia sẻ những kỷ niệm vui và đẹp với ngài. “Ngài rất khiêm tốn niềm nở đến nỗi ngài ngay lập tức đi vào trái tim của chúng tôi. Ngài dành một phần thời gian của mình cho mỗi người chúng tôi, ai muốn đến nói chuyện với ngài, cũng được ngài đón nhận, ngài luôn muốn chia sẻ và đến được với mọi người, trong văn phòng cũng như bên ngoài”. Hôm nay, trong thánh lễ tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Trastevere, suy nghĩ của mọi người chính xác hướng đến sự giản dị của con người vĩ đại này, là vị đã được long trọng kêu cầu cho tất cả những người bị bệnh Covid, đặc biệt là ở Việt Nam và những người nghèo nhất.

Trên tất cả, một khía cạnh của Đức Hồng Y Thuận nổi bật trong ký ức của Melo là cách sống thanh bần, về mọi mặt trong cuộc sống. “Ngài đã từ bỏ nhiều khoản quyên góp mà người ta đã dành cho ngài để có thể gửi những số tiền ấy cho việc đào tạo các chủng sinh và linh mục. Tất cả những điều này đối với chúng tôi là những nguyên nhân khiến chúng tôi ngưỡng mộ và yêu mến một con người giản dị, khiêm tốn và phi thường như vậy”. Luisa Melo cũng nhắc đến tấm gương của vị Hồng Y can đảm này, “trong sự kết hợp sâu xa với Chúa Kitô và Đức Mẹ”, đã có thể trải qua bảy tháng của căn bệnh dẫn đến cái chết của mình trong thanh thản, để biến đổi nỗi thống khổ tang tóc thành một lý do để vui mừng vì có thể hôm nay tấm gương can đảm ấy là một phần của nguyên nhân tuyên thánh. Đức Hồng Y Thuận là một người được phú cho trí tuệ phương Đông uyên thâm, với một cuộc đời đắm chìm trong những bi kịch của kiếp người, ngài đã phải chịu bạo lực vì đức tin Kitô, được truyền cho ngài bởi một gia đình có một số vị tử đạo: Giữa năm 1698 và 1885, một số vị tổ tiên của ngài đã bị bắt bớ vì đức tin của họ.

Trên hết, mẹ ngài là người đã dạy dỗ ngài có một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa, cho đến khi ngài vào chủng viện ở tuổi 13, trở thành linh mục năm 1953, ở tuổi 25. Bị nhà cầm quyền cộng sản ở Sài Gòn bắt giữ năm 1975, ngài đã trải qua nhiều năm trong nhà tù an ninh ở Hà Nội, sau đó chuyển đến trại cải tạo và cuối cùng bị quản thúc tại gia, nơi ngài đã viết những gì được coi là minh chứng tinh thần của mình, cuốn “Đường Hy Vọng” cho những tín hữu Việt Nam trung thành trên đất nước của ngài và ở hải ngoại. Sau 13 năm tù, trong đó có 9 năm kiên giam bị cô lập hoàn toàn và không trải qua bất kỳ thủ tục xét xử nào, ngài được trả tự do với điều kiện phải cư trú tại Tòa tổng giám mục Hà Nội và không thể thi hành chức vụ mục vụ của mình. Sau năm 1991, ngài bắt đầu cuộc sống lưu vong, xa Việt Nam nhưng không xa Giáo hội của mình, nơi ngài tiếp tục gần gũi thông qua sự giúp đỡ trong các hoạt động xã hội và từ thiện, đặc biệt là đối với các bệnh viện phong trên quê hương, và thông qua việc sửa chữa và xây dựng các nhà thờ. Ngài luôn dành sự quan tâm lớn đến các linh mục, các cộng đoàn tu trì, việc đào tạo chủng sinh, giáo lý viên và giáo dân và luôn tiếp tục rao giảng về sự tha thứ và hòa giải.

Melo nhận định rằng Đức Hồng Y Thuận đã trải qua những khó khăn và khốn khổ của các tín hữu, nhiều người trong số họ đã chịu tử đạo vì trung thành với Thiên Chúa và cho đến cuối cùng “cuộc sống trần thế của ngài là sự tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, vì vậy ngài đã để lại cho chúng ta một chứng từ về niềm vui, bởi vì cho đến phút cuối cùng, ngài vẫn là một người vui vẻ”. Hơn nữa, cuộc đời của ngài vẫn còn nhiều điều để nói với các Kitô hữu ngày nay, những người đang sống trong tình trạng là nhóm tôn giáo bị bách hại nhất trên thế giới vì đức tin của họ. “Ngài để lại cho chúng ta tấm gương về cuộc sống chìm đắm trong đức tin vào Chúa Kitô Phục Sinh và tình yêu dành cho Đức Mẹ. Và rồi ngài truyền cho chúng ta một mẫu gương đáng ngưỡng mộ về tự do, về việc làm chứng cho Chúa Kitô chịu đóng đinh và Phục sinh, và hy vọng, trong đó chúng ta phải kiên trì để là một con người của hy vọng, ngay cả khi đối mặt với rất nhiều bạo lực và bắt bớ, nhờ hoàn toàn tin tưởng vào thánh ý của Thiên Chúa”.

Điều duy nhất còn thiếu là một phép lạ để có thể tuyên chân phước cho vị Hồng Y Việt Nam, được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố là Bậc Đáng Kính vào ngày 4 tháng 5 năm 2017. Melo cho biết “đó là điều tất cả chúng ta đang chờ đợi”. Và trong khi chờ đợi như thế, điều quan trọng là “đem ra thực hành những lời dạy về niềm hy vọng của ngài vào lúc này”. Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện cam kết mạnh mẽ truyền bá cuộc đời của Đức Hồng Y Thuận, linh đạo và các đức tính của ngài, những điều đã được chính Đức Thánh Cha công nhận và đã khiến ngài trở nên Bậc Đáng Kính. Chúng tôi đang tiếp xúc với những người từ năm châu, những người đang cầu nguyện rằng Chúa, qua sự chuyển cầu của chính Đức Hồng Y, sẽ ban cho chúng ta một phép lạ dẫn đến việc tuyên chân phước cho ngài.”

Luisa Melo kết luận: “Mong muốn này chúng tôi giao phó cho Chúa và chúng tôi biết ơn tất cả những người đã cầu nguyện với chúng tôi”.


Source:Vatican News

2. Tổng giám mục Á Căn Đình cảnh báo tổng thống: ‘Chỉ còn rất ít thời gian’ để tránh thất bại

Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández của La Plata đã cảnh báo tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernández hôm thứ Năm rằng các ưu tiên của ông, chẳng hạn như phá thai, cần sa, trợ tử và ngôn ngữ phi giới tính, đang chứng tỏ sự thờ ơ của ông ta với “ nỗi thống khổ sâu sắc” của người dân.

“Vì tình yêu của đất nước đầy thương tích này, nhiều người trong chúng tôi hy vọng rằng Tổng thống có thể sửa đổi kịp thời các ưu tiên trong chương trình nghị sự của mình, để tránh một sự sụp đổ cuối cùng sẽ gây hại cho người dân của chúng tôi nhiều hơn”, Đức Tổng Giám Mục viết như trên trong một bài đăng ngày 16 tháng 9 trên tờ La Nación, một tờ nhật báo của Á Căn Đình.

Đức Tổng Giám Mục Fernández cho biết tổng thống Á Căn Đình đã “say mê vào các vấn đề như phá thai, cần sa, và thậm chí là hành vi trợ tử, trong khi người nghèo và tầng lớp trung lưu vô cùng đau khổ với những thứ khác mà ông không đoái hoài gì đến”.

“Trong những tháng gần đây, đã có một sự thúc đẩy mạnh mẽ việc áp đặt ngôn ngữ ‘phi giới tính’ mà trong các khu ổ chuột rộng lớn dường như không ai quan tâm đến. Có lẽ ông muốn sao chép chương trình nghị sự của chủ nghĩa xã hội Tây Ban Nha mà quên rằng chúng ta đang ở đây, ở Mỹ Latinh này, và trên hết, đang sống giữa một đại dịch, nơi mà hoàn cảnh đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề khác cấp bách hơn”.

Đức Tổng Giám Mục La Plata chỉ ra rằng: “Cuối năm ngoái, trong khi các nước lân cận đang mua vắc xin thì ở đây Bộ Y tế lại đang trong chiến dịch phá thai rầm rộ. Ít nhất phải nhìn nhận rằng đó không phải là thời điểm thích hợp và cũng không phải là nhu cầu cấp bách nhất”.

Một luật cho phép phá thai theo yêu cầu đến 14 tuần tuổi do chính quyền Fernandez thúc đẩy, đã được thông qua vào tháng 12 năm 2020.

Lạm phát ở Á Căn Đình dự kiến sẽ lên đến 48.2% vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp là 6.8%.

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục hỏi “ai sẽ không tha thứ cho Tổng thống vì sai sót trong bữa tiệc nhỏ ở Olivos nếu họ cảm thấy ngài gần gũi hơn với các vấn đề thực sự của họ?”

Bà Fabiola Yáñez, vợ tổng thống đã tổ chức một bữa tiệc vào ngày 14 tháng 7, trong bối cảnh bị cách ly COVID-19.

Bài viết của Đức Tổng Giám Mục được xuất bản một ngày sau khi tất cả các bộ trưởng và quan chức cao cấp đại diện cho Phó Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner trong nội các từ chức, và trong bối cảnh bà và tổng thống Fernández đang đối đầu công khai.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y Müller phê bình nhiều tổ chức Âu châu

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, phê bình nhiều tổ chức Âu châu phá hủy các hệ thống giá trị hiện tại.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Phát thanh Maria ở Ba Lan, truyền đi ngày 16 tháng 9 vừa qua, Đức Hồng Y Müller nhận định rằng: “Chúng ta đang ở trong một trò hề bi thảm, trong đó các tổ chức Âu châu, như Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu châu, Nghị viện Âu châu và Tòa án Âu châu đang phê bình hai nước Ba Lan và Hung Gia Lợi, nhân danh những cái gọi là “Các giá trị Âu châu”. Ví dụ, những giá trị này tạo nên quyền phá thai hoặc quyền được đổi giống. Nếu các “quyền” ấy được Âu châu công nhận là “Các giá trị Âu châu” và những nước bênh vực phẩm giá con người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, đang chiến đấu như thế bị phê bình và tấn công, thì có nghĩa là các hệ thống giá trị bị đảo lộn. Các giá trị có nguồn gốc từ phẩm giá con người, chúng tượng trưng cho điều tốt lành, chứ không phải là một sự phá hủy, ích kỷ, sống mà làm thiệt hại cho người khác về sự sống, sức khỏe, an sinh của họ. Chính vì thế những người bênh vực những cái gọi là “giá trị Âu châu” như vừa nói, họ oán ghét các đại diện của Kitô giáo, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Müller nhìn nhận luôn có những tai tiếng, gương xấu trong Giáo hội. Trong số 12 tông đồ của Chúa cũng có Giuda, kẻ phản bội Chúa Giêsu và ngay từ đầu, đã không tin sứ mạng cứu thế của Ngài. Vì thế, trong tương lai cũng sẽ luôn có những linh mục, giám mục hoặc tu sĩ phạm tội, vì sự yếu đuối của con người, nhưng đôi khi họ cũng cố tình và có ý xấu, hoặc vì họ có hướng đi sai lầm. Nếu một tín hữu Công Giáo, từ những vị ở chức vụ cao nhất, từ linh mục cho đến Giáo hoàng, tuân theo giáo huấn luân lý của Giáo hội, thì những điều mà chúng ta phải đau buồn ngày nay, đã không xảy ra. Chúng ta phải nhận rằng thứ ý thức hệ luân lý tháo thứ về luân lý tính dục, cũng đã tràn vào Giáo hội, với những hậu quả thê thảm. Nhưng cần ý thức rằng đó là những người phải chịu trách nhiệm về những gì họ làm, cả trong lãnh vực luật lệ dân sự cũng như giáo luật. Vì thế, không có lý do để những kẻ chống Giáo hội dùng như sai lỗi cá nhân để cáo buộc toàn thể hàng giáo sĩ hay toàn thể Giáo hội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *