17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người
Xã hội loài người có thể tồn tại và phát triển một phần là nhờ vào khả năng giao tiếp. Giao tiếp giúp con người hiểu được tâm tư, tình cảm hay nguyện vọng của nhau; để từ đó, họ gắn kết với nhau mỗi ngày một nhiều hơn. Đối với những người bình thường, họ chỉ cần giao tiếp với nhau là đủ. Tuy nhiên, là nghĩa tử của Thiên Chúa, chúng ta còn một bổn phận đặc biệt thiêng liêng hơn: giao tiếp với Người Cha nhân lành ấy. Người Kitô hữu lắng nghe Lời Chúa qua Tin Mừng và họ đáp lại bằng những lời cầu nguyện. Chính Đức Kitô, Trưởng Tử của Người là mẫu gương cầu nguyện cho chúng ta noi theo.
Cầu nguyện là bổn phận của người Kitô hữu, là hành động giúp chúng ta ngày càng gắn kết cùng Thiên Chúa. Người là Đấng thấu suốt mọi sự, chắc chắn Người biết rõ chúng ta muốn gì và cần gì: “ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10,30). Thế nên, điều Người muốn là chúng ta hãy giãi bày nỗi lòng cùng Người. Như các bậc cha mẹ luôn khát khao được trò chuyện cùng con cái, Thiên Chúa muốn chúng ta chạy đến, lắng nghe và tâm sự với Người qua những giờ cầu nguyện.
Mong ước của Thiên Chúa không hề quá sức đối với con người, thế nhưng đôi lúc, chúng ta lại chẳng làm tròn bổn phận ấy. Người ban cho chúng ta mỗi ngày 24 giờ để sống, làm việc, giải trí và đặc biệt là phụng thờ Người. Ấy vậy mà, người ta lại chẳng thể dành nổi cho Người quá một giờ để cầu nguyện. Họ quá bận chăng? Có lẽ, vì cuộc sống bộn bề trăm chiều, biết bao nhiêu lo toan, gánh nặng đè lên những đôi vai yếu đuối, khiến họ vô tình “quên” đi Người Cha nhân từ ấy. Thế nhưng, Người vẫn kiên nhẫn chờ đợi và luôn nhắc nhở chúng ta qua các vị hữu trách. Vấn đề ở chỗ, chúng ta có chịu vâng phục các ngài ấy hay không? Đôi lúc, cái tôi cá nhân quá lớn khiến người ta chỉ muốn làm theo ý mình mà quên rằng, các vị hữu trách là những người đại diện cho Chúa ở trần gian để khuyên răn, dạy bảo chúng ta.
Đức Giêsu chính là mẫu gương hoàn hảo của việc cầu nguyện. Dù là Con Thiên Chúa đầy uy quyền, Người vẫn luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha. Trong Phúc Âm, trước khi làm việc gì, Đức Giêsu đều cầu nguyện: Trước khi ra đi loan báo Tin Mừng, bắt đầu cuộc đời công khai, Người đã ăn chay và cầu nguyện suốt 40 đêm ngày; trước khi biến hình trên núi Tabor, Người cũng cầu nguyện; đặc biệt, trước khi bắt đầu cuộc thương khó, Người càng khẩn thiết cầu nguyện… Tin Mừng hôm nay cũng chẳng nằm ngoài thói quen đó, trước khi chọn 12 vị trong các môn đệ làm tông đồ, Người vẫn tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha. Qua đó, ta có thể xác tín rằng, Đức Kitô chính là “siêu người mẫu” về cầu nguyện để chúng ta noi theo.
Tại sao dù cầu nguyện không ngừng, Đức Giêsu vẫn không có sự lựa chọn hoàn hảo? Các Tông đồ Chúa chọn chẳng ai có học thức, vài người là ngư phủ, một anh chàng thu thuế, có người thì cứng tin, có người lại nhát gan chối bỏ Chúa… thậm chí có người còn phản bội lại Chúa. Liệu Chúa có sai lầm khi chọn họ không? Xin thưa, Người không hề chọn sai, bằng chứng là từ những người không hoàn hảo đó, Giáo hội đã tồn tại hơn hai thiên niên kỉ và có rất nhiều tín hữu tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Đó là vì “người tính không bằng trời tính”, suy nghĩ của Thiên Chúa không thể giải thích theo suy nghĩ của loài người. Sau khi chọn được các tông đồ, người bắt đầu loan báo Tin Mừng cứu độ.
Qua đó, có thể thấy mối quan hệ giữa cầu nguyện và loan báo Tin Mừng: chúng ta cầu nguyện để có thêm sức mạnh, thêm vững tin và đem niềm tin đó trao cho những người chưa nhận biết Chúa; ngược lại, loan báo Tin Mừng giúp họ biết cách cầu nguyện, trò chuyện cùng Chúa và tiếp tục công cuộc truyền giáo ấy. Giữa hai hành động ấy có một mỗi tương hỗ sâu sắc, không thể tách rời. Hai thánh tông đồ Simon và Giuđa chúng ta mừng kính hôm nay là một trong những minh chứng hữu hiệu cho việc cầu nguyện và loan báo Tin Mừng. Các ngài luôn vững tâm tin tưởng vào Thiên Chúa mà các ngài loan báo, luôn cầu nguyện cùng Người và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ niềm tin ấy.
Đức Giêsu là Trưởng Tử của Thiên Chúa mà còn kiên trì, vững tâm cầu nguyện và loan báo Tin Mừng thì chúng ta là ai mà dám không làm điều đó. Nếu có tư tưởng vì là Con Thiên Chúa nên Người có thể làm việc đó cách hoàn hảo, còn chúng ta chỉ là phận người, làm sao có thể sánh được? Khi đó, chúng ta hãy nhìn thấp hơn và suy ngẫm về các tông đồ. Các ngài cũng là phận người như chúng ta, đôi khi còn chưa hoàn hảo bằng chúng ta, nhưng các ngài đã tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và hằng thi hành thánh ý Người. Do đó, nếu các ngài làm được, chúng ta cũng phải noi theo tấm gương của các ngài, biết chuyên cần cầu nguyện và loan báo Tin Mừng.
Đã bao giờ, chúng ta tự hỏi, liệu chúng ta đã dành thời gian cho Chúa cách xứng đáng chưa? Hay chúng ta xem cuộc sống trần thế này quan trọng mà quên đi Đấng luôn chờ đợi chúng ta tâm sự qua những lời cầu nguyện? Nếu đã hoàn thành điều đó, vậy chúng ta đã đem điều đó loan truyền cho những anh chị em chung quanh chưa nhận biết Chúa hay chưa? Những câu hỏi ấy giúp chúng ta sự đánh giá đời sống thiêng liêng của bản thân. Qua đó, chúng ta tự nhận ra mình có những gì và đang cần gì; để từ đó, ta có thể nguyện xin Chúa giúp sức để có thể thực thi thánh ý của Người.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo để chúng con noi theo, xin cho chúng con biết đặt Chúa lên trên hết mọi sự, biết dành thời gian cho Chúa, biết cầu nguyện và lắng nghe ý Chúa. Để từ đó, chúng con có thể yêu mến Ngài mỗi ngày một nhiều hơn. Đồng thời, xin cho chúng con ý thức được sứ mệnh chúng con đang mang, đó là đem Lời Chúa rao giảng cho mọi người; xin nâng đỡ chúng con trên con đường truyền rao chân lý, hầu có thể mang danh Chúa đến khắp cùng Trái Đất. Amen.
Petrus Sơn