Cha Politi sinh năm 1942, tại Abbiargetrasso,Ý. Được thụ phong linh mục năm 1966. Ban đầu, bề trên Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại dự tính cho cha đi Ấn Độ, nhưng do khó khăn trong việc xin thị thực thường trú, cha được sai đến Hồng Kông. Lúc đó, Hồng Kông là thuộc địa của Anh. Cha Politi thi hành sứ vụ tại đây từ năm 1970 đến năm 1993, trải qua thời kỳ biến đổi lớn của Trung Quốc. Trong hoàn cảnh này, cha trở thành cầu nối với các cộng đoàn Kitô giáo địa phương, giúp các tín hữu giữ vững đức tin bất chấp những thử thách khắc nghiệt của chế độ.
Vào thập niên Tám mươi, khi biên giới bắt đầu mở cửa, cha Politi là một trong những người đầu tiên đến thăm các tín hữu. Các chuyến đi được đánh dấu bởi nhiều cuộc gặp gỡ. Ví dụ, vào 1987 tại Zhaoqing, nơi truyền giáo đầu tiên của cha Matthêu Ricci, cha gặp một người phụ nữ, bà nói với cha: “Con là người Công giáo, nhưng từ 39 năm qua con chưa được gặp linh mục. Nếu cha cho phép, chúng ta có thể cầu nguyện?”
Những câu chuyện này, cùng với những biến chuyển trong xã hội Trung Quốc, bắt đầu vào năm 1986, từ Hồng Kông, cha Politi đã trở thành cầu nối, giúp cho các tín hữu biết được sinh hoạt của Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương. Cha cũng giúp cho các cộng đoàn Kitô giáo ở Trung Quốc đại lục bắt đầu được biết đến trên thế giới, không chỉ về sự phức tạp mà còn về những chứng nhân đức tin phi thường.
Năm 1993, cha được gọi trở lại Ý để lãnh trách nhiệm chính tại Trung tâm truyền giáo của Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại ở Milan. Và chỉ vài tháng sau, cha tiếp tục lãnh trách nhiệm trở thành giám đốc của tạp chí Thế giới và Truyền giáo. Cha viết trong bài xã luận đầu tiên: “Chúng ta không thể trung thành với Chúa nếu trong khả năng có thể chúng ta không lãnh trách nhiệm, đối với tất cả những gì thuộc về Giáo hội”.
Sứ vụ giám đốc của tạp chí Thế giới và Truyền giáo của cha kéo dài đến năm 2001. Sau đó cha được gọi về Vatican để phục vụ cho Giáo hội yêu dấu ở Trung Quốc. Tại Bộ Truyền giáo, dựa trên kinh nghiệm quý báu trước đây, cha trở thành điểm tham chiếu cho các vấn đề của Trung Quốc. Nhiệm vụ chính thức đó kéo dài trong ba năm sau đó là một sứ vụ khác tại Chủng viện quốc tế Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại ở Monza, nơi cha trở thành linh mục linh hướng cho các nhà truyền giáo tương lai.
Trên đây là tất cả hoạt động sứ vụ của cha Potili. Tuy nhiên, ở nơi cha còn có một khuôn mặt sứ mệnh đặc biệt khác nữa: chứng tá Tin mừng trong thời gian bệnh. Một trong số những trang đẹp nhất về hoạt động tông đồ của cha, đã được Tổ chức Alzheimer thực hiện qua là một cuộc phỏng vấn bằng video. Một cuộc đối thoại trong đó với tư cách là một nhà truyền giáo, cha đã nói về trải nghiệm mà chính cha đang trải qua. Cha nói với những người bệnh khác: “Bạn bị bệnh nhưng điều này không làm mất đi căn tính của bạn. Bệnh tật không lấy đi khả năng làm cha, làm mẹ, làm con của bạn. Tôi muốn nói với các bệnh nhân khác: đừng khóc. Chúng ta cần phải có một vẻ đẹp để giao tiếp, vẻ đẹp đến từ sự hiện hữu. Thuốc chỉ là một phần của những gì quan trọng. Điều đem lại giá trị đó là nếu bạn hài lòng với cuộc sống của chính mình”.
Đối với các vị tử đạo của Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại ở Trung Quốc, trong năm 2016, khi cảm nhận tình trạng bệnh của mình, cha đã dành riêng cuốn sách mới nhất cho họ, sách có tựa đề “Tử đạo ở Trung Quốc, một bình hương dầu của cây cam tùng”. Cha kể câu chuyện về sáu nhà truyền giáo bị giết ở Hà Nam trong khoảng thời gian từ 1941 đến 1942. Trong đó có đoạn cha có những lời dành cho các vị tử đạo, và cũng áp dụng rất tốt vào cuộc đời của cha: “Xin cho của lễ mà các vị dâng lên trước bàn thờ Chúa, như hương thơm của cam tùng. Thiên Chúa, Đấng đã mời gọi họ là môn đệ của Chúa Giêsu và Chúa cũng đã biến đổi họ thành bạn của Ngài, ban cho các vị cũng được chia sẻ vinh quang với Ngài”.
Ngọc Yến – Vatican