Cha mẹ coi nhẹ khổ đau

 “Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn Trời và ơn Cha mẹ suốt đời coi nhẹ khổ đau.”

   Tôi thường chọn bài hát “Cầu cho cha mẹ (2)” này cho các em thiếu nhi hát vào lúc kết thúc Thánh lễ, nhất là nhân dịp ngày của cha, ngày của mẹ, lễ kính Thánh Gia… Nghe các bé thơ ngây nghển cổ hát vang nhà thờ để cầu nguyện, tụng ca tình cha nghĩa mẹ, mới thấy cảm động mến yêu làm sao! Các bé thuộc và rất hứng khởi hát say sưa, còn tôi lại lặng thinh nửa chừng vì nghẹn ngào rưng rưng, thổn thức ở trong lòng…

Vâng, tình cha nghĩa mẹ là thế, nhân gian người ta nhắc nhau rằng: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.” Quả đúng như vậy, chỉ có mẹ cha mới sẵn sàng hy sinh đến quên mình vì con cái và suốt đời coi nhẹ khổ đau. Vì con cha mẹ sẵn sàng nhận phần thiệt, đánh đổi mọi sự, chịu đựng tất cả, miễn là con được hạnh phúc. Người mẹ hì hụi lo nấu bữa ăn sao thật ngon cho con. Bữa tối nhìn con ăn ngon, ăn hết cả phần mẹ, mẹ vẫn vui. Có người cha chia sẻ: “Một thằng con hồi nhỏ luôn được bố gắp cho miếng cá ngon, bố chỉ ăn tạm chút đầu cá. Nó hỏi ông bảo tại bố thích ăn đầu thôi. Vậy là lần sau nó cứ việc gắp cho bố phần đầu xương xẩu. Bố vẫn vui và cứ để nó “hiểu lầm” mãi đến lớn”. Tình cha là vậy.

Thuở nhỏ có buổi tôi đi học về, bị lỡ không có người chở, ngang đường gặp bố dưới ruộng lên, thế là được bố cõng về tới nhà luôn. Trên cái lưng cao lênh khênh của bố nó thấy sung sướng hết mệt, mà bố chả thấy mệt dù đi làm về. Tôi học nơi bố mẹ bài học siêng năng chịu khó đến quên mình, tôi gọi là “làm quên chết”, rồi việc hôm nay chớ để ngày mai, dù tối đêm vẫn cố gắng để hoàn thành. Cái thời bố nghỉ hưu, sáng sáng vẫn ra sông kiếm tôm cá. Nó chả nghĩ đến công khó lội sông của bố, mà lại phụng phịu vì hôm nào cũng phải nhặt tôm, nấu sơ sơ kẻo hỏng rồi mới đi làm việc vá may của mình. Biết bao nhiêu việc không tên, đến những đôi dép mua về bị hơi cao, nó thấy khó đi, bố liền lấy dao gọt bớt phần đế là nó đi vừa. Thấy tôi kẻ nhạc từng dòng kẻ, 5 dòng mới được một khuông nhạc, bố khéo léo làm bằng tre cho tôi cây bút dẹt có 5 răng. Tôi chỉ việc chấm mực, mỗi lần kẻ được cả khuông 5 hàng, nhanh gấp năm lần… Nhớ thời khó khăn nhất, bố đan thuyền tre cho hợp tác xã, được chi trả 15kg ngô, nhà mừng đem xay nhỏ trộn gạo nấu cơm. Hũ gạo được lâu hơn cũng thấy tự hào và biết ơn bố.

Mẹ cũng chăm lo cho từng ly từng tí, mà con cũng chỉ biết an hưởng thôi. Ngày còn nhỏ, có buổi trời mưa dòng dã, đường trơn trượt, không ai chở đi học, nó chỉ biết khóc. Thế là mẹ quàng áo mưa cõng bộ cả cây số đến đặt vào giữa lớp học đã vào giờ. Nó hơi xấu hổ nhưng nín khóc vì đã được mẹ chở che giải gỡ cho. Mùa đông giá lạnh rét buốt, mẹ dậy từ 4 giờ sáng gánh rau đi chợ xa, nó thì nằm trong chăn vẫn rét. Nhiều đêm giá lạnh, chân tay nó giá như que kem dù đã mang tất, mẹ bảo cho tay vào bên trong vạt áo cho ấm, còn chân thì cứ lùi vào người mẹ, mẹ chịu giá thay! Đời mẹ chưa bao giờ được mang bao tay, trong khi nó mang rồi vẫn thấy lạnh cóng. Giờ mẹ đã sang thế giới không còn khổ đau, nhưng ngẫm lại vẫn thấy xót xa ngàn nỗi…

Cảm tạ Chúa đã ban cho đời con có mẹ cha. Nhưng con nào đã thấu khi sống trong vòng tay cha mẹ, cứ ngây thơ an hưởng như chuyện ngẫu nhiên là được vậy. Con đâu biết rằng khi chẳng còn mẹ cha, con mới nhận ra rằng mình đã… mất cả tuổi thơ, mất cả vầng trăng và mất đi tất cả. Nhìn những em bé mồ côi, hoặc cha mẹ ly tán con mới thấy mình ngập tràn hạnh phúc. Đời con dù kém may mắn nhưng được an vui nhờ có ơn Chúa và nhờ ơn cha mẹ đã suốt đời coi nhẹ khổ đau. Để nay con “lớn lên” rồi, dù xa vô bờ vẫn nhờ đến tình mẹ cha!.

Én Nhỏ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *