Chân lý và quyền lực (05.08.2017– Thứ Bảy tuần XVII Mùa Thường Niên năm A)

Lời Chúa: Mt 14,1-12

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu  

1 Khi ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su, 2 thì nói với những kẻ hầu cận rằng : “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả ; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.”

3 Số là vua Hê-rô-đê đã bắt ông Gio-an, xiềng ông lại, và tống ngục vì chuyện bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua. 4 Ông Gio-an có nói với vua : “Ngài không được phép lấy bà ấy.” 5 Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. 6 Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. 7 Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. 8 Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng : “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm.” 9 Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. 10 Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. 11 Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. 12 Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.

Mang trong mình kiếp phàm nhân tro bụi, mấy ai trong chúng ta lại chẳng có những đam mê của riêng mình? Kẻ thì đi tìm vinh hoa phú quý; người lại khát khao hạnh phúc viên mãn; cũng có những người dành cả đời để đấu tranh để bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lý, và tất nhiên, điều đó có thể phải đánh đổi bằng chính mạng sống của họ.

Từ xưa đến nay, bọn tà quyền luôn sợ hãi sự thật. Chúng luôn tìm mọi cách để lấp liếm, che giấu vì chân lý chỉ có một, sự thật sẽ khiến vị thế của chúng bị lung lay, quyền lực của chúng bị đe dọa. Thế nhưng, dù ở bất cứ thời đại nào, chân lý luôn chiến thắng cường quyền. Lý do vì sao ư? Dù mang danh là bọn tàn bạo, bất lương, song thực chất chúng chỉ là những kẻ hèn nhát. Chúng sợ hãi sự thật và dùng bạo lực để giải quyết những kẻ dám lấy sự thật đe dọa vị thế của chúng.

Nhìn vào lịch sử phát triển của nhân loại, chẳng khó để nhận ra quyền lực của giai cấp thống trị luôn bị ảnh hưởng bởi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở các nước dân chủ. Sự tồn vong của thể chế chính trị nằm trong tay của nhân dân, như nhà văn Mỹ Max Twain đã từng nói “Luôn trung thành với Tổ quốc. Chỉ trung thành với chính quyền khi nó xứng đáng với điều đó.” (Loyalty to the country always. Loyalty to the government when it deserves it.).

Nhận thức được điều đó, những người đứng đầu luôn tìm cách để lấy lòng dân chúng. Có hai cách thường thấy của các nhà lãnh đạo: thứ nhất là thuận theo lòng dân, đáp ứng những nhu cầu chính đáng của nhân dân để lấy lòng tin từ họ. Thế nhưng, có lẽ ít ai muốn dùng cách này, họ thích cách thứ hai hơn, đó là che giấu sự thật, họ muốn “một tay che trời”, hay nói cách khác là “mị dân”, dùng những lời dối trá để mị hoặc dân chúng. Nếu các nhà cầm quyền áp dụng cách đầu tiên thì người dân sẽ “thực sự hạnh phúc” và ngược lại, nếu là cách thứ hai, người dân sẽ “nghĩ rằng mình hạnh phúc” và đắm chìm trong thứ hạnh phúc ảo tưởng ấy, mặc cho sự lãnh đạo của nhà cầm quyền.

Ở những đất nước đáng thương đó luôn xuất hiện những người nhận thức được tình hình đất nước, nhận ra chân lý, dám đứng lên bảo vệ sự thật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình lẫn mọi người và họ nghiễm nhiên bị tròng vào cổ bản án chống lại chính quyền, chống lại dân tộc. Quả thật, chẳng có gì đáng ngạc, vì ở những nơi ấy, quyền lực và chân lý là kẻ thù “không đội trời chung”.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó. Vua Hêrôđê là kẻ mang tiếng tàn độc, ông ta xem nhẹ luân thường đạo lý khi dám lấy bà Hêrôđia (vợ của Philíp, anh ông) làm vợ, ấy vậy mà, ông ta lại là một kẻ hèn nhát, nhu nhược. Vua đã bỏ tù thánh Gioan Tẩy Giả vì đã dám nói lên sự thật, dám chỉ ra việc làm trái với đạo đức của nhà vua. Vua muốn giết thánh Gioan nhưng lại sợ dân chúng.

Thế mà, chỉ vì chiều theo ý của một cô gái, vua lại cho chém đầu người mà dân chúng cho là tiên tri, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước. Hành động của vua Hêrôđê là hành động của kẻ bạo tàn sợ hãi sự thật, sẵn sàng giết chết một “người của công chúng” chỉ để thỏa mãn dục vọng của mình, làm vừa lòng cô con gái của người vợ thất tiết. Số phận của thánh Gioan Tẩy Giả chính là số phận của những người dám lên tiếng vì chân lý, bảo vệ sự thật dưới sự thống trị của bọn tà quyền. Cái giá của việc nghe theo tiếng nói của lương tâm là bị áp bức, cầm tù, trở thành những“tù nhân lương tâm”, thậm chí phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình.

Họ có được vinh quang không? Sẽ được, nhưng rất tiếc vinh quang đó khó có thể nhận được khi họ còn sống. Nếu thánh Gioan Tẩy Giả là người được dân chúng tin tưởng, tôn sùng, thì những “tù nhân lương tâm” ở thời đại này lại chẳng nhận được sự ủng hộ là bao, thậm chí còn bị lên án bởi những người họ đã đấu tranh cho. Đó cũng chính là hậu quả của chế độ tạo ra những con người “nghĩ rằng mình hạnh phúc”.

Có lẽ quá khắt khe khi cho rằng những kẻ cầm đầu xấu xa mới sợ hãi lẽ phải. Thực ra, ai trong chúng ta cũng mang nối sợ hãi ấy, nó đã trở thành bản chất không thể chối cãi của con người. Sở dĩ chúng ta khó có thể làm hại người khác như bọn cường quyền là vì chúng ta chẳng hề có quyền lực trong tay, nếu có, mọi chuyện có lẽ sẽ khác đi. Có những vấn đề, chấp nhận sự thật đồng nghĩa với việc quyền lợi của chúng ta bị tước bỏ. Đó là một sự lựa chọn vô cùng khó khăn, nhưng nếu dám can đảm đứng về phía chân lý, chúng ta sẽ không phải hổ thẹm với lương tâm, thà sống nghèo khó mà lương tâm thanh thản, còn hơn ôm nỗi dằn vặt chết trên đống gia tài vô tri.

Martin Luther King – nhà hoạt động nhân quyền Mĩ gốc Phi cho rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt”. Quả thật, sự im lặng của người tốt đôi khi còn đáng sợ hơn hành động và lời nói của kẻ xấu. Mỗi người chúng ta hãy tự nhìn lại bản thân mình, có bao giờ chúng ta dám lên tiếng chống lại bất công, lên tiếng vì lẽ phải chưa? Nếu chưa thì tại sao? Vì nó không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chúng ta?

Xin thưa, bất công cũng như thời gian, nó không bỏ sót bất cứ ai đang tồn tại trên thế giới này đâu. Hay vì chúng ta sợ hãi? Xin thưa, khi sợ mất đi quyền lợi mình đang có mà im lặng trước bất công, chính là lúc chúng ta trở thành kẻ chúng ta đang lên án: vua Hêrôđê – một người mang trong tay quyền lực nhưng lại nhu nhược, sẵn sàng chém đầu sứ giả của sự thật là thánh Gioan Tẩy Giả. Lên tiếng hay im lặng, quyền lựa chọn là của chúng ta. Ước mong sống trong một xã hội bị chi phối bởi quyền lực, mỗi người chúng ta cần biết lắng nghe tiếng nói lương tâm, dám đứng lên chống lại cường quyền để bảo vệ chân lý. Đức Giêsu đã khẳng định: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Chính vì thế, lên tiếng bảo vệ sự thật chính là lên tiếng vì Đức Kitô, Chúa chúng ta.

Lạy Chúa, xin thương đến chúng con là những con người yếu đuối, dễ sa ngã; xin cho chúng con biết can đảm đứng về phía sự thật, bảo vệ chân lý và chia sẻ điều đó cho mọi người. Xin Ngài ban ơn phù trợ, giúp chúng con chống lại sự cám dỗ của quyền lực, danh vọng – kẻ thù của sự thật – và xin thương đến những nơi chân lý đang bị đè bẹp bởi bọn cường quyền bạo tàn, ban ơn giúp sức để họ có thể can đảm vượt qua những khó khăn, thử thách ấy. Amen.

 Sơn Còi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *