Tình yêu Thiên Chúa! Tình yêu Thiên Chúa!
Những ngôn từ sao quá đỗi dịu ngọt với hồn con, không có tình yêu Thiên Chúa nào con đâu được hiện hữu, làm sao con được Chúa xót thương ban ơn cứu độ!
Cha ơi! Nhờ có tình yêu của Cha mà con được nhận làm con Cha, được chăm sóc và dưỡng nuôi xác hồn con cho đến cõi đời đời. Con hết lòng tri ân Bản Thể Tình Yêu của Cha, xin ban ơn để con không trở thành con người bội bạc vong ân. Xin cho con được mang tâm tình này lên thánh giá đời con, mà cao rao cho nhân loại biết về Tình Yêu Thiên Chúa.
Con hiểu rằng chỉ trên Thánh giá, cùng với Chúa Giê-su con mới có thể đền tạ tình yêu của Cha cho nên. Chỉ trên Thánh giá con mới tôn vinh Cha, giống như Chúa Giê-su – Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng cứu độ con và nhân loại. Giờ đây, trong góc nhỏ cuộc sống lặng thầm, thánh giá của con là vâng phục ý Cha ở trong cô tịch, làm việc cho Cha, chịu đau khổ vì Cha, với Cha. Mang nặng sự hèn yếu nơi bản thân, con đón nhận cũng không dễ tí nào, Các Anh luôn bám sát con quấy phá, cám dỗ, thậm chí còn giả tiếng nói Cha để dẫn con đi lạc hướng, thúc đẩy con ngã lòng, giục trong đầu con “Đâm đầu vào xe tự tử đi!” Dầu vậy, tình yêu Cha không hề bỏ con, nên soi sáng cho con sớm nhận ra quỷ kế ác độc của Các Anh. Tạ ơn Cha đời đời. Con tiếp tục viết đây Cha ạ, xin Cha viết trong con, viết cùng con. Amen.
***
Tính Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ của Thiên Chúa
– Sự Toàn Chân ở nơi Thiên Chúa không chỉ vì Người chính là Chân Lý, mọi đầu mối chân lý đều quy hướng về Người. Mà Người còn là Đầu Nguồn Sự Sống, Nguyên Ủy mọi điều thiện hảo, nơi Bản Thể phát sinh mọi điều tốt đẹp: sự thật, sự hiện hữu, sự khôn ngoan tuyệt đối và vĩnh cửu, sự sống thụ tạo, tình yêu, hạnh phúc, vinh quang, ơn cứu độ… đều ở nơi Người; từ Người mà có rồi quy hướng về Người.
Như Người đã phán “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng.” (Kh 22,13). Nếu muôn thụ tạo có bị hủy diệt đi thì Người vẫn hiện hữu đó, trong thực tại vĩnh hằng. Chân lý nơi thế giới con người, dựa vào con người, vì con người, là chân lý bấp bênh, mong manh không khác phận người.
Con người không tồn tại thì chân lý của con người cũng không còn. Thậm chí con người có tồn tại mãi mãi, thì nơi con người cũng đầy giới hạn, đầy bóng tối, chẳng thể nào biết rõ được tương lai.
“Mọi xác phàm như chiếc áo, thảy đều mòn hao, vì quy luật muôn đời là: chắc chắn con sẽ phải chết.” (Hc 14,17).
Trái lại, Chân Lý nơi bản tính Thiên Chúa không phụ thuộc vào thụ tạo nào, mà tỏa sáng trên thụ tạo, xen lẫn vào sự hiện hữu của thụ tạo – giúp duy trì nó, bao trùm cả thời gian lẫn không gian. Thiên Chúa là Ánh Sáng, lời Ngài là chân lý
“Ánh sáng chiếu soi bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1,5).
“Căn nguyên lời Ngài là chân lý, mọi quyết định công minh của Ngài tồn tại muôn năm.” (Tv 119,160).
Toàn Chân bởi vì không hề có thay đổi, không có lầm lạc, không pha lẫn sự hư ảo, không hệ lụy bất cứ điều gì từ sự chết, sự tối tăm; luôn luôn viên mãn, luôn luôn mới mẻ, luôn luôn tràn đầy, từ nơi Thiên Chúa mà có và luôn luôn thuộc về Người.
“Xưa Chúa đã đặt nền trái đất
chính tay Ngài tác tạo vòm trời.
Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài,
chúng như áo cũ, thảy rồi mòn hao.
Ngài thay chúng khác nào thay áo.”
(Tv 102,26-27).
“Điều đó, ai đã thực hiện, ai đã làm nên?
– Chính là Đấng từ nguyên thủy
đã an bài cho các thời đại nối tiếp nhau.
Chính là Ta. Ta là ĐỨC CHÚA, Ta là khởi nguyên, và giữa những người của thời sau hết, Ta vẫn là Ta.” (Is 41,4).
Chân lý toàn vẹn và vĩnh cửu không có nơi con người, con người chỉ tìm được nơi Thiên Chúa, con người thỏa mãn khát vọng chân lý khi tìm về với Thiên Chúa, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô.
– Sự Toàn Chân nơi Thiên Chúa còn là Nguồn Sự Sống, nhờ Nguồn Sống nơi bản thể Thiên Chúa mà muôn thụ tạo được dựng nên, được sống và được hiện hữu. Hơn thế nữa, còn là sự sống và sự hiện hữu vĩnh hằng của thụ tạo, “Ta sẽ đặt gân lên các ngươi, sẽ khiến thịt mọc lên các ngươi, sẽ trải da bọc lấy các ngươi. Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết Ta là ĐỨC CHÚA.” (Ed 37,6).
Được sống, được hiện hữu trong thế giới siêu nhiên vĩnh hằng; hay được sống, được hiện hữu trong nhân gian, đều là ân huệ, là thật may mắn cho con người và cho muôn thọ vật. Khi lòng người, lòng thụ tạo còn biết tri ân, sẽ nhận ra được sống, được hiện hữu thật hạnh phúc biết bao.
Với tâm hồn trong sáng, con người ngước nhìn lên bầu trời, ngắm nhìn vũ trụ bao la sẽ nói như nhà bác học Niu-tơn “Thiên Chúa đã đi ngang qua viễn vọng kính của tôi.” Ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ, bao la; xem xét cái vi diệu, tinh tế trong muôn loài, mới thấy Hóa Công tài tình là dường nào.
Trong vô số sự nhiệm mầu cuộc sống ấy, có sự hiện diện của tôi, tôi được phúc góp mặt trong thời gian, trong vô vàn thọ vật, thật cảm tạ và tri ân Thiên Chúa.
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”; “Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 6,51; 11,25-26) .
Điều hạnh phúc cao trọng hơn nữa, tôi không chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa, được dựng nên rồi tồn tại trong vị thế thọ sinh cách xa vời vợi với Đấng Tạo Hóa. Tôi hớn hở, mừng vui reo ca lên: “Tôi đã được cứu độ!”
Khoảng cách vực thẳm mầu nhiệm giữa loài thụ tạo hay chết với Thiên Chúa – Hóa Công, đã được Người lấp đầy, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô. Bây giờ, Người cho phép tôi thuộc về Người vĩnh viễn, được Người nhận làm con hôm nay và mãi mãi. Không những Người chăm lo cho tôi ngay cả cuộc sống tạm bợ trên trần gian, Người còn nuôi sự sống vĩnh cửu ở trong tôi, cho tôi, bằng Máu Thịt của Người. Bởi vậy mới có thi nhân cảm khái tôn vinh Người
“Ngọc như ý vô tri còn biết cả
Huống hồ chi tôi Thánh Thể kết tinh.” (Hàn Mặc Tử)
Chân Lý từ Thiên Chúa mà ra, và quy hướng về Người, con người tin nhận Thiên Chúa là đón nhận chân lý toàn hảo nhất. Nhờ đó, con người không chỉ sống đúng như Thiên Chúa muốn khi Người tạo dựng nên con người, mà còn được chúc phúc để vươn tới thiên chức làm con của Thiên Chúa.
“Tựa cây nho, Ta nẩy mầm xanh tốt,
hoa của Ta sẽ kết trái phú túc vinh quang.
Hỡi những kẻ khao khát Ta, nào hãy đến,
hãy ăn cho no thỏa hoa trái của Ta.
Vì nhớ đến Ta thì ngọt ngào hơn mật,
và được Ta làm gia sản thì ngọt hơn tảng mật ong.” (Hc 24,17-20)
“để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng
chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta,
Ta là ĐỨC CHÚA, không còn chúa nào khác.
Ta tạo ra ánh sáng và dựng nên tối tăm,
làm ra bình an và dựng nên tai họa.
Ta là ĐỨC CHÚA, Ta làm nên tất cả.”
(Is 45,6-7).
– Sự Toàn Chân nơi bản tính Thiên Chúa còn là Sự Thật, Sự Thật này không dừng lại trong ý nghĩa “việc có xảy ra, việc đúng là thế”. Bởi vì, ngay cả “việc có xảy ra, việc đúng là thế” phải chịu giới hạn của giác quan, của tư duy và nhận thức của con người; giới hạn bởi thời gian và không gian, giới hạn bởi chiều kích lịch sử v.v… Nhiều sự việc lịch sử, hay con người lịch sử đã có, đã hiện diện, thuở xa xưa và ngay cả trong thời đại hôm nay. Nhưng nhận thức của con người không đủ hiểu về nó, không đủ tư duy để suy biết nên nghi ngờ, phủ nhận, cho rằng không phải là sự thật. Khoảng cách không gian và thời gian cũng dễ dàng làm cho lòng người thêm nghi hoặc, đổi thay nhận thức. Để rồi ngay đối với họ, không phải ai khác, chân lý mà họ từng nhìn nhận, bây giờ lại gạt bỏ đi.
Còn Sự Thật nơi Thiên Chúa là Sự Sống Vĩnh Cửu, là Hạnh Phúc Muôn Đời, là Vinh Quang Bất Tận, là Lời mạc khải chân thật trở thành luật của chân lý; không hề bị giới hạn bởi không gian hay thời gian, luôn tồn tại vĩnh hằng, không bao giờ bị bối cảnh làm cho thay đổi; điều mà thế gian không có sức chứa đựng, không có khả năng khám phá, không thể nhận biết nếu như không được Thiên Chúa mặc khải cho “Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Ga 14,1) .
- Sự Sống Vĩnh Cửu:
“ĐỨC CHÚA là Vua, là Đấng cứu chuộc Ít-ra-en, và là ĐỨC CHÚA các đạo binh, Người phán thế này:
Ta là khởi nguyên, Ta là cùng tận;
chẳng có thần nào hết ngoại trừ Ta.” (Is 44,6)
“Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khóa của Tử Thần và Âm Phủ.” (Kh 1,18).
- Hạnh Phúc Muôn Đời:
“Con thưa cùng CHÚA: “Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa, ra đâu là hạnh phúc.” (Tv 16,2)
“Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy, hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” (Tv 34,9).
“Hạnh phúc thay quốc gia được CHÚA làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp.” (Tv 33,12)
“Chúa dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!” (Tv 16,11).
- Vinh Quang Bất Tận:
“Lạy CHÚA, Ngài vĩ đại quyền năng,
Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ,
vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc về Ngài.
Ngài nắm giữ vương quyền, lạy CHÚA,
và địa vị tối cao, vượt trên tất cả.
Ngài cũng là nguồn phú quý vinh quang.
Chính Chúa làm bá chủ muôn loài:
nắm trong tay dũng lực quyền năng,
nhờ tay Ngài, tất cả lớn lên và mạnh sức.”
(1Sb 29,11-12).
“Mừng Chúa Tể tôi thờ, tôi hát bài ca mới:
Lạy Chúa, Ngài vĩ đại vinh quang,
mạnh mẽ lạ lùng không ai thắng được.”
(Gđt 16,13).
“CHÚA siêu việt trên hết mọi dân,
vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm.”
(Tv 113,4).
“Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết…”
(Rm 1,23).
- Lời mạc khải chân thật trở thành luật của chân lý:
“Miệng nó nói lời lẽ chân thật và môi nó không nói lời gian ác! Nó đi với Ta trên nẻo đường bình an và ngay thẳng; nó đã làm cho nhiều người cải tà quy chính.” (Ml 2,6).
“Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi sinh ra và đã đến thế gian vì mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18,37).
– Sự Toàn Chân ở nơi bản tính Thiên Chúa, bởi vì nơi Người có sự khôn ngoan tuyệt đối và vĩnh cửu. Sự khôn ngoan của Ngài dựng nên vũ trụ và vận hành chúng cách tuyệt hảo, không thể tốt hơn, không gì sánh bằng.
“Chính Người đã khấng ban cho tôi
tri thức xác thực về những gì đang hiện hữu
để tôi thấu hiểu cơ cấu của vũ trụ
và năng lực của các nguyên tố tạo thành,
thấu hiểu về thời gian từ khởi thủy, qua các thời đại, và cho đến tận cùng của nó,
thấu hiểu về thời tiết chuyển vần, về các mùa thay đổi, thấu hiểu về chu kỳ năm tháng, về vị trí các tinh tú trên trời, thấu hiểu các mãnh lực thần thiêng
và các tư tưởng của con người, thấu hiểu các loài thảo mộc và công hiệu của rễ cây.
Mọi sự tiềm ẩn và mọi sự trông thấy được, tôi đều biết hết. Vì chính người thợ làm ra muôn vật muôn loài đã chỉ dạy cho tôi. Người thợ ấy chính là Đức Khôn Ngoan.” (Kn 7,17-21).
– Sự Toàn Chân của bản tính Thiên Chúa, còn bởi bản thể Người là tình yêu, tình yêu sản sinh ra thụ tạo và thương xót thụ tạo bằng Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa với tình yêu vô hạn, luôn chăm chút quan phòng lo cho sự sống tự nhiên và siêu nhiên của con người và muôn vật. Thánh Gio-an tông đồ từng nói: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1Ga 4,8).
Người không biết yêu thương chân chính, họ sẽ không thể nào cảm nhận, cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Sự chai đá trước giới luật yêu thương đặt để trong lương tâm của mỗi người, sẽ khiến họ trở nên mù tối trước tình yêu, nhất là với tình yêu Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Người dành cho con người, ngay từ thuở đầu sáng tạo. Dựng nên đất trời, Thiên Chúa chỉ phán để mọi thứ từ hư không mà có, song đến lúc dựng nên con người, Thiên Chúa đã phán cách riêng
“Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình.
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa.
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.”;
“ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 1,26-27; 2,7).
Sự ân cần quan tâm, coi trọng, đã thể hiện tình yêu thương đặc biệt của Thiên Chúa dành cho con người. Từ hành động Người nặn ra con người bằng đôi tay: Ngôi Lời và Thánh Thần, và thông ban sinh khí từ nơi Thiên Chúa sang cho con người. Người yêu thương dựng nên, yêu thương quan phòng, yêu thương cứu độ, yêu thương trong thời gian cho đến vĩnh cửu. Tình yêu này đã trải dài suốt lịch sử nhân loại, bao trùm lên muôn vật, qua muôn thế hệ.
– Hạnh phúc của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa, là hạnh phúc mới lạ, tròn đầy, tràn trề, dạt dào, viên mãn và trường cửu; hạnh phúc bởi yêu thương và nhân nghĩa, thủy chung và thành tín, quảng đại và khoan dung, xót thương đầy tế nhị. Toàn chân trong hạnh phúc bởi Thiên Chúa mà có, vì hạnh phúc đó là đầu nguồn, cũng là tất cả và cuối cùng.
Một thứ hạnh phúc không dừng lại, không nhàm chán, không khiếm khuyết, không đầy vơi; luôn luôn thỏa mãn, thỏa chí, thỏa lòng. Hạnh phúc song đôi cùng hiện hữu, hạnh phúc vì yêu và được yêu miên viễn, còn mang lại vinh dự, vinh quang bất tận, sáng ngời thiên thu.
Hạnh phúc không vật chất nhưng tràn đầy thụ hưởng, không mưu cầu song thỏa thuê bất tận, không thèm khát lại no thỏa khôn cùng. Hạnh phúc bởi mọi sự tràn đầy công chính, luôn thỏa mãn khát vọng tự do. Hạnh phúc được chìm ngập – đắm say trong mầu nhiệm Thiên Chúa.
“Ôi lạy Chúa, xin lắng tai nghe lời cầu nguyện của tôi tớ Ngài đây và lời cầu nguyện của các tôi tớ Ngài là những kẻ tìm được hạnh phúc trong niềm kính sợ Danh Ngài.” (Nkm 1,11a).
“Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ
người có tội mà được khoan dung.
Hạnh phúc thay, người CHÚA không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.” (Tv 32,1-2).
“Kẻ chú tâm vào lời Chúa dạy sẽ gặp chuyện tốt lành, người đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA thật hạnh phúc dường bao.” (Cn 16,20).
“Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy:
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người.”
(Tv 34,9).
“Lạy CHÚA! Hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn, được Ngài lấy luật mà dạy dỗ bảo ban.”
(Tv 94,12).
“Thiên thần bảo tôi: “Hãy viết: Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!” Người lại bảo tôi: “Đó là những lời chân thật của chính Thiên Chúa.” (Kh 19.9).
– Vinh quang của Thiên Chúa, nơi bản tính Toàn Chân của Người ngời sáng đến ngợp sáng, khiến cho mắt phàm và tâm linh con người trở nên mù tối. Ánh vinh quang rực rỡ, chói lọi đến những gì thuộc về tự nhiên bị mất hút, không thể ngắm nhìn hay nhận biết, nếu Thiên Chúa không nâng tâm linh và mắt người đó lên trên khả năng tự nhiên.
Làm sao con người có thể nhìn vào vinh quang bản thể Đấng Tối Cao, vị Thiên Chúa mà cả càn khôn vũ trụ được Người dựng nên từ hư vô! Thánh Kinh có lời
“Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong,
đốt tiêu tan địch thù tứ phía.
Ánh chớp của Người soi sáng thế gian,
địa cầu trông thấy mà run sợ;
núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan, vị Chúa Tể hoàn cầu.” (Tv 97,3-5).
Vinh quang mà nhân loại có thể ngắm nhìn chút ít, là vinh quang của công trình Người sáng tạo, hay những việc Người thực hiện lạ lùng khi can thiệp các quy luật tự nhiên. Thiên Chúa tỏ vinh quang Người ra trong tự nhiên, thể hiện một cách trổi vượt, lạ thường để cho con người thấy và nhận biết phần nào về vinh quang đích thực của Người. Nhưng thật ra Người đã làm dịu bớt, nhẹ đi, để con người có thể mang nổi ánh vinh quang ở Người, từ Người tỏa ra mà không chết.
“Vinh quang của ĐỨC CHÚA xuất hiện trên đỉnh núi trông giống như ngọn lửa thiêu, trước mắt con cái Ít-ra-en.” (Xh 24,17).
Được Chúa đối xử thân tình với ông, ông Mô-sê táo bạo xin thấy vinh quang Thiên Chúa
“Người đã phán: “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là ĐỨC CHÚA trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót.” Người phán: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống.” (Xh 33,19-20) .
Dân Ít-ra-en cũng từng có kinh nghiệm được thấy vinh quang ĐỨC CHÚA
“Khi anh em nghe tiếng từ giữa bóng tối, và núi đang bốc lửa, thì anh em, tất cả những người đứng đầu các chi tộc và những kỳ mục của anh em, đã đến gặp tôi và nói: “Này ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng tôi, đã cho chúng tôi thấy Người thật vinh quang và vĩ đại, và chúng tôi đã nghe tiếng của Người từ trong đám lửa. Hôm nay chúng tôi đã thấy rằng Thiên Chúa phán với con người mà con người vẫn còn sống. Bây giờ tại sao chúng tôi phải chết? Vì ngọn lửa lớn này có thể thiêu rụi chúng tôi. Chúng tôi mà cứ tiếp tục nghe tiếng của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng tôi, thì chúng tôi chết mất. Thật vậy, có người phàm nào đã được nghe tiếng của Thiên Chúa hằng sống phán từ trong đám lửa, như chúng tôi đã được nghe, mà vẫn còn sống” (Đnl 5,23-26).
Trước những con người Chúa thương, Thiên Chúa làm dịu – nhẹ vinh quang của Người, để con người có thể nhận ra ánh vinh quang đó thật dịu dàng dành cho họ
“Người nói với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt ĐỨC CHÚA. Kìa ĐỨC CHÚA đang đi qua.” Gió to bão lớn xé núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan ĐỨC CHÚA, nhưng ĐỨC CHÚA không có trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng ĐỨC CHÚA không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng ĐỨC CHÚA cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt rồi ra đứng ngoài cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông:“Ê-li-a, ngươi làm gì đây?” (1V 19,11-13).
Vinh quang của Thiên Chúa được thể hiện trong quyền toàn năng của người, điều mà lý trí con người có thể khám phá chút đỉnh, nhận biết đôi điều:
“ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Có gì mà phải kêu cứu Ta? Hãy bảo con cái Ít-ra-en cứ nhổ trại. Phần ngươi, cầm gậy lên, giơ tay trên mặt biển, rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển, để con cái Ít-ra-en đi vào… Ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển, ĐỨC CHÚA cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hóa thành đất khô cạn. Nước rẽ ra, và con cái Ít-ra-en đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu. (Xh 14,15-22).
“Vua Sa-lô-môn cầu nguyện xong, thì có lửa từ trời xuống đốt hết lễ toàn thiêu và các tế vật, vinh quang của ĐỨC CHÚA tràn ngập Đền Thờ. Các tư tế không thể vào Đền Thờ của ĐỨC CHÚA, vì vinh quang của ĐỨC CHÚA tràn ngập Đền Thờ.” (II Sb 7,1-2).
Uy quyền và vinh quang của Thiên Chúa, được thực hiện qua các ngôn sứ đầy thần khí, ông Ê-li-a khẩn cầu: “Xin đáp lời con, lạy ĐỨC CHÚA, xin đáp lời con, để dân này nhận biết Ngài là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa thật, và Ngài đã khiến họ thay lòng đổi dạ. Bấy giờ lửa của ĐỨC CHÚA ập xuống, thiêu rụi của lễ, củi, đá và bụi, cả nước trong mương cũng hút cạn luôn.” (1V 18,37-38).
Vinh quang Thiên Chúa còn được thể hiện cách nhiệm mầu không kém, dù lặng lẽ hơn, tinh tế hơn, khi Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm Người:
“Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho các môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều được ăn no nê. Những mẫu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.” (Mt 14,19-21).
“Khoảng canh tư Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Ông Phê-rô liền thưa với người: “Thưa N1gài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su.” (Mt 14,25-29).
“Bấy giờ Người mới nói rõ: “La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi nào chúng ta đến với anh ấy…
Khi đến nơi, Chúa Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi… Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” Cô Mat-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?”…
Đức Giê-su nói: “Đem phiến đá này đi.” Cô Mat-ta là chị người chết liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con đã ở trong mồ được bốn ngày.” Đức Giê-su bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, thì chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con nói để họ tin là Cha đã sai con.” Nói xong Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” (Ga 11,14.17.23-26.39-44).
– Sự Toàn Chân nơi Thiên Chúa là rạng ngời ánh sáng ơn cứu độ cho nhân gian
“Này muôn dân khắp cõi địa cầu,
hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ, Vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn Chúa nào khác.” (Is 45,22).
Tình yêu thương từ ơn cứu độ của Người trải khắp cùng mặt đất, chan hòa nơi nơi “Lề luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5,20) Bối cảnh nhân gian quay cuồng lao về vực thẳm hư vô, là lý do để Con Thiên Chúa phải đến trần gian, cứu vớt những gì sắp hư đi “Vì Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất.”; “Cũng vậy, Cha anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,11.14).
Vinh quang Thiên Chúa được thể hiện rạng ngời, khi Đức Giê-su tôn vinh Chúa Cha lúc Người chịu treo trên Thập giá, chịu chết đền bù tội lỗi cho nhân gian
“Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.
Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh Con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà Con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.” (Ga 17,1-5)
***
Chiêm ngưỡng tính Toàn Chân nơi Cha, làm con ngỡ ngàng quá đỗi! Con sung sướng được biết thêm nhiều về Cha, về bản thể Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con, nên càn khôn vũ trụ. Lạy Cha, Cha đang dạy con hiểu biết thêm về Cha phải không ạ? Mọi sự hiểu biết về Cha làm gia tăng sự ngưỡng mộ, lòng tôn vinh, tình kính mến, lòng tri ân Cha nơi hồn cát bụi của con. Nhưng còn sự hiểu biết về vinh quang Thập giá…
Ôi Cha ơi! Khó thật đấy, đâu phải lúc nào con cũng nhớ: vinh quang vĩnh hằng được tích lũy từ những khổ đau, sỉ nhục, gian nan, khốn khó, đói nghèo, vất vả… Nên những hiểu biết này sẽ luận tội con, mỗi khi con khước từ Thập giá Cha ban! Con không muốn bị luận tội đâu Cha, con chỉ khước từ một cách vô ý hay khi con không mang nổi nó nữa. Quá sức chịu đựng của một con người nhỏ bé, hèn mọn như con, con phải làm sao hở Cha?
Trong ý thức đức tin, lúc nào con cũng mong muốn được chia sớt, đền tạ tình yêu và đau khổ của Chúa Giê-su. Nhưng con quá tầm thường, nên không thể dâng Cha trọn vẹn những quà tặng tình ái Cha trao, không hiệp thông được đến cùng với Người. Điều này cũng làm trái tim con đau đớn lắm! Nó là một thứ Thập giá trong Thập giá, vì yêu mà không thể yêu đến cùng, khiến cho bản thể con muốn vỡ tan ra mỗi khi nghĩ lại. Con đói khát ơn Cha, Cha ơi!
***
Bản thể Thiên Chúa toàn thiện, Sự Thiện vượt cao xa trên tầm trí hiểu và sự cảm nhận của các thiên thần hay nhân loại.
Thụ tạo chỉ có thể nhận biết phần nào về sự toàn thiện có nơi bản thể Thiên Chúa, qua bản tính Người thể hiện trong mầu nhiệm sáng tạo và quan phòng của Người. Thiên Chúa toàn thiện về mọi phương diện, mọi khía cạnh, xuyên suốt không gian và thời gian, Ngài toàn thiện đến tràn lấp cả vĩnh cửu, phủ tràn đầy lịch sử thụ tạo, toàn thiện đến cực thánh.
Sự thánh thiện nơi Thiên Chúa vượt quá xa quan điểm đạo đức và thánh thiện của con người, là loài thụ tạo bị giới hạn bởi sinh, lão, bệnh, tử và lệ thuộc vào các quan năng tự nhiên. Còn Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, có quyền chủ trị trên mọi thụ tạo, quy luật đạo đức do chính Người đặt ra mới thực sự tốt lành và thánh thiện. Do đó, Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện, Hằng Hữu và Rất Thánh
“Thật vậy, Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng đã đưa các ngươi từ đất Ai-cập lên, để Ta làm Thiên Chúa của các ngươi; vậy các ngươi phải thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh.”(Lv 11,45).
“Hãy suy tôn ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chúng ta, hướng về núi thánh mà phủ phục, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa ta thờ, quả thật là Đấng Thánh.” (Tv 99,9).
“Mẹ trông đợi Đấng Vĩnh Hằng,
sẽ ban cho chúng con ơn giải thoát
Người là Đấng Thánh đã ban cho mẹ niềm vui; mẹ vui vì nghĩ đến lòng thương xót,
Đấng Vĩnh Hằng, Vị Cứu Tinh của chúng con
sắp đem đến cho chúng con.” (Br 4,22).
Thiên Chúa thể hiện bản tính Toàn Thiện của Người: trong sự sáng tạo thế giới hữu hình và vô hình, trong vinh quang, trong sự thánh nơi Người, trong quyền năng Người, trong sự khôn ngoan của Người, trong lề luật Người đặt để cho con người và các thiên thần, trong yêu thương chăm sóc gìn giữ người công chính, trong lòng thương xót dành cho tội nhân, trong cả sự công thẳng trừng phạt thụ tạo kiêu ngạo và cố chấp trong tội, trong việc bảo toàn thế giới thụ tạo, trong chương trình thử thách hay hủy bỏ các giai đoạn sinh tồn của thụ tạo v.v… Tắt rằng sự Toàn Thiện của Thiên Chúa, cùng hiệp nhất với bản thể Tình Yêu Vô Biên và Đức Khôn Ngoan Vô Cùng, làm nên tính Toàn Thiện tuyệt bích ở Người.
- Sự toàn thiện của Thiên Chúa tỏa sáng cực độ trong ý định và việc sáng tạo thật hoàn hảo của Thiên Chúa. Trong hầu hết những ngày Thiên Chúa dựng nên thụ tạo, làm cho chúng hiện hữu từ hư vô, Kinh Thánh ghi lại
“Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” (St 1,4.10.12.18.21.25).
Ngày cuối cùng Thánh Kinh nhấn mạnh lại
“Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả rất tốt đẹp!” (St 1,31).
- Sự toàn thiện nơi Thiên Chúa biểu hiện trong vinh quang của Người, vinh quang mà Thiên Chúa muốn thụ tạo nhận biết
“Ông Mô-sê nói với ông A-ha-ron: “Đó là điều Đức Chúa đã phán:
Giữa các kẻ đến gần Ta,
Ta sẽ biểu dương sự thánh thiện của Ta;
trước mặt toàn dân, Ta sẽ cho thấy vinh quang của Ta.” (Lv 10,3).
Ít-ra-en, dân thánh của Chúa ý thức rõ điều này, Sử Biên Niên có ghi: “Hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người, hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa, và thờ lạy Chúa uy linh thánh thiện.” (1Sb 16,29).
“Ai trong bậc thần minh được như Ngài, lạy Chúa? Ai sánh được như Ngài, Đấng rạng ngời thánh thiện, lập chiến công khủng khiếp, làm nên việc diệu kỳ?” (Xh 15,11).
“Người Bết Se-mét nói: “Ai có thể đứng vững trước nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa thánh thiện này?” (1Sm 6,20).
- Sự toàn thiện của Thiên Chúa, tỏ ra nơi sự thánh của Người, sự thánh đòi hỏi con người phải thánh thiện theo, “Thật vậy, Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng đã đưa các ngươi từ Ai-cập lên, để Ta làm Thiên Chúa các ngươi; vậy các ngươi phải thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh.” (Lv 11,45).
“Người lấy đức công chính làm áo giáp hộ thân dùng phán quyết công minh làm mũ chiến đội đầu, sự thánh thiện vô song đưa ra làm khiên thuẫn.” (Kn 5,18-19).
“Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít–ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các Ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (Lv 19,2).
- Sự toàn thiện của Thiên Chúa rực lên trong Đức Khôn Ngoan của Người
“Quả vậy, nơi Đức Khôn Ngoan,
có một thần khí tinh tường và thánh thiện,
duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ,
minh mẫn và tinh tuyền, trong sáng và thản nhiên, lanh lợi và chuộng điều lành,
bất khuất, từ bi và nhân ái,
cương quyết, vững vàng và điềm tĩnh,
làm được mọi sự và quan tâm đến mọi điều,
thấu suốt mọi tâm can,
kể cả tâm can của những người trong sạch nhất, thông minh, tinh tế nhất.
Đức khôn Ngoan tỏa ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên trong ngần từ vinh hiển Đấng Toàn Năng, nên không thể vương một tì ố.” (Kn 7,22-3.25).
“Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người.” (Kn 7,26).
- Sự toàn thiện của Thiên Chúa, biểu lộ nơi lề luật Người
“Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.” (Tv 19.8).
“Lạy CHÚA, thánh chỉ Ngài thật là bền vững,
nơi đền vàng rực lên toàn thánh thiện
triền miên qua mọi thời.” (Tv 93,5).
Chúa Giê-su mời gọi con người hoàn thiện như Thiên Chúa,
“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48).
“Lạy Thiên Chúa, đường lối Người quả là thánh thiện, có thần nào cao cả như Thiên Chúa.” (Tv 77,14).
- Sự toàn thiện của Thiên Chúa sáng ngời trong việc thi hành sự công minh của Người
“Ngươi hãy nói, Chúa Thượng là ĐỨC CHÚA phán thế này:
Này Ta chống lại ngươi, hỡi Xi-đôn,
Ta sắp được vẻ vang ở giữa ngươi.
Bấy giờ, thiên hạ sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, khi Ta thi hành án xử đối với nó, và biểu dương nơi nó sự thánh thiện của Ta.” (Ed 28,22).
“ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ được suy tôn,
khi Người phán quyết, và Thiên Chúa chí thánh sẽ biểu dương sự thánh thiện của Người, khi Người bày tỏ đức công minh.” (Is 5,16).
“Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng – khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng.” (Ed 36,23).
- Sự toàn thiện của Thiên Chúa, tỏ ra khi Người chăm sóc người công chính, “Chúa chăm sóc cuộc đời người thiện hảo gia nghiệp họ tồn tại đến muôn năm.” (Tv 37,18).
“Đường lối Thiên Chúa quả là toàn thiện,
lời Chúa hứa được chứng nghiệm tỏ tường.
Chính Người là khiên che thuẫn đỡ
cho những ai ẩn náu bên Người.” (Tv 18,31).
“Cha trần thế sửa dạy chúng ta trong một thời gian ngắn, và theo sở thích của mình; còn Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người.” (Hr 12,10).
- Sự toàn thiện của Thiên Chúa được nhận biết khi Người khoan dung với các tội nhân
“ĐỨC CHÚA phán với ông: “Không đâu! Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị báo thù gấp bảy.” ĐỨC CHÚA ghi dấu trên Ca-in, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông.” (St 4,15).
“Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: “Tôi hối hận”, thì anh cũng phải tha cho nó.” (Lc 17,4) .
“Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” (Lc 7,47).
“Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”
Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,7-11).
- Sự toàn thiện của Thiên Chúa quan phòng, chăm sóc hết thảy thụ tạo Người đã dựng nên
“Chúa tể muôn loài không bao giờ vị nể,
kẻ quyền cao chức trọng, Người cũng chẳng kiêng dè. Sang hay hèn đều do Người tạo tác, đều được Người chăm sóc hệt như nhau.” (Kn 6,7).
“Vì Chúa chăm sóc mọi loài, ngoài Ngài ra chẳng có thần nào khác để Ngài phải chứng tỏ rằng các phán quyết của Ngài không bất công,” (Kn 12,13).
“Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!
Áo Ngài mặc toàn oai phong lẫm liệt,
cẩm bào Ngài khoác là muôn vạn ánh hào quang.
Tầng trời thẳm Chúa căng như màn trướng,
điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không.
Chúa ngự giá xe mây, Ngài lướt bay cánh gió.
Sứ giả Ngài: làm gió bốn phương,
nô bộc Chúa: lửa hồng muôn ngọn.
Chúa lập địa cầu trên nền vững,
khôn chuyển lay muôn thuở muôn đời!
Áo vực thẳm choàng lên trái đất,
khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao.
Nghe tiếng Ngài dọa nạt, chúng đồng loạt chạy dài;
sấm Ngài mới rền vang, chúng kinh hoàng trốn thoát,
băng qua núi đồi, chảy xuôi ra đồng nội
về nơi Chúa đặt cho.
Ngài vạch đường ranh giới, không cho chúng vượt qua,
không còn cho trở lại dâng lên ngập địa cầu.
Chúa khơi nguồn: suối tuôn thác đổ,
giữa núi đồi, lượn khúc quanh co,
đem nước uống cho loài dã thú,
bầy ngựa hoang đang khát được thỏa thuê.
Bên dòng suối, chim trời làm tổ,
dưới lá cành cất giọng líu lo.
Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi,
đất chứa chan phước lộc của Ngài.
Ngài khiến cỏ mọc xanh nuôi đàn gia súc,
làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng.
Từ ruộng đất họ kiếm ra cơm bánh,
chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người,
xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi,
nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ.
Hương bá Li-băng, những cây CHÚA đã trồng,
được tràn trề nhựa sống.
Bầy chim tước rủ nhau làm ổ,
hạc bay về xây tổ ngọn cao.
Núi chon von, loài sơn dương tìm đến,
hốc đá sâu, giống ngân thử ẩn mình.
Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết,
dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian.
Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối,
chốn rừng sâu, muôn thú tung hoành.
Tiếng sư tử gầm lên vang dội,
chúng kêu gào, xin Chúa cho ăn.
Ánh dương lên, chúng bảo nhau về,
tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ.
Đến lượt con người ra đi làm lụng,
những mải mê tới lúc chiều tà.
Công trình Ngài, lạy CHÚA, quả thiên hình vạn trạng!
CHÚA hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.
Này đại dương bát ngát mênh mông,
nơi muôn ngàn sinh vật to lẫn nhỏ vẫy vùng,
nơi tàu bè cỡi sóng và thủy quay tung tăng,
là vật Chúa tạo thành để làm trò tiêu khiển.
Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa,
đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn.
Ngài ban xuống chúng lượm về,
Ngài mở tay, chúng thỏa thuê ơn phước.
Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi;
Lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.
Sinh khí của Ngài, Ngài gởi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất nầy.
Vinh hiển Chúa, nguyện muôn năm tồn tại,
công trình CHÚA làm, Chúa được hân hoan.
Chúa nhìn đất thấp, đất sợ run lẩy bẩy,
Người chạm núi cao, núi tỏa khói mịt mù.
Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng Chúa,
sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi.” (Tv 104,1-33).
Thiên Chúa luôn quan phòng chăm lo cho hết mọi loài thụ tạo Người đã dựng nên, Người đếm biết, chăm sóc cả đến điều nhỏ nhất.
“Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể không trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quăng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp như thế, thì huống hồ anh em, ôi những kẻ kém tin!” (Mt 6,25-30).
“Hãy tạ ơn ĐỨC CHÚA vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (1 Sb 16,34).
- Sự toàn thiện của Thiên Chúa vẫn dẫy đầy ngay khi Người chấm dứt sự sống của con người và súc vật
“Người sát hại các con đầu lòng Ai-cập
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” .
(Tv 136,10-11).
“Xô xuống biển Pha-ra-ô cùng binh tướng,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Sát hại bao lãnh chúa hùng cường
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Tiêu diệt những quân vương hiển hách,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”
(Tv 136,15.17-18)
***
Linh hồn hoa cỏ hư không kính cẩn thờ lạy sự thánh thiện đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Từ khi chưa biết Chúa, con đã khát khao sự thiện, mong ước một cuộc sống: con không làm cho ai phải đau khổ vì con, xa hơn nữa, con muốn được ở trong một thế giới đầy yêu thương và không còn hận thù. Nhưng đó chỉ là thiện chí của một thanh thiếu niên, bước vào đời con mới thấy rõ “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, tôi lại không làm, nhưng điều tôi ghét, tôi lại cứ làm.” (Rm 7,15) Dần dần con mới nhận ra rằng con người thật mau thay đổi, và yếu hèn biết bao.
Sau này được làm con Chúa, con sung sướng, hạnh phúc cảm nghiệm chân lý tuyệt vời của Chúa. Chân lý đích thực, cho con có quyền hy vọng như lòng từng mong ước. Càng tiến vào Chúa bằng đời sống cố gắng vươn lên trên đường nhân đức, bằng cuộc sống mỗi lúc một thân mật với Chúa hơn, con càng khám phá thêm: con đang đi sâu vào sự thiện của chính Chúa. Ôi! Lạy Chúa, Đấng Toàn Thiện, Đấng con mong ước trọn cõi lòng, xin thương đến sự khát khao của hồn con! Bây giờ con biết rõ hơn về Chúa, về sự toàn thiện của Người, sự toàn thiện mà các thiên thần tinh tuyền nhất cũng phải hãi sợ cúi đầu thờ lạy, ngẩng lên ngưỡng mộ ca khen, tán dương Chúa đời đời. Con lại thấy thân con thật nhơ nhớp, linh hồn con hoen ố lâu ngày, làm sao con dám đối mặt với Chúa đây?! Con đã khóc thật nhiều cho tội lỗi con, nhưng điều đó cũng không thể thanh tẩy hồn con nên tinh sạch vẹn toàn. Con phải làm sao để con được chút gì xứng đáng với tình yêu và sự toàn thiện của Chúa, Chúa ơi!
Xin Cha hãy nhớ đến những giọt nước mắt con rơi…
Xin đừng quên nỗi khát khao của một linh hồn đầy bất lực, đang hết lòng yêu Cha và cố gắng hoàn thiện bản thân mình!
***
Bản thể Thiên Chúa, Đấng Tối Cao, Hóa Công Toàn Mỹ vô cùng hoàn hảo: thật thánh thiện, thật tinh tuyền, thật trọn vẹn, thật tuyệt hảo, thật xán lạn – sáng ngời rực rỡ, vô vàn ưu phẩm mỹ lệ vô song; vẻ đẹp sâu thẳm – mông mênh nhiệm mầu – cao vời khôn sánh – tràn đầy vẹn vẽ – rộng khắp vô biên: vẻ đẹp Thiêng Liêng không bị giới hạn, không bị phân chia, không thể hao vơi, không thể sao chép, không thể khám phá hay nhận biết đến cùng, tràn đầy sung mãn, nhiệm mầu khôn cùng, chiếm hữu tất cả, chứa đựng tất cả mà không chiếm hữu gì và chứa đựng gì; vẻ đẹp của sự Hằng Hữu Độc Tôn – Uy Nghi Khôn Sánh – Sáng Lạn Vô Cùng: VUA các vua, CHÚA các chúa, THẦN các thần, Chủ Tể muôn loài thụ tạo, Nguồn Cội của tất cả sức mạnh, tất cả sự sống, tất cả mọi sự hiện hữu; vẻ đẹp của quyền Toàn Năng và Vinh Quang Bất Tận, vẻ đẹp của Tình Yêu và Lòng Thương Xót khôn cùng, Khoan Dung vô hạn, Đại Lượng vô biên; vẻ đẹp của sự Công Minh vẹn toàn, của Chính Trực vô song, của Trung Tín ngàn đời và Nhân Nghĩa muôn thế hệ; vẻ đẹp của sự Bất Biến Vĩnh Cửu, khiến mọi sự nơi Người trở nên Mới Mẻ và Khác Lạ miên miên: vẻ đẹp này lạ lùng, huyền bí và hấp dẫn khôn cùng đối với thụ tạo; vẻ đẹp của sự Khôn Ngoan Thần Bí chiếu giãi ánh sáng Sống Động và Trật Tự vĩnh cửu làm tất cả thụ tạo kính cẩn, ngưỡng mộ, suy tôn; vẻ đẹp Bản Thể Rạng Ngời ánh sáng nghệ thuật phong phú và tinh tế, vi diệu – vĩ diệu khôn cùng; vẻ đẹp chan chứa vô vàn mọi thể thức âm nhạc, mọi thứ thanh âm hay ngôn ngữ tuyệt vời; vẻ đẹp Siêu Việt ẩn chứa, bao trùm mọi vẻ đẹp thế giới tự nhiên và siêu nhiên, hữu hình và vô hình…
Nhan thánh Người đẹp đến mầu nhiệm-diễm lệ-vô song, được tỏ ra mãi mãi mà thụ tạo không thể thưởng thức hết, không thể ngắm nhìn cho đủ, thỏa lòng say sưa mà vẫn thấy thèm muốn vô cùng; không giấu đi mà lại như ẩn giấu cách nhiệm mầu, vì lý trí thụ tạo không thể nào thưởng thức mà không thấy mình bị cuốn hút, đắm chìm vào vẻ đẹp như vực thẳm thênh thang không đáy- như không trung bát ngát của muôn vàn vẻ cực kỳ diễm lệ: lộng lẫy huy hoàng, thanh tao kỳ bí, huyền diệu sắc màu, cao sáng tinh khôi, khôn cùng xán lạn, cực kỳ tinh tế, thánh khiết vô vàn, mỹ diệu khôn sánh, cao thượng vô biên, thắm thiết hải hà, nồng nàn say đắm, thỏa thích khôn lường… luôn rạng ngời ánh hào quang rực rỡ bao trùm thiên cung và muôn cõi thụ tạo. Vẻ đẹp đến vô cùng quyến rũ, cực hấp dẫn lôi cuốn, thu hút miên miên, làm cho thụ tạo phải khát khao tột cùng, phải tôn vinh muôn thuở, phải sùng bái đời đời… Bởi vì vẻ Diễm Lệ Siêu Nhiên của Người là Vẻ Đẹp Tuyệt Đối – Phong Phú Vô Biên – Khác Lạ Mãi Mãi: cùng tỏa ra nơi bản thể Người mọi vẻ đẹp bản tính và thuộc tính vô cùng siêu nhiệm và diễm lệ thần thiêng, trên cả chóp đỉnh tuyệt vời: thông ban sự sống tràn lên cõi siêu nhiên và tự nhiên; rắc phấn gieo hương vào thế giới vô hình và hữu hình, trang điểm muôn vàn vẻ đẹp sắc màu lộng lẫy cao quang cho thụ tạo. Nhưng lại vô cùng mầu nhiệm với thụ tạo, Người không giấu, thì thụ tạo cũng không có khả năng khám phá hay nhận biết trọn vẹn, cạn cùng. Ví như đời người, chẳng bao giờ đủ dài để đi hết không trung thăm thẳm cao vời, mông mênh vô tận.
Vẻ đẹp nơi Người là vẻ đẹp của Chân Lý Trọn Vẹn, mang lại sự sống và sự sống dồi dào cho thọ vật, của sự thỏa lòng ngây ngất trong vĩnh cửu, là nguồn cội mọi phúc, lộc, vinh quang, may lành, hạnh phúc dẫn tới chìm đắm ngất ngây miên trường trong cõi vĩnh hằng.
Vẻ đẹp Chân Lý ấy, chan hòa trong công cuộc sáng tạo và tái tạo thụ tạo cho đạt tới nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu. Trong hai công cuộc này ghi lại biết bao vẻ đẹp tinh tế trong quyền năng quy luật, trong yêu thương quan phòng, trong ân nghĩa ngàn đời tặng ban ân sủng nhiệm mầu tự nhiên và siêu nhiên của Thiên Chúa.
Dầu là sự trữ tình của thi ca, diễm lệ của nghệ thuật, du dương hay réo rắc ngất ngây của âm nhạc; vẻ đẹp của khôn ngoan, hay dáng sắc và hương thơm của hoa, vẻ uy nghi của tòa tháp, hùng vĩ của núi non, bao la của biển cả, mông mênh của không gian, thăm thẳm của chiều sâu vũ trụ, tình yêu cao thượng của người mẹ, tình yêu nồng nàn chung thủy của lứa đôi, của tình bạn ắp đầy hy sinh và trượng nghĩa, của lòng bác ái vị tha cao đẹp nhất, của tinh thần thánh thiện nhất … Tất cả những vẻ đẹp xán lạn nhất, cao sang nhất, lộng lẫy nhất, huyền bí nhất, hay ho ngọt ngào nhất, ngời sáng nhất nơi thụ tạo đem gom lại, cũng không thể so sánh được với vẻ đẹp của Thiên Chúa. Vì chính Người đã thông ban cho hết thảy thụ tạo các vẻ đẹp từ nơi bản thể mình.
Sách Khôn Ngoan đã viết
“Thế mà lửa với gió, hay làn khí thoảng qua,
hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn,
hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần,
là những bậc quản cai hoàn vũ.
Nếu chúng say mê những vẻ đẹp đó mà coi là thần minh, thì cũng phải biết rằng
Chúa tể những vật đó còn đẹp hơn biết mấy,
Vì chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả muôn vẻ đẹp.” (Kn 13.2-3).
“Vật này làm tôn vẻ đẹp của vật kia,
nhìn ngắm vinh quang của Người, ai mà chán được?” (Hc 42,25).
Vẻ đẹp tuyệt vời hơn hết nơi bản thể Toàn Mỹ của Thiên Chúa, vẫn là vẻ đẹp của tình yêu chủ động chứ không phải vẻ đẹp thụ động. Vẻ đẹp thụ động là vẻ đẹp hằng có nơi bản thể Thiên Chúa, còn vẻ đẹp tình yêu chủ động là vẻ đẹp Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi hướng về thụ tạo. Thiên Chúa chủ ý sáng tạo nên thụ tạo, rồi hạ Mình để hợp ngôi cùng nhân tính, chọn Mẹ Ma-ri-a làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể. Ban cho thụ tạo đầu tiên là Mẹ, một người con trong nhân loại, vô vàn sủng ân cao quý, nâng Mẹ lên ngai vị của Thiên Chúa. Vẻ đẹp khiêm hạ và tự hủy vì yêu thụ tạo của Mình, khoác thêm vào vinh quang Thiên Chúa, từ khi Ngôi Hai Thiên Chúa bỏ ngai vị của Đấng Tạo Hóa, nhập thể làm Người.
Con Thiên Chúa chấp nhận được sinh ra để chết cho thụ tạo hư hỏng của Người, chuộc tội hầu cứu vớt loài người khỏi sa hỏa ngục – cái chết thứ hai. Người nhập thế, đi vào cõi trần ai tục lụy, nâng con người lên địa vị con Thiên Chúa. Ở giữa loài người, ban Bí Tích Tình Yêu là chính máu thịt Người nuôi sống linh hồn những tội nhân…
“Nếu các con hiểu được tình yêu của Cha Ta đối với các con! Vì yêu mà Người đã ban chính Con Một Người cho các con. Nếu các con hiểu được tình yêu của Ta đối với Người và đối với các con! Vì yêu mà Ta đã vâng lời Người, vì yêu mà Ta đã đến với các con, đến để rồi vì yêu mà rứt từng tế bào chia ra nuôi sống những kẻ mình yêu. Vì yêu mà đến tận bây giờ Ta còn chịu đóng đinh câu rút, để máu chảy tràn nuôi sống và cứu chuộc những kẻ mình yêu. Vì yêu mà tha thứ, đi vào tận sự tội lỗi xấu xa để ở lại, xua đi tội lỗi và xấu xa ấy, thế lại bằng một tình yêu cho những kẻ mình yêu!” (Lời Tình Can-vê. Tình Khúc Can-vê)
Vẻ đẹp Tình Yêu Cứu Độ, gồm: vẻ đẹp của lòng khoan dung trác tuyệt, của những đặc huệ thứ tha bền bỉ, mở rộng lòng quảng đại khôn cùng, của tình xót thương vô hạn, của nâng nhấc thánh thiêng, của nhẫn nại đợi chờ, của hút tâm linh lên thượng trí, của dìm tình yêu thụ tạo vào bể ái nguồn ân lửa nồng thánh hảo, dìu đưa linh hồn trên đỉnh hồng ân siêu nhiệm sáng thiêng, kéo lôi thể phách vào siêu nhiên mầu nhiệm, của ban ơn bất biến để thụ tạo không còn nhuốm lệ thời gian bởi đổi thay hay đau khổ, của tan chảy chính Mình để nuôi sống phàm nhân cho đến hạnh phúc và vinh quang đời đời… thảy thảy những lời tán dương đều thấy vụng về trước vẻ đẹp nhiệm mầu Thiên Chúa Toàn Mỹ. Ngôn ngữ con người mới thô thiển làm sao, văn chương chỉ là cỏ rác, lá khô rơi để nói về vẻ đẹp của Đấng Tối Cao, của Đức Chúa Trời!
***
Kính lạy Thiên Chúa Ba Ngôi!
Kính lạy Đấng Toàn Chân – Toàn Thiện – Toàn Mỹ và Toàn Ái!
Con kính cẩn tôn thờ sự chí tôn cao cả vô cùng của Chúa, xin chúc tụng tôn vinh Chúa muôn đời. Con cảm tạ ơn Chúa đã mở mắt linh hồn con, cho trí năng con có thể nhìn ra, nhận biết tí đỉnh về bản thể Chúa. Con biết, đây là ơn rất trọng Chúa ban cho con, nhờ ơn này mà vinh quang thiên quốc của con được vinh sáng thêm, tình tương giao giữa con và Chúa thêm thắm thiết. Tạ ơn Cha là Thiên Chúa của con, con chẳng có công gì trong việc nầy, chính Cha đã xót thương ban tặng nó cho con. Xin cảm tạ và chúc tụng Chúa Ba Ngôi. Allêluia!
Mẹ Ma-ri-a kính yêu!
Từ giữa vực đời cô tịch, con đại diện cho nhân loại, cho các thiên thần, tạ ơn tình yêu Chúa dành cho các thiên thần và loài người. Con đại diện cho hết thảy thụ tạo cất lời ca khen, tôn vinh vẻ đẹp khôn tả của Người đã mặc lấy cho thụ tạo. Chúng con cảm tạ và tri ân Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi.
Con tạ ơn Mẹ cho con làm người có Đạo, tạ ơn Mẹ đã dìu đưa hồn con về bên Thiên Chúa. Con tạ ơn Chúa và Mẹ mọi ngày đời con. Con thật hạnh phúc vì Mẹ đã gìn giữ con qua bao nhiêu là thử thách, cám dỗ, truân chuyên, đau khổ, sỉ nhục, bị bỏ rơi… không để cho chiếc áo trắng ngày rửa tội của con hoen ố vì tội trọng. Con sung sướng ngất ngây về ơn trọng đại này, con cảm tạ Chúa và Mẹ vô cùng. Allêluia!
***
Tình Yêu Hoa Cỏ