Một cuộc thăm dò mới vừa được Trung Tâm Nghiên Cứu Pew công bố vào ngày 15 tháng Hai cho thấy thái độ của người Mỹ đối với những người có đức tin đã gia tăng trong ba năm qua, và người Do Thái Giáo và người Công Giáo đặc biệt được mọi người có đức tin coi trọng.
Cuộc thăm dò trên được tiến hành trong các ngày 9-23 tháng Giêng năm 2017. Những người tham gia cuộc thăm dò này thuộc cả hai Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, đàn ông và đàn bà, người già và người trẻ. Họ được yêu cầu sắp hạng các tôn giáo trên một “hàn thử biểu tâm tình”, với 0 ít nồng ấm nhất tới 100 nồng ấm nhất.
Lần trước đây nhất cuộc thăm dò này được tiến hành là tháng Sáu, năm 2014. Lúc đó, người Do Thái Giáo và Công Giáo đã dẫn đầu danh sách các nhóm tôn giáo được coi trọng nhất rồi; nhưng từ đó, hai nhóm tôn giáo này đã được gia tăng cảm tình của người được thăm dò. Thái độ công cộng đối với người Do Thái Giáo tăng 4 điểm, từ 63 lên 67. Cùng trong giai đoạn này, cảm tình nồng ấm dành cho người Công Giáo tăng từ 62 lên 66.
Các nhóm tôn giáo khác cũng nhận được sự gia tăng cảm tình tuy không cùng một mức độ như hai nhóm vừa kể. Các nhóm tôn giáo được gia tăng cảm tình là Phật Giáo (60), Ấn Giáo (58), Mormons (58), Vô thần (50) và Hồi Giáo (48). Chỉ có Kitô Hữu Phúc Âm (Evangelical Christians) là vẫn giữ mức 61.
Một số khám phá không gây ngạc nhiên bao nhiêu, như, đích thân biết một ai đó trong một nhóm tôn giáo đặc thù khiến người có cảm tình nồng ấm hơn đối với nhóm này nói chung.
Và xét chung, các người trả lời có trình độ học vấn cao thường phát biểu các tình cảm tích cực đối với mọi nhóm tôn giáo hơn các người có trình độ học vấn thấp. Luật trừ là các Kitô hữu Phúc Âm: họ ít được nhìn một cách nồng ấm (trung bình là 57) bởi những người có trình độ bằng cấp cao đẳng hơn những người không có bằng cấp cao đẳng; những người sau xếp các Kitô hữu Phúc Âm ở mức 63.
Những khác nhau giữa người già và người trẻ
Một khám phá do cuộc thăm dò này mang lại là sự khác nhau trong việc người già và người trẻ Hoa Kỳ nhìn các đồng công dân của họ thuộc các nhóm tôn giáo khác nhau. Những người Hoa Kỳ 65 tuổi hay cao tuổi hơn cho thấy một khoảng cách khá lớn về cảm tình đối với các nhóm tôn giáo khác nhau: họ sắp hạng người Thệ Phản Chính Dòng ở mức 75 nhưng xếp người Vô Thần ở mức 44. Khoảng cách 31 điểm này được giảm bớt đáng kể nơi người Hoa Kỳ trẻ hơn (khoảng tuổi 18-29), những người này sắp hạng cao nhất và thấp nhất chỉ cách nhau 12 điểm. Những người trẻ tuổi hơn sắp hạng Phật Giáo lên đầu, với 66 điểm, trong khi sắp hạng người Mormons thấp nhất (54 điểm).
Việc làm hẹp lại khoảng cách như trên nơi người trẻ Hoa Kỳ là điều tốt hay là điều xấu?
Một đàng, nếu kết quả thăm dò mang ý nghĩa một lòng khoan dung lớn hơn đối với những người có quan điểm khác với mình, thì đây hẳn là điều tốt. Đàng khác, nếu đó là do thiếu thông tin và, tệ hơn, do thiếu quan tâm về những điều nói tới Thiên Chúa, thì đây có thể là dấu hiệu không tốt dẫn đến một xã hội càng ngày càng bị thế tục hóa, đẩy mọi tín ngưỡng vào phạm vi tư riêng.
Nếu cái nhìn khác biệt nhau hơn của người Hoa Kỳ có tuổi về các nhóm tôn giáo khác nhau cho thấy một thiên kiến và kỳ thị cố hữu, thì đây là một điều xấu. Nhưng nếu khoảng cách khá rộng về cảm tình của họ là do kết quả của kinh nghiệm sống và kiến thức bản vị sâu sắc hơn, thì đây là thái độ vừa thực tiễn vừa hũu ích.
http://www.vietcatholic.org/News/Html/215314.htm