1. Cựu chiến binh du kích Colombia bị kết án hạ sát Đức Tổng Giám Mục Công Giáo
Phòng Hình sự của Tòa án Công lý Tối cao Colombia đã kết án “vắng mặt” cựu lãnh đạo du kích cộng sản FARC Luciano Marín Arango, bí danh Iván Márquez, 25 năm tù với tư cách là người dàn dựng vụ ám sát Đức Tổng Giám Mục Isaías Duarte Cancino năm 2002.
Márquez đang ngoài vòng pháp luật và phải bị bắt để thi hành án.
Đức Cha Cancino là tổng giám mục của Cali khi ngài bị sát hại vào ngày 16 tháng 3 năm 2002, bởi hai sát thủ trên một chiếc xe máy khi ngài rời giáo xứ Chúa Chiên Lành sau khi cử hành đám cưới tập thể của 105 cặp. Những kẻ sát nhân sau đó được phát hiện đã được Bộ Tư lệnh Trung tâm Liên quân phía Tây của FARC trả tiền.
Márquez là thành viên của Ban thư ký Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC, đã ra lệnh ám sát vị giám mục do ngài thường xuyên đưa ra các tuyên bố chống lại nhóm du kích này.
Đức Tổng Giám Mục cũng là thành viên của nhóm đã đàm phán một hiệp định hòa bình với chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos, dẫn đến việc giải tán lực lượng du kích này vào năm 2016 và sau đó chuyển đổi lực lượng này thành đảng chính trị Commons cực tả.
Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 2019, Márquez đã thông báo trong một video rằng hắn ta sẽ quay trở lại cuộc đấu tranh vũ trang, sau khi bị cáo buộc tội buôn bán ma túy. Anh ta hiện đang lãnh đạo một trong những phe FARC từ chối hiệp định hòa bình, được gọi là Marquetalia thứ hai, hoạt động ở biên giới với Venezuela. Anh ta phải bị bắt để chấp hành bản án.
Trong phán quyết, được đăng ngày hôm qua trên trang web của mình, Tòa án Tối cao đã giữ nguyên bản án 25 năm do tòa cấp dưới tuyên vào tháng 12 năm 2011 đối với Márquez và các thành viên khác của Ban thư ký FARC, nhưng đã được Tòa án cấp cao Cali tuyên trắng án vào năm 2013.
Cùng năm đó, văn phòng tổng chưởng lý sau đó đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao để xem xét vụ việc, nhưng quá trình này không tiến triển cho đến khi nó được chuyển đến Cơ quan tài phán đặc biệt về hòa bình, gọi tắt là JEP, được thành lập theo Hiệp định hòa bình năm 2016.
Tuy nhiên, vào ngày 15 tháng 12 năm 2021, vụ việc đã được trả lại cho Tòa án Tư pháp Tối cao, nơi đã quyết định xem xét lại trường hợp của thủ lĩnh phiến quân vì anh ta không còn thuộc Quyền tài phán đặc biệt về Hòa bình vì anh ta đã từ bỏ Hiệp định Hòa bình năm 2016.
Source:Catholic News Agency
2. Georg Bätzing tiếp tục Tiến Trình Công Nghị bất chấp “cái tát” mà các giám mục nhận được ở Rôma
Hai tuần sau chuyến thăm ad limina của các giám mục Đức, tờ Die Tagespost đã công bố phản ứng của người Công Giáo đối với những lo ngại về Tiến Trình Công Nghị Đức.
Nữ tu Anna Mirijam Kaschner, người ủng hộ nồng nhiệt Tiến Trình Công Nghị Đức, đặc biệt ghi nhận “sự minh bạch” trong chuyến viếng thăm Rôma của các giám mục nước này, vì tất cả các bài phát biểu đều được công khai. “Rôma đã không đưa ra quyết định dứt khoát, và đó là một điều tốt. Rôma đã trả lại quả bóng công nghị cho Đức. Hiện tại, các giám mục phải giữ quả bóng này trong trò chơi của Giáo Hội Hoàn Vũ”
Nữ tu Anna cho biết bà mong đợi rằng sẽ vẫn còn “những thất vọng và tức giận cũng như nước mắt – như sau cuộc bỏ phiếu về văn bản liên quan đến đạo đức tình dục, không đạt được đa số 2/3 cần thiết”.
Trong khi đó, Bernhard Meuser, biên tập viên của YouCat, hy vọng họp Tiến Trình Công Nghị vào tháng 3 tới đây sẽ là cơ hội cuối cùng để các Giám Mục Đức kết nối lại với Giáo Hội Hoàn Vũ nhưng ông cảnh báo rằng sau “cái tát của Rôma” một vài giám mục dường như vẫn chưa giảm bớt nhiệt tình với Tiến Trình Công Nghị.
Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz, một triết gia về tôn giáo, lo ngại hơn: “về ý định, Tiến Trình Công Nghị đáng được hoan nghênh, nhưng khi thực hiện, nó vượt xa mục tiêu ban đầu thậm chí đi xa đến mức đề ra cho mình mục tiêu thành lập một Giáo hội khác. Giáo hội khác này sẽ làm tổn thương chính xác của Giáo Hội Hoàn Vũ, và nó đã bắt đầu gây ra tổn thương.”
Trích dẫn Nietzsche về Cải cách, cô nhận xét cay đắng rằng: “Những người người Đức tự xưng rằng mình cố gắng hết sức để bảo tồn Kitô giáo đã trở thành những kẻ hủy diệt lớn nhất của Kitô Giáo. Có vẻ như người Đức không hiểu bản chất của Giáo hội.”
Nhà báo Paul Badde lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng “đã kiên nhẫn, thay vào đó các Hồng Y Giáo triều là Luis Ladaria và Marc Ouellet, thay mặt ngài, thông báo kỹ lưỡng cho các phòng thí nghiệm thần học trong Giáo hội ở Đức một lần nữa.” Tuy nhiên, vị giáo hoàng người Á Căn Đình “sẽ không để mình bị xô đẩy mãi mãi. Ngài sẽ không cho phép một cuộc ly giáo mới ở Đức,” nhà báo nói thêm, đồng thời đề cập đến khả năng có sẵn trong tay Đức Giáo Hoàng là sự thay thế toàn bộ Hội Đồng Giám Mục Đức.
Source:Die Tagespost
3. Nhật Ký Trừ Tà số 217: Ác Quỷ Có Luôn Nói Dối Không?
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary Number 217: Do Demons Always Lie?”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số: Ác Quỷ Có Luôn Nói Dối Không?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một trong những thành viên trong nhóm phó tế của chúng tôi đã làm rất tốt trong việc bảo vệ chống lại các cuộc tấn công của ma quỷ nhắm vào anh ta và hỗ trợ giải thoát một người bị quỷ ám. Anh ta được đào tạo từ một trong những nhà trừ tà giỏi nhất trong nước.
Những con quỷ đã gửi cho anh ta thông điệp này: “Ông ta, tức là nhà trừ tà, thầy dậy của thầy phó tế, đã lừa bạn; bạn đã không học được cái quái gì từ ông ta.” Tôi dịch lại lời nói dối của quỷ cho thầy phó tế: “Sư phụ của anh đã hiểu ma quỷ và dạy anh rất nhiều. Những con quỷ tức giận về điều đó.” Ma quỷ nói dối và trong chính những lời nói dối của chúng thường ẩn chứa một phần sự thật. Trong trường hợp này, lũ quỷ tức giận vì thầy phó tế quá hiệu quả và chúng đổ lỗi cho sư phụ của thầy ấy.
Ma quỷ có bao giờ trực tiếp nói ra sự thật không? Đôi khi…. Đôi khi Chúa bắt chúng nói sự thật, đặc biệt là khi bạn nghe ma quỷ thừa nhận bất cứ điều gì thánh thiện chẳng hạn như “Chúa Giêsu là Chúa”. Thứ hai, chúng sẽ sử dụng một câu nói đúng nếu chúng nghĩ rằng chúng có thể lừa được ai đó với điều đó. Ví dụ, thỉnh thoảng chúng sẽ chỉ trích tội lỗi của ai đó hoặc đề cập đến những sai lầm trong quá khứ nhằm cố gắng làm tổn hại hình ảnh bản thân chúng ta. Thứ ba, chúng tôi trừ quỷ, viện dẫn thẩm quyền của Giáo hội trong một cuộc trừ tà, ra lệnh cho ma quỷ nói sự thật. Chúng tôi làm điều này chỉ để tìm hiểu thông tin quan trọng trong việc đuổi chúng, chẳng hạn như tên của quỷ. Nhưng chúng tôi cẩn thận với bất cứ điều gì mình nghe được, vì ma quỷ sẽ tiếp tục nói dối nếu chúng có thể.
Satan là “kẻ nói dối và là Cha của sự dối trá” (Ga 8:44). Chúa Giêsu là “đường và là sự thật” (Ga 14:6). Tôi đã bắt đầu đọc một số bình luận trên mạng xã hội được đăng để phản hồi các video của chúng tôi. Đáng buồn thay, một số trong những lời bình luận này chứa đựng những lời dối trá của ma quỷ. Một người nói, “Satan yêu bạn vì chính con người của bạn.” Một người khác viết: “Tôi là phù thủy và tôi có thể điều khiển ma quỷ”. Họ đang lặp lại những lời lời dối trá của ma quỷ mà họ đã nghe.
Thuốc giải độc là Chúa Giêsu là Sự Thật. Tôi khẩn cầu nhiều người đang đắm chìm trong thế giới đen tối hãy hướng về Sự thật. Những lời dối trá của Satan chỉ dẫn đến cái chết.
Source:Catholic Exorcism