1. Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge gọi các luật mới trợ tử của Úc là một ‘thất bại cho cuộc sống’

Sau khi các nhà lập pháp ở Queensland, Úc, bỏ phiếu ủng hộ áp đảo đối với biện pháp cho phép “được tự nguyện yêu cầu hỗ trợ chết”, gọi tắt là VAD, một trong những giám mục hàng đầu của đất nước đã lên án động thái này là “một thất bại đối với cuộc sống”.

Trong một tweet vào ngày 16 tháng 9 sau khi luật được thông qua, Đức Tổng Giám Mục Úc Mark Coleridge của tổng giáo phận Brisbane nói:

“Một chiến thắng nào đó cho chính phủ nhưng lại là một thất bại thực sự cho người dân Queensland, một chiến thắng cho cái chết nhưng một thất bại cho sự sống… Bây giờ chúng ta đang chờ đợi cảnh tượng đen tối với những hậu quả bất ngờ”, Đức Tổng Giám Mục Coleridge nói.

Coleridge nhấn mạnh rằng bất chấp các luật mới, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Công Giáo, “những người mà tiếng nói của họ không được đoái hoài trong quá trình này”, sẽ tiếp tục đồng hành với “mọi người cho đến cái chết như chúng ta đã làm trong một thời gian rất dài”.

Các nghị sĩ ở Queensland, tiểu bang lớn thứ hai của Úc, đã thông qua luật VAD mới trong cuộc bỏ phiếu ngày 15 tháng 9, với kết quả 60 phiếu thuận trên 29 phiếu chống, để biến Queensland trở thành khu vực pháp lý thứ năm của Úc cho phép luật trợ tử.


Source:Crux

2. San Marino bỏ phiếu về việc hợp pháp hóa phá thai vào ngày 26 tháng 9

Quốc gia Châu Âu nhỏ bé San Marino, nơi phá thai là bất hợp pháp trong gần một thế kỷ rưỡi, sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc hợp pháp hóa phá thai vào cuối tháng này.

Quốc gia với khoảng 35,000 người, ước tính hơn 90% là Công Giáo, sẽ bỏ phiếu vào ngày 26 tháng 9 về việc có cho phép phá thai đến 12 tuần khi mang thai hay không; lá phiếu cũng sẽ xác định tính hợp pháp của việc phá thai sau 12 tuần nếu “có những dị tật của thai nhi, hay có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất hoặc tâm lý của người phụ nữ”.

Hơn 3,000 chữ ký đã được thu thập để ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu pháp lý. Một số nỗ lực nhằm thay đổi luật phá thai của đất nước trong 20 năm qua đã thất bại sau sự phủ quyết của các chính phủ liên tiếp.

Đảng Dân chủ Kitô Giáo hiện đang cầm quyền đã kêu gọi công dân bỏ phiếu chống lại sự thay đổi pháp lý này.

Phá thai là bất hợp pháp ở San Marino từ năm 1865. San Marino nằm gọn giữa lòng nước Ý, nơi đã hợp pháp hóa phá thai vào năm 1978. Các quốc gia nơi đa số dân theo Công Giáo đã lần lượt hợp pháp hóa phá thai. Nghiêm trọng nhất là, Ái Nhĩ Lan, nơi việc hợp pháp hóa phá thai bằng trưng cầu dân ý.

“San Marino không có nghĩa vụ phải thông qua luật pháp của các quốc gia có biên giới với nó, và nó không cần phụ thuộc vào tấm gương xấu xa của Ý”, Tiến sĩ Adolfo Morganti thuộc Comitato Uno di Noi, nghĩa là “Ủy ban một người trong số chúng ta”, là một nhóm ủng hộ sự sống đã vận động chống lại việc hợp pháp hóa phá thai ở San Marino.

Morganti đã cảnh báo rằng ngôn ngữ trưng cầu dân ý có thể mở San Marino đến khả năng “du lịch phá thai”, vì nó không áp đặt một yêu cầu người phá thai là công dân hoặc thường trú nhân.

Ông cũng đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc hợp pháp hóa phá thai, trong bối cảnh hệ thống phúc lợi mạnh mẽ của đất nước cung cấp hỗ trợ cho những phụ nữ mang thai có nhu cầu. San Marino cũng có tỷ lệ sinh vốn đã thấp, khoảng 1.2 trẻ em trên một phụ nữ, và việc phá thai hợp pháp có thể sẽ làm gia tăng sự suy giảm dân số của quốc gia.

Comitato Uno di Noi đã nhận được nhiều lời chỉ trích từ những người ủng hộ việc phá thai

Cha Gabriele Mangiarotti, một linh mục phục vụ tại một nhà thờ ở trung tâm lịch sử của San Marino, nói với France24 rằng việc thay đổi luật phá thai của đất nước sẽ là một sự phản bội các nguyên tắc của đất nước. San Marino “được thành lập bởi một vị thánh và do đó có sự hiện diện của Kitô Giáo trong DNA của nó.” Theo truyền thống, vào thế kỷ thứ tư, một Kitô Hữu tên là Marinus đã thành lập một cộng đồng Kitô Giáo mà cuối cùng đã trở thành quốc gia San Marino.

“Giết chết một đứa trẻ vô tội là một hành động nghiêm trọng, một tội phạm,” ngài nói.


Source:Catholic News Agency

3. Đại dịch coronavirus đã đẩy nhanh những nỗ lực hợp pháp hóa trợ tử ở Úc

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher nhận xét cay đắng rằng đại dịch coronavirus đã đẩy nhanh những nỗ lực hợp pháp hóa trợ tử, đặc biệt là ở các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi coronavirus, nơi những người già được thẳng thừng xem là một gánh nặng cho xã hội, đặc biệt là cho hệ thống y tế.

Ở Ái Nhĩ Lan, cụm từ nghèo nàn của dự luật “Dying with Dignity”, nghĩa là “Chết với phẩm giá”, được coi là thất bại vì sự phản đối hầu như đồng lòng từ các bác sĩ và hàng nghìn người bày tỏ những lo ngại về luật này.

Giờ đây, ở New South Wales, việc lockdown diễn ra đồng thời với những nỗ lực hợp pháp hóa hành vi giết người và hỗ trợ tự tử.

Trong một tuyên bố gần đây, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher đã chỉ ra bản chất bệnh hoạn của việc lợi dụng thời gian mà người già đang chết với số lượng lớn để hợp pháp hóa một ngành công nghiệp mà trong tương lai sẽ khiến những người cao niên bị áp lực phải chết.

Ngài nói:

Đối với nhiều người, thời điểm này là lúc thích hợp hơn bao giờ hết để đưa ra các dự luật nhằm giết hại những người dễ bị tổn thương như các bệnh nhân nan y, người già, người đau yếu và đau khổ. Nhưng đưa ra một dự luật như vậy giữa một cơn đại dịch và trong bối cảnh các vụ lockdown gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người xem ra là một điều hết sức bỉ ổi.

Người dân NSW hiện đang chấp nhận những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do cá nhân của họ để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất – đặc biệt là người cao tuổi. Để đối phó với làn sóng COVID-19 mới nhất, chúng ta đã có một tháng ngừng hoạt động và nhiều khả năng có thể phải tiếp diễn lâu dài hơn. Nhiều người trong chúng ta đã không thể đến thăm cha mẹ già ở nhà, trong bệnh viện hoặc nơi chăm sóc người già. Người già và bệnh tật của chúng ta đã phải chịu 17 tháng bị cô lập ngày càng nhiều và ngay bây giờ điều đó còn trầm trọng hơn nữa. Trong khi đó, người dân mất việc làm, doanh nghiệp sa sút, gia đình phải chịu áp lực của việc học và làm việc ở nhà, việc di chuyển của người dân bị hạn chế nghiêm trọng, và tỷ lệ trầm cảm gia tăng. Thêm vào đó, chúng ta lại còn phải nghe từ các nhà lãnh đạo của mình trong tình huống này các thông điệp ủng hộ tự sát hoặc bất kỳ những đề nghị nào rằng những người già và sắp chết không còn xứng đáng với nguồn lực hoặc sự bảo vệ dành cho những người còn lại.

Chính phủ NSW đã tập trung đúng mức vào việc đưa chúng ta tiêm chủng an toàn và thoát khỏi tình trạng bế tắc càng sớm càng tốt, đồng thời dẫn dắt quá trình phục hồi kinh tế và xã hội.

Hệ thống Y tế NSW tập trung đúng vào việc giữ an toàn cho người già và người bệnh, và bảo đảm hệ thống có thể đối phó với những áp lực ngày càng tăng lên. Các chuyên gia y tế của chúng ta không muốn một cuộc tranh cãi gay gắt sẽ làm gián đoạn thêm môi trường làm việc vốn đã rất áp lực của họ.

Trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp hiện nay, thời gian quý báu của quốc hội và các nguồn lực y tế không nên chuyển hướng sang các nguyên nhân khác, và đặc biệt là không nên chuyển hướng cho một dự luật cho phép một nhóm nhỏ những người có quyền có thế buộc các bác sĩ phải đồng lõa trong việc giết người. Việc giết người ốm, người yếu, người già ở New South Wales dưới sự bảo trợ của nhà nước không phải là điều chúng ta cần ngay bây giờ! Tôi kêu gọi Chính phủ tập trung vào những thách thức hiện tại và một khi chúng đã được đáp ứng, chúng ta hãy tập trung vào y học ở mức tốt nhất nhằm chăm sóc cho mọi người chứ không phải là thứ y học giết người.


Source:Catholic News Agency