ĐTC chủ sự Kinh Chiều cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu và ĐTC bãi bỏ Ủy ban ”Ecclesia Dei” và nhập vào Bộ giáo lý đức tin

Pope Francis attends Vespers at the Basilica of Saint Paul Outside the Walls

Lúc 5 giờ 30 chiều ngày 18/1/2019, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Chiều tại Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Hiện diện trong Kinh Chiều, có ĐHY Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Toà thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, các đại diện của các Giáo hội khác tại Roma, phái đoàn đại kết từ Phần Lan và nhiều người tham dự.

Trong phần bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
“Hôm nay mở đầu tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Tất cả chúng ta được mời gọi cầu xin Thiên Chúa về món quà lớn lao này. Sự hiệp nhất các Kitô hữu là hoa trái của ân sủng Thiên Chúa và chúng ta cần mở lòng để đón nhận với con tim quảng đại và sẵn sàng.

Tôi đặc biệt vui mừng được cầu nguyện cùng với đại diện của nhiều Giáo Hội khác hiện diện ở Roma.”
Khởi đi từ sách Đệ Nhị Luật, Đức Thánh Cha nói đến hình ảnh dân Israel cắm trại trong vùng bình nguyên Moab, gần với Miền Đất Hứa. Tại đây, Môsê như là người cha và là người lãnh đạo được chọn bởi Thiên Chúa, đã lặp lại Luật cho dân chúng, chỉ dẫn và nhắc nhở rằng họ phải sống trung thành và công chính khi vào cư ngụ trong Đất Hứa.
Các bài đọc hôm nay nói đến ba lễ chính: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều. Mỗi lễ đều mời gọi dân Israel biết ơn về những hồng ân lãnh nhận từ Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều được mời gọi tham dự, không ai bị loại trừ.
Dẫu cho Israel đang nô lệ bên Ai Cập, không ai có tài sản riêng, nhưng “không ai đến trước Chúa với hai bàn tay trắng” và lễ phẩm của mỗi người được đo bằng phúc lành mà Thiên Chúa ban cho họ. Do đó, tất cả đều nhận được phần của mình từ sự trù phú của đất nước và được hưởng nhờ sự tốt lành của Thiên Chúa.

Tất cả những lễ này khích lệ dân chúng về sự công bình, về sự bình đẳng căn bản giữa tất cả mọi người. Tất cả đều tuỳ thuộc ngang nhau vào lòng thương xót của Thiên Chúa, và cũng được mời gọi chia sẻ cho người khác những điều tốt đẹp đã lãnh nhận.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các Kitô hữu Indonesia, được gợi hứng từ đề tài Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất, họ đã quyết định theo những lời này của sách Đệ Nhị Luật: “Anh em hãy theo đuổi sự công chính và chỉ sự công chính mà thôi” (16,20). Họ nhận thức sâu sắc về sự phát triển kinh tế của đất nước, vì não trạng chạy đua nên đã làm cho nhiều người trở nên nghèo, trong khi một số ít trở nên giàu kết xù. Điều này nguy hiểm cho sự hài hoà xã hội. Nhưng điều này không chỉ xảy ra ở Indonesia, đây là một vấn đề toàn cầu. Chúng ta quên mất sự khôn ngoan của Luật Môsê: nếu sự phồn thịnh không được chia sẻ, thì xã hội sẽ chia rẽ.

Thánh Phaolô, trong thư Roma, cũng áp dụng cùng một lối suy nghĩ cho cộng đoàn Kitô hữu: “người mạnh phải nâng đỡ người yếu, chứ không chiều theo sở thích riêng của mình” (15,1). Theo gương Chúa Kitô, chúng ta nỗ lực nâng đỡ những người yếu kém. Tình liên đới và trách nhiệm chia sẻ phải là luật chi phối gia đình Kitô giáo.
Là dân thánh thiện của Thiên Chúa, chúng ta không ngừng tiến đến ngưỡng cửa vương quốc Chúa được hứa cho chúng ta. Nhưng, vì bị chia rẽ, chúng ta cần cầu xin sự công bằng đến từ Chúa, đừng chỉ theo đuổi phú quý mà để lại người nghèo và yếu thế.

Sự hiệp nhất của chúng ta là bước đầu tiên tiến về đất hứa. Tất cả chúng ta đều được dự phần vào món quà của người khác. Một dân Kitô giáo được đổi mới và tăng trưởng nhờ việc trao đổi những món quà này sẽ là một dân có khả năng tiến bước vững chắc trên con đường tiến đến sự hiệp nhất.

Trước khi kết thúc giờ Kinh Chiều với phép lành của Đức Thánh Cha, ĐHY Kurt Koch đã cảm ơn Đức Thánh Cha và hứa đồng hành cùng Đức Thánh Cha trong việc cầu nguyện cho sứ mạng của Ngài.

 

ĐTC bãi bỏ Ủy ban ”Ecclesia Dei” và nhập vào Bộ giáo lý đức tin

ĐTC Phanxicô bãi bỏ và sáp nhập Ủy ban Tòa Thánh ”Ecclesia Dei” (Giáo Hội của Thiên Chúa) vào Bộ giáo lý đức tin

Quyết định trên đây được đề ra trong Tông Thư Tự Sắc về vấn đề này được công bố trưa hôm ngày 19-1-2018, tại Vatican.

Lai lịch Ủy ban

Ủy ban Giáo Hội của Thiên Chúa được ĐTC Gioan Phaolô 2 thành lập cách đây hơn 30 năm, ngày 2-7-1988, để cộng tác với các GM và các cơ quan trung ương Tòa Thánh, hầu tạo điều kiện dễ dàng cho sự hiệp thông hoàn toàn của các LM, chủng sinh, tu sĩ nam nữ thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10 với Giáo Hội.

Huynh đoàn này do Đức cố TGM Marcel Lefebvre người Pháp sáng lập, có xu hướng thủ cựu, không chấp nhận một số văn kiện của Công đồng chung Vatican 2, và hồi cuối tháng 6 năm 1988, đã tự ý truyền chức cho 4 GM mà không có sự ủy nhiệm của Tòa Thánh, khiến cho tình hiệp thông Giáo Hội bị rạn nứt. Nhiều LM, tu sĩ đã xin tái hiệp nhất với Đấng Kế Vị thánh Phêrô và Ủy ban Giáo Hội của Thiên Chúa được thành lập để giúp đỡ các LM, tu sĩ ấy.

Năm 2009, ĐGH Biển Đức 16 điều chỉnh lại cơ cấu của Ủy ban này, và qui định Vị Tổng Trưởng Bộ giáo lý đức tin cũng là chủ tịch của Ủy ban, vì những vấn đề đối thoại giữa Huynh đoàn thánh Piô 10 với Tòa Thánh, chủ yếu là các vấn đề giáo lý đức tin.

Nhu cầu và tình thế thay đổi

Trong thời gian qua, Bộ giáo lý đức tin đã yêu cầu việc đối thoại giữa Huynh Đoàn Thánh Piô 10 với Tòa Thánh, được hoàn toàn tiến hành qua Bộ giáo lý đức tin..

Quyết định của ĐTC

Từ những dữ kiện trên đây, trong Tự Sắc, ĐTC quyết định bãi bỏ Ủy ban Ecclesia Dei (Giáo Hội của Thiên Chúa), và hoàn toàn ủy thác các công tác của Ủy ban này cho Bộ giáo lý đức tin. Tại Bộ này sẽ thành lập một Ban đặc nhiệm tiếp tục công tác canh chừng, thăng tiến và bảo vệ do Ủy ban thi hành cho đến nay. Ngân sách và kết toán tài chánh của Ủy ban thuộc về ngân sách thông thường của Bộ giáo lý đức tin.

Nhân sự của Ủy ban Ecclesia Dei

Theo niên giám 2018 của Tòa Thánh, Ủy ban Ecclesia Dei gồm có 6 chức sắc: đứng đầu là ĐHY Chủ tịch Ladaria, cũng là Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, tiếp đến là Đức TGM Tổng thư ký Guido Pozzo, 68 tuổi, và 4 nhân viên khác. (Rei 19-1-2019)

Vatican

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *