ĐTC tiếp kiến chung 20.10.2021: Tự do xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa và lớn lên trong tình bác ái

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 20/10/2021 Đức Thánh Cha suy tư về tự do mà các Kitô hữu được mời gọi sống trong Chúa Kitô, như thánh Phaolô trình bày trong thư gửi tín hữu Galát. Đức Thánh Cha nhắc rằng tự do không phải là sống phóng túng tự do theo những ham muốn cá nhân và những thôi thúc ích kỷ của bản thân, mà là để phục vụ lẫn nhau: “chúng ta được tự do phục vụ”. Tự do của chúng ta được Thiên Chúa ban và được tăng trưởng trong lòng bác ái.

Với thư gửi tín hữu Galát, thánh tông đồ Phaolô dần dần giới thiệu cho chúng ta sự mới mẻ tuyệt vời của đức tin. Đó thực sự là một điều mới lạ tuyệt vời, bởi vì nó không chỉ đổi mới một số khía cạnh của cuộc sống, mà còn đưa chúng ta vào “cuộc sống mới” mà chúng ta đã lãnh nhận nhờ Bí tích Rửa tội. Trong Bí tích Rửa tội, món quà lớn nhất đã được tuôn đổ trên chúng ta, đó là được làm con cái của Thiên Chúa. Được tái sinh trong Đức Kitô, chúng ta đã chuyển từ một tôn giáo được tạo thành từ các giới luật sang tôn giáo hình thành từ đức tin sống động, với trọng tâm là sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em trong tình bác ái. Chúng ta đã đi từ nô lệ của sợ hãi và tội lỗi đến sự tự do của con cái Chúa.

Tự do trong phục vụ

Hôm nay chúng ta tìm cách hiểu rõ hơn đâu là cốt lõi của sự tự do này, theo thánh Tông đồ. Thánh Phaolô khẳng định rằng đó là bất cứ điều gì ngoại trừ “tính xác thịt” (Gl 5,13): tự do không có nghĩa là một cuộc sống phóng túng, theo xác thịt hay theo bản năng, những ham muốn cá nhân và sự ích kỷ của chính mình; trái lại, thánh Tông đồ viết, sự tự do của Chúa Giêsu khiến chúng ta “phục vụ lẫn nhau” (sđd). Nhưng đây có phải là sự nô lệ không? Có, tự do trong Đức Kitô có một số ràng buộc, một số chiều kích đưa chúng ta đến việc phục vụ, sống vì người khác. Nói cách khác, tự do đích thực được thể hiện trọn vẹn trong lòng bác ái. Một lần nữa chúng ta phải đối mặt với nghịch lý của Tin Mừng: chúng ta tự do trong phục vụ, không phải là làm những gì chúng ta muốn. Chúng ta được tự do trong phục vụ, và từ phục vụ chúng ta được tự do; chúng ta sở hữu sự sống nếu chúng ta cho đi (x. Mc 8,35). Đây là điều hoàn toàn theo Tin Mừng.

Không có tự do nếu không có tình yêu

Nhưng làm sao giải thích được nghịch lý này? Câu trả lời của Thánh Tông đồ đơn giản như nó đang đòi hỏi: “nhờ tình yêu thương” (Gl 5,13). Không có tự do nếu không có tình yêu. Tự do ích kỷ làm những gì mình muốn không phải là tự do, bởi vì nó quy về chính mình, nó không có kết quả. Nhờ tình yêu: chính tình yêu của Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta và vẫn là tình yêu giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tồi tệ nhất, ách nô lệ của cái tôi của chúng ta; do đó tự do phát triển cùng với tình yêu. Nhưng hãy cẩn thận: không phải với tình yêu thân mật, với tình yêu như trong các chương trình “soap opera”, không phải với sự đam mê chỉ tìm kiếm những gì thoả mãn chúng ta muốn và chúng ta thích: không phải với điều đó, nhưng với tình yêu mà chúng ta thấy trong Chúa Kitô, đó là lòng bác ái: điều này là tình yêu thực sự tự do và giải phóng. Đó là tình yêu tỏa sáng trong việc phục vụ nhưng không, theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu, Đấng rửa chân cho các môn đệ và nói: “Thầy làm gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Phục vụ lẫn nhau.

Tự do không phải là làm những gì chúng ta muốn và thích

Vì vậy, đối với thánh Phaolô, tự do không phải là “làm những gì chúng ta muốn và thích”. Loại tự do này, không có mục đích và không có tham chiếu, sẽ là một thứ tự do trống rỗng, một thứ tự do trong rạp xiếc: nó không tốt. Và trên thực tế, nó để lại khoảng trống trong tâm hồn: bao nhiêu lần, sau khi chỉ làm theo bản năng, chúng ta nhận ra mình chỉ có một sự trống vắng vô cùng và chúng ta đã sử dụng sai kho tàng tự do của mình, vẻ đẹp của việc có thể lựa chọn điều thực sự tốt cho chúng ta và cho những người khác. Tự do đích thực luôn giải phóng chúng ta, trong khi nếu chúng ta sử dụng tự do đó cho những gì mình thích và không thích, cuối cùng chúng ta vẫn cảm thấy trống rỗng. Chỉ có sự tự do này mới hoàn toàn, đích thực và đưa chúng ta vào cuộc sống thực của mỗi ngày.

Trong một Thư khác, Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Tông đồ trả lời cho những người ủng hộ một ý tưởng không đúng về tự do. “‘Được phép làm mọi sự’; nhưng không phải mọi sự đều có ích. ‘Được phép làm mọi sự’; nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng”. Ngài nói thêm: “Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác” (1Cr 10,23-24). Đây là quy tắc để vạch trần bất kỳ kiểu tự do ích kỷ nào. Ngoài ra, đối với những người bị cám dỗ muốn giảm bớt tự do chỉ theo sở thích của mình, thánh Phaolô đặt trước họ đòi hỏi của tình yêu.

Tự do hướng đến người nghèo

Tự do được hướng dẫn bởi tình yêu là thứ tình yêu duy nhất giúp cho người khác và chính chúng ta được tự do, biết lắng nghe mà không áp đặt, biết yêu thương mà không ép buộc, biết xây dựng và không phá hủy, không bóc lột người khác vì lợi ích của mình và làm điều tốt mà không tìm kiếm lợi ích của riêng mình. Nói tóm lại, nếu tự do không phục vụ – đây là cách kiểm tra – nếu tự do không phục vụ lợi ích, nó có nguy cơ bị cằn cỗi và không sinh hoa kết quả. Nếu tự do không phục vụ điều thiện, nó không sinh hoa kết quả. Mặt khác, tự do được tình yêu soi dẫn hướng đến người nghèo, nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi khuôn mặt của họ. Do đó, việc phục vụ lẫn nhau này cho phép thánh Phao-lô, khi viết cho tín hữu Galát, nhấn mạnh một điều không phải là thứ yếu: bằng cách này, khi nói về sự tự do mà các Tông đồ khác đã ban cho ngài để loan báo Tin Mừng, ngài nhấn mạnh rằng họ chỉ khuyến nghị một điều: nhớ đến người nghèo (x. Gl 2,10). Thật là thú vị, sau cuộc chiến ý thức hệ giữa các Tông đồ với thánh Phaolô, họ đã đồng ý với nhau: “Hãy tiến lên, hãy tiến lên và đừng quên những người nghèo khó”, có nghĩa là, sự tự do của bạn với tư cách là một nhà thuyết giáo là một sự tự do để phục vụ người khác, không phải cho chính mình, không để làm theo ý bạn.

Chiều kích cộng đồng của tự do

Tuy nhiên chúng ta biết rằng một trong những quan niệm hiện đại phổ biến nhất về tự do là: “Tự do của tôi kết thúc ở nơi tự do của bạn bắt đầu”. Nhưng ở đây thiếu vắng mối quan hệ! Đó là một cái nhìn theo chủ nghĩa cá nhân. Mặt khác, những người đã nhận được món quà tự do được Chúa Giêsu mang lại không thể nghĩ rằng tự do bao gồm việc tránh xa những người khác, cảm thấy họ là sự phiền toái; con người không thể được xem như những thành trì đóng kín trong chính mình, nhưng luôn luôn là thành phần của một cộng đồng. Chiều kích xã hội là nền tảng đối với Kitô hữu và cho phép họ hướng đến lợi ích chung chứ không quan tâm đến lợi ích cá nhân.

Đặc biệt trong thời điểm lịch sử này, chúng ta cần khám phá lại chiều kích cộng đồng, không phải chủ nghĩa cá nhân, chiều kích của tự do: đại dịch đã dạy chúng ta rằng chúng ta cần nhau, nhưng biết như vậy là chưa đủ, chúng ta cần phải lựa chọn nó một cách cụ thể mỗi ngày. Chúng ta hãy nói và tin rằng những người khác không phải là trở ngại cho sự tự do của tôi, nhưng họ là cơ hội để nhận thức đầy đủ điều đó. Bởi vì tự do của chúng ta được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa và lớn lên trong lòng bác ái.

Hồng Thủy – Vatican News

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *