Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đảo Lesvos vào tháng tới

1. Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đảo Lesvos vào tháng tới

Hòn đảo Mytilini được đưa vào danh sách các điểm đến trong chuyến công du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô. Hãng thông tấn Athens-Macedonian vừa cho biết như trên.

Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Hy Lạp dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.

Để chuẩn bị cho chuyến thăm, các Hồng Y sẽ đến hòn đảo vào thứ Năm tuần này cùng với các quan chức Bộ Di trú và Tị nạn Hy Lạp. Họ sẽ đến thăm trại tị nạn tạm thời Mavrovouni trên đảo Kara Tepe, nằm trong hành trình của Đức Giáo Hoàng khi đến thăm Hy Lạp.

Trong khi đó, Tổng Giám mục Công Giáo của Quần đảo Aegean Iosif Printesis, bao gồm các đảo Naxos, Tinos, Andros và Mykonos, đã đến Lesvos hôm thứ Tư.

Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Lesvos lần cuối vào tháng 4 năm 2016, khi ngài gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Tổng Giám mục Athens & Toàn Hy Lạp Hieronymos.

Trong một diễn biến khác, Tòa thánh đã tham gia vào một nhóm công tác về chống buôn người di cư do Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và các Tội phạm tổ chức.

Tòa thánh đã bày tỏ lo ngại về “các khoản thanh toán không được kiểm soát thông qua việc sử dụng tiền điện tử không được kiểm soát trong việc buôn lậu người di cư”.


Source:Arma

2. Qui luật chính thức đầu tiên về thỉnh nguyện viên phong thánh

Từ ngày 11/10 vừa qua, bản qui luật đầu tiên về các thỉnh nguyện viên án phong thánh do Bộ này ban hành bắt đầu có hiệu lực.

Cho đến nay, chỉ có các tập chỉ nam do chính các thỉnh nguyện viên phong thánh soạn thảo, với sự cộng tác của một số chức sắc của Bộ Phong thánh và nay lần đầu tiên có bản qui luật chính thức, đã được đệ trình Đức Thánh Cha và ngài cho phép Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phong thánh ban hành.

Có hai điểm mới nhất về các vị thỉnh nguyện viên đó là: mỗi thỉnh nguyện không được đảm trách quá 30 án phong; tiếp đến các Hồng Y, giám mục, viên chức của Bộ Phong thánh cũng như các cố vấn thần học, và cố vấn sử học, các bác sĩ của Bộ không thể được bổ nhiệm làm thỉnh nguyện viên án phong thánh.

Qui luật cũng xác định thỉnh nguyện viên án phong là người thay mặt chủ án, tức là các giáo phận, các dòng tu, đứng ra theo dõi và xúc tiến án phong. Qui luật cũng nói về vai trò của thỉnh nguyện viên trong giai đoạn ở giáo phận, sau đó trong giai đoạn Roma nơi Bộ Phong thánh. Qui luật cũng xác định vai trò của vị này trong các án xin phong chân phước, hiển thánh, hoặc xin phong tước hiệu “Tiến sĩ Hội thánh”.

Sau cùng, bản qui luật kết thúc với những nhận xét về vai trò của vị thỉnh nguyện viên phong thánh đối với các thánh tích và di hài của các vị chân phước và hiển thánh.

Hiện nay, tại Bộ Phong thánh có hơn 2.000 án phong chân phước và hiển thánh đang được cứu xét.


Source:Catholic News Agency

3. Một trăm vụ phá hoại được báo cáo tại các nhà thờ Công Giáo ở Hoa Kỳ kể từ tháng 5 năm 2020

WASHINGTON – Vào tháng 5 năm 2020, Ủy ban Tự do Tôn giáo của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) bắt đầu theo dõi các vụ tấn công, đốt phá, và vẽ bậy tại các nhà thờ Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ. Ngày 10 tháng 10 đánh dấu sự cố thứ 100: satan và những hình vẽ bậy bạ đầy thù hận khác được vẽ nguệch ngoạc trên tường trước Thánh lễ Chúa Nhật tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver, Colorado.

Đức Hồng Y Timothy M. Dolan của New York, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo, và Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của Thành phố Oklahoma, chủ tịch Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau:

“Những vụ phá hoại này giao động từ bi thảm đến tục tĩu, từ minh bạch đến không thể giải thích được. Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về hiện tượng này, nhưng ít nhất, chúng nhấn mạnh rằng xã hội của chúng ta đang rất cần ân sủng của Thiên Chúa”.

“Trong mọi trường hợp, chúng ta phải tiếp cận với thủ phạm bằng lời cầu nguyện và sự tha thứ. Đúng là trong một số trường hợp động cơ là sự đáp trả cho một số lỗi lầm trong quá khứ của chúng ta, trong những trường hợp như thế, chúng ta phải hòa giải. Cũng có các trường hợp trong đó có sự hiểu lầm về giáo lý của chúng ta, gây ra sự tức giận đối với chúng ta, trong những trường hợp như thế, chúng ta phải cung cấp sự giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, những trò phá hủy này phải dừng lại. Đây không phải là cách.”

“Chúng tôi kêu gọi các quan chức được bầu của chúng tôi bước ra và lên án những vụ tấn công này. Chúng tôi cảm ơn các cơ quan thực thi pháp luật của chúng ta đã điều tra những vụ này và thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn tổn hại thêm. Chúng tôi cũng kêu gọi các thành viên cộng đồng giúp đỡ. Đây không phải là tội phạm tài sản đơn thuần – đây là sự tấn công nhằm hạ giảm những biểu hiện hữu hình đức tin Công Giáo của chúng ta. Đây là những hành động gây thù hận”.

Ủy ban Tự do Tôn giáo của USCCB và Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn trước đây đã ban hành một tuyên bố về hành vi phá hoại các ngôi thánh đường vào ngày 22 tháng 7 năm 2020.

Dự án “Chữa lành vẻ đẹp” của Ủy ban Tự do Tôn giáo, được khởi động để phản ứng với việc phá hủy các bức tượng Công Giáo, có các videos từ các giáo phận khác nhau thảo luận về tầm quan trọng của nghệ thuật thánh.

Các ủy ban đang vận động để tăng cường tài trợ cho Chương trình Tài trợ An ninh Phi lợi nhuận của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.


Source:USCCB

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *