Tôi hân hạnh được khai mạc phần phát biểu Mừng Thọ 95 năm của thầy Nguyễn Khắc Dương.
Một thi sĩ nào đó viết:
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng (tận) tri thu
(Chiếc lá ngô đồng rơi / Mọi người biết mùa thu đến)
Và mùa thu lá vàng rơi, mùa đa sầu đa cảm cũng là mùa chào đời của thầy Nguyễn Khắc Dương. Đã 95 lần thầy nhìn những mùa thu đi và không biết còn bao nhiêu lần sẽ đợi chờ những mùa thu tới, với lá vàng bồi hồi rơi, mà lòng man mác buồn!
Cái buồn vừa sâu thẳm vừa nhẹ nhàng và dễ thương như đã in hằn trong cuộc đời, trên nét mặt và biểu hiện qua thơ văn của thầy. Hồ dễ mấy khi thấy thầy cười. Mà nếu có cười thì trong nụ cười đó, hình như càng bộc lộ rõ hơn cái u uẩn, u uất và u sầu của kiếp nhân sinh.
Có người cho rằng thầy mang tâm trạng của những người “sinh bất phùng thời”? Hay đã trót “đầu thai lầm thế kỷ. Một đời người u uất nỗi chơ vơ” theo kiểu nói của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Thật vậy, thầy sinh ra trong một gia đình nho giáo, nhưng vào lúc vật đổi sao dời, hoạn lộ chẳng còn, mà mặc dù vẫn còn hoạn lộ thì có lẽ đó cũng chẳng phải là chọn lựa của thầy, vì thể chất yếu và tâm trạng yếm thế bi quan. Trên thực tế, thầy đã chọn cho mình một con đường khác: Suốt đời là một kẻ đi tìm Chân lý, một “hành giả” kiên cường, một lãng tử của thế kỷ.
Đã có một thời Nguyễn Khắc Dương ôm mộng lớn: muốn nhuần nhuyễn Đông Tây Kim Cổ. Không những am tường Nho, Lão, Phật mà còn say mê cả “lục giáo” nữa, chữ của thầy đó. Muốn nói: ngoài tam giáo, thầy còn dấn thân đi tìm Kitô giáo, Cộng sản, Tư bản. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, thiết tưởng khó mà xóa bỏ tư chất “ông đồ Nghệ” nơi Nguyễn Khắc Dương. Có điều, Nguyễn Khắc Dương là một “ông đồ Nghệ” khác thường. Một trí thức xuất thân từ gia đình nho giáo nổi tiếng, nhưng không những rất thích phong thái Lão Trang, mà còn say mê con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh Teresa Hài đồng Giêsu, cũng như những cảm nghiệm thần bí của thánh Gioan Thánh giá.
Đã có lúc Nguyễn Khắc Dương quyết định xuất gia, muốn ẩn thân nơi cửa Phật. Cuối cùng, thầy đã đi tu thật… nhưng trong dòng tu Công giáo: Dòng Phanxicô. Với tư cách tu sĩ Phanxicô, Nguyễn Khắc Dương rời Vinh vào Nha Trang và sau đó sang Pháp để tiếp tục con đường tu học. Tuy nhiên, tại Paris, “nỗi nhớ Cát Minh” trong tâm hồn Nguyễn Khắc Dương ngày càng lớn mạnh, khiến thầy luôn luôn day dứt, thao thức, bất an khôn nguôi. Năm 1956, Nguyễn Khắc Dương từ giã nếp sống tu trì chính thức và khuôn khổ, theo hệ thống, quy chế, mực thước của Giáo luật, để bắt đầu thực hiện “cái ước mơ đời tu lang thang trên mọi nẻo đường”. Phải chăng đây là một cách thế hiện đại hóa nếp sống “độc tu ẩn sĩ” ở thuở xa xưa, một cách thế sống ơn gọi Kitô hữu thật độc đáo, chất lượng cao, đầy xác tín và thấm đượm tinh thần Tin Mừng?
Thầy Nguyễn Khắc Dương xuất thế hay nhập thế? Có trời mới biết! Trong bài thơ “Tết Năm Mươi” hình như thầy Dương có nói bóng nói gió đến vấn đề này: “Nói vậy nhưng dầu không nhập cuộc / Bên lề đứng ngó cũng là chơi”. Và rồi, khi viếng mộ Nguyễn Trường Tộ thầy bộc lộ rõ hơn tâm sự của mình:
Kinh luân thao lược đành ôm hận
Kiến nghị điều trần chỉ luống công.
Vận nước điêu linh khôn cứu vãn,
Cơ trời huyền nhiệm mãi chờ mong.
Và trong hai câu cuối cùng của Sở Nguyện, thầy cho biết “cơ trời huyền nhiệm” này chính là “cây Khổ giá” và “chuỗi Mân côi”.
Năm 2017, trong dịp kỷ niệm 100 năm biến cố Đức Mẹ Fatima, thiên hạ nói nhiều đến Sứ điệp Fatima với lời hứa cho thế giới hòa bình và nước Nga trở lại. Nhiều người cho rằng phần đầu của Sứ điệp Fatima đã thực hiện với sự giải thể của Đông Âu và sự biến đổi của Liên bang Xô viết vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Vì vậy, vào năm 2017, nhiều người háo hức chờ mong việc thực hiện phần hai của Sứ điệp này, với sự chuyển đổi của Trung Quốc. Thầy Dương là một trong những người nóng lòng chờ đợi sự kiện này. Nhưng rồi, thời gian cứ trôi đi, mà chẳng thấy gì! Nghe nói, suốt mấy tháng liền, không những thầy buồn sầu nhiều, mà hình như còn tỏ vẻ giận hờn Đức Mẹ Maria.
Con người và cuộc đời của Nguyễn Khắc Dương là thế đó? Không những đa diện, mà còn đa phức, đa nguyên, đa nguồn, đa hệ, đa sắc, đa màu, đa văn hoá. Vì vậy, cuộc đời của thầy cũng luôn đa mang, đa đoan, đa sự, đa tư lự và đa sầu đa cảm…
Trong bài Sở Nguyện, thầy bộc bạch:
Trần sắc mười phương đau đớn thấy,
Thế âm bốn cõi xót xa nghe.
Bao giờ cát bụi hoàn nguyên thể,
Nguyện lót êm chân khách vỉa hè.
Thật cao cả, thâm sâu, siêu thoát! Nhưng ai đó, biết thầy nhiều hơn, vội mách bảo: Không phải dễ dàng và đơn giản như vậy đâu. Cụ đồ Nghệ cũng cao ngạo và phức tạp lắm. Nói vậy mà chưa chắc đã là vậy!
Stephanô Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương là thế đó: đa diện, đa phức, đa nguyên, đa ngôn, đa sự, đa đoan, đa sầu đa cảm, đa tư lự. Đặc biệt, bình dân, xuề xoà, dễ dãi, thân thiện, la cà khắp nơi từ Đông sang Tây, từ cửa Phật đến cửa Chúa. Rất giản dị, mà thật sâu sắc. Luôn đứng chênh vênh giữa các tôn giáo, các ý thức hệ và các nền văn hoá. Tuy nhiên, ai đã gặp thầy một lần, sẽ nhớ mãi mãi.
Nhân danh Giáo phận Công giáo Hà Tĩnh, tôi hân hạnh trao vòng hoa này cho con người đặc biệt và độc đáo đó.
+ Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh
Đôi dòng về Thầy Stephano Nguyễn Khắc Dương
Anthony H : Làm tại Bình Thuận ngày 20/03/2016
Thầy Stephano Nguyễn Khắc Dương sinh năm 1925 , sinh ra tại vùng đất Hương Sơn , Hà Tĩnh trong một gia đình Nho giáo. Cha là Nguyễn Khắc Niêm đậu Hoàng giáp (đời vua Thành Thái ), anh trai là Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, em Nguyễn Khắc Phê (nhà văn) , Nguyễn Khắc Phi ( GS Tiến sĩ ).
Sau khi đậu tiểu học năm 1938, thầy Stephano Nguyễn Khắc Dương theo chương trình Pháp, đậu tú tài toàn phần. Thầy đã từng là một tu sĩ thuộc dòng Phanxico, sau đi du học sang Pháp và tốt nghiệp cử nhân triết tại đại học Sorbonne. Trở về Việt Nam năm 1965, thầy Dương làm giáo sư văn khoa của Viện Đại Học Đà Lạt từ 1965-1975.
Sau 16 tháng học tập cải tạo, Thầy trở về không nhà cửa, không tài sản, Thầy hưu vong ngay cả trong gia đình và ngoài xã hội. Bản chất của Thầy là đơn giản, dung dị và sẳn sàng giúp đỡ bất cứ ai trong điều kiện sẳn có của mình.
Bản chất đơn giản, dung dị và sẳn sàng giúp đỡ bất cứ ai đó mà thầy đã tìm đến với Kitô giáo, để hôm nay thầy có mặt tại nơi đây Tu Đoàn Anh Em Bác Ái Xã Hội để chia sẻ kinh nghiệm quý báu của bản thân về con đường tu thân cũng như đức hạnh về giá trị con người.
Với tấm lòng đầy “Lửa yêu mến” thầy Stephano Nguyễn Khắc Dương khao khát, đã tìm thấy nơi Kitô giáo và đặc biệt là nơi Đức Giêsu một nguồn sống “Tình yêu” như thầy chia sẻ: “Chỉ có Chúa Giêsu mới rửa chân cho các môn đệ, chịu chết vì môn đệ…” cũng như một vài vị thánh Phanxicô Assisi, Mẹ Têrêsa Cacutlta, Têrêsa Hài đồng Giêsu…họ đã yêu Chúa như một người tình duy nhất, đó là lời chào đầu tiên thầy muốn gửi tới tất cả anh em trong Tu Đoàn.
Thầy cũng nói rằng: chính cách thức cư xử của các linh mục đều có ít nhiều cái gì tương tự! Sau này khi sống với các bạn Công giáo trong trường, thầy cũng đều có cái cảm giác đó. Thái độ này không phải là một đức hạnh hiểu theo nghĩa luân lý đạo đức mà là một động thái bắt nguồn từ một cảm thức dựa trên căn bản một nhận thức về giá trị con người. Trong bài chia sẻ thầy luôn nhấn mạnh về chữ “Tình yêu”, đó chính là yếu tố đã hấp dẫn thầy Stephano Nguyễn Khắc Dương theo Kitô giáo: Đi vào thế giới Kitô giáo, thầy được nếm mùi vị của tình yêu, với cái gì ấp ủ, trìu mến, đằm thắm, da diết mà thầy không thấy ở nơi khác. Thầy cũng nhấn mạnh rằng là “tình yêu người”, chứ không phải là “đức thương người” giống như chữ “Bác Ái” thầy ví đổi thành “Đức Ái”. “Tình yêu” ấy là một động thái bộc phát từ tâm lý đã nhuần nhuyễn bởi một cái gì đối với mỗi một tha nhân hay còn gọi là “lòng trắc ẩn”. Còn đức thương người có thể nói như là kết quả dày công tu tập về luân lý đạo đức và cái nhìn về loài người nói chung. Sự hấp dẫn của Chúa Giêsu hình như do chính con người và cuộc đời của Ngài nhiều hơn là do đạo lý Ngài truyền dạy.
Nói thế không có nghĩa là thầy Dương xem người Kitô hữu hơn những người khác. Thầy nhận định: Về phương diện hiền hòa, phần đông các vị sư đều hơn các linh mục: về mặt nghiêm túc mực thước, các linh mục chưa chắc đã bằng các vị . Đi xa hơn, có thể nói Đức Giêsu chỉ dạy “yêu người”, chứ Đức Thích Ca còn dạy “thương bất cứ một sinh vật nào” chẳng hạn như thấy một con kiến dưới chân cũng không được giết. Nhưng điều quan trọng đối với thầy là qua môi trường công giáo, thầy được cảm nghiệm tiếp cận với “Một Người” đang hiện diện và tác động “bây giờ và mãi mãi”.
Ngoài kinh nghiệm đó, thầy Dương cũng cảm thấy sự hiện diện của Đức Giêsu trong cộng đoàn Kitô hữu trong đời sống đạo của họ, cụ thể qua đời sống cộng đoàn các Dòng tu, Chủng viện…qua những nghi thức phụng vụ, đặc biệt là bí tích Thánh Thể là mối dây liên kết chặt chẽ các kitô hữu với nhau. “Khi nào các con nhân danh ta thì có Ta ở giữa”… những giây phút quỳ gối trước cung thánh, ngước nhìn nhà tạm với ngọn đèn chầu lung linh, thầy cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu đó là người bạn đồng hành trong cuộc sống hiện tại của thầy.
Qua những giờ chia sẻ quý báu của Thầy Stephano Nguyễn Khắc Dương, tôi có thể nhận thấy nơi thầy có một giọng nói mạnh mẽ, trong sáng và một con tim luôn nhiệt huyết với nghề giáo và sẳn sàng truyền dạy những kiến thức của mình cho thế hệ mai sau, đặc biệt qua cách kể chuyển mang tính chất nhân văn và triết lý sống, thỉnh thoảng thầy còn pha trộn những câu nói, cử chỉ, điệu bộ hài hước làm cho chúng ta không thể không nhịn được cười. Nhưng trên hết, đó là những bài học sâu đậm chúng ta cần phải lắng nghe và học hỏi.