Đức Thánh Cha sẽ ban hành tự sắc thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên

Theo Cindy Wooden của Catholic News Services, hàng triệu người trên thế giới hiện nay được công nhận là giáo lý viên. Tư cách của họ sẽ được nhìn nhận chính thức khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô ra tự sắc “Antiquum Ministerium” (“thừa tác vụ cổ xưa”), vào ngày 11 tháng 5 này để thiết lập thừa tác vụ của họ.

Đó là tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ngày 5 tháng 5 vừa qua.

Quan tâm của Đức Giáo Hoàng đối với các giáo lý viên vốn có từ lâu. Ngài thường nói đến tầm quan trọng của việc tuyển chọn, huấn luyện và hỗ trợ các giáo lý viên, những người được mời gọi dẫn dắt người ta tới mối liên hệ thâm sâu hơn với Chúa GIêsu, chuẩn bị họ lãnh nhận các bí tích và giáo dục họ trong các giáo huấn của Giáo Hội.

Thực ra, giáo lý viên có nhiều ý nghĩa và chức năng trong cộng đồng Giáo Hội. Ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là những nơi không có linh mục thường trú, các giáo lý viên là các nhà lãnh đạo của cộng đồng Công Giáo địa phương, truyền giảng Tin Mừng, triệu tập và hướng dẫn các người đồng đạo Công Giáo của họ cầu nguyện và làm việc bác ái. Và, tại các lãnh thổ truyền giáo, họ vốn phục vụ với sứ mệnh chuyên biệt do các Giám Mục của họ chỉ định. Người Công Giáo Việt Nam hẳn không thể quên hội thầy giảng do Cha Đắc Lộ thiết lập ở miền Bắc Việt Nam, một định chế kéo dài cho tới những ngày có biến cố chia đôi đất nước năm 1954, với những đóng góp tuyệt vời cho các Giáo Hội địa phương. Đối với các giáo xứ, các vị có thế giá chỉ sau cha xứ mà thôi. Và một trong số các vị vốn là vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, Thầy Giảng Anrê Phú Yên. Danh xưng chính thức, trong tiếng Latinh cũng như tiếng Pháp, gọi các vị là giáo lý viên.

Tập Hướng dẫn Các giáo lý viên năm 1997 của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân tộc ghi nhận rằng “Bộ giáo luật có một điều khoản về các giáo lý viên can dự vào sinh hoạt chuyên biệt truyền giáo và mô tả họ như ‘thành viên giáo dân của tín hữu Chúa Kitô, từng nhận được nền đào tạo thích đáng và nổi bật về cách sống đời sống Kitô hữu của họ. Dưới sự hướng dẫn của các nhà truyền giáo, họ có nhiệm vụ trình bầy giáo huấn Tin Mừng và mời gọi người ta tham dự việc thờ phượng theo phụng vụ và các việc bác ái’”.

Trong một số cộng đồng, các giáo lý viên có thể được giám mục của họ giao phó các nhiệm vụ: “rao giảng cho những người ngoại đạo; dạy giáo lý cho các dự tòng và những người đã được rửa tội; dẫn dắt buổi cầu nguyện của cộng đồng, nhất là trong phụng vụ Chúa Nhật khi không có linh mục; giúp đỡ người bệnh và chủ trì tang lễ; đào tạo các giáo lý viên khác tại các trung tâm đặc biệt hoặc hướng dẫn các giáo lý viên tình nguyện trong công việc của họ; phụ trách các sáng kiến mục vụ và tổ chức các buổi lễ của giáo xứ; giúp đỡ người nghèo và hoạt động vì sự phát triển và công bằng của con người ”.

Niên giám Thống kê của Giáo hội, một ấn phẩm của Vatican, cho biết tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, đã có hơn 3 triệu giáo lý viên phục vụ Giáo Hội.

Tại các cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám mục trong 30 năm qua, nhất là các Thượng hội đồng cho các khu vực cá thể trên thế giới, các giám mục đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo lý viên giáo dân trong việc xây dựng và duy trì các cộng đồng Kitô giáo địa phương và kêu gọi dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho việc đào tạo và hỗ trợ họ, và công nhận và tôn trọng hơn nữa đối với những đóng góp của họ.

Quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc chính thức thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên dường như là một đáp ứng đối với những lời kêu gọi đó.

Động thái này diễn ra sau quyết định của Đức Giáo Hoàng hồi tháng Giêng về việc mở các thừa tác vụ đọc sách và phục vụ bàn thờ (acolyte) cho phụ nữ. Mặc dù ở hầu hết các giáo phận, phụ nữ đã phục vụ với tư cách là người đọc sách và phục vụ bàn thờ trong Thánh lễ, nhưng họ không được chính thức thiết lập trong các việc phục vụ đó một cách ổn định.

Trong quyết định vào tháng Giêng của mình, Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn yêu cầu của các thành viên tham dự Thượng Hội đồng Giám mục năm 2019 cho vùng Amazon; các ngài yêu cầu Giáo Hội “cổ vũ và trao ban các thừa tác vụ cho nam giới và nữ giới một cách bình đẳng. Kết cấu của Giáo Hội địa phương, ở Amazon cũng như ở những nơi khác, được bảo đảm nhờ các cộng đồng truyền giáo nhỏ của Giáo Hội biết nuôi dưỡng đức tin, lắng nghe Lời Chúa và cùng nhau cử hành gần gũi với đời sống của người giáo dân. Đó là giáo hội của những người đàn ông và đàn bà đã được rửa tội mà chúng ta phải củng cố bằng cách cổ vũ các thừa tác vụ và trên hết, ý thức được phẩm giá do phép rửa đem lại”.

Hãng tin CNA, nhân đưa tin này, có nhắc đến Thông điệp Redemptoris missio năm 1990 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài mô tả các giáo lý viên như “những nhà truyền giảng Tin Mừng không thể thay thế được”.

Ngài viết: “Chính với lý do chính đáng mà các Giáo Hội cổ xưa và lâu đời, dấn thân vào việc tân phúc âm hóa, đã gia tăng số lượng giáo lý viên của họ và tăng cường hoạt động giáo lý. Nhưng ‘thuật ngữ“ giáo lý viên ”trước hết thuộc về các giáo lý viên trong các xứ truyền giáo… Các giáo hội đang nở rộ ngày nay sẽ không được xây dựng nếu không có họ’”.

“Ngay cả với việc mở rộng các việc phục vụ của giáo dân cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội, ta vẫn luôn cần có các thừa tác vụ giáo lý viên, một thừa tác vụ có những đặc điểm riêng”.

Ngài nói tiếp: “Giáo lý viên là các chuyên gia, những nhân chứng trực tiếp và những nhà truyền giảng Tin Mừng không thể thay thế, những người, như tôi thường nói và trải nghiệm trong suốt hành trình truyền giáo của mình, đại diện cho sức mạnh căn bản của các cộng đồng Kitô hữu, nhất là trong các Giáo Hội trẻ”.

Còn về Đức Phanxicô, CNA nhắc lại tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Querida Amazonia, trong đó, ngài viết: “Một Giáo Hội có những đặc điểm Amazon đòi hỏi sự hiện diện ổn định của các nhà lãnh đạo giáo dân và trưởng thành được trao quyền hạn và quen thuộc với ngôn ngữ, văn hóa, kinh nghiệm tâm linh và lối sống cộng đồng ở nhiều nơi khác nhau, nhưng cũng mở cửa đón nhận vô số ơn phúc mà Chúa Thánh Thần vốn ban cho mọi người. Đối với bất cứ nơi nào có nhu cầu đặc thù, Người đều tràn đổ nhiều đặc sủng để đáp ứng nó”.

“Điều này đòi hỏi Giáo hội phải cởi mở đón nhận sự mạnh bạo của Chúa Thánh Thần, tín thác vào và cụ thể cho phép, sự phát triển của một nền văn hóa giáo hội chuyên biệt mang tính giáo dân rõ ràng. Những thách thức ở khu vực Amazon đòi hỏi Giáo hội phải có một nỗ lực đặc biệt để hiện diện ở mọi bình diện, và điều này chỉ có thể thực hiện được khi có sự tham gia mạnh mẽ, rộng rãi và tích cực của giáo dân ”.

Vũ Văn An – Vietcatholic

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *