Hỏi: Kính thưa Cha Chúng con được xem 1 DVD thánh lễ. Trong thánh lễ đó, có cả Đức Viện Phụ. Chúng con thấy Viện Phụ và Giám Mục đều mặc phẩm phục như nhau, cũng có Mũ, Gậy và Nhẫn. Phân biệt Linh mục và Giám Mục thật dễ dàng, nhưng để phân biệt được đâu là Giám Mục, đâu là Viện Phụ thì không dễ dàng chút nào vì “Chiếc áo không làm nên Thầy tu”.
Trả lời:
Từ “Viện Phụ” được dùng để dịch chữ “Abbot” trong Anh ngữ hay “Abba” dạng Syriac của tiếng Do Thái. “Ab” có nghĩa là “Cha”. Đây là tước hiệu dành cho vị bề trên của các đan viện. Vai trò, chức vị và tước hiệu đã trải qua một quá trình lịch sử rất lâu trong Giáo Hội. Lịch sử đời sống tu trì cho biết rằng trước hết, các đan sĩ cũng như đan phụ chỉ là những giáo dân. Dần dần, vì nhu cầu mục vụ của các đan sĩ, các viện phụ đã lãnh nhận chức thánh, phó tế hay linh mục. Giáo luật cũng dành cho các viện phụ nhiều đặc ân như coi sóc mục vụ cho các giáo dân lân cận của đan viện trong một mức độ nào đó như là một vị giám mục coi sóc một giáo phận, mặc dù các vị viện phụ không có chức giám mục. Công Đồng Nicaea II (năm 787) đã cho phép các viện phụ được ban phép cắt tóc (tonsure) và truyền các “chức thánh nhỏ” (Minor orders) dưới chức phó tế. Không bao giờ một viện phụ, nếu vị này không có chức Giám mục, được truyền chức phó tế hay linh mục cho các đan sĩ.
Về phẩm phục thì cũng biến thái nhiều dạng khác nhau. Họ được đặc ân mang những phẩm phục “đại trào” (pontifical insignia) như “mũ gầu” (mitre), gậy mục tử (crosier), thánh giá đeo ngực (pectoral cross), nhẫn, găng tay, giầy. Người ta ghi nhận những đặc ân này có từ năm 643. Trừ một số trường hợp đặc biệt, các viện phụ thường mang mũ sọ (zucchetto) màu đen.
Ngoài ra các ngài cũng có thể có “huy hiệu” tương tự như một giám mục nhưng không có hình Thánh Giá. Vì các ngài được nhiều đặc ân tương tự như giám mục nên nếu có thấy các ngài viết hình Thánh giá trước chữ ký cũng không phải là điều khó hiểu lắm.
Tác giả bài viết: Lm. Phi Quang
Nguồn tin: www.tinmung.net