Nghe tiếng khóc thút thít từ trong phòng con gái vọng ra, bà Hai càng thấy rầu gan rối ruột, bà hết đứng lên, ngồi xuống, rồi đi đi lại lại chóng cả mặt. Cuối cùng, không chịu được cái bầu khí ngột ngạt, bức bí, xen lẫn tiếng nấc nghẹn của con, bà mở cửa đánh rầm một tiếng, rồi đi ra ngồi bệt xuống thềm nhà. Hương cau ngoài vườn thoang thoảng vương trong chiều tím, tiếng gù mớm mồi của chim mẹ bên cái tổ trên cành khế đầu nhà, làm cho cơn bốc hỏa của bà dịu dần, giọt nước mắt nóng hổi lăn trên gò má sạm nắng chảy xuống môi bà mặn chát.
… Bà là người phụ nữ hiền lành chất phác, sống hòa thuận với làng trên xóm dưới, dù cuộc đời nhiều gập ghềnh, trắc trở. Khi còn nhỏ, bà thường thấy bạn bè chỉ trỏ, trêu gọi bà là Thúy kiều của xóm, rồi cùng nhau cười ngặt nghẽo, bà chẳng hiểu gì, nhưng lớn lên chút nữa, bà ý thức được đám bạn bè chê mình xấu xí. Nhà bà nghèo lắm, bố mẹ chỉ cố làm lụng sao cho sáu miệng ăn trong nhà có bữa rau bữa cháo là mừng rồi, chứ làm gì có tiền mua gương treo tường để mà… ngắm nghía.
À! Bà nhớ ra rồi, mỗi sáng ngủ dậy, bà thường thấy mẹ đứng trước một mảnh gương vỡ cài trên bức vách, chắc là xin được của ai đấy, để chải tóc và vấn chiếc khăn màu nâu non quanh đầu thật gọn gàng, rồi mẹ cẩn thận cất mảnh gương vỡ xuống đáy chiếc hòm gỗ đã bị mọt ăn ọp ẹp, lấy mớ quần áo đã rách tươm phủ lên trên. Một hôm, đợi mẹ ra đồng, bà vào lục lọi lấy mảnh gương ra soi, đập vào mắt bà là một cô bé có khuân mặt tròn với hai con mắt ti hí, sống mũi thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy phía dưới là một quả cà chua có hai cái lỗ đang phập phồng, răng thì hô ra ngoài đôi môi dày như không thể dày hơn được nữa.
Từ đó bà sống khép kín, mặc cảm, bố mẹ bảo nghèo thì nghèo, cũng cố cho bà và các em học biết cái chữ, sau này có con tôm con tép, củ sắn củ khoai đem đi bán, thì còn biết nhìn cái mặt cân, đếm đồng tiền. Nhưng bà gạt đi: “ Chả cân thì bán theo món, còn tiền thì việc gì phải học, chỉ sợ chẳng có mà… đếm”. Năm tháng trôi đi, bạn bè đồng trang lứa đã đi lấy chồng, tay bồng tay bế, ba đứa em cũng đã yên bề gia thất, chỉ còn lại mình bà hôm sớm ruộng đồng, mò cua bắt ốc nuôi cha mẹ già.
Rồi một hôm, làng xóm bỗng chộn rộn lên, ngõ hẹp, hẻm sâu, chỗ nào cũng bàn tán chuyện bà có… bầu vào tuổi tứ tuần, người ta xầm xì nhỏ to chán chê, lại cười hô hố với nhau: “ Này! Tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà danh nhé!” Ngược lại, bố mẹ lại mừng cho bà, hai cụ động viên: “ Thôi thì như thế cũng tốt, sau này bố mẹ có về với tổ tiên cũng an lòng, vì con đã có bầu có bạn và nương thân lúc về già, người ta cười ba tháng chẳng ai cười ba năm”. Bà sinh con gái giữa một ngày mưa tầm tã, bên gốc gạo ven cánh đồng.
Hôm ấy, bà thấy đau âm ỉ, bấm đốt ngón tay, bà thấy cũng đã cận kề ngày sinh, nhưng mấy thửa ruộng lúa đang cạn nước, mà trời lại sắp mưa, bà định ra đắp lại cái bờ, để mưa xuống còn giữ được nước, chứ hôm nào ở cữ thì ai làm cho. Ngờ đâu, đang đắp bà lên cơn đau dữ dội đành phải đi về, đến gốc gạo thì bà không còn lết nổi nữa, trời lại ập mưa xối xả, bà vật vã đau đớn, bất tỉnh trong tiếng sấm chớp ùng oàng và tiếng khóc oe oe Thật may cho bà, giữa cơn sinh tử thì có một người trong làng vác đó đi đơm, thấy bà, nên đã lấy áo tơi choàng cho bà, rồi chạy về kêu người giúp đưa bà về nhà. Mấy năm sau bố mẹ bà lần lượt ra đi, nhưng bù lại bà có một cô con gái kháu khỉnh, ngoan ngoãn và khỏe mạnh.
Là người mù chữ, nên bà thấu hiểu việc học hành cần thiết như thế nào, bà gắng cho con gái học, đỗ trung học, nhưng con gái bà không thi vào đại học, mà đi làm cho một công ty gần nhà. Nó bảo thương bà cứ lặn lội sớm hôm kiếm tiền nuôi ông bà ngoại và nó, bây giờ đến tuổi bà phải nghỉ ngơi, để nó phụng dưỡng. Mà lạ thay, con gái chẳng giống bà chút nào, càng lớn càng xinh đẹp, nước da trắng hồng, đôi mắt trong veo, mái tóc óng ả…
Bây giờ mỗi khi bà đi ra ngoài đường, đám thanh niên trong làng đữa nào cũng tía lia: “ Bầm ơi! Cho con làm con rể bầm nhé!”. Bà rất vui, khi nghĩ sau này con gái lấy chồng cùng làng, những lúc có miếng ngon niếng ngọt bà để dành đến tối nó ghé qua, rồi mỗi khi bà đau yếu, kêu một tiếng là nó đã ở bên xoa bóp cho bà. Chứ cảnh mẹ đơn con chiếc như bà, mà lại cho đi lấy chồng xa, ngày dài tháng rộng thui thủi một mình, nhớ con bà làm sao chịu nổi.
Vậy mà chiều nay, con gái bà đi làm về cùng một chàng trai, nó giới thiệu là bạn trai, nhìn hình thức cũng như cách ăn nói của chàng trai bà thấy rất vừa lòng. Chàng trai nói quê ở Đồng Nai, là kỹ sư xây dựng, hiện đang thi công cây cầu trên đường cao tốc gần công ty con gái bà làm. Bà hỏi cậu: “ Từ đây về nhà cháu dễ có đến… vài chục cây số nhỉ?” Chàng trai ngập ngừng: “ Dạ… chưa đến hai ngàn cây đâu ạ!” Bà kêu lên như bị cướp giật: “ Hai ngàn cây số”. Chàng trai càng lúng túng: “ Dạ! Ngày nay việc đi lại thuận tiện và nhanh lắm ạ! đi máy bay chỉ hết có vài ba tiếng đồng hồ, bác cho phép chúng cháu…” Bà gạt đi: “ Không phép tắc gì hết, đã xa xôi lại còn cầu cống, nay đây mai đó, thôi thôi! Cả đời tôi lênh đênh chìm nổi, bây giờ già rồi, chỉ xin được xum vầy bên con bên cháu”.
Nói xong, bà đứng dậy bỏ đi ra ngoài cánh đồng, lụi cụi làm cỏ đến khi màn đêm đã giăng mắc trên lũy tre, bà mới lên bờ. Về đến nhà, không thấy chàng trai đâu nữa, còn cô con gái thì vẫn úp mặt trên giường khóc tấm tức, không chịu nổi tiếng khóc của con, bà ra thềm ngồi cho đỡ rối lòng: “Mà lạ thật, thanh niên làng này đứa nào nhìn cũng sáng sủa, chẳng lẽ tất cả chúng nó bị cái bệnh mà người ta gọi là… lê thê gì đó hay sao, mà con gái bà phải… mò vào tận đồng hươu đồng nai xa xôi mù tắp nào đó?”
Nửa tháng trôi qua, con gái bà đã đi làm trở lại, bà mừng thầm: “Dần dần rồi nó sẽ quyên, mà cũng may, chắc cái anh chàng kia cũng chẳng tử tế gì cho cam, nên từ hôm đó đến nay, biến mất tăm hơi”. Một buổi sáng bà đang chuẩn bị đi ra đồng, thì chàng trai hôm trước bước vào cùng với một người phụ nữ. Sau khi chào hỏi bà, chàng trai cầm tay người phụ nữ: “ Thưa mẹ, đây là bác Hai!”, rồi quay sang bà: “ Thưa bác, mẹ cháu từ trong quê ra thăm gia đình nhà ta ạ!” .
Người phụ nữ nhỏ nhẹ: “ Tôi xin lỗi chị vì hôm nay đường đột đến mà không báo trước, chắc chị đã biết chuyện của hai cháu, tôi biết chị cũng chỉ vì thương con gái nên mới ngại đường dài. Thôi thì xa xôi, mỗi người chúng ta dịch lại một chút cho gần, nhà tôi đã có vợ chồng đứa con trai cả phụng dưỡng, nên nếu chị không chê, mình cùng tác thành cho hai cháu, chúng tôi cho cháu Tiến nó ở rể ngoài này với chị cho nhà thêm ấm áp, thi thoảng vợ chồng nó về thăm chúng tôi là mừng rồi, mình cùng hy sinh cho con cháu chị ạ”.
Bà cảm động: “ Chị và cháu đi đường xa mệt rồi, hai mẹ con cứ ngồi nghỉ ngơi, để tôi xuống bếp nấu cơm, lát nữa ta vừa ăn vừa nói chuyện”. Tiến nhanh nhảu: “ Thôi! Bác và mẹ cháu cứ tâm tình đi ạ, cháu đã gọi điện cho Hương rồi, cô ấy đang trên đường về, chúng cháu sẽ cùng nhau làm cơm”.
Bữa cơm thân mật và ấm cúng đã nối kết hai tâm hồn đồng điệu, nối kết hai miền Nam Bắc dịch lại gần nhau.
Mờ-inh