Giải đáp những thắc mắc về Mùa Vọng – Phần II

Phần I

Phần II

***

advent_00

5. Mùa Vọng là gì? Ai đã thiết lập Mùa Vọng? Vòng hoa Mùa Vọng là gì? Cây Jesse (Giêxê/Giêsê) là gì?

6. Ý nghĩa Mùa Vọng

7. Ba lý do để đọc kinh Truyền Tin trong Mùa Vọng

8. Thời gian mùa Vọng

***

5. Mùa Vọng là gì? Ai đã thiết lập Mùa Vọng? Vòng hoa Mùa Vọng là gì? Cây Jesse (Giêxê/Giêsê) là gì?

Đáp: 

Mùa Vọng là gì?

Mùa Vọng, một từ bắt nguồn từ tiếng Latinh “sự đến” hoặc “đang đến” là giai đoạn chuẩn bị cho sự ra đời của Chúa. Mùa Vọng bắt đầu 4 Chúa Nhật trước Lễ Giáng Sinh và cũng là sự bắt đầu mùa Giáng Sinh, nó kéo dài qua Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa. Chúa Nhật I Mùa Vọng cũng đánh dấu sự bắt đầu của Năm Phụng vụ, “Ngày Năm Mới” của Giáo Hội, vào lúc mà chúng ta thay đổi chu kỳ của những bài đọc trong Thánh Lễ.

Mùa Vọng là thời gian của niềm hoan hỷ trông chờ, nhưng cũng là thời gian sám hối và chuẩn bị mừng Đại lễ Giáng Sinh. Màu phụng vụ của mùa này là màu tím tía, một biểu tượng của sự ăn năn thống hối, màu này cũng được dùng trong Mùa Chay. Giáo Hội khuyên không nên trang hoàng bàn thờ lộng lẫy, sử dụng nhạc vui tươi náo nhiệt, ngay cả cử hành lễ cưới, trong Mùa Vọng, để tạo một cảm giác mong đợi êm đềm.

Ai đã thiết lập Mùa Vọng?

Thomas J. Talley, trong quyển “Những Nguồn gốc của Năm Phụng vụ” (The Origins of the Liturgical Year – Pueblo Publishing Company), cho thấy sự bắt đầu của Mùa Vọng trong Điều luật Thứ tư của Công nghị Saragosa (The Fourth Canon of the council of Saragosa) vào năm 380. Vào năm 567, Công nghị Tours (the Synod of Tours) đã thiết lập một tháng Mười Hai ăn chay. Và năm 581, Hội nghị Macon đã ra lệnh một Mùa Vọng Chay cho dân chúng từ Lễ mừng Thánh Martin (11-11) tới Lễ Giáng Sinh. Điều này dẫn đến cái tên Mùa Chay Thánh Martin.

Vào thế kỷ 7 và 8, những tập kinh giảng đã quy định 6 Chúa Nhật trong Mùa Vọng.

Theo cuốn Harper Collins Encyclopedia of Catholicism, được biên soạn bởi Richard P. McBien, thì Đức Giáo hoàng Gregôriô Cả, qua đời năm 604, là người thiết lập thực sự của Mùa Vọng La Mã. Đức Grêgôriô Cả đã thiết lập mùa này vào 4 tuần và đã soạn kinh cầu mùa và những bài đáp ca. Gaul (Pháp) đã làm phong phú cho mùa này với những yếu tố thuộc thuyết thế mạt và sự liên hiệp những nghi thức của Giáo hội Pháp quốc và La Mã quay trở lại Giáo hội La Mã vào khoảng thế kỷ 12.

Vòng hoa Mùa Vọng là gì?

Vòng hoa Mùa Vọng là một trong những truyền thống phổ biến nhất của chúng ta. Nguồn gốc của nó ở vào thời kỳ tiền Kitô giáo Đức và Bán đảo Thuỵ – Đan, nơi mà dân chúng tập trung để tưởng niệm sự trở lại của mặt trời sau điểm chí mùa đông. Vòng hoa hình tròn này được làm bằng những cây có lá xanh quanh năm với 4 cây nến trải đều tiêu biểu chu kỳ của một năm và cuộc sống kéo dài suốt mùa đông. Vì những ngày này dài hơn, người ta đã thắp sáng những ngọn nến để tạ ơn “thần mặt trời” cho sự sáng. Đối với chúng ta, ánh sáng của những ngọn nến Mùa Vọng tượng trưng sự hứa hẹn nhập thế của Chúa Giêsu – Đấng là ánh sáng của thế gian.

Để làm một vòng hoa Mùa Vọng, bắt đầu với một vòng tròn Styrofoam, có thể mua ở những cửa hàng mỹ nghệ. Và cắt 4 lỗ cân đối vào chỗ mà bạn sẽ cắm 4 cây nến. Theo truyền thống, có 3 cây nến màu đỏ tía và 3 cây nến màu hồng (cho Chúa Nhật thứ ba), nhưng những cây nến màu xanh cũng có thể được dùng. Màu đỏ tía nhắc nhở chúng ta hướng tâm hồn về Thiên Chúa, màu hồng là màu của sự hân hoan. Đặt những nhánh cây xanh trên vòng Styrofoam. Có khi người ta còn sấy khô để bảo vệ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Khuyến khích trẻ em tham gia, nếu chúng có thể, bằng cách gom những nhánh cây, đặt những cây nến…

Tại sao những cây nến hồng thắp sáng là Chúa Nhật III Mùa Vọng?

Chúa Nhật III Mùa Vọng được biết đến như Chúa Nhật Mừng Vui bởi vì trong tiếng Latinh, những lời đầu tiên của phần mở đáp ca là “Gaudete in Domino Semper” (Luôn mừng vui trong Chúa). Vào Chúa Nhật này, lễ phục màu hồng được cho phép và cây nến hồng được thắp sáng như một điều nhắc nhở rằng chúng ta được gọi mời để hân hoan.

Cây Jesse (Giêxê/Giêsê) là gì?

Một truyền thống cổ đại đã được hồi phục vào bán thế kỷ 20 như một như một việc làm thường xuyên Mùa Vọng. Cây Jesse tượng trưng cho gia đình Jesse, thân phụ Vua David. Tách khỏi dòng họ gia đình này, Thiên Chúa đã trở thành xác phàm và sống giữa nhân trần. Dòng dõi Chúa Giêsu, theo Tin Mừng của Thánh Matthêu (Mt 1,1-17), đặt tên một người từ mỗi thế hệ trước khi Chúa Giêsu ra đời. Cây Jesse có thể được làm bằng giấy, vải, những nhánh cây hoặc một cây Giáng Sinh đặt trên mặt bàn. Làm hoặc thêm trang trí mỗi ngày của Mùa Vọng để biểu hiện tổ tiên Chúa Giêsu.

“Một chồi non đã nảy lộc từ gốc Giêsê. Từ cây thập giá hoa cứu độ đã nảy sinh.”

Posadas là gì?

Từ “posada” có nghĩa là “nơi nương tựa” hay “hang thú”. Phong tục Mùa Vọng này phổ biến khắp thế giới nói tiếng Tây Ban Nha, diễn lại cuộc hành trình của Maria và Giuse từ Nazareth tới Bethlehem và công việc tìm kiếm hang thú của họ dọc theo lộ trình. Nghi thức tôn giáo này kéo dài 9 ngày (từ ngày 16 đến 24-12). Thể hiện những tháng Mẹ Maria mang thai. Một nhóm người đi từ nhà này đến nhà khác trên đường quê của họ, đóng vai những người du hành trên đất lạ để cố tìm hang thú. Những người trong nhà là những người giữ quán trọ đã từ chối họ. Tại ngôi nhà cuối cùng, tất cả đều được mời vào cầu nguyện và thanh tẩy nghỉ ngơi.

Những ngày lễ trọng nào rơi vào thời gian Mùa Vọng và Giáng Sinh?

Ở Hoa Kỳ, Lễ mừng Sự Thụ Thai Trinh Khiết, ngày 8-12, là một ngày lễ buộc. Mẹ Maria là người bảo trợ của Hoa Kỳ dưới tiêu đề này. Những lễ khác là ngày Giáng Sinh, 25-12, và Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, ngày 1-1. Vào những năm ngày 1-1 rơi vào thứ Bảy hoặc thứ Hai, lễ buộc được tuỳ ý lựa chọn.

Thánh Nicolas là sự thực?

Thánh Nicolas Myra đã sống và có được uy tín về sự thiêng liêng thánh thiện lâu dài trước khi Giáo Hội bắt đầu tiến trình tuyên phúc trang trọng của mình. Ngài đã được công nhận là thánh bởi tính chất thừa nhận thán phục đông đảo.

Những nhà sử học và những nhà viết tiểu sử thánh nhân đều viết một cách khái quát rằng nhiều điều được nói về Nicolas là truyền thuyết. Lại nữa, nên nhớ rằng vào thời Nicolas không có sự điều tra nghiên cứu và chứng thực về những phép lạ được xác nhận trước lúc quy luật phong thánh ra đời. Việc giải thích nguồn gốc nguyên nhân những điều kỳ diệu và lạ lùng đối với một cá nhân là cách thức cổ đại về sự kết tội những người biểu lộ sự linh thiêng của cá nhân đó.

Bạn vẫn thấy Nicolas được liệt kê trong những từ điển thánh nhân khác nhau, chẳng hạn, Dictionary of Saints – John Delaney (Doubleday). Và bạn cũng thấy Nocolas được ghi trong Lịch La Mã vào ngày 6-12. Ở đó, ngài được ghi rõ sự tưởng nhớ tuỳ ý lựa chọn. Mặt khác, những thánh đường và cộng đồng vào ngày này có thể chọn để cử hành nghi lễ hoặc phụng vụ tôn vinh Thánh Nicolas hoặc nghi thức phụng vụ vào một ngày thường trong Mùa Vọng.

(Nguồn: American Catholic)

6. Ý nghĩa Mùa Vọng

Mùa Vọng là mùa đầu tiên của năm Phụng Vụ, bao gồm khoảng thời gian bốn tuần trước lễ Giáng sinh, bắt đầu từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng và chấm dứt vào đêm trước lễ Giáng Sinh (đêm 24 tháng 12, lễ vọng Giáng Sinh).

Mùa Vọng, theo tiếng Việt nghĩa là “sự trông chờ”, “hy vọng”, “vọng”là mong đợi, mong chờ điều sắp đến. Giáo Hội dịch danh từ Hylạp παρουσία (“parousia” có nghĩa là “đến”) sang chữ Latinh là “Adventus” do động từ “advenire, nghĩa là đến”.

1. Lịch sửblog_christmas-advent-candles

Theo tiến trình lịch sử, Mùa Vọng có sau Mùa Chay và cũng kéo dài 6 tuần như Mùa Chay (vào thế kỷ thứ VI), cho đến khi Giáo Hoàng Grêgôriô I (thế kỷ 7) ấn định là 4 tuần, tượng trưng cho 4000 năm kể từ khi Adam và Eva phạm tội ăn trái cấm, cho đến khoảng thời gian sinh hạ ra Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Hoặc tượng trưng thời gian 40 năm, dân Do Thái lang thang trong sa mạc, trước khi được vào đất Hứa.

2. Ý nghĩa của Mùa Vọng

Mùa Vọng có hai đặc tính : vừa là mùa chuẩn bị lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sáng và hân hoan mong đợi” (Những quy luật tổng quát về năm Phụng Vụ và Niên Lịch, số 39).

Mùa Vọng chia làm hai giai đoạn tương ứng với hai ý nghĩa sau đây :

Giai đoạn thứ nhất bắt đầu Mùa Vọng, tức là Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, và kéo dài đến hết ngày 16 tháng 12. Ý nghĩa của giai đoạn này là hướng lòng trông đợi của người tín hữu vào ngày Chúa Kitô ngự đến lần thứ hai trong vinh quang, tức ngày quang lâm, ngày tận thế.

Giai đoạn thứ hai kéo dài một tuần lễ, từ ngày 17 đến 24 tháng 12, nhằm chuẩn bị trực tiếp mừng đại lễ Giáng Sinh, tức tưởng niệm biến cố Chúa Kitô đã ngự đến trần gian lần thứ nhất trong lịch sử nhân loại.

Như vậy, Mùa Vọng mang hai ý nghĩa khác nhau, một nghĩa quay về quá khứ, tức chuẩn bị mừng biến cố Giáng Sinh lịch sử của Con Thiên Chúa, một biến cố làm chuyển đổi tất cả lịch sử nhân loại. Một ý nghĩa hướng về tương lai, tức chuẩn bị tâm hồn các tín hữu đón chờ Chúa Kitô trở lại trong quang lâm.

3. Nội dung các bài đọc Kinh Thánh trong Mùa Vọng.

Các bài đọc Cựu Ước trích lại sách các ngôn sứ, nhắc lại lời hứa ban Đấng Cứu Thế và việc dân Israel chuẩn bị đón nhận Ơn cứu độ.

Các bài đọc Thánh Thư cho thấy lời các ngôn sứ ấy được ứng nghiệm trong Đức Giêsu, và nhấn mạnh đến chiều kích trông đợi Đấng Cứu Thế đến lần thứ hai.

Các bài đọc Tin Mừng đề cập đến các chủ đề “tỉnh thức”, nhất là lời rao giảng chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế qua lời của Gioan Tẩy Giả, cụ thể lời kêu gọi : “Hãy dọn đường đón Chúa, quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống”. Các bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư các năm ABC, trích dẫn sự kiện truyền tin cho Đức Maria, thánh Giuse hay cuộc thăm viếng của Đức Maria.

4. Màu sắc của phụng vụ Mùa Vọng

Trong Mùa Vọng, bàn thờ, giảng đài, phủ khăn màu tím nhắc nhớ giáo dân ăn năn sám hối tội lỗi.

Màu lễ phục truyền thống của linh mục trong mùa này cũng là màu tím, nhưng vào Chúa Nhật thứ ba có thể sử dụng màu hồng và được gọi là “Chúa Nhật Hồng”, hay “Chúa Nhật vui mừng”(Gaudete Sunday), nói lên niềm vui như Thánh Phaolô kêu gọi: Hãy vui lên… vì Chúa đang đến!

Bắt đầu Mùa Vọng, chúng ta bước từ năm phụng vụ này sang năm phụng vụ khác. Các ngày Chúa Nhật sau cùng của mùa Thường Niên hướng về sự quang lâm của Đức Giêsu, các ngày Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng vẫn giữ hướng đi đến ngày tận thế ấy. Cho nên không có sự gián đoạn giữa hai năm phụng vụ, cả hai mùa đã thật sự quay lại với việc Đức Giêsu quang lâm trong vinh quang.

Như thế, chủ đề chính của Mùa Vọng là sự chuẩn bị mừng ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu năm xưa, tuy nhiên, sự chuẩn bị tâm linh nhằm hướng đến cuộc trở lại để phán xét thế gian của Chúa Giêsu trong tương lai. Giáo Hội luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng ý nghĩa này, chính là gây ý thức nơi các tín hữu sống sứ điệp Giáng Sinh trong viễn tượng chờ đón Chúa trở lại trong vinh quang, hơn là chỉ kỷ niệm một biến cố lịch sử đơn thuần.

Giuse Khang Tiên – Nguồn: hoidongxitothanhgia.com

7. Ba lý do để đọc kinh Truyền Tin trong Mùa Vọng

Các nông dân dừng lại trên cánh đồng vào ban trưa và cúi đầu cầu nguyện. Các thương nhân nam nữ nghe tiếng chuông của những nhà thờ gần đấy vào lúc ăn trưa vang lên trong thành phố nhộn nhịp. Những người anh em của Giáo Hội Công Giáo nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên mỗi ngày vào lúc 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều như một lời mời gọi cầu nguyện với lòng sùng kính truyền thống của Kinh Truyền Tin.

Image result for Đọc kinh Truyền Tin (1857-1859) tranh của Họa sĩ người Pháp Jean-François Millet

Đọc kinh Truyền Tin (1857-1859) tranh của Họa sĩ người Pháp Jean-François Millet

Kinh Truyền Tin đã trở thành một trong những kinh về Đức Mẹ mà tôi yêu thích trong những năm qua bởi vì nó đơn giản. Trong suy tư của tôi về kinh Truyền Tin, tôi đã nhận ra rằng đó là lời kinh hoàn hảo không chỉ cho cả năm mà còn đặc biệt cho Mùa Vọng. Dưới đây là ba lý do bạn nên xem xét việc đọc kinh Truyền Tin trong Mùa Vọng này.

1. Một lời mời gọi suy niệm về Mầu Nhiệm Nhập Thể

Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.
Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.

Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.
Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.

Mùa Vọng là thời gian trông đợi như Giáo Hội chờ đợi ngày sinh nhật của Đấng Cứu Thế vào 25 tháng Mười Hai. Kinh Truyền Tin giúp cho những người sùng đạo có cơ hội suy tư về lời loan tin bằng cách gợi lên những lời của thiên thần Gabriel nói với Đức Trinh Nữ Maria. Khi đọc kinh Truyền Tin, người ta có thể suy niệm về niềm vui và mong đợi của Mùa Vọng như Đức Maria đã làm, trở nên giống như Mẹ khi chúng ta quý trọng những khoảnh khắc của cuộc đời Mẹ Maria trong tâm hồn chúng ta.

2. Tham gia cử hành phụng vụ của Giáo Hội

Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng con.

Mỗi Chúa Nhật khi người tín hữu tuyên xưng đức tin của mình bằng kinh Tin Kính Nicêa, Giáo Hội bảo họ cúi đầu khi đọc những lời : “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người.” Tuy nhiên, vào ngày Lễ Giáng Sinh, người tín hữu không cúi đầu, nhưng thay vào đó là quỳ gối khi đọc những lời này. Giáo Hội bảo làm việc nầy hai lần trong năm : vào ngày lễ Truyền Tin và Lễ Giáng Sinh. Lý do là vì hai ngày này liên quan mật thiết đến mầu nhiệm nhập thể và là hiện thân của lời này. Lễ Truyền Tin là ngày mà thiên thần báo tin cho Đức Maria sẽ trở thành Mẹ Thiên Chúa và Lễ Giáng Sinh là ngày Thiên Chúa nhập thể làm người trong lòng Trinh Nữ Maria.

Khi đọc kinh Truyền Tin, người ta thường có thói quen làm một cử chỉ sùng kính khi nói đến mầu nhiệm nhập thể : chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng con. Nếu có người nào đó đang đứng thì họ sẽ quỳ gối; nếu ngồi, thường thì họ sẽ cúi đầu. Hành động phụng vụ quỳ gối khá thông thường trong những hình thức phụng vụ đặc biệt bởi vì vào cuối phụng vụ Mùa Vọng, Tin Mừng Thứ Tư (Lời Tựa Ngôn của Tin Mừng Gioan) sẽ được đọc lên. Câu : “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” xuất phát từ Tin Mừng này. Trong suốt phụng vụ, mỗi người sẽ quỳ gối lúc đề cập đến mầu nhiệm nhập thể.

3. Kết hợp lời cầu nguyện của bạn với Lời Nguyện Nhập Lễ của Chúa Nhật III Mùa Vọng

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là con Chúa đã xuống thế làm Người, thì xin vì công ơn con Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.

Nếu một người lắng nghe cẩn thận lời nguyện nhập lễ của thánh lễ Chúa Nhật III Mùa Vọng, họ sẽ nghe giống như lời nguyện kinh Truyền Tin. Lời nguyện này thích hợp cho Mùa Vọng vì chúng ta xin Chúa ban ơn xuống tâm hồn chúng ta khi chúng ta suy niệm sứ điệp thiên thần loan báo việc nhập thể của Chúa Giêsu. Thêm vào đó, Chúa nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa nhật vui. Vài linh mục mặc lễ phục màu hồng vào Chúa nhật này khi Giáo Hội nói tùy nghi. Vào Chúa nhật vui này người tín hữu sẽ hân hoan, đó là nghĩa của chữ Gaudete, vì Chúa sẽ sớm đến với chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào lời nguyện của Chúa nhật này dưới lăng kính niềm vui, chúng ta sẽ thấy lý do của niềm vui là vì Thiên Chúa đã làm người và sẽ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Hơn nữa, chúng ta mong ước một ngày nào đó chúng ta sẽ được đưa vào trong vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu.

Kết luận

Kinh Truyền Tin là kinh hoàn hảo cho Mùa Vọng vì nó vạch ra cho lòng trí chúng ta suy niệm về mầu nhiệm nhập thể. Lời kinh Truyền Tin cho phép chúng ta hoan hỉ với Đức Maria, người đã nhận ra đặc ân của Thiên Chúa để trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế. Trong những tuần sắp tới của Mùa Vọng, hãy hoan hỉ với Đức Maria và tham dự hành vi phụng vụ của Giáo Hội bằng cách đọc kinh Truyền Tin mỗi ngày, cho dẫu là ba lần hay chỉ một lần trong ngày. Hãy nghĩ đến việc đọc kinh Truyền Tin trước mỗi bữa ăn. Nếu bạn dành cho chính bạn lời kinh này trong suốt Mùa Vọng, tôi hy vọng và cầu nguyện rằng bạn sẽ mừng lễ Giáng Sinh trong một phong cách mới và sâu sắc.

Edward Looney

G.B. Nguyễn Kim Ngân chuyển ngữ

8. Thời gian mùa Vọng

Hằng năm Giáo Hội Công Giáo bắt đầu niên lịch Phụng vụ mới với mùa Vọng, mùa chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh làm người.

Đó là nếp sống tinh thần đức tin trong Giáo Hội. Nhưng dẫu vậy, nếp sống đức tin mùa Vọng có nguồn gốc lịch sử cùng ý nghĩa thần học đạo đức trong dòng thời gian.

Mùa Vọng, thời xa xưa bên Việt Nam còn gọi là mùa Át. Chữ mùa Át có nguồn gốc từ chữ tiếng latinh „Adventus – đến“. Đầy đủ là „Adventus Domini – Chúa đến“ – bây giờ dịch là Mùa Vọng, mùa chuẩn bị tâm hồn đức tin đón mừng lễ sinh nhật Chúa Giêsu đến trần gian làm người.

Mùa Vọng đồng thời cũng nhắc nhớ người tín hữu Chúa kitô trông chờ Chúa Giêsu Kitô đến lần thứ hai.

Mùa Vọng nguyên thủy trong Giáo Hội thời xưa là mùa ăn chay từ ngày 11.11. đến ngày 06. tháng Một năm sau ( lễ Ba Vua). Trong mùa này không được ăn mừng ca múa vũ hát không có lễ hôn phối. Nhưng từ năm 1917 theo luật Giáo Hội Công Giáo còn không bắt buộc như thế nữa.

Mùa Vọng có nguồn gốc lịch sử từ thế kỷ thứ 7. , có tên „tempus ante natale Domini – Thời gian trước lễ sinh nhật Chúa“ , hay „tempus adventus Domini – Thời gian Chúa đến.“.

Nơi Giáo Hội Công Giáo phương Tây trước hết mùa Vọng kéo dài từ bốn tới sáu Chúa Nhật, nhưng từ thời Đức Giáo Hoàng Gregor cả ấn định mùa Vọng có bốn Chúa Nhật.

Bốn Chúa Nhật nói lên hình ảnh bốn ngàn năm con người trông mong chờ đợi Đấng Cứu Thế đến, sau khi Ông Bà nguyên tổ Adong -Eva lỗi phạm tội bị Thiên Chúa phạt đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

Mùa Vọng bắt đầu từ Kinh chiều thứ nhất ngày Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng ( năm nay vào lúc 18.00 giờ ngày 26.11.2016., và chấm dứt với Kinh chiều thứ nhất ngày 24.12.2016 – trước ngày mừng lễ Chúa giáng sinh ra.)

Trong mùa Vọng không đọc hay hát Kinh Vinh danh ( Gloria) và lễ phục phụng vụ trong thánh đường là mầu tím.

Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng có tên „ Gaudete in Domino semper – Anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa.“. Vì thế phẩm phục lễ nghi phụng vụ vào ngày này là mầu hồng. Để nói lên niềm vui mừng, vì ngày lễ mừng Chúa đang đến sát gần.

Mùa Vọng trong Giáo Hội Công Giáo có bốn tuần lễ, bốn ngày Chúa Nhật và mỗi Chúa Nhật có một chủ đề riêng:

1. Chúa Nhật 1. mùa Vọng nói đến Chúa Kitô đến trở lại vào ngày phán xét cuối cùng.

2. Chúa Nhật 2. và 3. mùa Vọng nói về khuôn mặt Thánh Gioan Tiền hô, người đi trước rao giảng dọn đường cho Chúa Kitô đến.

3. Chúa Nhật 4. mùa Vọng nói về Đức Mẹ Maria, mẹ sinh thành ra Chúa Giêsu, mẹ Thiên Chúa.
Trong mùa Vọng các bài sách Thánh phần lớn lấy trích từ sách Ngôn sứ Isaia. Các nhà thần học Kitô giáo ngay từ thời xa xưa đã đọc sách Ngôn sứ Isaia trong tương quan với những sách Tân ước. Họ tìm thấy nhiều bản văn trong đó có liên quan chặt chẽ mật thiết về Chúa Giêsu Kitô, và tin rằng : Nơi đây Chúa Giêsu Kitô được nói đến là Đấng cứu Thế ( Messias).

Lời tiên báo về vai trò Immanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta- nơi sách Ngôn sứ Isaia ( 7,14), lời đoan hứa về hài nhi Đấng cứu thế nơi Isaia 9,5, lời tường thuật về cung cách cai trị của Đấng cứu thế và vương quốc hòa bình nơi Isaia 11,1-10, cũng như lời loan báo trước về Ông Gioan tiền hô xuất hiện rao giảng dọn đường cho Chúa đến nơi Isaia 40,3-5, giữ vai trò mấu chấu đặc biệt nói về Chúa Giêsu Đấng cứu thế, như Thiên Chúa đã đoan hứa cho nhân loại.

Trong đời sống hằng ngày, con người có nhiều bận rộn. Họ thường than thở „ không có thời giờ “. Giáo Hội loan báo tin mừng: Thiên Chúa ban tặng con người thời giờ. Chúng ta luôn có ít thời giờ, nhất là tìm ra giờ dành cho Chúa. Nhưng Chúa dành thời giờ cho chúng ta.

Thời giờ Chúa ban tặng dành cho con người là công trình sáng tạo thiên nhiên ngôi nhà nền tảng cho sự sống, sự phát triển đời sống, là Lời của Ngài qua Chúa Giêsu mang đến cho con người, và ơn cứu độ Chúa Giêsu đã thực hiện cho con người có lại đời sống vĩnh cửu bên Chúa sau khi qua đời.

Trong khía cạnh đó thời giờ mang dấu ấn sâu đậm nền tảng tình yêu Thiên Chúa, một món qùa tặng qúi gía được ban tặng trao vào tay con người.

Vì thế trong mùa Vọng, lời kêu hãy tỉnh thức dùng thời giờ hướng tâm hồn lên Chúa trên cao, và trải rộng ra chiều ngang với con người trong sự phó thác vào lòng thương xót của Chúa.

Tác giả bài viết: Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Nguồn tin: Vietcatholic News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *