Giáo hội Nhật Bản tôn phong kiếm sĩ Justo Takayama lên hàng chân phước & Thánh lễ tạ ơn 17 chân phước tử đạo Lào tại Vương Cung Thánh Đường Paris

1. Giáo hội Nhật Bản tôn phong kiếm sĩ Justo Takayama lên hàng chân phước

Osaka (07/02/2017) – Ngày 11 tháng giêng Đinh Dậu, Giáo Hội Nhật Bản đã cử hành trọng thể Thánh lễ tôn phong Kiếm sĩ Justo Takayama (1552-1615) lên hàng chân phước. Ngài được nói đến với danh hiệu Hiệp sĩ Đức Kitô (Samouraï du Christ). Cách nay một năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký sắc phong chân phước. Giáo Hội Nhật Bản chuẩn bị chu đáo cho biến cố này từ một năm nay. ĐHY Angelo Amata, bộ trưởng Thánh bộ Phong thánh đã cử hành Thánh lễ tại Osaka.

Giáo Hội Phù Tang hiện có 42 vị thánh và 393 Chân phước tử đạo (in odium fidei). Kiếm sĩ Ukon Takayama (高山右近), đọc theo âm hán việt là Cao Sơn, sinh tại Haibara (Nhật), mất tại Manila (Phi Luật Tân) ngày 04/02/1615. Xuất thân danh gia vọng tộc ở Nagasaki (長崎: Trường Kỳ). Tuy thân phụ là một nhà quý tộc (daimyo), ngài theo gương Chúa Kitô sống nghèo, vâng phục Ngôi Cha và chịu đóng đinh.

ĐHY Giacomo Biffi (1928-2015) viết về quê hương Nagasaki của thánh nhân như sau: Trong cuốn ‘‘Manuel d’histoire des missions catholiques’’ (Milan, 1929), Joseph Schmidlin thuật lại: vào năm 1549, thánh François Xavier đến Nhật truyền giáo. Nagasaki trở nên cộng đoàn Công Giáo đầu tiên ở xứ Phù Tang. Ngày 05/02/1597, Nagasaki thấm máu đào tử đạo của 30 chứng nhân gồm 6 linh mục dòng Phanxicô, 3 linh mục dòng tên người Nhật, 27 giáo dân. Năm 1637, 35 ngàn tín hữu bị sát hại. Mãi tới năm 1889, nước Nhật mới được tự do tôn giáo.

Ngày 15/06/1891, giáo phận Nagasaki được chính thức thành lập. Vào năm 1927, Đức Thánh Cha XI phong chức giáo mục tiên khởi người Nhật cho Đức Cha Hayasaka. Năm 1929, Nhật có 94 096 tín hữu, trong số có 63 698 là người Nagasaki. Theo thống kê năm 2012, nước Nhật có 537 000 tín hữu. Giáo Hội Nhật gồm 3 tổng giáo phận (Nagasaki, Osaka, Tokyo), 16 giáo phận, 840 giáo xứ và 1 589 linh mục.

Đức Mẹ Nhật Bản

Năm 12 tuổi, Takayama chịu phép thánh tẩy và được các cha dòng Tên hướng dẫn. Vào thời đại tướng quân Toyotomi Hideyoshi lên nắm quyền bính, vị tân tướng quân (shogun) ra chiếu chỉ cấm đạo. Các kiếm sĩ (samouraï) đều phải tuân lệnh, chỉ trừ Takayama. Ngài bị tước hết danh hiệu và quyền lợi dành cho quý tộc, trở nên tứ cố vô thân. Ngài cùng với 300 đồng đạo sống lưu vong ở Manila (Phi Luật Tân). Vị kiếm sĩ chết bệnh tại Phi Luật Tân ngày 04/02/1615.

Ngay từ thế kỷ XVII, các tín hữu Nhật coi ngài là bậc thánh. Hội thánh không thể tiến hành thủ tục phong thánh vì chính sách bế quan tỏa cảng của Nhật ngăn chặn việc thâu thập tài liệu. Sau nhiều thế kỷ, vào năm 1965, các giám mục Nhật Bản đệ nạp Tòa thánh tập hồ sơ 400 trang về vị kiếm sĩ quê quán ở Trường Kỳ.

Cách nay vài năm, Hội đồng Văn hóa Tòa thánh cùng với Sứ quán Nhật cạnh Tòa thánh, Hội đồng Giám mục Nhật bản và Dòng Tên đã ấn hành một tài liệu nhan đề « Ukon le Samouraï: cây thánh kiếm » thuật lại tiểu sử vị chân phước. Đây là giai đoạn mở đầu cho án phong chân phước. Huy hiệu của thánh nhân trong Thánh lễ phong chân phước do Nữ tu Ester Kitazuma, dòng Môn đệ Thầy Chí thánh, thực hiện gồm 7 ngôi sao tượng trưng cho dòng họ Takayama, đồng thời là 7 phép bí tích và 7 ơn Chúa Thánh thần.

Theo lời Đức Cha Kikuchi, giám mục Niigata, khác với các vị tử đạo Nhật Bản, Takayama chịu chết để làm chứng cho đức tin. Ngài từ bỏ cuộc sống quyền quý, tự nguyện sống nghèo, dâng hiến cuộc đời cho Chúa Kitô.

Chính quyền Tây Ban Nha chôn cất vị kiếm sĩ anh dũng trong một nghĩa trang Công Giáo ở Phi Luật Tân, sau khi cử hành lễ nghi quân cách dành cho quý tộc (daimyo). Bức tượng chân phước Justo Takayama được dựng tại quảng trường Dilao (Manila): thánh nhân mặc chiến bào, tóc búi tó, tay cầm thanh bảo kiếm đồng thời là thánh giá.

Sau đây là bài thơ tán tụng công đức của chân phước Cao Sơn:

Nhất kiếm phù tam đức

( 一 劍 扶 三 德 )

Thầy kiếm sĩ cầm gươm xuống núi

Khoác chiến bào tóc búi thân dân

Mắt nhìn khắp chốn xa gần

Kiếm thần chúc xuống cõi trần ban ân

Ba nhân đức đối thần giữ lấy

Là đức tin, đức cậy, mến thương

Cuộc đời kiếp sống vô thường

Niềm tin son sắt cậy trông ơn trời

Cây bảo kiếm thiên thời địa lợi

Tình Chúa thương diệu vợi vô cùng

Từ nay khốn khó chập chùng

Lìa xa quê cũ hiếu trung báo đền

Tên Kiếm sĩ khắc trên thiên quốc

Suốt cuộc đời mệt nhọc tấm thân

Có ba nhân đức đồi thần

Thầy luôn giữ trọn phúc ân nào bằng.

Giáo xứ Paris, ngày 07/02/2017

Lê Đình Thông

2. Thánh lễ tạ ơn 17 chân phước tử đạo Lào tại Vương Cung Thánh Đường Paris

18 giờ 30 Chúa Nhật 05/02/2017 – ĐHY André Vingt-Trois, Tổng giám mục Paris, đã cử hành trọng thể Thánh lễ Tạ Ơn sau khi 17 vị Tử đạo Lào được Hội Thánh phong chân phước. 25 vị giám mục trên khắp nước Pháp, linh mục Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris, linh mục bề trên Hội Thừa sai Tận hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) và nhiều linh mục đã đồng tế.

Tưởng cũng nên nhắc lại Chúa Nhật 11/12/2016, ĐHY Orlando Quevedo người Phi Luật Tân đã đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô chủ lễ phong chân phước cho 17 vị tử đạo nước Lào tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Tâm (Vạn Tượng).

Trong Thánh lễ phong chân phước kéo dài 3 tiếng đồng hồ, các thanh niên Lào đã diễn lại hành trình đức tin của các vị tử đạo. Án phong chân phước được mở ra năm 2004, đến tháng 6/2015 được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận. Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Lào. Vì thánh đường chỉ có 400 chỗ nên giáo dân đứng chật nhiều đường phố chung quanh. Giáo Hội Công Giáo Lào gồm có người Lào, Kmhmu, Hmong và người Việt.

4 vị giám quản tông tòa Vạn Tượng, Luang Prabang, Paksé, Savannakhet, 11 vị giám mục đến từ Việt Nam, Kampuchia, Thái Lan, linh mục Tổng quyền Hội Thừa sai Paris (MEP) và Hội Thừa sai Tận hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) đã cùng cử hành thánh lễ.


Nhà thờ Chánh tòa Thánh Tâm (Vạn Tượng)

Mùa xuân 1953, du kích Lào cộng (Pathet Lao) chiếm tỉnh Sầm Nứa. Các vị thừa sai phải di tản đi nơi khác. Cha Giuse Thảo Tiên, thụ phong linh mục năm 1949, quyết định ở lại với các tín hữu. Ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng cho đức tin. Cha Tiên bị cộng quân giam giữ tại trại Talang. Ngày 02/06/1954, ngài bị xứ bắn. Trước đó, ngài từ chối không hồi tục lấy vợ theo sự dụ dỗ của Pathet Lào.

Ngoài ra, cha Gioan Baotixita Malo từng truyền giáo ở bên Tầu bị bắt cùng 4 vị khác. Ngài bị đưa sang một thung lũng ở miền Trung nước Việt, chết vì bị tra tấn dã man. Năm 1960, một thầy giảng người Hmong và cha Mario Borzaga cũng tử đạo. Năm 1961, các linh mục Louis Leroy, Michel Coquelet et Vincent L’Hénoret bị cộng quân bạo hành đến chết. Tại miền Nam nước Lào, cha Noël Tenaud, cha Marcek Denis và thầy giảng Outhay cùng chung số phận. Sau đó đến lượt thầy Gioan Wauthier, tông đồ người nghèo bị xử bắn. Trong di bút, một vị tử đạo Lào đã viết như sau: ‘‘Chúng tôi là các nhà truyền giáo, cam chịu kham khổ, sẵn sàng hy sinh tính mạng. Trong thời kỳ cộng quan bách hại đạo Công Giáo, chúng tôi đều muốn được phúc tử đạo. Khi còn sống, chúng tôi hết lòng giúp đỡ người nghèo, lặn lội vào hang cùng ngõ hẻm, trong các thôn làng hẻo lánh, săn sóc các bệnh nhân và loan báo Tin Mừng’’.

Trong lễ Tạ ơn ngày 05/02, ĐHY Vingt-Trois đã tán dương công đức của các vị tân chân phước. Các ngài là nhân chứng dũng cảm của Chúa Kitô trong thế kỷ XX, rao giảng hòa bình và công lý. ĐHY Tổng giám mục Paris kết luận: 17 anh hùng tử đạo, người Lào hay người Pháp, làm chứng cho Tin Mừng. Họ là các viên đá vững chắc xây dựng Giáo Hội non trẻ ở Lào. 17 tân chân phước còn là tấm gương sáng cho giới trẻ noi theo.

Việc các tu sĩ và tín đồ Công Giáo bị bức tử là bản cáo trạng, phản ảnh trung thực về thực trạng tôn giáo tại hai nước cộng sản Lào, Việt.

Giáo Xứ Paris, ngày 05/02/2017

Lê Đình Thông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *