1. Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên chấp nhận chuyến thăm được đề xuất của ĐTC
Tuyên bố của Bộ Thống nhất của Hàn Quốc được đưa ra sau khi trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Moon Jae-in tại Vatican hôm 29/10/2021, Đức Thánh Cha tái khẳng định sẵn sàng thăm Triều Tiên.
Lee Jong-joo, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Vì sự sẵn lòng của Đức Giáo hoàng tới thăm Triều Tiên đã được tái khẳng định, chúng tôi hy vọng Triều Tiên sẽ đáp lại và mở đường cho việc thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”.
Trong cuộc gặp gỡ vào năm 2018, Tổng thống Moon đã chuyển đến Đức Thánh Cha lời của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mời ngài thăm Triều Tiên. Nhưng chuyến thăm đã không thành hiện thực trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đang bế tắc.
Theo một số nhà bình luận, chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ chỉ mang lại cho ông Kim Jong-un một hình ảnh khác khi Triều Tiên đang nỗ lực thể hiện với cộng động quốc tế về tình trạng bình thường của nước này.
Được biết tại Bình Nhưỡng có một số cơ sở tôn giáo nhưng thực chất chỉ được chính quyền Triều Tiên dùng làm địa điểm tuyên truyền đối với các du khách ngoại quốc. Theo một báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Triều Tiên tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt các quyền cơ bản của người dân, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo. Hoa Kỳ đã xếp Triều Tiên là quốc gia vi phạm tự do tôn giáo trong 19 năm liên tiếp. (Yonhap 01/11/2021)
Ý kiến của Đức Tổng giám mục Lazzaro You Heung-sik
Ngày 31/10 báo Yonhap cũng đưa tin rằng theo Đức Tổng giám mục Lazzaro You Heung-sik, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, Vatican đang chuẩn bị cho chuyến thăm có thể có của Đức Thánh Cha tới Triều Tiên.
Đức cha You đã nói với các phóng viên tháp tùng Tổng thống Moon trong chuyến công du Roma hôm 30/10: “Thực tế là Tòa thánh đang nỗ lực xây dựng các điều kiện bằng nhiều cách khác nhau để Đức Giáo hoàng có thể tới Triều Tiên”. Đức cha cho biết thêm rằng các quan chức Vatican đã gặp các quan chức Triều Tiên tại đại sứ quán của Triều Tiên ở Roma.
Theo Đức cha Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, bất kể chuyến thăm có thể của Đức Thánh Cha tới Triều Tiên thế nào, thì Vatican cũng sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên, cũng như cho các quốc gia dễ bị tổn thương. (Yonhap 31/10/2021) – Hồng Thủy – Vatican News.
2. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận thánh giá làm từ dây thép gai ở vùng phi quân sự Triều Tiên
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận một cây thánh giá làm từ dây thép gai từ khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên vào hôm thứ Sáu.
Thánh giá là món quà của Tổng thống Hàn Quốc Văn Tại Dần. Tổng thống Nam Hàn đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 29 tháng 10 ngay trước cuộc gặp của Đức Giáo Hoàng với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong cuộc gặp gỡ này tại Vatican, Tổng thống Văn đã mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Triều Tiên. Theo người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, Phác Quý Mỹ (Park Kyung-mee, 박경미) Đức Giáo Hoàng trả lời rằng ngài sẽ sẵn sàng đi nếu nhận được lời mời chính thức từ Bắc Triều Tiên.
Cây thánh giá được trao cho Đức Giáo Hoàng là một trong 136 cây thánh giá được tạo ra từ dây thép gai nung chảy từ khu phi quân sự (DMZ) để thể hiện 68 năm bán đảo Triều Tiên bị chia cắt.
Một thông điệp kèm theo được viết bằng tiếng Tây Ban Nha bày tỏ hy vọng của Tổng thống Hàn Quốc rằng những cây thánh giá sẽ là biểu tượng của hòa bình.
“Giống như những chiếc gai và lưỡi dao cạo của dây thép gai tan chảy trong lửa để trở thành một cây thánh giá tuyệt đẹp, tôi hy vọng rằng chúng ta có thể mãi mãi làm tan chảy hàng rào sắt ngăn cách trái tim chúng ta. Tôi thành tâm cầu nguyện rằng cây thánh giá này sẽ bén rễ sâu và hòa bình sẽ nảy nở”.
Khi Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt dọc vĩ tuyến 38, hàng trăm nghìn người đã vĩnh viễn xa cách gia đình.
Tổng thống Hàn Quốc nói rằng cha mẹ của ông, những người đã chạy sang Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên tàn khốc từ năm 1950 đến năm 1953, đã không bao giờ có thể đoàn tụ với những người thân mà họ đã bỏ lại ở Triều Tiên.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, gần bảy thập kỷ sau khi hiệp định đình chiến được ký kết vào năm 1953.
Trong thời gian bị chia cắt, hai miền Nam Bắc đã có sự phân hóa đáng kể về kinh tế và văn hóa.
Bắc Triều Tiên được biết đến là quốc gia có thành tích nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. Một cuộc điều tra của Liên hợp quốc vào năm 2014 đã đưa ra một báo cáo dài 372 trang ghi lại các tội ác chống nhân loại, bao gồm hành quyết, nô dịch, tra tấn, bỏ tù, cưỡng bức phá thai và cố ý gây ra nạn đói kéo dài.
Một báo cáo do Korea Future công bố gần đây đã trình bày chi tiết kinh nghiệm của các tín hữu Kitô bị giam giữ ở Triều Tiên trong những thập kỷ qua.
Tổng thống Hàn Quốc là một người Công Giáo sùng đạo, cựu luật sư nhân quyền và là con trai của những người tị nạn Bắc Triều Tiên. Ông ưu tiên ngoại giao hòa bình với miền Bắc vào thời điểm căng thẳng hai miền đang ở mức cao.
Theo một tuyên bố từ Vatican, Tổng thống Hàn Quốc và Đức Giáo Hoàng đã thảo luận về việc “thúc đẩy đối thoại và hòa giải giữa hai miền Nam Bắc.”
Trong cuộc gặp riêng kéo dài 25 phút với Đức Thánh Cha tại điện Tông Tòa, cả hai vị chia sẻ hy vọng rằng “nỗ lực chung và thiện chí có thể ủng hộ hòa bình và phát triển ở bán đảo Triều Tiên, được hỗ trợ bởi tình đoàn kết và tình huynh đệ”.
Tổng thống Văn và Đức Thánh Cha Phanxicô cũng trao đổi quan điểm “về các vấn đề khu vực hiện tại và các vấn đề nhân đạo”.
Sau cuộc gặp với Đức Giáo Hoàng, Tổng thống Văn cũng đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Dân Nước, tương đương với Bộ trưởng Ngoại giao.
Đây là cuộc tiếp kiến chính thức thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Văn.
Trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai vị vào năm 2018, ông đã gửi lời mời đến Đức Giáo Hoàng từ nhà độc tài Triều Tiên Kim Chính Ân hay còn gọi là Kim Jong-un (김정은) cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên.
Vào tháng 7 năm 2021, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc nói rằng ông đã làm việc với các nhà lãnh đạo Giáo hội để có thể thực hiện chuyến đi của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Triều Tiên, mặc dù một tổng giám mục Hàn Quốc đã nói rằng “trên thực tế, có nhiều bước phải thực hiện” trước khi điều này có thể xảy ra.
Người phát ngôn của Tổng thống Phác Quý Mỹ cho biết: “Nếu Đức Giáo Hoàng thăm Bắc Triều Tiên khi có cơ hội, đó sẽ là động lực cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Giám Mục Callahan của La Crosse nhiễm coronavirus dù đã chích đủ hai mũi
Đức Cha William Patrick Callahan của La Crosse đã nhiễm coronavirus, mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ cả hai liều.
Đức ông Richard Gilles đã kêu gọi anh chị em giáo dân tại giáo xứ Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse Thợ cầu nguyện cho Đức Cha Callahan, năm nay 71 tuổi.
Ngài nói:
“Đức Giám Mục Callahan thân yêu của chúng ta vừa nhiễm COVID, vì vậy chúng tôi xin anh chị em cầu nguyện cho ngài. Theo hiểu biết của tôi, ngài chỉ có những triệu chứng nhẹ vì đã được tiêm chủng, nên chúng ta cầu nguyện để tình trạng không trở nên tồi tệ hơn”
Theo giáo phận, Đức Cha Callahan vẫn đang có “tinh thần tốt” và đang cách ly trong khi được theo dõi bởi một đội y tế. Ngài đã có kết quả dương tính vào cuối tuần qua, tờ La Crosse Tribune đưa tin.
“Tôi biết ơn vì vô số lời cầu nguyện và những ý định tốt lành mà tôi đã nhận được trong thời gian này. Chính những lúc như vậy, chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa ban cho chúng ta sức mạnh, và Ngài là sự cứu rỗi của chúng ta trong những lúc khốn khó,” Đức Cha Callahan nói trong một tuyên bố.
Chẩn đoán của ngài được đưa ra chỉ vài tuần sau khi cựu lãnh đạo của giáo phận, là Đức Hồng Y Raymond Burke được xuất viện và đang ở nhà để phục hồi chức năng.
Source:Crux
4. Đức TGM Aquila: Sự trung thực Chúa Kitô thách thức chúng ta có liên quan đến việc rước lễ
Khi các giám mục Hoa Kỳ chuẩn bị thảo luận về một dự thảo tuyên bố về Bí tích Thánh Thể, Đức Tổng Giám Mục Denver đã nhắc lại cách thức Chúa Kitô thách thức trực tiếp những người tội lỗi mà Ngài đã gần gũi.
“Sự trung thực thẳng thắn của Chúa Kitô là một thách thức, và đối với một số người, nó mang tính đe dọa đến mức họ âm mưu chống lại Chúa Giêsu và cuối cùng giết Ngài. Trong một thế giới tràn ngập những tiếng nói cạnh tranh và những lời tường thuật về sự thật, chúng ta có thể sử dụng ân sủng này nhiều hơn, đặc biệt khi liên quan đến việc lãnh nhận bí tích quan trọng nhất, là Bí tích Thánh Thể,” Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila viết trong chuyên mục ngày 21 tháng 10 trên tờ Denver Công Giáo.
Vị Tổng Giám Mục lưu ý cách Chúa Kitô nói với người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, “Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”, và thách thức người thanh niên giàu có “hãy đi, bán tài sản của anh và đưa tiền cho người nghèo, và anh sẽ có kho báu trên trời; sau đó hãy đến, và theo tôi”.
Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, sẽ thảo luận về tài liệu dự thảo “Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Giáo hội”, tại phiên khoáng đại từ ngày 15 đến 18 tháng 11 tại Baltimore.
Hồi tháng 6, sau khi tranh luận rộng rãi, USCCB đã bỏ phiếu xem có nên bắt đầu soạn thảo tài liệu này hay không. Việc các chính trị gia ủng hộ phá thai lại được cho rước lễ như trong trường hợp Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khiến các ngài quyết tâm soạn thảo tài liệu này.
Tuyên bố sẽ giải thích sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật như một ngày thánh, và sự cần thiết là người Công Giáo phải thực hiện lời dạy của Giáo hội trong cuộc sống của họ sau khi rước lễ.
Trong khi tài liệu đề cập đến sự xứng đáng để rước lễ xem ra nhắm thẳng vào ông Joe Biden và bà Nancy Pelosi, Đức Cha Kevin Rhoades, Giám Mục Fort Wayne-South Bend, chủ tịch ủy ban giáo lý của USCCB, nói rằng tài liệu không có ý nhắm vào một cá nhân hoặc một hành động xấu xa chuyên biệt nào, mà là một lời mời gọi “nâng cao” nhận thức về sự cần thiết của người Công Giáo phải đón nhận Bí tích Thánh Thể một cách xứng đáng, và hoán cải bản thân để sống phù hợp với Thánh Thể.
Đức Tổng Giám Mục Aquila cho biết cuộc tranh luận “xoay quanh các câu hỏi: Cách tốt nhất để khuyến khích niềm tin lớn hơn vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Mình Thánh Chúa là gì? Và từ sự hiện diện thực sự của ngài, các giám mục và mục tử nên làm việc như thế nào để phục hồi linh hồn của những nhân vật Công Giáo đã không hành động phù hợp với Tin Mừng?”
Ngài lưu ý: “Thái độ bó tay với những người công khai chống lại giáo lý của Giáo hội gây ra tai tiếng và làm suy yếu niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.” Đức Tổng Giám Mục cảnh cáo rằng gây ra tai tiếng là dẫn người khác vào tội lỗi.
“Một thái độ như vậy có thể khiến các tín hữu Công Giáo nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và thậm chí có thể đặt câu hỏi về việc các giám mục của họ tin vào điều đó sâu sắc đến mức nào. Nếu Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và chúng ta không làm gì khi Chúa Kitô được đón nhận bởi những người công khai và cố ý bài bác giáo lý của Người, trong khi lại tuyên bố mình là những người Công Giáo sùng đạo, thì những nghi ngờ có thể xuất hiện trong lòng các tín hữu. Những câu hỏi như: Chúng ta có thực sự tin Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể không? Bí tích Thánh Thể có phải là điều chúng ta có thể đón nhận khi đang trong tình trạng phạm tội nghiêm trọng không? Hoặc, nếu các giám mục không dạy về cách thích hợp để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, thì làm thế nào một người đón nhận Chúa Giêsu coi trọng điều đó?”
Các giám mục được kêu gọi để lo cho phần rỗi của đàn chiên mình, và “chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, nhưng chúng ta cần khuyến khích sự ăn năn trở lại của tất cả những ai đã không trung thành với Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm và cố gắng hết sức để ngăn chặn nhiều người làm như thế.”
“Nhiệm vụ này đòi hỏi sự giao tiếp rõ ràng và trung thực, sự chính trực và tình yêu thương nó đòi hỏi cách tiếp cận mà Chúa Giêsu đã sử dụng trong suốt sứ vụ của Người”.
Theo Đức Tổng Giám Mục Aquila, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng phương pháp này gần đây.
“Phá thai không chỉ là một vấn đề. Phá thai là giết người. Về mặt khoa học mà nói, đó là một mạng người. Sách giáo khoa dạy chúng ta điều đó. Nhưng liệu có đúng để đưa trục một đứa trẻ ra ngoài để giải quyết một vấn đề không? Và đây là lý do tại sao Giáo hội rất nghiêm khắc đối với vấn đề này bởi vì chấp nhận điều này thì có khác gì là chấp nhận giết người hàng ngày”, Đức Giáo Hoàng đã trả lời như trên trước câu hỏi “về việc cho các nhân vật Công Giáo, những người bỏ phiếu hoặc hành động theo những cách khác nhau để thúc đẩy phá thai, được rước lễ”.
“Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng những người cổ súy cho việc phá thai tự đặt mình ra ngoài cộng đồng Giáo hội và điều này gây ra một tình thế khó xử cho các mục tử. ‘Mục tử phải làm gì? Hãy chăn dắt, đừng đi xung quanh để lên án… nhưng hãy là một mục tử. Nhưng có phải ngài cũng là một mục tử của người bị vạ tuyệt thông không? Chắc chắn rồi, ngài là mục tử của những người ấy, và những phải là một mục tử theo phong cách của Chúa Giêsu. Và phong cách của Chúa Giêsu là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Thiên Chúa là tất cả những điều này, và chính Ngài là sự thật”.
“Đức Giáo Hoàng đã tóm tắt cách tiếp cận của Thiên Chúa bằng cách nói rằng những người Công Giáo cổ vũ điều ác nghiêm trọng thì ở bên ngoài cộng đồng Giáo hội và không thể rước lễ, đồng thời nhấn mạnh rằng họ không nên bị bỏ rơi mà phải được tìm kiếm. Họ phải hiểu rằng một ngày nào đó họ sẽ đứng trước mặt Chúa một mình và bị đánh giá theo lòng trung thành của họ đối với Chúa Kitô và tất cả những gì Ngài đã dạy”.
Đức Tổng Giám Mục Aquila viết: “Chúa Giêsu không cần biết người ấy thuộc đảng phái chính trị nào, Ngài chỉ quan tâm đến sứ điệp Tin Mừng, việc loan báo Nước Thiên Chúa, hay việc một người có tìm kiếm thánh ý Chúa hay không. Chúa đã đưa ra nhiều lời cảnh báo rằng địa ngục là có thật và là khả năng cho những ai không trung thành”.
Tổng Giám Mục kết luận với lời cầu nguyện xin cho các giám mục “tìm cách đi theo con đường chân lý và bác ái này.”
Source:Catholic News Agency