SANTA ANA, California (NV) – Sáng Thứ Bảy, 9 Tháng Ba, hàng trăm người đã đến Thánh Đường Saint Barbara tại số 730 S Euclid St., Santa Ana, để dự Lễ Giỗ lần thứ 73, Cha Phanxicô Xavie (P.X.) Trương Bửu Diệp, do Hội Yểm Trợ Án Tuyên Thánh Cha Trương Bửu Diệp tổ chức.
Mở đầu là nghi thức dâng hương, do các cụ cao niên thuộc giáo xứ Saint Barbara với trang phục áo dài khăn đóng chỉnh tề, dâng lên trước di ảnh cha Trương Bửu Diệp.
Mở đầu là phần Thánh Lễ, trong không khí trang trọng và sốt sắng, Linh Mục Nguyễn Thái thuyết giảng: “Hàng năm cứ đến ngày 12 Tháng Ba, không ai bảo ai, tất cả các con cái của Cha P.X. Trương Bửu Diệp từ khắp mọi nơi, tề tựu về nhà thờ Tắc Sậy để mừng lễ giỗ cha. Họ không chỉ là người công giáo mà bao gồm nhiều tôn giáo và cả lương dân về họp mặt tại nhà thờ Tắc Sậy với tâm tình yêu mến, biết ơn. Hôm nay, tuy chưa phải là ngày 12 Tháng Ba, tuy nơi đây không phải là nhà thờ Tắc Sậy mà là nhà thờ Saint Barbara tại Santa Ana, Orange County, nhưng tất cả chúng ta có mặt ở đây để tưởng nhớ đến Cha P.X. Trương Bửu Diệp, một vị mục tử hiền lành, đã hi sinh tính mạng cho đoàn chiên, lúc ngài còn sống, cũng như lúc đã qua đời.”
Linh Mục Nguyễn Thái nói tiếp: “Quả thật cha P.X. Trương Bửu Diệp đã đồng hành với tất cả người dân Việt Nam, với bất kỳ tôn giáo nào, đang tản mác khắp nơi trên toàn thế giới, có lòng yêu mến cha trong suốt chặng đường tha hương, vui buồn, sướng khổ, lúc gặp hoạn nạn, cả về tinh thần và vật chất, những ai đã chạy đến với cha để nhờ lời khẩn cầu của cha tới Thiên Chúa. Cha đã trở thành tấm máng để chuyển lòng thương xót của Thiên Chúa đồn trạng ơn lành xuống chiên đoàn. Trong tâm tình yêu mến và biết ơn đó, giờ đây, chúng ta thành tâm sám hối mọi tội lỗi, để chúng ta dâng Thánh Lễ này.”
Theo Wikipedia, Cha Phanxico Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 Tháng Giêng năm 1897 tại tỉnh An Giang. Ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang vào năm 1924. Tháng Ba năm 1930, ngài nhận nhiệm sở tại họ đạo Tắc Sậy, tỉnh Bạc Liêu. Vào giai đoạn 1945-1946 trong lúc chiến tranh xảy ra khiến nhiều người phải di tản đến nơi an toàn nhưng ngài đã từ chối di tản với câu nói nổi tiếng: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên.”
“Ngày 12 Tháng Ba, 1946, Cha Trương Bửu Diệp bị bắt cùng với hơn 70 giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy. Vì bênh vực, che chở cho giáo dân của mình, Ngài đã bị chém và vứt xuống ao. Thi hài ngài được vớt lên và chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Đến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy.”
“Do sự hiển linh của ngài, hàng chục ngàn người ở trong nước và trên toàn thế giới đã được nhận ơn lành, nhờ ngài chuyển lời cầu xin tới Thiên Chúa, giúp đỡ họ vượt qua hoạn nạn. Ngày càng nhiều khách hành hương về nhà thờ Tắc Sậy trong ngày lễ giỗ và trong cả những ngày thường để tỏ lòng yêu mến và biết ơn cha. Tên tuổi và di ảnh của cha Trương Bửu Diệp được vinh danh khắp nơi, không chỉ trong các nhà thờ, giáo hội mà còn thấy ở trên mặt báo, trong nhà, trong xe hơi… như một vị Thánh nhân từ, hộ mệnh của hàng vạn tín hữu người Việt trên toàn thế giới.”
Ông Nguyễn Văn Liêm, hội trưởng “Hội Án Tuyên Thánh Cha Trương Bửu Diệp” ở Garden Grove, cho hay: “Hội của chúng tôi là một tổ chức vô vụ lợi, do một nhóm tín hữu lập ra vào Tháng Hai, 2017 nhưng được chính quyền California công nhận vào Tháng Hai, 2018. Mục đích của hội là để cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án để tuyên Thánh, và tiếp tục công việc từ thiện hoặc vinh danh cha Trương Bửu Diệp.”
“Trong lịch sử giáo hội Việt Nam, đã có 117 vị tử vì đạo được tuyên Thánh. Những vị được phong Thánh là những vị đã tử vì đạo hoặc là có đời sống nhân đức, đáng để cho các tín hữu ở trên toàn thế giới noi gương. Sau đi điều tra cẩn thận, xem xét kỹ lưỡng, Giáo Hội sẽ tuyên phong vị đó là thánh. Chúng tôi đang cố gắng nỗ lực yểm trợ để cha Trương Bửu Diệp sớm được phong thánh,” ông Liêm cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Học, thành viên “Hội Yểm Trợ Án Tuyên Thánh Cha Trương Bửu Diệp” cho biết: “Thánh đường nhà thờ Saint Barbara có khoảng 800 chỗ ngồi, hôm nay đã chật kín người tham dự.”
Theo quan sát của phóng viên báo Người Việt, nhiều người tới sau, đã phải đứng dọc các hành lang.
Trong số những người tới dự, đa phần là người theo đạo Công Giáo, nhưng cũng có rất nhiều người theo đạo khác.
Bà Bích Lê, 68 tuổi, cư ngụ ở tiểu bang Florida, cho biết: “Tôi đã từng gặp bệnh nặng tưởng chừng như không thể cứu nổi, bệnh viện đã trả về. Tôi theo đạo Phật, nhưng nhờ một người bạn mà tôi biết về sự hiển linh của cha Trương Bửu Diệp. Tôi đã cầu xin cha cứu giúp. Như một phép màu, tôi đã khỏe dần trở lại và nay đã gần như khỏi bệnh. Cha rất linh thiêng. Tôi vô cùng biết ơn cha.”
Còn bà Dorrie Tran, ở Garden Grove, vẫn còn ngồi lại để cầu nguyện sau khi thánh lễ đã kết thúc. Bà cho biết: “Tôi đã từng cầu xin con cái được học hành tấn tới và nay tôi đã được toại nguyện. Là con cái của Chúa, nếu biết yêu mến Chúa, kính sợ Chúa thì những ước nguyện mà Chúa thấy là hợp lý, tốt lành nhất định Chúa sẽ cho.”
Trong bức tâm thư của Linh Mục Hồ Bặc Xái, Tổng Đại Diện Giáo Phận Cần Thơ, là một trong bốn vị giới chức có trách nhiệm trong tiến trình tuyên thánh cha Trương Bửu Diệp, có đoạn viết: “Tình thương và phép lạ. Đó là hai điều mà chúng ta thấy được khi hành hương đến nơi đặt phần mộ của cha Trương Bửu Diệp ở nhà thờ Tắc Sậy. Phép lạ thì chúng ta thấy rất rõ qua danh sách những người thọ ơn cha Diệp được khắc đầy cả bốn mặt cột ở Nhà thờ. Còn tình thương phải suy nghĩ thì mới nhận ra được. Bởi cha Diệp có một tấm lòng thương người rất bao la. Thực ra, cha không làm phép lạ, vì cha cũng chỉ là người phàm như chúng ta mà thôi. Nhưng cha cầu xin cùng Chúa và chính quyền phép của Chúa đã làm phép lạ.”
Thông điệp của bức tâm thư gửi đến toàn thể tín hữu trong ngày lễ giỗ cha Diệp là: “Những phép lạ không do người ta làm, mà do tình thương của con người khiến Thiên Chúa làm. Hãy cố gắng bồi dưỡng trái tim mình, để chúng ta biết yêu thương, yêu thương như cha Diệp, để cho cuộc đời này ngày càng hạnh phúc và tốt đẹp hơn.” (Tâm An)