Từ thế kỳ VI cho đến thế kỷ XII, cuộc sống xã hội của Châu Âu khá bình lặng; các Dòng Tu, nói chung, là những Dòng Ðan Tu, sống thành những cộng đoàn tách rời khỏi cuộc sống xã hội để chuyên chú vào việc ca tụng Thiên Chúa.
Thời thánh Ða Minh (thế kỷ XIII) là một thời kỳ khá sôi động, các thành thị đua nhau mọc lên, giao thương buôn bán sầm uất. Ðó là một xã hội đang chuyển mình.
Thánh Ða Minh đã hội nhập vào dòng sống của xã hội và chính trong dòng sống đó, ngài đã nhìn thấy ơn gọi và sứ mệnh Chúa muốn giao phó cho mình, một ơn gọi với sứ mệnh mới mẻ : chiêm niệm và rao truyền điều mình chiêm niệm cho người khác.
Là một người du thuyết, thánh Ða Minh có nhiều dịp để nhìn thấy rõ cuộc đời, gặp gỡ, giao tiếp với nhiều hạng người, chứng kiến nhiều hồng ân hoặc thảm trạng trong xã hội, trong tâm hồn con người. Những điều đó là chất nuôi đời sống tu trì nói chung và đời sống cầu nguyện nói riêng của Ða Minh. Như chúng ta đã biết, cuộc sống Ða Minh có hai nhịp : cầu nguyện và làm làm việc tông đồ, hai nhịp đó liên kết, hỗ trợ cho nhau. Những biến cố của cuộc đời, những thảm trạng trong tâm hồn con người … không lướt qua tâm hồn Ða Minh như một làn gió thoảng, nhưng chúng ám ảnh tâm hồn của ngài và kết thành niềm ao ước thường xuyên, rồi được dâng lên cho Chúa trong lời cầu nguyện hằng ngày. Các nhân chứng về cuộc đời Ða Minh kể lại rằng, khi cầu nguyện cha Ða Minh thường nhắc tên ông này, bà kia, cùng với sự khóc lóc kêu than lớn tiếng với Thiên Chúa.
Cuộc đời thánh Ða Minh bám rễ sâu vào lòng đời, nên hoa trái của lời cầu nguyện cũng mang đầy hương sắc và mùi vị của cuộc đời. Lời cầu nguyện đó diễn tả lòng tín thác vào Thiên Chúa, đồng thời cũng cho thấy tình thương nồng nàn đối với con người, cũng như diễn tả lòng can đảm nhận lãnh trách nhiệm đối với cuộc đời. Có lẽ không lời nào diễn tả chính xác tâm tình của thánh Ða Minh hơn lời Hiến chế Mục Vụ “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” :
“Vui Mừng và Hy Vọng, Ưu sầu và Lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khỗ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (số 1).